Thứ năm, 29/08/2024
   

Ngân hàng nỗ lực tối ưu chi phí hoạt động

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, để có thể đồng hành, hỗ trợ cùng người dân, doanh nghiệp, các ngân hàng đang chú trọng hơn việc quản trị chi phí, tối ưu hiệu quả hoạt động. Điều này được thể hiện ở tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) ngày càng cải thiện.
“Quả ngọt” từ chuyển đổi số

Tỷ lệ CIR của ngân hàng thể hiện tổng chi phí hoạt động của ngân hàng chiếm bao nhiêu phần trăm tổng doanh thu của ngân hàng đó. CIR càng thấp thì càng cho thấy ngân hàng hoạt động hiệu quả, tốn ít chi phí để tạo doanh thu hơn. Báo cáo về ngành Ngân hàng mới đây của Khối Nghiên cứu chứng khoán VPBank (VPBankS Research) cho biết, tỷ lệ CIR của toàn ngành trong quý II/2024 ở mức 31,7% - đi ngang so với quý trước nhưng đã giảm mạnh chỉ trong 3 năm sau khi các ngân hàng đã tham gia chuyển đổi số toàn diện và cắt giảm các chi phí.

Nhìn vào báo cáo tài chính của 29 ngân hàng thì thấy có khoảng 20 ngân hàng đã có sự cải thiện về CIR trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, SHB dù có tăng nhẹ gần 2% nhưng vẫn duy trì vị thế là ngân hàng có tỷ lệ CIR thấp nhất trong ngành ở mức 22,25%. VPBank xếp vị trí thứ 2 với CIR đạt 23%, giảm 5,2 điểm % so với nửa đầu năm trước do tổng thu nhập hoạt động luỹ kế 6 tháng đầu năm ghi nhận tăng 17,5%, trong khi tổng chi phí hoạt động giảm 4,28%. Tiếp đến là VietinBank, Techcombank, LPBank, Vietcombank, MB, MSB...

Ngân hàng nỗ lực tối ưu chi phí hoạt động
Nhờ sớm chuyển đổi số mạnh mẽ, nhiều ngân hàng tiết giảm đáng kể chi phí hoạt động

Theo đại diện SHB, việc tiếp tục là ngân hàng có chỉ số CIR thấp nhất hệ thống nhờ vào đóng góp từ chuyển đổi số, tự động hóa quy trình vận hành. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về an toàn hoạt động tiếp tục được ngân hàng này củng cố, quản trị rủi ro theo Basel II và Basel III.

Một ngân hàng khác cũng có sự cải thiện hiệu quả tỷ lệ CIR đó là Nam A Bank với tỷ lệ CIR quý II về sát mốc 40% - mức thấp nhất trong 5 năm gần đây. Nhiều năm nay, Nam A Bank chuyển đổi số mạnh mẽ cũng như mở rộng quy mô hoạt động khắp các tỉnh thành trong cả nước. Mặc dù chi phí hoạt động tăng nhưng CIR cải thiện dần theo các năm.

Tại HDBank, ông Phạm Văn Đẩu - Giám đốc Tài chính HDBank cho biết, trong nửa đầu năm 2024, chi phí vốn của ngân hàng giảm đáng kể với 1,7% so với đầu năm và giảm 1,9% so với cùng kỳ. Cùng đó, tỷ lệ lãi biên (NIM) vượt kỳ vọng, đạt 5,7% so với mức 5,1% chỉ tiêu kế hoạch. Tỷ lệ CIR được giữ ở mức 34,2% dù ngân hàng đang trong giai đoạn đẩy mạnh đầu tư cho mạng lưới và công nghệ. “Những kết quả tích cực này tạo điều kiện thuận lợi để HDBank tiếp tục bình ổn lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng cùng hướng tới phát triển bền vững” - ông Phạm Văn Đẩu thông tin.

Các chuyên gia của CTCK Vietcombank (VCBS) cũng dự báo, tối ưu chi phí hoạt động là một trong những động lực chính giúp lợi nhuận ngành Ngân hàng tăng trưởng ở mức khoảng 10% trong năm 2024 bên cạnh tối ưu chi phí vốn và gia tăng thu nhập ngoài lãi. Cụ thể, về tối ưu hóa chi phí hoạt động, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường hiệu quả quản trị, tiết giảm chi phí hoạt động để duy trì lợi nhuận. Không chỉ vậy, việc tiết giảm chi phí hoạt động cũng là động lực và giải pháp để các nhà băng tính toán việc giảm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.

Vì sao CIR ở nhiều ngân hàng tăng?

Tuy có sự cải thiện tích cực ở nhiều nhà băng, nhưng ở chiều ngược lại, các ngân hàng như VIB, OCB, ABBank, PGBank và Sacombank... đều có CIR tăng lên trong nửa đầu năm. Trong đó, Saigonbank ghi nhận CIR tăng lên ở mức hai con số đến 10,3%.

Lý giải về nguyên nhân CIR không đồng đều ở các ngân hàng, chuyên gia của VCBS nhận định, chi phí đầu tư cho công nghệ của một số ngân hàng vẫn đang trong chu kỳ tăng mạnh nhằm tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng các quy định mới chặt chẽ hơn về an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Ngoài ra, một số lo ngại khác cũng gây ảnh hưởng đến tối ưu chi phí của các ngân hàng, đó là thu nhập ngoài lãi của không ít ngân hàng giảm sút, nhất là thu nhập từ bán chéo bảo hiểm. Hơn nữa, mới đây, NHNN đã ban hành thông tư bổ sung thư tín dụng (L/C) vào hoạt động tín dụng, không hạch toán vào phí dịch vụ nên cũng gây giảm thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, theo VPBankS Research, các ngân hàng nhìn chung đều giảm mức độ tăng chi phí hoạt động so với mức độ tăng của tổng thu nhập hoạt động để kìm hãm đà tăng của CIR nhưng vẫn cần duy trì một mức độ vừa phải để làm động lực cho nhân viên ngân hàng thúc đẩy dư nợ, nên kỳ vọng CIR ngành Ngân hàng sẽ đi ngang trong nửa cuối năm 2024.

Là ngân hàng có CIR tăng trong 6 tháng đầu năm khiến tổng lợi nhuận của giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2023, lãnh đạo OCB cho biết: “Doanh nghiệp và người dân hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc ngân hàng trên toàn hệ thống phải đối mặt với vấn đề nợ xấu cao. Chính vì vậy, để tăng bộ đệm, đảm bảo hoạt động của ngân hàng trước thực trạng thị trường có nhiều biến số khó lường, OCB đã tiến hành tăng chi phí dự phòng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung mở rộng mạng lưới, phát triển nguồn nhân lực và hệ thống công nghệ. Điều này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng trong giai đoạn hiện tại nhưng sẽ là nền tảng lâu dài cho việc phát triển bền vững của ngân hàng”.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay