Can thiệp sớm ngân hàng có vấn đề - Khuyến nghị của Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Tiền gửi quốc tế, phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các ngân hàng yếu kém là rất quan trọng cho sự hoạt động hiệu quả và ổn định của hệ thống bảo hiểm tiền gửi. Quá trình này giúp tổ chức bảo hiểm tiền gửi chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự cố đổ vỡ ngân hàng thông qua việc tích lũy và phân bổ tài chính, nhân lực và các nguồn lực cần thiết khác để thực hiện chi trả cho gửi tiền, hoặc thỏa thuận việc chuyển tiền gửi như một phần của giao dịch mua lại và tiếp nhận khi xảy ra sự cố. Việc can thiệp kịp thời ở giai đoạn đầu có thể làm giảm khả năng phải xử lý ngân hàng, góp phần duy trì sự ổn định hệ thống và niềm tin công chúng, bảo vệ người gửi tiền tốt hơn và giảm thiểu thiệt hại cho quỹ bảo hiểm tiền gửi.
Thông thường, Ngân hàng Trung ương sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm phát hiện sớm và can thiệp kịp thời ngân hàng yếu kém; đồng thời, vai trò của bảo hiểm tiền gửi trong quá trình này phụ thuộc vào mô hình hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi và đặc điểm từng quốc gia. Giao nhiệm vụ phát hiện sớm tổ chức bảo hiểm tiền gửi sẽ tạo cơ chế đối chiếu chéo giữa các cơ quan trong mạng an toàn tài chính, từ đó nâng cao hiệu quả giám sát hệ thống và giảm thiểu rủi ro đạo đức trong thực thi chính sách bảo hiểm tiền gửi.
Tại một số quốc gia, tổ chức bảo hiểm tiền gửi còn được trao quyền khắc phục nhanh hoặc các hình thức can thiệp khác. Mục tiêu của việc can thiệp là nhằm yêu cầu các ngân hàng khắc phục những sự cố, quản lý rủi ro và tối thiểu hóa thiệt hại cho người gửi tiền, hệ thống ngân hàng và nền kinh tế do các vụ đổ vỡ ngân hàng gây ra. Để tổ chức bảo hiểm tiền gửi tham gia hiệu quả vào việc phát hiện sớm và can thiệp, tổ chức bảo hiểm tiền gửi cần được tiếp cận kịp thời, chính xác các thông tin liên quan; có cơ chế chia sẻ thông tin và phối hợp hành động hiệu quả với các cơ quan có liên quan. Đồng thời, việc chia sẻ thông tin nên được cụ thể hóa bởi luật hoặc các thỏa thuận chính thức giữa các bên.
Thực tiễn triển khai tại Việt Nam
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các tổ chức tín dụng yếu kém, DIV hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước quá trình phát hiện sớm và can thiệp kịp thời thông qua việc giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ và tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt.
Những năm qua, DIV đã tích cực triển khai có hiệu quả hai nghiệp vụ mũi nhọn - giám sát và kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra chuyên sâu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước nhằm phát hiện và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xử lý kịp thời các vi phạm quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi, góp phần hạn chế các hành vi gian lận, trục lợi tiền bảo hiểm để bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền; cảnh báo sớm các rủi ro đe dọa an toàn trong hệ thống ngân hàng.
Đối với công tác tham gia kiểm soát đặc biệt, tại Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi (2017), ngoài việc tham gia kiểm soát đặc biệt, vai trò của DIV được nâng lên một bước khi được giao thêm nhiệm vụ trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng như: Tham gia đánh giá tính khả thi phương án phục hồi, phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; tham gia xây dựng phương án phá sản; cho vay đặc biệt; mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ; miễn phí bảo hiểm tiền gửi.
Trên diễn đàn Quốc hội khóa XV đang diễn ra, vấn đề can thiệp sớm trong dự thảo Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng là một nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Một trong những điểm đáng chú ý, dự thảo lần này làm mới quy trình can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng và trong các biện pháp hỗ trợ tại giai đoạn can thiệp sớm, trên cơ sở các biện pháp hỗ trợ trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt, dự thảo Luật bổ sung các biện pháp hỗ trợ từ tổ chức tín dụng hỗ trợ, đồng thời có sự tham gia của DIV, Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam. Đây đều là các nguồn lực được huy động từ nội tại hệ thống tổ chức tín dụng, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức tín dụng đối với việc duy trì và đảm bảo an toàn hệ thống, đồng thời giảm áp lực, chi phí cho cơ quan quản lý trong quá trình xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.
Cụ thể, đối với sự tham gia vào quy trình can thiệp sớm của DIV, để kịp thời bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, đảm bảo an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có văn bản áp dụng can thiệp sớm tối thiểu bao gồm nội dung: Tình trạng, lý do tổ chức tín dụng cần sự hỗ trợ của DIV. Tùy theo thực trạng, tính chất, mức độ rủi ro của tình trạng cần can thiệp sớm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, DIV có thể tham gia một hoặc một số các biện pháp can thiệp sớm sau đây: phối hợp xây dựng phương án chi trả tiền gửi; cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản khi tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống; và để hỗ trợ thực hiện phương án khắc phục, phương án hỗ trợ trước kiểm soát đặc biệt, phương án chuyển giao bắt buộc…
Đồng bộ nền tảng pháp lý về can thiệp sớm cho bảo hiểm tiền gửi
Tựu chung, việc bổ sung sự tham gia của DIV vào quy trình can thiệp sớm cho thấy vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong bảo đảm an toàn hệ thống, cũng như tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người gửi tiền ngày càng được đề cao.
Tuy nhiên, để tận dụng được tối đa nguồn lực của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm sửa Luật bảo hiểm tiền gửi nhằm đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng. Trong đó, định hướng rõ ràng việc sử dụng công cụ bảo hiểm tiền gửi vào quá trình can thiệp sớm thông qua việc quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; bổ sung quyền hạn cho DIV tham gia tái cơ cấu, xử lý quỹ tín dụng nhân dân yếu kém...một cách cụ thể hơn.
Về phía bảo hiểm tiền gửi, được biết việc sửa đổi Luật bảo hiểm tiền gửi cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra tại Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó xác định sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm tiền gửi sẽ bao gồm việc nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát, cảnh báo sớm; quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong việc hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với quỹ tín dụng nhân dân giai đoạn 2022 - 2025.
DIV cho biết sẽ nâng cao hiệu quả phối hợp, cung cấp thông tin với NHNN và các cơ quan có liên quan; xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu đầy đủ, đồng bộ đảm bảo nguồn thông tin đầy đủ, đáng tin cậy. Thường xuyên đánh giá thực trạng của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi để dự báo trước khả năng chi trả bảo hiểm và có kế hoạch xây dựng các nguồn thu nếu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát, cảnh báo sớm thông qua thực hiện kiểm tra chuyên sâu về tiền gửi được bảo hiểm tại 100% tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém theo kết quả giám sát; hoàn thiện các phương pháp giám sát rủi ro và bộ chỉ tiêu giám sát, chú trọng phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, để phù hợp với sự phát triển của thị trường và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ đối với giai đoạn 2025-2030.
Ứng dụng các mô hình giám sát tiên tiến nhằm đảm bảo các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tuân thủ các quy định của pháp luật về tiền gửi được bảo hiểm, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích của người gửi tiền.
Tham gia, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong quá trình kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém, nhằm đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền. Triển khai chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng; xây dựng Đề án áp dụng bổ sung các biện pháp và hình thức xử lý tổ chức tham gia bảo bảo hiểm tiền gửi yếu kém theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Cùng với đó, tăng cường hiệu quả chi trả bảo bảo hiểm tiền gửi và thanh lý tài sản nhằm đảm bảo ngăn chặn tình trạng trục lợi bảo hiểm tiền gửi, nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa tổ chức bảo hiểm tiền gửi và các cơ quan liên quan; tạo hành lang pháp lý để tổ chức bảo hiểm tiền gửi tham gia thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm tối đa hóa giá trị thu hồi.
Xây dựng kế hoạch dự phòng và diễn tập chi trả cho từng loại hình tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; xây dựng sổ tay chi trả đối với từng loại hình tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm chuẩn hóa quy trình chi trả, đa dạng hóa các hình thức chi trả, áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình chi trả nhằm rút ngắn thời gian chi trả thực tế cho người gửi tiền.
Tăng cường vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời là một nội dung dành được nhiều sự quan tâm trong nước và quốc tế thời gian qua, trong bối cảnh yêu cầu về củng cố nền tảng cho các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống cũng như bảo vệ người quyền lợi gửi tiền ngày càng được đề cao. Đây cũng là chủ đề của hội thảo quốc tế do DIV sẽ đăng cai tổ chức trong các ngày 9-10/11 tới với các chia sẻ kinh nghiệm về phát huy vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong quá trình can thiệp sớm từ các mô hình bảo hiểm tiền gửi tiên tiến thuộc Ủy ban Châu Á - Thái Bình Dương (APRC), cũng như những ý kiến của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước - Ngân hàng Nhà nước - về định hướng, áp dụng thông lệ quốc tế trong triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam thời gian tới.
Kỳ vọng, với những thông tin thu được từ hội thảo Tăng cường vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ giúp DIV đúc rút được những bài học kinh nghiệm thiết thực nhằm chuẩn bị kĩ càng về nguồn lực tài chính, nhân lực, áp dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ... Khi cơ sở pháp lý về can thiệp sớm tổ chức tín dụng yếu kém được đồng bộ - cụ thể là Dự Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi được Quốc hội thông qua, tiếp đến là sửa, bổ sung Luật bảo hiểm tiền gửi sẽ là “cú hích” giúp DIV sẵn sàng tham gia vào quá trình can thiệp sớm để bảo vệ người gửi tiền, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng ngày một tích cực, hiệu quả hơn.