Thứ ba, 21/01/2025
   

Tăng cường phòng, chống gian lận, lừa đảo trong hoạt động ngân hàng

Ngày 11/7/2024, tại TP. Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã phối hợp cùng công ty LexisNexis Risk Solutions tổ chức hội thảo với chủ đề “Rủi ro tài chính và thủ đoạn lừa đảo trong hoạt động tài chính ngân hàng”, nhằm chia sẻ các biện pháp phòng chống gian lận, lừa đảo trong hoạt động tài chính, ngân hàng.
ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm đào tạo (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam)
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm đào tạo (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam)

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm đào tạo (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), thay mặt Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, chào mừng và trân trọng cảm ơn tất cả các đại biểu đã tham dự, đồng thời cho biết, đây là năm thứ 3 liên tiếp, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Công ty LexisNexis tổ chức hội thảo về chuyên đề này.

Do chuyên đề có tính thời sự rất cao và nóng nên đã nhận được sự quan tâm của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng và toàn xã hội, với bối cảnh Việt Nam đang quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để chống lại các hành vi gian lận, lừa đảo trong các hoạt động thanh toán trực tuyến.

Theo ông Sơn, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng, đã mang lại những tiện ích, giao dịch thuận lợi hơn cho người dân, tạo nên bước chuyển biến, đột phá mới cho ngành ngân hàng. Tuy nhiên, tình trạng tội phạm tài chính, lừa đảo cũng ngày càng gia tăng, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi và liên tục biến hóa, đã gây tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, doanh nghiệp bán hàng cũng như các tổ chức tài chính.

Ông Sơn cho biết, tại báo cáo mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất do gian lận thanh toán số. Theo đó, tỉ lệ thiệt hại do gian lận số gây ra tại Việt Nam lên tới 3,6% GDP, cao hơn mức trung bình toàn cầu (1,1%) và vượt trội so với các nước như Brazil hay Thái Lan (cùng 3,2%).

Trong đó, các hình thức gian lận trong thanh toán số phổ biến tại Việt Nam bao gồm tấn công mạng (phần mềm độc hại, lừa đảo, tấn công trung gian), mạo danh, gian lận phi kỹ thuật, lạm dụng chính sách hoàn tiền, gian lận của bên thứ nhất...

Quang cảnh hội thảo “Rủi ro tài chính và thủ đoạn lừa đảo trong hoạt động tài chính ngân hàng”
Quang cảnh hội thảo

Trước đó, trong báo cáo của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) năm 2023 cho biết, người dân Việt Nam đang phải vật lộn với các vụ lừa đảo có tần suất đáng báo động là 70% cho biết họ gặp phải các vụ lừa đảo ít nhất mỗi tháng 1 lần. Đối với thống kê của Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao - Bộ Công An, trong năm 2023, đã có gần 16.000 phản ánh lừa đảo qua mạng, gần 10.000 tỷ đồng đã bị chiếm đoạt.

Vì vậy, để đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động thanh toán điện tử, bảo vệ khách hàng khỏi các mối đe dọa lừa đảo cũng như đảm bảo tính toàn vẹn của các dịch vụ ngân hàng số, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 03 Thông tư về dịch vụ ngân hàng trên Internet, an toàn hệ thống thông tin và thiết bị phục vụ thanh toán thẻ ngân hàng; 03 Chỉ thị về chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; 03 quyết định về phương án, giải pháp an toàn thông tin và chiến lược phát triển công nghệ thông tin.

Từ năm 2021 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 14 văn bản chỉ đạo tập trung vào phòng chống lừa đảo, gian lận trong lĩnh vực thanh toán và phòng, chống giả mạo tên miền, ứng dụng mobile, tin nhắn của các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành 03 Quyết định triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ. Gần đây nhất là Quyết định 2345, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, đã nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp bảo mật mạnh mẽ trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt tập trung vào phòng chống gian lận và bảo vệ dữ liệu khách hàng.

Về phía các tổ chức tín dụng, cũng đã triển khai nhiều giải pháp, quy trình, công nghệ về làm sạch sữ liệu khách hàng, tài khoản không chính chủ thông qua Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Đồng thời, triển khai các giải pháp xác thực mạnh (như xác thực sinh trắc, xác thực đa thành tố trong giao dịch trực tuyến như OTP, FIDO, chữ ký số.

Song song đó, các tổ chức tín dụng cũng tăng cường các biện pháp bảo vệ, đồng thời triển khai hệ thống thông tin hỗ trợ quản lý, giám sát và phòng ngừa rủi ro gian lận trong hoạt động thanh toán.

Bà Nguyễn Thị Minh Thơ (Cục Phòng, chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
Bà Nguyễn Thị Minh Thơ (Cục Phòng, chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)

Chia sẻ tại hội thảo, Bà Nguyễn Thị Minh Thơ (Cục Phòng, chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), đã khái quát những quy định và khung pháp lý liên quan đến hoạt động kiểm soát công tác phòng và chống rửa tiền trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Đồng thời, nêu bật những yêu cầu cần tuân thủ đối với các tổ chức tín dụng cùng những khó khăn còn tồn đọng và phương hướng trong thời gian tới.

Bà Thơ cho biết, các phương thức, thủ đoạn rửa tiền theo ngành và sản phẩm gồm: Ngân hàng, trung gian thanh toán, bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, kinh doanh trò chơi có thưởng, kinh doanh bất động sản, kế toán, luật sư, công chứng… Kéo theo đó, các tội phạm nguồn của tội phạm rửa tiền bao gồm: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội mua bán trái phép chất ma túy, tội tham ô, tội nhận hối lộ, tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tội trốn thuế, tội mua bán người, tội buôn lậu, tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, tội đánh bạc tội tổ chức đánh bạc…

Ngoài ra, các xu hướng mô hình tội phạm rửa tiền trong những năm gần đây bao gồm: Rửa tiền, tài trợ khủng bố liên quan đến tài sản ảo, rửa tiền tài trợ khủng bố liên quan tội phạm nguồn có rủi ro cao như buôn người, trốn thuế, lừa đảo, môi trường… các vấn đề liên quan đến phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt…

Trao đổi, tọa đàm tại hội thảo
Trao đổi, tọa đàm tại hội thảo

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia thuộc công ty LexisNexis Risk Solutions, đại diện Ngân hàng Nhà nước cùng các tổ chức tín dụng đã trình bày, thảo luận và trao đổi tích cực về các chủ đề, như: Bối cảnh lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các giao dịch ngân hàng (chiếm quyền tài khoản, cuộc gọi hướng dẫn chuyện tiền, mã độc), ảnh hưởng lên ngành ngân hàng và nền kinh tế; Những khó khăn còn tồn đọng sau Quyết định 2345/QĐ-NHNN; Giải pháp quản lý rủi ro cho hoạt động Thanh toán quốc tế, Tuân thủ, Kiểm soát rủi ro, Ngân hàng số; Xu hướng trong quy chế Phòng, Chống rửa tiền toàn cầu và trong khu vực; Triển khai ứng dụng công nghệ cao trong công tác phòng, chống tội phạm và các vụ việc lừa đảo trên không gian mạng;...

T.Đ
Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay