![Bộ quy tắc về giao dịch chuyển tiền một chiều ra nước ngoài: Mang lại lợi ích cho nhiều bên](https://s-vnba-cdn.aicms.vn/vnba-media/25/2/12/z6309751279269_abde569e897c62bede1820f0e23192aa_67ac1ae8d86ad.jpg)
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa ban hành Bộ quy tắc và thực hành thống nhất về danh mục, nguyên tắc cung cấp chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam (sau đây gọi là “Bộ quy tắc”). Bằng việc đưa ra thông lệ chung, với quy định khung thống nhất trong cách thực hiện, tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, kỳ vọng Bộ quy tắc này sẽ mang lại lợi ích cho cả khách hàng, ngân hàng và cơ quan quản lý.
Phóng viên: Giao dịch chuyển tiền quốc tế là một hoạt động phức tạp, vừa liên quan đến các quy chuẩn quốc tế, vừa phụ thuộc vào đặc thù của từng trường hợp cụ thể. Ông đánh giá như thế nào về giao dịch chuyển tiền quốc tế tại các ngân hàng hiện nay?
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhu cầu chuyển tiền ra nước ngoài càng phổ biến. Căn cứ quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối, Nghị định 70/2014/NĐ-CP, Thông tư 20/2022/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng đã giám sát chặt chẽ hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài, hạn chế các trường hợp lợi dụng chuyển tiền vượt mức quy định tại ngân hàng bằng các quy định kiểm soát giao dịch chuyển tiền thực hiện trong nội bộ của tổ chức tín dụng và kiểm soát giao dịch chuyển tiền thực hiện tại các ngân hàng khác nhau.
Tuy nhiên, dù khung khổ pháp lý đã tương đối rõ ràng và đầy đủ nhưng trong triển khai thực tế việc kiểm soát và quản lý hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài qua hệ thống ngân hàng vẫn còn nhiều thách thức và bộc lộ một số tồn tại.
Thực tế cho thấy, quy định nội bộ về giấy tờ, chứng từ chuyển tiền của mỗi ngân hàng còn khác nhau dẫn đến việc triển khai có lúc, có nơi không đồng nhất. Hoặc cùng một bộ hồ sơ chuyển tiền, ngân hàng này chấp nhận nhưng ngân hàng khác lại không chấp thuận do quy định nội bộ khác nhau giữa các ngân hàng...
Phóng viên: Nhằm xây dựng quy ước chung thống nhất đối với các tổ chức hội viên về vấn đề này, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã ban hành Bộ quy tắc và thực hành thống nhất về danh mục, nguyên tắc cung cấp chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam. Xin ông chia sẻ về quá trình xây dựng Bộ quy tắc này?
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Xuất phát từ những bất cập trong thực tiễn về việc chuyển tiền một chiều ra nước ngoài đối với người cư trú là công dân Việt Nam, ngày 24/10/2023, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có công văn số 432/HHNH-PLNV báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và đề xuất xây dựng Bộ Quy tắc và Thực hành thống nhất chuyển tiền ra nước ngoài. Ngày 10/11/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 8743/NHNN-QLNH thống nhất chủ trương và giao Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đầu mối phối hợp với các ngân hàng hội viên, Nhóm công tác ngân hàng (BWG) và các đơn vị liên quan trong Ngân hàng Nhà nước xây dựng và ban hành Bộ quy tắc.
Trên cơ sở đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã ban hành Quyết định số 87/QĐ-CQTT ngày 4/12/2023 thành lập Ban soạn thảo và Tổ giúp việc xây dựng Bộ quy tắc, với sự tham gia của lãnh đạo 7 ngân hàng lớn có kinh nghiệm về thanh toán quốc tế (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, MB, Techcombank, VPBank) và Nhóm công tác nước ngoài (BWG). Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam là Trưởng Ban soạn thảo.
Trong quá trình xây dựng Bộ quy tắc, Ban soạn thảo đã phối hợp với Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến nhiều vòng từ Đề cương chi tiết đến dự thảo Bộ quy tắc. Sau khi hoàn thiện, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã xin ý kiến Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao và một số đơn vị liên quan của Ngân hàng Nhà nước đối với dự thảo Bộ quy tắc.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của 8/8 bộ, ngành và các đơn vị liên quan của Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội tiếp thu sửa đổi cho phù hợp. Trải qua 5 lần xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung với hàng trăm ý kiến đóng góp từ các tổ chức hội viên, các tổ chức quốc tế, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có liên quan, ngày 7/2/2025, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã chính thức ban hành Bộ quy tắc này. Có thể nói quá trình xây dựng Bộ quy tắc được thực hiện rất công phu, bài bản, chặt chẽ, khoa học và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn.
Phóng viên: Thưa ông, việc ban hành Bộ quy tắc này có ý nghĩa như thế nào đối với ngân hàng, khách hàng, cũng như cơ quan quản lý?
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Bộ quy tắc hướng dẫn danh mục, nguyên tắc cung cấp chứng từ đối với giao dịch mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam cho các mục đích chuyển tiền một chiều ra nước ngoài như sau: (1) Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; (2) Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài; (3) Trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài; (4) Trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài; (5) Chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài; (6) Chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài.
Việc ban hành Bộ quy tắc sẽ giúp các ngân hàng thực hiện thống nhất với khách hàng trên phạm vi toàn quốc, qua đó giảm thiểu các rủi ro liên quan. Đồng thời, giúp cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng thuận lợi trong việc kiểm soát hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài hiệu quả hơn nữa, hạn chế tình trạng chuyển tiền bất hợp pháp, góp phần giữ ổn định thị trường ngoại hối, ổn định tỷ giá giúp thu hút nhà đầu tư.
Đối với người dân, Bộ quy tắc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu thực hiện chuyển tiền một chiều ra nước ngoài. Thay vì phải đến ngân hàng có quy định phù hợp mới thực hiện được giao dịch chuyển tiền như trước đây thì nay chỉ cần đến ngân hàng gần nhất được thực hiện nghiệp vụ chuyển tiền một chiều ra nước ngoài, khách hàng sẽ được đáp ứng các nhu cầu chuyển tiền này.
Bộ quy tắc được xây dựng theo định hướng trở thành quy định khung đối với hoạt động chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam. Đây không phải là văn bản quy định pháp luật, tuy nhiên sẽ là cơ sở để các ngân hàng thống nhất thực hiện như một thông lệ thị trường. Bộ quy tắc đề cao trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật và phòng chống rửa tiền của các ngân hàng thương mại và các cán bộ ngân hàng trong quá trình cung ứng dịch vụ chuyển tiền quốc tế cho khách hàng.
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam cũng đã có những quy định nguyên tắc và thực hành thống nhất mặc dù không phải là văn bản quy định pháp luật nhưng đã được áp dụng rộng rãi.
Phóng viên: Đâu là những điểm nhấn đáng chú ý trong Bộ quy tắc này, thưa ông?
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Trọng tâm của việc ban hành Bộ quy tắc là để đảm bảo các ngân hàng cùng thống nhất về cách hướng dẫn, cách triển khai trong giao dịch chuyển tiền một chiều ra nước ngoài trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật, nhằm phục vụ nhu cầu cần thiết của người cư trú là công dân Việt Nam; đồng thời, nâng cao hiệu quả việc thực hiện quy định về phòng chống rửa tiền.
Bên cạnh đó, Bộ quy tắc có những quy định chặt chẽ, góp phần hạn chế kẽ hở mà các cá nhân có thể lợi dụng để thực hiện các hành vi rửa tiền, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài với các phương thức như sử dụng một bộ hồ sơ, chứng từ chuyển tiền nhiều lần tại cùng hệ thống ngân hàng hay thực hiện chuyển tiền nhiều lần tại các ngân hàng khác nhau…
Trong bối cảnh nguy cơ chảy máu ngoại tệ và chúng ta đều thống nhất thực hiện nghiêm túc Luật Phòng chống rửa tiền, Bộ quy tắc góp phần tạo ra sân chơi bình đẳng, lành mạnh và đảm bảo an toàn theo đúng quy định của pháp luật.
Tôi muốn nhấn mạnh lại, Bộ quy tắc do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ban hành không phải là văn bản quy phạm pháp luật, được ban hành trong phạm vi các tổ chức hội viên, nhằm cùng thống nhất trong cách thực hiện, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, để làm sao tạo sự thuận lợi, hỗ trợ cho người dân chuyển tiền nhanh chóng nhất nhưng vẫn đảm bảo an toàn trong hoạt động nghiệp vụ.
Các ngân hàng không phải là hội viên, ngân hàng nước ngoài nếu thấy Bộ quy tắc hỗ trợ ngân hàng mình trong việc chuyển tiền một chiều ra nước ngoài, có mong muốn cùng thống nhất thực hiện thì đều có thể đăng ký với Hiệp hội Ngân hàng để tham gia và chấp hành thực hiện đúng theo các nội dung của Bộ quy tắc.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bài: Nhóm phóng viên
Ảnh: Đức Tuấn
Trình bày: Ngọc Anh - Đức Tuấn