Thứ tư, 22/01/2025
   

Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Tăng tính an toàn cho các TCTD

Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua có nhiều thay đổi quan trọng, được kỳ vọng góp phần giúp hoạt động của các TCTD an toàn, phát triển lành mạnh và bền vững thời gian tới.
tín dụng
Luật Các TCTD (sửa đổi) góp phần kiến tạo cho một số hoạt động mới phù hợp xu thế chuyển đổi số
Tăng khả năng tiếp cận vốn và dịch vụ tài chính

Đánh giá chung, Nhóm tác giả cho rằng Luật đã giải quyết về cơ bản các khó khăn, vướng mắc hiện tại, kiến tạo cho một số hoạt động mới và đồng bộ hóa với các bộ luật khác đã có hay vừa ban hành.

Theo đó, các quy định sửa đổi lần này theo hướng chặt chẽ, thận trọng và bao trùm hơn, vừa góp phần khắc phục những bất cập, vướng mắc hiện tại (như sở hữu chéo, thao túng hoạt động ngân hàng, luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu…); vừa kiến tạo phát triển một số hoạt động mới (như ngân hàng số, giao dịch điện tử, ngân hàng đại lý…).

Bên cạnh đó, cùng với việc Quốc hội vừa thông qua một loạt dự án luật quan trọng (Luật Giao dịch điện tử, Luật Giá, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi…), Luật sẽ góp phần đồng bộ hóa, nhất quán hóa thể chế kinh tế.

Một trong những tác động cụ thể của Luật là nhiều quy định về hoạt động của các TCTD đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng hỗ trợ việc tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, các khoản vay nhỏ không cần yêu cầu phải có phương án sử dụng vốn khả thi từ khách hàng như hiện nay; cho phép cấp dịch vụ bao thanh toán miễn truy đòi (hiện nay chỉ có dạng “có truy đòi”); NHTM được dùng đại lý thanh toán… Những thay đổi này sẽ giúp đa dạng hóa hoạt động của các TCTD, qua đó tăng khả năng tiếp cận vốn và dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp.

Luật cũng góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của ngân hàng chính sách, hoạt động của các TCTD phi ngân hàng (TCTD là hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, công ty tài chính, cho thuê tài chính…). Những thay đổi này được kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi, qua đó thúc đẩy sự phát triển toàn diện của thị trường tài chính, giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống NHTM, giúp thị trường tài chính phát triển bền vững hơn.

Khâu thực thi rất quan trọng

Các quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông và một nhóm cổ đông liên quan tại một TCTD được thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn. Cụ thể, một tổ chức không sở hữu vượt quá 10% (hiện nay đang là 15%) và một nhóm cổ đông liên quan không sở hữu vượt quá 15% (hiện nay đang là 20%) vốn điều lệ của một TCTD.

Cùng với đó, quy định về người có liên quan cũng được làm rõ và rộng hơn đáng kể so với quy định hiện nay, đặc biệt với bên có liên quan là cá nhân. Quy định này góp phần hạn chế khả năng một nhóm cổ đông sở hữu đa số cổ phần, từ đó góp phần giảm sở hữu chéo, thao túng hoạt động của TCTD.

Bên cạnh đó, Luật cũng đưa ra quy định chuyển tiếp đối với nội dung này (những cổ đông có tỷ lệ sở hữu cao hơn giới hạn cho phép, trước khi Luật có hiệu lực) vẫn sẽ được giữ nguyên (không phải bán ra cổ phần), nhưng sẽ không được phép tham gia vào các đợt phát hành cổ phần mới của ngân hàng để đảm bảo tỷ lệ sở hữu hiện tại sẽ giảm dần về giới hạn theo lộ trình đến năm 2029, qua đó đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của các cổ đông hiện hữu.

Tuy nhiên theo nhóm Nghiên cứu, tính hiệu lực, hiệu quả của quy định này còn phụ thuộc nhiều vào khâu thực thi sau này, nhất là việc tuân thủ công bố thông tin, đảm bảo thực chất, công khai, minh bạch và kịp thời…

Nhóm Nghiên cứu cũng đánh giá cao về quy định giới hạn cấp tín dụng cho một và một nhóm khách hàng được điều chỉnh giảm dần (tại Điều 136), từ mức 15% (với một khách hàng) và 25% (với một nhóm khách hàng liên quan) vốn tự có của TCTD hiện nay xuống còn 10% và 15% theo lộ trình đến đầu năm 2029. Với TCTD phi ngân hàng, tỷ lệ này giảm từ 25% và 50% vốn tự có xuống còn 15% và 25% đến năm 2029. Thay đổi này sẽ giúp giảm rủi ro tập trung tín dụng cho các TCTD.

Tuy nhiên, quy định này cũng có thể gây ra một số khó khăn về tiếp cận vốn đối với một số doanh nghiệp lớn có nhu cầu vay vốn nhiều (dù đã có lộ trình như trên). Do đó để giảm thiểu khó khăn này, đòi hỏi phát triển cân bằng hơn thị trường tài chính, nhất là thị trường cổ phiếu và trái phiếu để doanh nghiệp có thể huy động vốn trung - dài hạn nhiều hơn từ kênh này, giảm phụ thuộc quá nhiều vào TCTD như hiện nay.

Luật sửa đổi cũng bổ sung quy định nhằm tăng tính công khai, minh bạch nhiều hơn (Điều 49). Theo đó, các cá nhân giữ chức vụ quan trọng trong TCTD phải cung cấp các thông tin về người và doanh nghiệp có liên quan. Tương tự, các cổ đông nắm giữ trên 1% vốn điều lệ trở lên cũng cần cung cấp thông tin có liên quan.

Ngoài ra, danh sách các cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của TCTD sẽ được công bố công khai. Nhóm Nghiên cứu nhấn mạnh, điều này được kỳ vọng làm tăng tính minh bạch và giám sát đại chúng đối với các TCTD (kể cả các TCTD chưa niêm yết), góp phần làm giảm tình trạng sở hữu chéo, theo túng TCTD. Tuy nhiên giống như trên, tính hiệu lực, hiệu quả của quy định này còn phụ thuộc nhiều vào khâu thực thi sau này, nhất là việc tuân thủ công bố thông tin một cách thực chất, minh bạch và kịp thời.

Luật Các TCTD sửa đổi góp phần kiến tạo cho một số hoạt động mới phù hợp xu thế chuyển đổi số như cho phép cho vay trực tuyến, giao dịch điện tử, cơ chế thử nghiệm (Sandbox) đối với Fintech trong lĩnh vực ngân hàng… Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng, trong các hướng dẫn thực hiện chi tiết tới đây, cần tạo cơ chế phù hợp, vừa kiến tạo phát triển song vẫn kiểm soát được rủi ro đối với những hoạt động mới này. Đồng thời, sau này cần tính đến cả các quy định đối với ngân hàng số thuần túy (số hóa 100%, dạng không trụ sở, không giấy tờ…) như một số quốc gia Đông Nam Á đã cho phép triển khai.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay