BỘ QUY TẮC VÀ THỰC HÀNH THỐNG NHẤT
Về danh mục, nguyên tắc cung cấp chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09 /QĐ-HHNH ngày 7 tháng 02 năm 2025 của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:
1. Bộ quy tắc và thực hành thống nhất này hướng dẫn danh mục, nguyên tắc cung cấp chứng từ đối với giao dịch mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam cho các mục đích chuyển tiền một chiều ra nước ngoài được phép theo quy định tại Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 ngày 13/12/2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) và các văn bản sửa đổi, bổ sung và thay thế (nếu có), Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17/07/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối, Thông tư 20/2022/TT-NHNN ngày 30/12/2022 hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
2. Bộ quy tắc này quy định khung về danh mục và nguyên tắc cung cấp chứng từ cần tuân thủ khi thực hiện các giao dịch mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam cho các mục đích chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối là hội viên của Hiệp hội Ngân hàng.
2. Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối không phải là hội viên của Hiệp hội Ngân hàng nhưng lựa chọn áp dụng Bộ Quy tắc này.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Các từ ngữ được sử dụng trong Bộ quy tắc này được hiểu thống nhất như sau:
1. Bộ quy tắc và thực hành thống nhất về danh mục, nguyên tắc cung cấp chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam (sau đây gọi là Bộ quy tắc): Là tập hợp các nguyên tắc và hướng dẫn thực hành thống nhất về danh mục chứng từ và việc cung cấp chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam.
2. Chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài: Là giao dịch chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài qua ngân hàng được phép mang tính chất tài trợ, viện trợ hoặc giúp đỡ thân nhân gia đình, sử dụng chi tiêu cá nhân không liên quan đến việc thanh toán xuất khẩu, nhập khẩu về hàng hóa và dịch vụ.
3. Chi phí sinh hoạt: Là số tiền cần thiết để duy trì các nhu cầu hợp lý, phù hợp với mục đích hỗ trợ chi phí sinh hoạt, ổn định cuộc sống của người cư trú là công dân Việt Nam học tập hoặc khám chữa bệnh ở nước ngoài (ngoài học phí, viện phí và các chi phí liên quan theo thông báo của cơ sở đào tạo/cơ sở khám chữa bệnh nước ngoài).
4. Chữa bệnh ở nước ngoài: Là việc công dân Việt Nam được phép ra nước ngoài để thực hiện việc khám, chữa bệnh, sử dụng dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở khám, chữa bệnh ở nước ngoài.
5. Định cư ở nước ngoài: Là việc công dân Việt Nam đã được nhập quốc tịch nước ngoài theo quy định của pháp luật nước ngoài nơi công dân Việt Nam được nhập quốc tịch hoặc được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho phép cư trú với mục đích định cư theo quy định của nước sở tại.
6. GDP bình quân đầu người: Là thu nhập bình quân đầu người trong 01 năm theo giá hiện hành của các nước được công bố tại thời điểm gần nhất trên trang tin điện tử của Ngân hàng Thế giới (World Bank).
7. Giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam: Là Thẻ căn cước công dân, Thẻ căn cước, Căn cước điện tử (thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử VneID mức độ 02), Hộ chiếu Việt Nam, Giấy khai sinh đối với người dưới 14 tuổi hoặc các loại giấy tờ khác chứng minh quốc tịch Việt Nam được cấp bởi các cơ quan chức năng có thẩm quyền và còn hiệu lực.
8. Giấy tờ chứng minh quan hệ thân nhân: Là các giấy tờ được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền Việt Nam hoặc nước ngoài, bao gồm: Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, Thông tin về quan hệ thân nhân thể hiện trên Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng định danh điện tử VneID; Giấy chứng nhận con nuôi; giấy tờ chứng minh khác được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc nước sở tại.
9. Hạn mức mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài: Là mức ngoại tệ tối đa được phép mua, chuyển, mang ra nước ngoài cho các mục đích chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam quy định tại Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17/07/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối, Thông tư 20/2022/TT-NHNN ngày 30/12/2022 hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân và các văn bản sửa đổi bổ sung (nếu có).
10. Học tập ở nước ngoài: Là việc công dân Việt Nam được phép ra nước ngoài tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng tại cơ sở đào tạo ở nước ngoài.
11. Một (01) năm: Là một năm dương lịch, tính từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/12 của năm đó.
12. Ngân hàng được phép: Là các đối tượng được nêu tại Điều 2 của Bộ quy tắc này.
13. Người cư trú là công dân Việt Nam: Là người có quốc tịch Việt Nam thuộc đối tượng người cư trú theo quy định tại Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 ngày 13 tháng 12 năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) và các văn bản sửa đổi bổ sung (nếu có).
14. Người đại diện hợp pháp: Bao gồm các cá nhân, tổ chức là người đại diện theo ủy quyền, người đại diện theo pháp luật của cá nhân phù hợp với (i) quy định của Bộ luật dân sự Việt Nam hiện hành và các văn bản sửa đổi, bổ sung và thay thế (nếu có) hoặc (ii) quy định của pháp luật nước ngoài.
15. Người đại diện theo pháp luật của cá nhân: Là cá nhân thuộc các đối tượng sau:
(i) Người đại diện theo pháp luật của cá nhân được quy định tại Điều 136 Bộ luật Dân sự Việt Nam hiện hành và các văn bản sửa đổi bổ sung (nếu có):
- Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
- Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
- Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại 02 điểm nêu trên.
- Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
(ii) Người đại diện theo quy định của pháp luật nước ngoài.
16. Người hưởng thừa kế ở nước ngoài: Là người cư trú là công dân Việt Nam được phép định cư hoặc cư trú dài hạn hợp pháp theo quy định của nước ngoài và được hưởng thừa kế theo quy định của Pháp luật Việt Nam.
17. Phí, lệ phí của nước ngoài: Là các khoản chi phí mà người cư trú là công dân Việt Nam cần chi trả cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc hội, hiệp hội nước ngoài theo quy định của nước sở tại. Phí, lệ phí của nước ngoài được xác định tại Thông báo chi phí.
18. Thân nhân: Là những người có quan hệ bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh ruột, chị ruột, em ruột với người cư trú là công dân Việt Nam (theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Thông tư 20/2022/TT-NHNN ngày 30/12/2022 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có)).
19. Thân nhân đang ở nước ngoài: Là cá nhân được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho phép cư trú hợp pháp theo quy định của nước sở tại, có quan hệ thân nhân với người chuyển tiền của giao dịch mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài.
20. Thông báo chi phí: Là chứng từ do cá nhân, tổ chức hoặc cơ quan có thẩm quyền nước ngoài phát hành đòi tiền người cư trú là công dân Việt Nam (bao gồm các chứng từ như hóa đơn, yêu cầu đòi tiền, hợp đồng, và các chứng từ khác tương đương …)
Điều 4. Nguyên tắc kiểm tra chứng từ
1. Đối với Khách hàng: Có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, thông tin giao dịch cho ngân hàng và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực, hợp pháp, hợp lệ của thông tin và các giấy tờ, chứng từ đã xuất trình, cung cấp cho ngân hàng được phép.
2. Đối với ngân hàng được phép
(i) Kiểm tra giấy tờ, chứng từ mà khách hàng xuất trình, cung cấp theo Bộ quy tắc này và các quy định nội bộ của ngân hàng.
(ii) Căn cứ vào thông tin trên bề mặt các giấy tờ, chứng từ trong hồ sơ giao dịch để kiểm tra, đánh giá tính phù hợp của bộ hồ sơ với mục đích chuyển tiền, đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành về quản lý ngoại hối, phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam.
Chương II
NGUYÊN TẮC CUNG CẤP CHỨNG TỪ ĐỐI VỚI GIAO DỊCH CHUYỂN TIỀN MỘT CHIỀU RA NƯỚC NGOÀI CỦA NGƯỜI CƯ TRÚ LÀ CÔNG DÂN VIỆT NAM
Điều 5. Nguyên tắc ứng xử với quốc tịch và tình trạng cư trú của khách hàng
1. Căn cứ vào giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài cấp, Ngân hàng được phép xác định tình trạng cư trú của công dân Việt Nam theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 ngày 13/12/2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
2. Trường hợp khách hàng có nhiều hơn một quốc tịch (bao gồm quốc tịch Việt Nam và một hoặc nhiều quốc tịch nước ngoài) và có nhu cầu thực hiện giao dịch theo các mục đích chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam, Ngân hàng được phép ứng xử theo nguyên tắc sau:
- Hướng dẫn khách hàng cung cấp giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của khách hàng.
- Trên cơ sở xem xét các giấy tờ do khách hàng cung cấp, xác định tình trạng cư trú của khách hàng và yêu cầu cung cấp hồ sơ giao dịch phù hợp với các mục đích theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Các giấy tờ, chứng từ trong bộ hồ sơ chuyển tiền trong 1 giao dịch chuyển tiền cần đảm bảo sự nhất quán thông tin về tình trạng cư trú và quốc tịch Việt Nam của khách hàng.
Điều 6. Nguồn ngoại tệ sử dụng chuyển, mang ra nước ngoài
Nguồn ngoại tệ được sử dụng để chuyển ra nước ngoài hoặc được ngân hàng được phép xác nhận để mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài cho các mục đích quy định tại Điều 7 Bộ quy tắc này bao gồm:
a) Ngoại tệ tự có của cá nhân, bao gồm: Ngoại tệ trên tài khoản thanh toán, tiền gửi có kỳ hạn bằng ngoại tệ, tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ, ngoại tệ tự cất giữ.
b) Ngoại tệ mua của ngân hàng được phép.
Điều 7. Các mục đích chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam
Bộ quy tắc này hướng dẫn danh mục, nguyên tắc cung cấp chứng từ đối với giao dịch mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam cho các mục đích sau (tham chiếu Điểm a đến Điểm e Điều 7 Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17/07/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối):
1. Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài;
2. Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài;
3. Trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài;
4. Trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài;
5. Chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài;
6. Chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài.
Điều 8. Tính pháp lý của hồ sơ chuyển tiền
1. Hình thức
Hồ sơ chuyển tiền được khách hàng cung cấp cho ngân hàng được phép theo các hình thức: Bằng giấy hoặc/và theo phương thức điện tử.
2. Hiệu lực
a) Hồ sơ bằng giấy
Là bản gốc, bản chính hoặc bản sao hợp lệ (bản sao) phải đáp ứng yêu cầu theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) và quy định nội bộ của ngân hàng được phép.
b) Hồ sơ theo phương thức điện tử
Hồ sơ theo phương thức điện tử cần đáp ứng yêu cầu:
- Được tiếp nhận từ hệ thống/chương trình của ngân hàng được phép hoặc qua các phương thức điện tử khác theo quy định nội bộ của ngân hàng được phép.
- Tuân thủ các quy định pháp luật về giao dịch điện tử.
3. Ngôn ngữ của hồ sơ
a) Ngôn ngữ sử dụng trong các chứng từ, giấy tờ của bộ hồ sơ cung cấp cho ngân hàng được phép có thể là tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài.
b) Trường hợp ngôn ngữ hồ sơ không phải là tiếng Việt, ngân hàng được phép có thể thực hiện như sau:
- Hướng dẫn khách hàng cung cấp bản dịch sang tiếng Việt đáp ứng điều kiện:
+ Có chứng thực chữ ký của người dịch của Phòng Tư pháp huyện/quận/thị xã/thành phố thuộc tỉnh hoặc cơ quan có thẩm quyền, hoặc
+ Có xác nhận của khách hàng (ký, ghi rõ họ tên) chịu trách nhiệm về tính xác thực của nội dung bản dịch. Hồ sơ bằng tiếng nước ngoài phải được đính kèm bản dịch, hoặc
+ Được công chứng theo quy định pháp luật về Luật Công chứng hiện hành và các văn bản sửa đổi bổ sung (nếu có).
- Trường hợp ngân hàng được phép có thể hiểu, kiểm soát toàn bộ nội dung của các chứng từ, giấy tờ trong bộ hồ sơ, ngân hàng được phép có thể chủ động quyết định việc thực hiện giao dịch trên cơ sở bộ hồ sơ bằng tiếng nước ngoài do khách hàng cung cấp.
Chương III
HƯỚNG DẪN MUA, CHUYỂN, MANG NGOẠI TỆ RA NƯỚC NGOÀI
Điều 9. Hướng dẫn mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích học tập ở nước ngoài
1. Người mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài
Người mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài bao gồm:
- Người cư trú là công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài (sau đây gọi là “du học sinh”); hoặc
- Người đại diện hợp pháp của du học sinh; hoặc
- Thân nhân của du học sinh.
2. Người nhận
Người nhận có thể là các đối tượng sau:
- Cơ sở đào tạo tại nước ngoài hoặc bên được cơ sở đào tạo tại nước ngoài chỉ định; hoặc
- Du học sinh (người hưởng của giao dịch); hoặc
- Người đại diện hợp pháp cư trú tại cùng quốc gia nơi du học sinh học tập; hoặc
- Các bên cung cấp dịch vụ tại nước ngoài liên quan đến mục đích học tập ở nước ngoài (dịch vụ lưu trú, điện nước, viễn thông, bảo hiểm, giao thông, chứng minh tài chính…).
3. Danh mục hồ sơ
a) Giấy tờ của người mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài:
- Giấy tờ tùy thân của du học sinh; hoặc
- Giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh người mua, chuyển, mang ngoại tệ là người đại diện hợp pháp hoặc thân nhân của du học sinh.
b) Hộ chiếu Việt Nam của du học sinh, hoặc giấy thông hành của du học sinh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (áp dụng khi học tập ở nước có chung đường biên giới với Việt Nam), hoặc giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
c) Giấy tờ chứng minh người nhận thuộc một trong các đối tượng nêu tại Khoản 2 Điều 9 của Bộ quy tắc này (nếu người nhận không phải du học sinh).
d) Giấy tờ chứng minh du học sinh được học tập ở nước ngoài:
- Visa nhập cảnh cho mục đích học tập, hoặc
- Xác nhận cư trú, thẻ cư trú cho mục đích học tập; hoặc
- Thông báo nhập học, thông báo học phí (áp dụng trong trường hợp chuyển tiền trước khi du học sinh học tập ở nước ngoài), hoặc
- Các loại giấy tờ, chứng từ khác có giá trị chứng minh du học sinh được học tập ở nước ngoài.
đ) Giấy tờ hợp lệ chứng minh số tiền được phép mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài (nếu thực hiện theo thông báo của bên nước ngoài):
- Thông báo học phí, thông báo chi phí sinh hoạt của cơ sở đào tạo nước ngoài; hoặc
- Thông báo của bên nước ngoài về các chi phí sinh hoạt và các chi phí khác có liên quan mục đích học tập ở nước ngoài.
e) Vé máy bay, tàu hỏa, tàu thủy hoặc các loại phương tiện di chuyển khác (cần cung cấp trong trường hợp mua ngoại tệ tiền mặt để mang ra nước ngoài).
4. Hạn mức mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài (tính theo người hưởng của giao dịch)
a) Học phí
Không vượt quá thông báo của cơ sở đào tạo ở nước ngoài.
b) Chi phí sinh hoạt và các chi phí liên quan đến học tập
Trong một năm, du học sinh được phép nhận chi phí sinh hoạt và các chi phí liên quan đến học tập như sau:
- Trường hợp có thông báo của cơ sở đào tạo nước ngoài, các bên cung cấp dịch vụ liên quan đến học tập ở nước ngoài: Căn cứ vào thông báo của cơ sở đào tạo nước ngoài, các bên cung cấp dịch vụ liên quan đến học tập ở nước ngoài.
- Trường hợp không có thông báo của cơ sở đào tạo nước ngoài, các bên cung cấp dịch vụ liên quan đến học tập ở nước ngoài về các chi phí sinh hoạt và các chi phí khác có liên quan mục đích học tập: Ngoài các chi phí khác đã được phía nước ngoài thông báo, Ngân hàng được phép căn cứ nhu cầu hợp lý của du học sinh để quyết định hạn mức ngoại tệ mua, chuyển, mang thêm, nhưng tối đa không vượt quá GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành của quốc gia nơi du học sinh học tập.
c) Các chi phí trước khi được cơ sở đào tạo nước ngoài chấp nhận nhập học (phí tư vấn du học, phí xử lý hồ sơ xin nhập học…), học phí cho các khóa học online ở nước ngoài là chi phí nhập khẩu dịch vụ, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ quy tắc này nên không tính vào hạn mức mua, chuyển, mang ngoại tệ nêu trên.
Điều 10. Hướng dẫn mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích chữa bệnh ở nước ngoài
1. Người mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài
Người mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài bao gồm:
- Người cư trú là công dân Việt Nam khám chữa bệnh ở nước ngoài (sau đây gọi là “người khám chữa bệnh”); hoặc
- Người đại diện hợp pháp của người khám chữa bệnh; hoặc
- Thân nhân của người khám chữa bệnh.
2. Người nhận
Người nhận có thể là các đối tượng sau:
- Cơ sở khám chữa bệnh nước ngoài hoặc bên được cơ sở khám chữa bệnh nước ngoài chỉ định; hoặc
- Người khám chữa bệnh (người hưởng của giao dịch); hoặc
- Người đại diện hợp pháp cư trú tại cùng quốc gia nơi người cư trú là công dân Việt Nam đi khám chữa bệnh; hoặc
- Các bên cung cấp dịch vụ tại nước ngoài liên quan đến mục đích khám chữa bệnh ở nước ngoài (dịch vụ lưu trú, điện nước, viễn thông…).
3. Danh mục hồ sơ
a) Giấy tờ của người mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài:
- Giấy tờ tùy thân của người khám chữa bệnh; hoặc
- Giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh người mua, chuyển, mang ngoại tệ là người đại diện hợp pháp hoặc thân nhân của người khám chữa bệnh.
b) Hộ chiếu Việt Nam của người khám chữa bệnh, hoặc giấy thông hành của người khám chữa bệnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (áp dụng khi khám chữa bệnh ở nước có chung đường biên giới với Việt Nam), hoặc giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
c) Giấy tờ chứng minh người nhận thuộc một trong các đối tượng nêu tại Khoản 2 Điều 10 Bộ quy tắc này (nếu người nhận không phải người khám chữa bệnh).
d) Giấy tờ chứng minh người khám chữa bệnh được khám chữa bệnh ở nước ngoài:
- Visa nhập cảnh cho mục đích chữa bệnh, hoặc
- Xác nhận cư trú, thẻ cư trú cho mục đích chữa bệnh, hoặc
- Thông báo nhập viện, thông báo viện phí (áp dụng trong trường hợp chuyển tiền trước khi người khám chữa bệnh ra nước ngoài khám chữa bệnh), hoặc
- Các loại giấy tờ, chứng từ khác có giá trị chứng minh người đi khám chữa bệnh được khám chữa bệnh ở nước ngoài.
đ) Giấy tờ hợp lệ chứng minh số tiền được phép mua, chuyển, mang ra nước ngoài (nếu thực hiện theo thông báo của bên nước ngoài):
- Thông báo của cơ sở khám chữa bệnh nước ngoài về chi phí khám chữa bệnh; hoặc
- Thông báo của bên nước ngoài về chi phí sinh hoạt và các chi phí khác có liên quan mục đích khám chữa bệnh ở nước ngoài.
e) Vé máy bay, tàu hỏa, tàu thủy hoặc các loại phương tiện di chuyển khác (cần cung cấp trong trường hợp mua ngoại tệ tiền mặt để mang ra nước ngoài).
4. Hạn mức mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài (tính theo người hưởng của giao dịch)
a) Viện phí và các chi phí phải trả cho cơ sở khám chữa bệnh nước ngoài
Không vượt quá thông báo của cơ sở khám chữa bệnh nước ngoài.
b) Chi phí sinh hoạt và các chi phí liên quan đến khám chữa bệnh
Trong một năm, người đi khám chữa bệnh được phép nhận mức chi phí sinh hoạt và các chi phí liên quan đến khám chữa bệnh như sau:
- Trường hợp có thông báo của cơ sở khám chữa bệnh nước ngoài, đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến khám chữa bệnh ở nước ngoài: Căn cứ vào thông báo của cơ sở khám chữa bệnh nước ngoài, đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến khám chữa bệnh ở nước ngoài.
- Trường hợp không có thông báo của cơ sở khám chữa bệnh nước ngoài, đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến khám chữa bệnh ở nước ngoài về các chi phí sinh hoạt và các chi phí khác có liên quan mục đích khám chữa bệnh: Ngoài các chi phí khác đã được phía nước ngoài thông báo, Ngân hàng được phép căn cứ nhu cầu hợp lý của người khám chữa bệnh để quyết định hạn mức ngoại tệ mua, chuyển, mang thêm, nhưng tối đa không vượt quá GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành của quốc gia nơi khám chữa bệnh.
Điều 11. Hướng dẫn mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài
1. Người mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài
Người mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài bao gồm:
- Người cư trú là công dân Việt Nam công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài (sau đây gọi chung là “Người đi công tác, du lịch, thăm viếng”); hoặc
- Người đại diện hợp pháp của người đi công tác, du lịch, thăm viếng.
2. Người nhận
Người nhận có thể là các đối tượng sau:
- Các bên cung cấp dịch vụ tại nước ngoài liên quan đến mục đích công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài (dịch vụ lưu trú, điện nước, viễn thông…); hoặc
- Người đi công tác, du lịch, thăm viếng (người hưởng của giao dịch).
3. Danh mục hồ sơ
a) Giấy tờ của người mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài
- Giấy tờ tùy thân của người đi công tác, du lịch, thăm viếng; hoặc
- Giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh người mua, chuyển, mang ngoại tệ là người đại diện hợp pháp của người đi công tác, du lịch, thăm viếng.
b) Hộ chiếu Việt Nam của người đi công tác, du lịch, thăm viếng; hoặc giấy thông hành của người đi công tác, du lịch, thăm viếng do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (áp dụng khi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước có chung đường biên giới với Việt Nam) hoặc giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
c) Giấy tờ chứng minh người nhận thuộc một trong các đối tượng nêu tại Khoản 2 Điều 11 Bộ quy tắc này (nếu người nhận không phải người đi công tác, du lịch, thăm viếng).
d) Giấy tờ chứng minh người cư trú là công dân Việt Nam được đi công tác, du lịch, thăm viếng nước ngoài:
- Visa nhập cảnh cho mục đích công tác, du lịch, thăm viếng, hoặc
- Xác nhận cư trú, Thẻ cư trú cho mục đích công tác, du lịch, thăm viếng; hoặc
- Các loại giấy tờ, chứng từ khác có giá trị chứng minh người đi công tác, du lịch, thăm viếng được công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài.
đ) Quyết định cử đi công tác (đối với mục đích công tác ở nước ngoài).
e) Chứng từ chứng minh tính hợp lệ của số tiền được phép mua, chuyển, mang ra nước ngoài (nếu thực hiện theo thông báo của bên nước ngoài): Thông báo của bên nước ngoài về chi phí liên quan mục đích công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài phát hành cho người đi công tác, du lịch, thăm viếng.
g) Vé máy bay, tàu hỏa, tàu thủy hoặc các loại phương tiện di chuyển khác (cần cung cấp trong trường hợp mua ngoại tệ tiền mặt để mang ra nước ngoài).
4. Hạn mức mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài (tính theo người hưởng của giao dịch)
Ngân hàng được phép quyết định hạn mức mua, chuyển, mang ngoại tệ trong một năm đối với mỗi mục đích công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài trên cơ sở nhu cầu hợp lý của cá nhân nhưng tối đa không vượt quá GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành của nước mà người cư trú là công dân Việt Nam đến công tác, du lịch, thăm viếng.
Điều 12. Hướng dẫn mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài
1. Người mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài
Người mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài bao gồm:
- Người cư trú là công dân Việt Nam có nghĩa vụ thanh toán các loại phí, lệ phí cho bên nước ngoài; hoặc
- Người đại diện hợp pháp của người cư trú là công dân Việt Nam nêu trên.
2. Người nhận
Theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; hoặc của hội, hiệp hội nước ngoài.
3. Danh mục hồ sơ
a) Giấy tờ của người mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài
- Giấy tờ tùy thân của người cư trú là công dân Việt Nam có nghĩa vụ thanh toán các loại phí, lệ phí cho bên nước ngoài; hoặc
- Giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh người mua, chuyển ngoại tệ là người đại diện hợp pháp của người cư trú là công dân Việt Nam có nghĩa vụ thanh toán các loại phí, lệ phí cho bên nước ngoài.
b) Thông báo phí, lệ phí của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của hội, hiệp hội nước ngoài.
4. Hạn mức mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài
Căn cứ theo thông báo phí, lệ phí của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của hội, hiệp hội nước ngoài.
Điều 13. Hướng dẫn mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài
1. Người mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài
Người mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài bao gồm:
- Người cư trú là công dân Việt Nam có thân nhân là người hưởng trợ cấp ở nước ngoài (sau đây gọi chung là “Người trợ cấp”); hoặc
- Người đại diện hợp pháp của người trợ cấp.
2. Người nhận
Người nhận có thể là các đối tượng sau:
- Thân nhân đang ở nước ngoài của Người trợ cấp (sau đây gọi chung là “Người hưởng trợ cấp”, là người hưởng của giao dịch), hoặc
- Người đại diện hợp pháp của người hưởng trợ cấp, cư trú tại cùng quốc gia với người hưởng trợ cấp.
3. Danh mục hồ sơ
a) Giấy tờ tùy thân của người mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài:
- Giấy tờ tùy thân của người trợ cấp, hoặc
- Giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh người mua, chuyển ngoại tệ là người đại diện hợp pháp của người trợ cấp.
b) Giấy tờ chứng minh quan hệ thân nhân giữa người trợ cấp và người hưởng trợ cấp.
c) Giấy tờ chứng minh người nhận thuộc một trong các đối tượng nêu tại Khoản 2 Điều 13 Bộ quy tắc này (nếu người nhận không phải người hưởng trợ cấp).
d) Giấy tờ chứng minh người hưởng trợ cấp đang được cư trú ở nước ngoài:
- Nếu người hưởng trợ cấp là người nước ngoài: Giấy tờ chứng minh người hưởng trợ cấp có quốc tịch nước ngoài.
- Nếu người hưởng trợ cấp là công dân Việt Nam:
(i) Hộ chiếu Việt Nam, hoặc giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; và
(ii) Giấy tờ chứng minh người hưởng trợ cấp đang được cư trú ở nước ngoài:
+ Visa định cư, thẻ định cư, hoặc
+ Xác nhận cư trú, thẻ cư trú, hoặc
+ Các loại giấy tờ, chứng từ khác của cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại có giá trị chứng minh người hưởng trợ cấp đang ở nước ngoài.
4. Hạn mức mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài (tính theo người hưởng của giao dịch)
- Ngân hàng được phép căn cứ nhu cầu hợp lý của cá nhân và phù hợp với mục đích hỗ trợ chi phí sinh hoạt, ổn định cuộc sống của người hưởng trợ cấp để quyết định hạn mức mua, chuyển ngoại tệ cho một người hưởng trợ cấp đang ở nước ngoài trong một năm, nhưng tối đa không vượt quá GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành của quốc gia nơi người hưởng trợ cấp cư trú.
- Việc mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích trợ cấp thân nhân không áp dụng đối với trường hợp thân nhân đang học tập, chữa bệnh, công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài.
Điều 14. Hướng dẫn mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài
1. Người mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài
Người mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài bao gồm:
- Người cư trú là công dân Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho phép định cư hoặc cư trú dài hạn ở nước ngoài (trừ các trường hợp học tập, công tác, du lịch, thăm viếng, chữa bệnh ở nước ngoài) và là người hưởng thừa kế (sau đây gọi là “người hưởng thừa kế”); hoặc
- Người đại diện hợp pháp của người hưởng thừa kế.
2. Người nhận
Người nhận có thể là các đối tượng sau:
- Người hưởng thừa kế (người hưởng của giao dịch); hoặc
- Người đại diện hợp pháp cư trú tại cùng quốc gia nơi người hưởng thừa kế định cư, cư trú.
3. Danh mục hồ sơ
a) Giấy tờ của người mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài:
- Giấy tờ tùy thân của người hưởng thừa kế; hoặc
- Giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh người mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài là người đại diện hợp pháp của người thừa kế.
b) Hộ chiếu Việt Nam của người hưởng thừa kế hoặc Giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
c) Giấy tờ chứng minh người nhận thuộc một trong các đối tượng nêu tại Khoản 2 Điều 14 Bộ quy tắc này (nếu người nhận không phải người hưởng thừa kế).
d) Giấy tờ chứng minh người hưởng thừa kế được phép định cư hoặc cư trú dài hạn ở nước ngoài:
- Giấy tờ chứng minh người hưởng thừa kế có quốc tịch nước ngoài, hoặc
- Visa định cư, thẻ định cư, hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho phép người hưởng thừa kế được định cư, hoặc
- Xác nhận cư trú, thẻ cư trú dài hạn, hoặc
- Các loại giấy tờ, chứng từ khác có giá trị chứng minh người hưởng thừa kế được phép định cư hoặc cư trú dài hạn ở nước ngoài.
đ) Văn bản thỏa thuận giữa những người thừa kế hợp pháp, hoặc văn bản khai nhận di sản thừa kế, trong đó nêu rõ số tiền/phần tài sản được phân chia cho từng người và được công chứng, chứng thực hợp pháp, hoặc Bản án/Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật về việc thừa kế hoặc phân chia di sản thừa kế, hoặc kết quả thi hành án của cơ quan thi hành án đối với trường hợp phải cưỡng chế thi hành án theo pháp luật thi hành án dân sự.
e) Chứng từ chứng minh số tiền chuyển ra nước ngoài có nguồn gốc từ tài sản được thừa kế:
- Giấy tờ chứng minh di sản thừa kế đã quy đổi thành tiền như thỏa thuận, hợp đồng bán di sản thừa kế có công chứng (đối với những tài sản mà pháp luật quy định bắt buộc hợp đồng phải công chứng), hoặc
- Giấy tờ chứng minh số tiền chuyển ra nước ngoài được rút từ sổ tiết kiệm, tài khoản tiền gửi thanh toán là tài sản thừa kế.
g) Giấy chứng tử; hoặc Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người để lại di sản đã qua đời; hoặc giấy tờ tương đương khác.
4. Hạn mức mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài (tính theo người hưởng của giao dịch)
- Căn cứ vào giá trị tài sản mà người hưởng thừa kế được hưởng theo quy định pháp luật về thừa kế.
- Việc mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích thừa kế không áp dụng đối với trường hợp người hưởng thừa kế đang học tập, chữa bệnh, công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài.
Điều 15. Hướng dẫn mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích định cư ở nước ngoài
1. Người mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài
Người mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài bao gồm:
- Người cư trú là công dân Việt Nam được đi định cư ở nước ngoài (sau đây gọi chung là “Người đi định cư”); hoặc
- Người đại diện hợp pháp của người đi định cư.
2. Người nhận
- Người đi định cư (người hưởng của giao dịch); hoặc
- Người đại diện theo pháp luật cư trú tại cùng quốc gia nơi người cư trú là công dân Việt Nam đi định cư.
3. Danh mục hồ sơ
a) Giấy tờ của người mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài
- Giấy tờ tùy thân của người đi định cư; hoặc
- Giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh người mua, chuyển ngoại tệ là người đại diện hợp pháp của người đi định cư.
b) Hộ chiếu Việt Nam của người đi định cư hoặc Giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
c) Giấy tờ chứng minh người nhận thuộc một trong các đối tượng nêu tại Khoản 2 Điều 15 của Bộ quy tắc này (nếu người chuyển không phải người đi định cư).
d) Giấy tờ chứng minh người cư trú là công dân Việt Nam được phép định cư ở nước ngoài:
- Giấy tờ chứng minh người đi định cư có quốc tịch nước ngoài, hoặc
- Visa định cư, thẻ định cư, hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho phép định cư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương.
đ) Chứng từ chứng minh số tiền chuyển từ tài sản của người đi định cư được hình thành tại Việt Nam trước khi người đi định cư có quốc tịch nước ngoài, hoặc trước khi được phép cư trú ở nước ngoài cho mục đích định cư theo quy định của nước sở tại (hợp đồng bán, chuyển nhượng bất động sản, động sản được công chứng theo quy định…).
4. Hạn mức mua, chuyển ngoại tệ (tính theo người hưởng của giao dịch)
- Là tổng giá trị tài sản của người đi định cư ở nước ngoài được hình thành tại Việt Nam trước khi nhập quốc tịch nước ngoài hoặc trước khi được phép cư trú ở nước ngoài cho mục đích định cư theo quy định của nước sở tại.
- Đối với tài sản là tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, giấy tờ có giá khác: Các ngân hàng được phép xem xét việc đánh giá khách hàng, xem xét xây dựng hạn mức mua, chuyển tiền theo từng nguồn tiền nêu trên, đảm bảo tuân thủ quy định Phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của Pháp luật Việt Nam.
- Đối với nguồn tài sản hợp pháp hình thành sau thời điểm người đi định cư có quốc tịch nước ngoài, hoặc sau khi được phép cư trú ở nước ngoài cho mục đích định cư, và người đi định cư là đối tượng người không cư trú (xác định theo nguyên tắc tại Điều 5 của Bộ quy tắc này), người đi định cư được thực hiện chuyển tiền theo mục đích “Người không cư trú, người cư trú là người nước ngoài chuyển nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài”.
- Trường hợp người cư trú là công dân Việt Nam chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài để có quốc tịch nước ngoài hoặc để được phép định cư tại nước ngoài, khách hàng thực hiện theo các quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư ra nước ngoài.
- Trường hợp chuyển tiền để thanh toán các chi phí liên quan đến thủ tục xin định cư ở nước ngoài (không bao gồm giá trị đầu tư ra nước ngoài để có quốc tịch nước ngoài hoặc được phép định cư ở nước ngoài), giao dịch chuyển tiền được thực hiện theo mục đích “Chuyển tiền nhập khẩu dịch vụ” hoặc “Chuyển tiền thanh toán các khoản phí, lệ phí cho nước ngoài”.
- Người cư trú là công dân Việt Nam đi định cư ở nước ngoài được mua ngoại tệ tiền mặt với mục đích “du lịch nước ngoài”, không vượt quá mức tiền mặt phải khai báo hải quan (được quy định tại Điều 2 Thông tư 15/2011/TT-NHNN ngày 12/8/2011 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) và tối đa không vượt quá GDP theo giá hiện hành bình quân đầu người của quốc gia mà người đó đi định cư.
CHƯƠNG IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Cam kết của các ngân hàng được phép
1. Tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và các quy định đã thống nhất tại Bộ quy tắc này.
2. Xem xét điều chỉnh và tự chịu trách nhiệm về quy định nội bộ đã ban hành theo Khoản 2 Điều 16 Thông tư 20/2022-TT-NHNN ngày 30/12/2022 để phù hợp với hoạt động kinh doanh của ngân hàng, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật và phù hợp với những nguyên tắc đã nêu tại Bộ quy tắc này.
3. Tùy tính chất, đặc điểm, đối tượng khách hàng của từng giao dịch cụ thể, ngoài các chứng từ quy định tại Bộ quy tắc này, ngân hàng được phép có thể yêu cầu khách hàng xuất trình, cung cấp bổ sung các chứng từ khác phù hợp với giao dịch thực tế, đảm bảo giao dịch mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam được thực hiện đúng mục đích, tuân thủ quy định quản lý ngoại hối, quy định phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và các quy định pháp luật liên quan khác.
4. Báo cáo tình hình thực hiện tuân thủ Bộ Quy tắc khi Hiệp hội Ngân hàng yêu cầu. Trường hợp ngân hàng được phép vi phạm các nội dung đã thống nhất tại Bộ Quy tắc, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, Hiệp hội Ngân hàng sẽ xem xét có các biện pháp xử lý phù hợp theo quy định tại qui chế khen thưởng kỷ luật của Hiệp hội Ngân hàng.
Điều 17. Các cam kết cần có của khách hàng với Ngân hàng được phép khi thực hiện giao dịch
Khi cung cấp dịch vụ chuyển tiền một chiều ra nước ngoài cho người cư trú là công dân Việt Nam, ngân hàng được phép yêu cầu Khách hàng cam kết bằng văn bản (tại Phiếu chuyển tiền/văn bản cam kết riêng), bao gồm các nội dung sau:
1. Các thông tin, tài liệu, giấy tờ, chứng từ cung cấp cho Ngân hàng là đầy đủ, chính xác, hợp pháp và chịu trách nhiệm trước pháp luật, Ngân hàng về tính pháp lý, xác thực, tính toàn vẹn, đầy đủ, chính xác của các thông tin, tài liệu, giấy tờ, chứng từ đã xuất trình, cung cấp cho Ngân hàng.
2. Mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phù hợp với các mức mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài theo quy định của pháp luật.
3. Đã hoàn thành mọi nghĩa vụ tài chính liên quan đối với Nhà nước Việt Nam (nếu có) trước khi đề nghị Ngân hàng thực hiện các giao dịch mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài.
4. Không sử dụng một bộ hồ sơ giao dịch để mua, chuyển, mang ngoại tệ vượt quá số tiền ghi trên giấy tờ, chứng từ có liên quan, các mức ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài theo quy định của pháp luật tại một hoặc nhiều ngân hàng được phép.
5. Mục đích mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài là hợp pháp và tiền chuyển, mang ra nước ngoài có nguồn gốc hợp pháp theo quy định của pháp luật.
6. Mục đích giao dịch không liên quan đến các hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Các bên liên quan đến giao dịch không nằm trong danh sách đen, danh sách cấm vận, danh sách trừng phạt, danh sách cảnh báo của OFAC, EU, UN, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công An Việt Nam và các tổ chức quốc tế, cơ quan chức năng Việt Nam khác.
7. Hồ sơ chuyển tiền tuân thủ quy định hiện hành về quản lý ngoại hối, quy định phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam.
8. Thanh toán, bồi hoàn toàn bộ và đầy đủ đối với mọi nghĩa vụ tài chính dưới bất kỳ hình thức nào mà Ngân hàng được phép có thể phải thực hiện và/hoặc phải chịu liên quan đến và/hoặc phát sinh từ việc Ngân hàng thực hiện giao dịch theo yêu cầu của Khách hàng.
9. Thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu, quy định khác có liên quan của Ngân hàng nơi thực hiện giao dịch.
- Các cam kết khác theo yêu cầu của Ngân hàng được phép.
Điều 18. Tổ chức triển khai thực hiện
1. Điều khoản thi hành
a) Bộ quy tắc này có hiệu lực từ ngày 15/03/2025.
b) Trường hợp quy định pháp luật liên quan có văn bản thay thế, sửa đổi, bổ sung dẫn đến việc áp dụng quy định tại Bộ quy tắc này khác với quy định của pháp luật hiện hành, Hiệp hội Ngân hàng đầu mối phối hợp với các thành viên Hiệp hội thực hiện sửa đổi, bổ sung Bộ quy tắc. Trong thời gian chờ ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung Bộ quy tắc, các ngân hàng được phép thực hiện theo nội dung thay thế, sửa đổi, bổ sung của các văn bản pháp luật hiện hành.
2. Ngân hàng được phép có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, nhân viên để tuân thủ nghiêm túc quy định tại Bộ quy tắc. Trong quá trình thực hiện, mọi góp ý, kiến nghị được phản ánh về Hiệp hội Ngân hàng để xem xét, giải quyết.
3. Hiệp hội Ngân hàng có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tuyên truyền và theo dõi việc áp dụng và tuân thủ Bộ quy tắc này.
4. Các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải là thành viên Hiệp hội Ngân hàng có nhu cầu tham gia thực hiện Bộ quy tắc, gửi văn bản cho Hiệp hội Ngân hàng để đăng ký tham gia (theo mẫu tại Phụ lục).
TM. HỘI ĐỒNG HIỆP HỘI NGÂN HÀNG
PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)
NGUYỄN QUỐC HÙNG
==========