Trong thời gian gần đây, tình hình kinh tế - tài chính thế giới nói chung đang có nhiều thay đổi. Xu thế toàn cầu hóa, áp dụng công nghệ cao, tài chính toàn diện, đến việc nghiên cứu kinh nghiệm xử lý khủng hoảng trong quá khứ, chu kỳ khủng hoảng, thiên tai dịch bệnh,... là những yếu tố thúc đẩy các chính phủ tăng cường xây dựng và củng cố khuôn khổ về dự phòng và quản lý khủng hoảng tài chính.
Bên cạnh đó, các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong mạng an toàn tài chính và trong khuôn khổ dự phòng và quản lý khủng hoảng tầm quốc gia. Bản thân các tổ chức bảo hiểm tiền gửi cũng nỗ lực cải tổ năng lực, lập kế hoạch dự phòng và quản lý khủng hoảng của riêng tổ chức nhằm ứng phó với những diễn biến khủng hoảng trong tương lai.
Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả do Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI) ban hành cũng nêu rõ vai trò và trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong việc lập kế hoạch dự phòng và quản lý khủng hoảng (Nguyên tắc số 6). Theo đó, tổ chức bảo hiểm tiền gửi cần có sẵn các chính sách và quy trình lập kế hoạch dự phòng và quản lý khủng hoảng hiệu quả, nhằm đảm bảo khả năng phản ứng hiệu quả trước rủi ro hoặc thực tế xảy ra đổ vỡ ngân hàng cũng như các sự kiện khác. Việc lập kế hoạch dự phòng và quản lý khủng hoảng hệ thống là trách nhiệm chung của tất cả thành viên của mạng an toàn tài chính. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi cần là thành viên của tất cả khuôn khổ trao đổi thông tin và phối hợp thường xuyên giữa các thành viên mạng an toàn tài chính trong vấn đề ứng phó và quản lý khủng hoảng. Tùy thuộc vào khuôn khổ thể chế và quy định pháp lý tại mỗi quốc gia, các chính sách và quy trình có thể khác nhau.
Tại Việt Nam, việc xây dựng chính sách và quy trình lập kế hoạch dự phòng rủi ro và quản lý khủng hoảng của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là rất cần thiết để có thể chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi các biến cố bất ngờ xảy ra.
Vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong lập kế hoạch dự phòng và quản lý khủng hoảng
Theo IADI, tổ chức bảo hiểm tiền gửi cần phải có sẵn các chính sách, quy trình lập kế hoạch dự phòng và quản lý khủng hoảng hiệu quả; đồng thời cần chuẩn bị các kế hoạch dự phòng và kiểm tra các kế hoạch này theo các kịch bản khủng hoảng khác nhau. Điển hình, tại Hàn Quốc, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi (KDIC) xây dựng một kế hoạch dự phòng bao gồm 4 kịch bản/mức độ khủng hoảng khác nhau và các hành động cụ thể tương ứng theo từng mức độ. Việc xác định mức độ khủng hoảng dựa vào việc đánh giá các dữ liệu từ Ủy ban dịch vụ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, các điều kiện thị trường tài chính và nguy cơ đổ vỡ ngân hàng.
Các mức độ khủng hoảng tại Kế hoạch dự phòng của KDIC
Nguồn: KDIC cung cấp thông tin cho khảo sát của IADI
Theo kết quả khảo sát của IADI phục vụ nghiên cứu Vai trò của các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong việc lập kế hoạch dự phòng khủng hoảng, có 36/61 tổ chức bảo hiểm tiền gửi (khoảng 60%) tham gia vào việc lập kế hoạch. Trong đó, có 4 tổ chức hoạt động theo mô hình chi trả, 14 tổ chức bảo hiểm tiền gửi có hoạt động theo mô hình chi trả mở rộng, 10 tổ chức bảo hiểm tiền gửi hoạt động theo mô hình giảm thiểu tổn thất và 8 tổ chức hoạt động theo mô hình giảm thiểu rủi ro. Do đó, không có khuôn khổ kế hoạch dự phòng nào áp dụng thống nhất cho tất cả các tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Phạm vi và các lĩnh vực của các kế hoạch dự phòng có thể thay đổi tùy thuộc vào chức năng/nhiệm vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, các lĩnh vực của kế hoạch dự phòng bao gồm Kế hoạch duy trì hoạt động liên tục, kế hoạch đảm bảo tài chính, kế hoạch chi trả, kế hoạch truyền thông, kế hoạch phục hồi và xử lý….
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có thể đóng vai trò như thế nào trong lập kế hoạch dự phòng và quản lý khủng hoảng
Theo thông lệ và kinh nghiệm quốc tế, các tổ chức bảo hiểm tiền gửi, trong đó có tổ chức bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam cần luôn chuẩn bị sẵn sàng đối phó và quản trị khủng hoảng.
Kế hoạch dự phòng và quản lý khủng hoảng cần được xây dựng một cách toàn diện trong mối quan hệ với các cơ quan khác của mạng an toàn tài chính. Cụ thể, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có thể nghiên cứu xây dựng kế hoạch dự phòng và quản lý khủng hoảng theo 3 mức độ/ kịch bản khác nhau, bao gồm Mức độ Cảnh báo, Mức độ Có dấu hiệu khủng hoảng, Mức độ Khủng hoảng bùng nổ. Các tiêu chí xác định các mức độ khủng hoảng thể hiện trong bảng sau:
Đề xuất các tiêu chí xác định mức độ khủng hoảng
Kế hoạch dự phòng và quản lý khủng hoảng của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần thiết lập rõ ràng các hành động, nhiệm vụ cụ thể của các phòng, ban, Chi nhánh tùy theo từng mức độ khủng hoảng. Từ đó có sự chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi có sự kiện khủng hoảng xảy ra. Để có thể thực hiện tốt kế hoạch đã xây dựng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng cần cân nhắc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đảm bảo thực hiện kế hoạch dự phòng hiệu quả khi khủng hoảng xảy ra.
Thứ nhất, cần tăng cường khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện để Bảo hiểm tiền gửiViệt Nam tham gia lập kế hoạch dự phòng và quản lý khủng hoảng hiệu quả, bao gồm: (i) bổ sung quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản pháp lý liên quan về việc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được vay khẩn cấp từ NHNN trong trường hợp Quỹ Dự phòng nghiệp vụ không đủ chi trả; bổ sung hướng dẫn chi tiết về quy trình và thủ tục vay khẩn cấp từ NHNN; (ii) bổ sung cơ chế thay đổi hạn mức trong khủng hoảng theo quy trình rút gọn bởi trong giai đoạn khủng hoảng, để ứng phó với tình huống bất ngờ và nâng cao niềm tin công chúng, việc thay đổi hạn mức trong khủng hoảng không thể thực hiện theo quy trình thông thường mà cần được thực hiện một cách nhanh nhất có thể; (iii) bổ sung quy định về việc trong trường hợp cần chi trả bảo hiểm tiền gửi mà Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam không tìm được đối tác mua TPCP thì NHNN hoặc Bộ Tài chính sẽ thực hiện mua TPCP của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; (iv) bổ sung thêm biện pháp nâng cao năng lực tài chính để hoàn trả các khoản vay trong giai đoạn khủng hoảng như: cơ chế áp dụng phí đặc biệt sau khủng hoảng khi tình hình kinh tế ổn định.
Thứ hai, cần chuẩn bị sẵn các kế hoạch trong giai đoạn bình thường như kế hoạch đảm bảo tài chính, kế hoạch truyền thông và kế hoạch chi trả. Trong đó, kế hoạch đảm bảo tài chính bao gồm các nội dung như: xây dựng sẵn quy trình bán TPCP rút gọn sử dụng trong trường hợp thiếu hụt thanh khoản để chi trả; và xây dựng sẵn quy trình vay khẩn cấp từ NHNN sử dụng trong trường hợp Quỹ Dự phòng nghiệp vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam không đủ để chi trả. Đối với kế hoạch truyền thông, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần xây dựng sẵn thông điệp truyền thông phù hợp trong từng giai đoạn và thông điệp cần nhất quán và tập trung với thông điệp của các cơ quan trong mạng an toàn tài chính; xây dựng sẵn một trang web ẩn và một đường dây nóng với khả năng xử lý một số lượng lớn các cuộc gọi; thiết kế các phân đoạn của quá trình truyền thông, lên kịch bản đối với các diễn biến khác nhau trong quá trình truyền thông.
Thứ ba, cần thực hiện mô phỏng khủng hoảng định kỳ hàng năm và khi có dấu hiệu cảnh báo. Việc thực hiện mô phỏng là rất quan trọng để tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể đánh giá được khả năng chống đỡ trước những rủi ro bất thường của hệ thống ngân hàng, từ đó xác định được những vấn đề, khó khăn cần cải thiện và khắc phục.
Thứ tư, để thực hiện tốt vai trò của mình, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực bao gồm nguồn lực về tài chính, về nguồn nhân lực và về cơ sở hạ tầng công nghệ để tham gia hiệu quả vào việc quản lý khủng hoảng.
Theo DIV
Tài liệu tham khảo:
Bộ nguyên tắc phát triển BHTG hiệu quả - IADI (2014)
Hướng dẫn “Vai trò của tổ chức BHTG trong lập kế hoạch dự phòng và quản lý khủng hoảng” - IADI (2019)
Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài “Lập kế hoạch dự phòng và quản lý khủng hoảng hệ thống tại Việt Nam - Vai trò của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi” (2020)