Thứ bảy, 27/04/2024
   

Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng

Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng, được Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ký ban hành ngày 25/2/2019.

Bộ chuẩn mực đã được số hóa thành giáo trình đào tạo tạo trực tuyến (e-learning) để đưa vào giảng dạy cho cán bộ, nhân viên toàn ngành.

Chi tiết xem link dưới đây:

(Bài giảng "Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng")

Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng gồm 4 Chương, 6 Điều, bao gồm:

* Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng: gồm 06 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp chính sau:

Tính tuân thủ: Cán bộ ngân hàng phải tôn trọng, tuân thủ pháp luật, quy định, quy trình nghiệp vụ của ngành và nội bộ ngân hàng; không vi phạm pháp luật hoặc đồng lõa, tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.

Sự cẩn trọng: Cán bộ ngân hàng phải cẩn thận, kỹ lưỡng, cân nhắc thấu đáo, lường đoán kỹ mọi rủi ro, thận trọng trong giao tiếp và giữ kỷ luật phát ngôn; không chủ quan, liều lĩnh, dễ dãi, cả tin; đề cao tinh thần tự chịu trách nhiệm, tránh xảy ra sai sót, sơ suất trong quá trình giải quyết công việc.

Sự  liêm chính: Cán bộ ngân hàng phải luôn tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh nghề nghiệp, giữ gìn sự liêm chính, minh bạch trong các mối quan hệ, trung thực, thẳng thắn, nghiêm túc; có tinh thần trách nhiệm, tránh lãnh phí, không tham ô, lợi dụng hoặc tiếp tay cho hành vi tham ô, vụ lợi.

Sự tận tâm và chuyên cần: Cán bộ ngân hàng phải tận tâm và chu đáo, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ với nỗ lực cao; thường xuyên học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ; không làm việc tắc trách, thiếu tập trung, thiếu tinh thần trách nhiệm.

Tính chủ động, sáng tạo và thích ứng: Cán bộ ngân hàng phải rèn luyện tính tự giác, chủ động tìm tòi, sáng tạo để nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả công việc; thích ứng cao trước sự thay đổi của môi trường và yêu cầu mới; cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao kỹ năng mềm; không ỉ lại, dựa dẫm, đẩy việc cho người người, không bảo thủ, cứng nhắc, cản trở đổi mới, sáng tạo.

Ý thức bảo mật thông tin: Cán bộ ngân hàng tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật và của tổ chức về bảo mật an toàn thông tin, không đưa thông tin sai lệch, thiếu chính xác, mang tính chủ quan cá nhân gây tổn hại đến tổ chức và ngành, gây hoang mai lo ngại, ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng; Lưu trữ, bảo quản hồ sơ, tài liệu theo đúng quy định; Không tùy tiện, sơ hở trong trao đổi thông tin.

*Quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng bao gồm:

Quy tắc ứng xử trong nội bộ:

Cán bộ cấp dưới phải chấp hành nghiêm sự phân công nhiệm vụ, tôn trọng và ứng xử đúng mực đối với cấp trên; thực hiện đúng phận sự; không được có những hành vi gây tổn hại với uy tín của cấp trên; Mạnh dạn bày tỏ chính kiến, tham mưu, thuyết phục cấp trên khi cần thiết.

Cán bộ cấp trên cần tôn trọng, lắng nghe, khuyến khích cấp dưới bày tỏ quan điểm, ý kiến; luôn gương mẫu trong cư xử, tạo không khi hòa đồng, cởi mở, động viên, khích lệ, đối xử công bằng, bình đẳng đối với cấp dưới; chủ động hỗ trợ cấp dưới giải quyết khó khăn, vướng mắc; bảo vệ quyền lợi chính đáng của cấp dưới; không trù dập, phân biệt đối xử, làm tổn hại đến danh dự của cấp dưới; không lợi dụng chức vụ, địa vị để thu lợi cá nhân hoặc làm tổn hại đến lợi ích ngân hàng.

Đối với cán bộ đồng cấp cần giữ gìn đoàn kết nội bộ, có tinh thần tập thể, tôn trọng, tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau. Lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, khiêm nhường tiếp thu học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp; góp ý, phân tích trên tinh thần xây dựng, không lợi dụng quan hệ cá nhận đồng nghiệp để thực hiện hành vi gian lận.

Quy tắc ứng xử với khách hàng và đối tác: Cán bộ ngân hàng phải thể hiện phong cách giao dịch chuyên nghiệp, thân thiện; tác phong nhanh nhẹn, chu đáo, thái độ niềm nở, tận tình, tạo ấn tượng tích cực, tin tưởng; trang phục gọn gàng, lịch sự, có thái độ nghiêm túc, đúng mực trong lúc làm việc, tôn trọng và đối xử công bằng đối với đối tác và khách hàng.

Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng được ban hành nhằm nâng cao ý thức cho đội ngũ cán bộ ngân hàng về tầm quan trọng và sự cần thiết phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và văn hóa để hoàn thành công việc được giao và là cơ sở cho các tổ chức hội viên thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam xây dựng và phát triển bộ quy tắc/chuẩn mực đạo đức riêng, phù hợp với đặc thù đơn vị mình.

====

BỘ CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP VÀ QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA CÁN BỘ NGÂN HÀNG

(Ban hành kèm theo Quyết định số 11/QĐ-HHNH ngày 25/02/2019 của Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam).

Hoạt động ngân hàng là một loại hình kinh doanh đặc biệt, chứa đựng nhiều rủi ro, đó là kinh doanh tiền tệ, kinh doanh trên cơ sở chữ “tín”. Do vậy, người làm ngân hàng phải tuân theo những yêu cầu và chuẩn mực khắt khe về kiến thức, kinh nghiệm, đạo đức và tâm thức đúng với nghề của mình.

Để nâng cao những phẩm chất đạo đức cần thiết của người cán bộ ngân hàng, xây dựng hình ảnh đẹp của ngân hàng với xã hội, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của ngành ngân hàng trong bối cảnh hiện nay, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ban hành Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng (sau đây gọi tắt là Bộ chuẩn mực) quy định các chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử cơ bản cần có của người cán bộ ngân hàng.

2. Bộ chuẩn mực áp dụng đối với Tổ chức hội viên thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Điều 2. Mục đích

1. Nâng cao ý thức cho đội ngũ cán bộ ngân hàng về tầm quan trọng và sự cần thiết phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử tốt đẹp để hoàn thành sứ mệnh vinh dự được giao của từng cá nhân, tổ chức trong ngành ngân hàng.

2. Nêu cao những chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng như một sự cam kết để khách hàng và toàn xã hội giám sát, đánh giá và giúp cán bộ ngân hàng giữ đúng tư cách đạo đức và thái độ ứng xử đúng mực trong khi thực thi nhiệm vụ.

3. Làm cơ sở cho các Tổ chức hội viên xây dựng và phát triển bộ quy tắc/chuẩn mực đạo đức riêng, phù hợp với thực tiễn đặc thù kinh doanh và đặc trưng văn hóa của mỗi tổ chức.

Điều 3. Yêu cầu chung

1. Tính đặc thù của hoạt động ngân hàng đòi hỏi cán bộ ngân hàng phải có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh vững vàng trước mọi cám dỗ, có trách nhiệm cao để giữ được sự tín nhiệm và lòng tin của khách hàng, đối tác, uy tín của ngân hàng mình và ngành ngân hàng đối với xã hội.

2. Xây dựng hình ảnh người cán bộ ngân hàng lịch sự, chu đáo, cẩn trọng, liêm chính, tận tâm và chuyên nghiệp; ứng xử văn hóa đúng mực trong nội bộ và đối với bên ngoài.

Chương II

CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CỦA CÁN BỘ NGÂN HÀNG

Điều 4. Các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng

1. Tính tuân thủ

a) Cán bộ ngân hàng phải tôn trọng và tuân thủ nghiêm luật pháp, các quy định, quy trình nghiệp vụ của ngành và của nội bộ ngân hàng.

b) Không được đồng lõa, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, quy định của ngành và của nội bộ; tránh để bị tác động, can thiệp dẫn tới làm trái quy định pháp luật.

2. Sự cẩn trọng

a) Cán bộ ngân hàng phải luôn cẩn thận, kỹ lưỡng, cân nhắc thấu đáo, lường đoán kỹ mọi rủi ro để phòng ngừa; thận trọng trong giao tiếp và giữ kỷ luật phát ngôn; tự giác chịu sự giám sát, kiểm soát theo quy định.

b) Không được chủ quan, liều lĩnh, không được dễ dãi, cả tin; không làm tắt, bỏ qua các bước, các thủ tục trong quy trình nghiệp vụ đã quy định.

c) Phải đề cao tinh thần tự chịu trách nhiệm, tránh để xảy ra sai sót, sơ suất trong quá trình giải quyết công việc.

3. Sự liêm chính

a) Cán bộ ngân hàng phải luôn tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh nghề nghiệp, giữ gìn sự liêm chính, minh bạch trong các mối quan hệ liên quan đến lợi ích tài chính và tiền bạc, trung thực, thẳng thắn, nghiêm túc với bản thân và với những người xung quanh.

b) Phải có tinh thần trách nhiệm bảo vệ tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, tránh lãng phí; không được tham ô, vụ lợi hoặc tiếp tay cho hành vi tham ô, vụ lợi; không làm lơ khi thấy các hiện tượng sai trái xung quanh, báo cáo kịp thời với cấp có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm và gây hại cho lợi ích chung.

4. Sự tận tâm và chuyên cần

a) Cán bộ ngân hàng cần phải thực hiện công việc của mình với sự tận tâm và chu đáo; sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ với nỗ lực cao.

b) Phải thường xuyên học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, rèn luyện để tinh thông chuyên môn nghiệp vụ.

c) Không được làm việc tắc trách, thiếu tập trung, thiếu tinh thần trách nhiệm.

5. Tính chủ động, sáng tạo, thích ứng

a) Cán bộ ngân hàng cần phải rèn luyện tính tự giác và chủ động, sự tìm tòi, sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác; rèn luyện khả năng thích ứng trước sự thay đổi của môi trường và yêu cầu trong tình hình mới; không ngừng cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao các kỹ năng mềm của bản thân.

b) Không ỉ lại, dựa dẫm, đẩy việc cho người khác; không bảo thủ, cứng nhắc, gây cản trở cho đổi mới, sáng tạo.

6. Ý thức bảo mật thông tin

a) Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật và của tổ chức về bảo mật an toàn thông tin nội bộ và thông tin khách hàng; không đưa ra thông tin sai lệch, thiếu chính xác, mang tính chủ quan cá nhân gây tổn hại đến tài sản, thương hiệu, uy tín của tổ chức, của ngành, gây hoang mang, lo ngại, ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng đối với ngân hàng.

b) Lưu trữ, bảo quản hồ sơ, tài liệu của ngân hàng theo đúng quy định.

c) Không tùy tiện, sơ hở trong trao đổi thông tin, tình hình nội bộ.

Chương III

QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA CÁN BỘ NGÂN HÀNG

Điều 5. Các quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng

1. Ứng xử trong nội bộ

a) Cán bộ cấp dưới phải chấp hành nghiêm sự phân công nhiệm vụ, tôn trọng và ứng xử đứng mực đối với cấp trên; thực hiện đúng phận sự; không được có những hành vi gây tổn hại đến uy tín của cấp trên. Mạnh dạn bày tỏ chính kiến, tham mưu, thuyết phục cấp trên khi cần thiết để tránh sai sót, rủi ro trong qua trình xử lý công việc.

b) Cán bộ cấp trên cần tôn trọng, lắng nghe, khuyến khích cấp dưới bày tỏ quan điểm, ý kiến; luôn gương mẫu trong cư xử, tạo không khí hòa đồng, cởi mở, động viên, khích lệ, đối xử công bằng, bình đẳng đối với cấp dưới; chủ động hỗ trợ cấp dưới giải quyết khó khăn, vướng mắc; bảo vệ quyền lợi chính đáng của cấp dưới; không trù dập, phân biệt đối xử, làm tổn hại đến danh dự của cấp dưới; không lợi dụng chức vụ, địa vị sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh và tài sản của ngân hàng để thu lợi cá nhân hoặc làm tổn hại đến lợi ích của ngân hàng.

c) Đối với cán bộ đồng cấp, cần giữ gìn đoàn kết nội bộ, có tinh thần tập thể, tôn trọng, tin cậy, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, khiêm nhường tiếp thu học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp; góp ý, phân tích trên tinh thần xây dựng; không lợi dụng quan hệ cá nhân đồng nghiệp để thực hiện hành vi gian lận.

2. Ứng xử với khách hàng và đối tác

a) Cán bộ ngân hàng cần thể hiện phong cách giao dịch chuyên nghiệp, thân thiện; tác phong nhanh nhẹn, chu đáo, thái độ niềm nở, tận tình, tạo ấn tượng tích cực, sự tin tưởng đối với khách hàng và đối tác.

b) Cán bộ ngân hàng phải trang phục gọn gàng, lịch sự, có thái độ nghiêm túc, đúng mực trong lúc làm việc, tôn trọng và đối xử công bằng với đối tác và khách hàng, giải quyết công việc đúng nguyên tắc, có lý, có tình; không thiên vị, không gây phiền hà, nhũng nhiễu khách hàng và đối tác; tránh các hành động dẫn đến xung đột lợi ích, ảnh hưởng không tốt đến quan hệ với khách hàng và đối tác.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Trách nhiệm thực hiện

1. Các Tổ chức hội viên thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có trách nhiệm hưởng ứng, phổ biến, tuyên truyền, quán triệt để thực hiện tốt Bộ chuẩn mực này.

2. Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tuyên truyền, vận động, theo dõi việc thực hiện Bộ chuẩn mực này của cán bộ trong Hiệp hội Ngân hàng, hằng năm tổng hợp tình hình, báo cáo Hội đồng Hiệp hội kết quả thực hiện.

3. Trong quá trình thực hiện, mọi góp ý, kiến nghị được phản ảnh về Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam để tổng hợp báo cáo Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam để xem xét, giải quyết.

TM. HỘI ĐỒNG HIỆP HỘI

CHỦ TỊCH

(đã ký)

PHAN ĐỨC TÚ