Thứ năm, 08/05/2025
   

Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Hành trình không ngừng đổi mới

Là huyết mạch của nền kinh tế, ngành Ngân hàng giữ vai trò tiên phong trong hành trình chuyển đổi số, không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, mà còn đóng góp vào mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Hành trình ấy là sự tiếp nối của quá khứ, hiện tại và tương lai, là “cuộc cách mạng” về tư duy và cách thức hoạt động.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian hàng triển lãm chuyển đổi số ngành Ngân hàng
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian hàng triển lãm chuyển đổi số ngành Ngân hàng
Mở ra cánh cửa lớn

Trong căn nhà giản dị nằm nép mình giữa sự hối hả của Thủ đô, ông Tạ Quang Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ tin học ngân hàng, Trưởng Ban quản lý dự án “Hiện đại hóa ngân hàng và hệ thống thanh toán”, một trong 10 giám đốc công nghệ thông tin (CIO) xuất sắc nhất Đông Dương - vẫn vẹn nguyên cảm xúc bồi hồi, xúc động khi nhắc đến hành trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng. Ông kể, những năm 1970-1980, đất nước còn đang chiến tranh, lãnh đạo ngành Ngân hàng đã rất tích cực đưa công nghệ thông tin vào hoạt động, nhưng nguồn vốn đầu tư rất eo hẹp; nền tảng cơ sở pháp lý về công nghệ thông tin và giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng nói riêng cũng như toàn quốc chưa có; lực lượng lao động về kỹ thuật công nghệ chưa nhiều. Lúc bấy giờ, các ngân hàng thanh toán với nhau phần lớn bằng thủ công, có khi một khoản thanh toán từ tỉnh này đến tỉnh kia phải mất nửa tháng, trong thành phố phải 3-4 ngày mới đến nơi; ngân hàng thiếu tiền mặt nghiêm trọng, lạm phát có lúc lên đến gần 3 con số, lãi suất ngân hàng tăng cao.

Tuy nhiên, một cuộc họp vào chiều muộn ngày cuối năm 1994 về việc Ngân hàng Thế giới (WB) muốn tài trợ cho Việt Nam khoản vay khoảng 30 triệu USD để xây dựng hệ thống thanh toán đã thay đổi hoàn toàn cục diện này.

“Vạn sự khởi đầu nan” là những gì ông Tạ Quang Tiến nhớ về quá trình tham gia hiện đại hóa hệ thống thanh toán liên ngân hàng, bởi dự án có hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao, trong khi cơ sở hạ tầng viễn thông của Việt Nam còn rất yếu, thiếu cơ sở pháp lý, công tác đấu thầu gặp nhiều khó khăn, kéo dài thời gian triển khai… Nhưng với quyết tâm cao của các cán bộ được phân công thực hiện, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo NHNN lúc đó, dự án đã hoàn thành một cách ngoạn mục sau 7 năm thực hiện.

“Đến nay, dự án đang phát huy hiệu quả, ngày càng được nâng cấp hoàn thiện, cải tiến công nghệ tốt hơn, phục vụ đắc lực cho hoạt động của ngành Ngân hàng nói riêng và đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung”, ông Tạ Quang Tiến tự hào kể.

Sau những bước đi đầu tiên đầy gian nan, đến nay, có thể khẳng định, ngành Ngân hàng là một trong những bộ, ngành đi đầu trong chuyển đổi số. Phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số vẫn luôn là động lực then chốt giúp ngành Ngân hàng tăng tốc bền vững, nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần đưa Việt Nam phát triển đột phá trong kỷ nguyên số.

Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Hành trình không ngừng  đổi mới
Từ mục tiêu đến những con số biết nói

Là người dành trọn tâm huyết cho quá trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, chuyển đổi số hiểu một cách “đơn giản và nôm na nhất” chính là làm thế nào để người dân thực hiện được tất cả các dịch vụ ngân hàng trên chiếc điện thoại di động. Trên cơ sở đó, NHNN đã chủ động xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho thanh toán không dùng tiền mặt gắn với đảm bảo an ninh, an toàn; thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử nghiên cứu, phát triển và cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện lợi, đem lại nhiều lợi ích, giá trị cho khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Qua đó, góp phần tích cực thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Đồng thời, các ngân hàng được khuyến khích nghiên cứu, đầu tư vào hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt nói chung, thanh toán thẻ nói riêng, từ đó cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán tiện ích, an toàn bảo mật, nâng cao trải nghiệm người dùng, đem lại lợi ích lớn và thiết thực cho khách hàng.

“Nhờ vậy, ngành Ngân hàng có mức độ sẵn sàng cao, nằm trong số các ngành ưu tiên chuyển đổi số. NHNN luôn nằm trong top đầu các bộ, ngành về chuyển đổi số theo Bộ Chỉ số đánh giá chuyển đổi số; liên tục nhiều năm nằm trong số các bộ, ngành dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính; tăng trưởng thanh toán số tại Việt Nam đạt được mức tăng trưởng ấn tượng”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng khẳng định.

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, tính đến đầu năm 2025, số lượng tài khoản thanh toán cá nhân tại Việt Nam đạt hơn 200 triệu. Ngành Ngân hàng Việt Nam đã đạt được những bước tiến nhanh và mạnh trong chuyển đổi số. Tính đến đầu năm 2025, tại nhiều tổ chức tín dụng, hơn 90% giao dịch tài chính được thực hiện qua các kênh số, phản ánh nỗ lực lớn và thành công của toàn Ngành với phương châm lấy khách hàng làm trọng tâm, cung cấp trải nghiệm vượt trội và đem đến lợi ích thiết thực cho người dùng dịch vụ. Phần lớn ngân hàng đã kết nối và khai thác hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, triển khai định danh khách hàng qua căn cước công dân gắn chip. Tăng trưởng giao dịch qua Internet, thiết bị di động và mã QR lần lượt đạt 35%, 33% và 66% so với cùng kỳ năm 2024.

“Những con số này không chỉ minh chứng cho tốc độ chuyển đổi số, mà còn là sự phổ cập tài chính, giúp hàng chục triệu người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa, tiếp cận các dịch vụ tài chính tiện ích, hiện đại”, ông Lê Anh Dũng khẳng định.

Biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của ngành Ngân hàng và các tổ chức tín dụng, trong một sự kiện của ngành Ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, NHNN đã nhận thức cao và chỉ đạo quyết liệt công tác chuyển đổi số nhằm chuyển đổi hầu hết hoạt động quản lý nhà nước về ngân hàng, dịch vụ tín dụng sang môi trường số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, hành lang pháp lý về chuyển đổi số ngành Ngân hàng dần hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các dịch vụ không dùng tiền mặt đã được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước với số lượng người dùng, giá trị thanh toán ngày càng tăng; Tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06 và đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp; Tích cực triển khai cung cấp dịch vụ công ngành Ngân hàng trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Đề án 06; Đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân.

Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Hành trình không ngừng  đổi mới
Vượt qua thách thức

Bên cạnh những kết quả tích cực, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ cũng tạo ra nhiều thách thức lớn cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ, một trong số đó chính là việc phải có hệ thống hạ tầng và giải pháp công nghệ đủ tốt để đảm bảo lợi thế cạnh tranh so với các ngân hàng bạn, cũng như với các công ty fintech hay các nền tảng kinh doanh trực tuyến khác, khi mà khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng của các đối thủ cạnh tranh đều rất mạnh mẽ. Chưa kể, những thay đổi nhanh chóng trong sở thích, thói quen của khách hàng cũng đặt ra nhiệm vụ không nhỏ cho ngân hàng khi luôn phải tìm tòi, nghiên cứu, đổi mới sản phẩm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và phong phú. Cuối cùng, việc duy trì và nâng cao sự nhất quán và đồng bộ trong trải nghiệm khách hàng trên tất cả các kênh giao dịch cũng là một yêu cầu quan trọng.

Cùng với đó, ngành Ngân hàng Việt Nam còn đứng trước một số thách thức trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) của Hội đồng Chuẩn mực Kế toán quốc tế (IASB). Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ mới như Biometric, AI/Deep Learning, Machine Learning trong các ứng dụng thực tiễn của ngân hàng cũng là xu hướng tất yếu để đạt được mục tiêu gia tăng trải nghiệm khách hàng, giảm chi phí, số hóa dịch vụ để mở rộng thị trường. Hiện nay, các sản phẩm ngân hàng số hầu như chưa có sự khác biệt rõ rệt. Để cải thiện điều này, cần phải áp dụng và cải tiến hoạt động ngân hàng số nhiều hơn nữa, từ xây dựng, nâng cấp hạ tầng đến việc ứng dụng các giải pháp mới từ các đơn vị cung cấp giải pháp. Tuy nhiên, nền tảng nghiệp vụ vẫn là căn bản, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để chuyển đổi số ngân hàng phát huy hiệu quả cao hơn, đại diện Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho rằng, cần ban hành quy định cụ thể về bảo mật dữ liệu ngân hàng, đảm bảo tiêu chuẩn an ninh mạng và quy trình quản lý rủi ro. Hệ thống pháp lý cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Các ngân hàng cần chịu trách nhiệm rõ ràng khi xảy ra vi phạm bảo mật và có chế tài nghiêm khắc cho những trường hợp không tuân thủ. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế bảo vệ quyền lợi người dùng, thiết lập quy trình giải quyết tranh chấp và quy định về bảo vệ quyền riêng tư. Tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý và hợp tác quốc tế là yếu tố quan trọng để đối phó với tội phạm công nghệ cao...

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cần nhận diện các rủi ro, từ đó cập nhật chính sách bảo mật thường xuyên để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, góp phần nâng cao uy tín và phát triển bền vững cho ngân hàng trong bối cảnh an ninh mạng ngày càng phức tạp. Các cơ quan chức năng cần triển khai hiệu quả hơn việc đối phó với các cách thức, thủ đoạn của tội phạm trong hoạt động ngân hàng điện tử, từ đó đề xuất các giải pháp đảm bảo an ninh và bảo mật.

Nối tiếp những thành công

2025 được xem là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặt ra mục tiêu cho năm 2025 là tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát (bình quân khoảng 4,5%), bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung cao độ cho việc bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; cải cách, tinh gọn bộ máy, thủ tục hành chính; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số... đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu đổi mới sáng tạo, tạo đột phá phát triển đất nước trong tình hình mới, hướng tới kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Ngân hàng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khách hàng, kết nối với dữ liệu dân cư để thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Việc phối hợp với Bộ Công an sẽ giúp khai thác hiệu quả thông tin căn cước công dân gắn chip, VNeID, nâng cao tính an toàn và tiện lợi trong cung ứng dịch vụ ngân hàng. Ngành Ngân hàng cần mở rộng liên thông dữ liệu với các bộ, ngành, ứng dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) để phát triển dịch vụ hiện đại, bảo mật thông tin khách hàng. Đồng thời, chú trọng đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao, học hỏi kinh nghiệm quốc tế để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc đảm bảo an ninh, phòng chống tội phạm công nghệ cao là nhiệm vụ cấp bách. Ngành Ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, các cơ quan quản lý trong kiểm soát rủi ro, giám sát, ngăn chặn tội phạm tài chính; tăng cường công tác tuyên truyền, giúp người dân và doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích của chuyển đổi số, từ đó thúc đẩy sự tham gia tích cực vào hệ sinh thái tài chính số.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đề xuất, trong thời gian tới, quá trình chuyển đổi số trong ngành tài chính - ngân hàng sẽ tiếp tục được tăng tốc và tập trung vào những nhiệm vụ chính: tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng; khuyến khích ứng dụng công nghệ số như AI và blockchain; phát triển ngân hàng mở, giao dịch điện tử, bảo mật và an ninh trên Internet; cũng như thử nghiệm fintech qua sandbox. Ngoài ra, cần triển khai tiêu chuẩn hóa dữ liệu và kỹ thuật để kết nối và chia sẻ dữ liệu trong và ngoài ngành Ngân hàng, cùng với các nghiên cứu về tiền kỹ thuật số.

Song song với đó là phát triển hạ tầng số, hiện đại hóa hệ thống thanh toán và tăng cường khả năng kết nối liên thông, bao gồm nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) và mở rộng hạ tầng cho thanh toán bán lẻ với các phương thức thanh toán mới như QR, ví điện tử và thanh toán di động. Đồng thời, mở rộng hạ tầng xử lý dữ liệu và nâng cấp cổng thông tin tín dụng nhằm hỗ trợ quản trị rủi ro. Phát triển và khai thác dữ liệu số của NHNN và các tổ chức tín dụng một cách hiệu quả theo mô hình dữ liệu lớn, đồng thời đẩy mạnh việc thu thập và làm sạch dữ liệu. Phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có kiến thức và trình độ sử dụng công nghệ thông tin và kỹ năng về chuyển đổi số…

Đề ra một số định hướng trong quá trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng trong thời gian tới, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, NHNN sẽ rà soát, đánh giá kết quả, thúc đẩy triển khai Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng để sớm đạt được mục tiêu; Tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật thúc đẩy chuyển đổi số ngành Ngân hàng; Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai có hiệu quả Đề án 06; Tăng cường nguồn lực cho chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tiện ích với chi phí hợp lý cho người dân và doanh nghiệp; Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ngân hàng trên kênh số một cách an toàn, hiệu quả.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay