Sự kiện thu hút sự tham gia đông đảo của các giám đốc công nghệ và kinh doanh từ các tổ chức: Ngân hàng, bảo hiểm và tài chính vi mô hàng đầu trên cả nước.

TS.Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Phát biểu khai mạc hội nghị, TS.Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" theo đó Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, vì vậy hầu hết các ngân hàng thương mại đều xây dựng chiến lược chuyển đổi số và phát triển dịch vụ ứng dụng trên môi trường điện tử, gia tăng trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ ngành ngân hàng đến người tiêu dùng, góp phần không nhỏ vào thành quả chuyển đổi số quốc gia nói chung và ngành ngân hàng nói riêng trên một số mặt.
Thứ nhất, Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt gia tăng cả về số lượng và giá trị đồng thời góp phần thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đã đạt 87%, vượt mục tiêu 80% vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt trung bình hàng năm đạt hơn 50%; Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đạt 7,83 tỷ giao dịch, với giá trị đạt 134,9 triệu tỷ đồng (tăng 58,23% về số lượng và 35,01% về giá trị); qua kênh Internet tăng 51,15% về số lượng và 33,94% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 55,54% về số lượng và 34,91% về giá trị, giao dịch qua QR Code tăng 106,91% về số lượng và 109,67% về giá trị; qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 7,00% về số lượng và 33,77% về giá trị; Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 31,60% về số lượng và 16,48% về giá trị; Theo NHNN, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt hiện gấp 23 lần GDP, ước tính khoảng 250 triệu tỷ đồng. Trước đó, theo đề án phát triển đến năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP. Như vậy, quy mô hiện nay đạt khoảng 90% kế hoạch.
Hầu hết các ngân hàng thương mại đều xây dựng chiến lược chuyển đổi số và phát triển dịch vụ ứng dụng trên môi trường điện tử, gia tăng trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ ngành ngân hàng đến người tiêu dùng
---------------
TS.Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Thứ hai, thông qua chuyển đổi số, các ngân hàng cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ thiết thực, tăng tính trải nghiệm cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thực hiện thành công đề án 06 của chính phủ. Những công nghệ hiện đại như xác thực sinh trắc học, thanh toán một chạm qua mã QR đã được áp dụng. Ngoài ra, công nghệ dữ liệu lớn (big data) và thực tế ảo (virtual reality) cũng được áp dụng trong hoạt động cho vay và cấp tín dụng cho cá nhân và doanh nghiệp, giúp kết nối thanh toán trực tuyến cho nhiều loại phí, thuế và dịch vụ. Bên cạnh đó, Các ngân hàng hiện đang tích cực ứng dụng AI trong 2 lĩnh vực chính, đó là (i) Quản trị và phân tích dữ liệu phục vụ cho công tác dự báo và điều hành kinh doanh và (ii) Phát hiện những rủi ro gian lận và rửa tiền phục vụ công tác quản trị rủi ro và tuân thủ. Một lĩnh vực nữa cũng đang được ứng dụng AI, đó là Quản trị rủi ro tín dụng, nhưng chủ yếu đó là trên thị trường Fintech và Ngân hàng số.
Thứ ba, Đẩy mạnh khai thác, phát triển dịch vụ công trực tuyến, tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia một cách có hiệu quả: Hơn 90% hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ trực tuyến, với gần 14,6 triệu tài khoản và 46,2 triệu hồ sơ nộp qua Cổng dịch vụ công quốc gia, thực hiện gần 26,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến, tổng số tiền lên tới hơn 12,9 nghìn tỷ đồng.
TS Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, trong thời gian tới, quá trình chuyển đổi số trong ngành Tài chính ngân hàng sẽ tiếp tục được tăng tốc và tập trung vào những nhiệm vụ chính sau:
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, khuyến khích ứng dụng công nghệ số như AI và blockchain, phát triển ngân hàng mở, giao dịch điện tử, bảo mật và an ninh trên Internet, cũng như thử nghiệm Fintech qua sandbox. Ngoài ra, cần triển khai tiêu chuẩn hóa dữ liệu và kỹ thuật để kết nối và chia sẻ dữ liệu trong và ngoài ngành ngân hàng, cùng với nghiên cứu tiền kỹ thuật số.
Phát triển hạ tầng số bằng cách hiện đại hóa hệ thống thanh toán và tăng cường khả năng kết nối liên thông, bao gồm nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) và mở rộng hạ tầng cho thanh toán bán lẻ với các phương thức thanh toán mới như QR, ví điện tử và thanh toán di động. Đồng thời mở rộng hạ tầng xử lý dữ liệu và nâng cấp cổng thông tin tín dụng nhằm hỗ trợ quản trị rủi ro.
Ngoài ra các NHTM sẽ triển khai: (i) Hình thành và phát triển mô hình ngân hàng số tại các tổ chức tín dụng; (ii) Phát triển và khai thác dữ liệu số của NHNN và các tổ chức tín dụng một cách hiệu quả theo mô hình dữ liệu lớn, đồng thời đẩy mạnh việc thu thập và làm sạch dữ liệu; (iii) Bảo đảm an toàn dữ liệu, an ninh mạng theo tiêu chuẩn trong nước và Quốc tế; (iv) Phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có kiến thức và trình độ sử dụng công nghệ thông tin và kỹ năng về chuyển đổi số.
Ông Hùng hy vọng, thông qua Sự kiện Chuỗi đổi mới tài chính thế giới WFIS 2025 với chương trình được xây dựng đặc biệt nhằm đưa ra những chủ đề cấp bách, được quan tâm cao nhất trong ngành về chuyển đổi số, là cơ hội để các nhà lãnh đạo, chuyên gia, giám đốc công nghệ và kinh doanh từ các tổ chức Ngân hàng, Công ty Fintech, Bảo hiểm & Tài chính hàng đầu trong khu vực cùng chia sẻ, cập nhật các thông tin liên quan đến ngành tài chính. Đồng thời kết nối thành công các nhà phát triển công nghệ, các chuyên gia, nhà đầu tư và đối tác kinh doanh toàn cầu…
Không những thế thông qua sự kiện, đại biểu tham dự sẽ tiếp cận được những kiến thức của các chuyên gia uy tín, dày dặn kinh nghiệm về tham vấn, phản biện chính sách, các chuyên gia về đào tạo năng lực tài chính, về bảo mật dữ liệu, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và các nghiệp vụ tài chính ngân hàng nói chung…Đó là nguồn kiến thức, kinh nghiệm trong nước và quốc tế, đóng góp cho các hoạt động thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Đồng thời, ông mong rằng các diễn giả và đại biểu sẽ tích cực thảo luận, đưa ra nhiều khuyến nghị thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng và chuyển đổi số quốc gia thành công.

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, với khát vọng vươn tầm trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, như định hướng trong Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong kỷ nguyên này, chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là động lực cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.
Theo ông Lê Anh Dũng, ngành Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, giữ vai trò tiên phong trong hành trình chuyển đổi số, không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng mà còn đóng góp vào mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Những năm qua, ngành Ngân hàng Việt Nam đã đạt được những bước tiến nhanh và mạnh trong chuyển đổi số, phù hợp với Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 810/QĐ-NHNN). Các tổ chức tín dụng đã đầu tư mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến như: trí tuệ nhân tạo (AI), học máy, dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây (Cloud), tự động hóa quy trình bằng rô bốt (RPA)… để nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng trải nghiệm khách hàng và quản lý rủi ro hiệu quả hơn. Đặc biệt, xu hướng siêu cá nhân hóa (hyper - personalization) đang trở thành điểm nhấn, cho phép chào mời, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ may đo theo từng khách hàng gắn với bối cảnh giao dịch dựa trên phân tích dữ liệu thời gian thực.
Đến nay, số lượng tài khoản thanh toán cá nhân đạt hơn 200 triệu, với mức tăng trưởng giao dịch qua Internet, thiết bị di động và mã QR lần lượt đạt 35%, 33% và 66% so với cùng kỳ năm 2024. Nhiều ngân hàng đã giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống dưới ngưỡng 30%, thể hiện tính hiệu quả nhờ chuyển đổi số toàn diện, tiệm cận với các tổ chức tài chính hàng đầu trong khu vực
====
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước
Những nỗ lực này đã mang lại kết quả ấn tượng. Tính đến đầu năm 2025, tại nhiều tổ chức tín dụng, hơn 90% giao dịch tài chính được thực hiện qua các kênh số, phản ánh nỗ lực lớn và thành công của toàn ngành trong phương châm lấy khách hàng làm trọng tâm, cung cấp trải nghiệm vượt trội và cung cấp lợi ích thiết thực cho người dùng dịch vụ. Phần lớn ngân hàng đã kết nối và khai thác hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, triển khai định danh khách hàng qua căn cước công dân (CCCD) gắn chip.
Đến nay, số lượng tài khoản thanh toán cá nhân đạt hơn 200 triệu, với mức tăng trưởng giao dịch qua Internet, thiết bị di động và mã QR lần lượt đạt 35%, 33% và 66% so với cùng kỳ năm 2024. Nhiều ngân hàng đã giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống dưới ngưỡng 30%, thể hiện tính hiệu quả nhờ chuyển đổi số toàn diện, tiệm cận với các tổ chức tài chính hàng đầu trong khu vực.
Những con số này không chỉ minh chứng cho tốc độ chuyển đổi số mà còn thể hiện sự phổ cập tài chính (financial inclusion), giúp hàng chục triệu người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa, tiếp cận các dịch vụ tài chính tiện ích, hiện đại.
Dù đạt được những kết quả tích cực trong quá trình chuyển đổi số, tuy nhiên, ông Lê Anh Dũng cũng chỉ ra những thách thức ngành Ngân hàng đang phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi số, có thể kể đến như: thách thức về an ninh mạng và bảo mật dữ liệu khi các hình thức tấn công công nghệ cao như giả mạo sâu (Deepfake) hay giả mạo danh tính ngày càng tinh vi và phổ biến hơn; đầu tư cho hạ tầng công nghệ hiện đại và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng số vẫn là bài toán lớn cần giải, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, tổ chức tín dụng và các đối tác công nghệ; cơ chế chính sách cần tiếp tục được hoàn thiện để theo kịp tốc độ phát triển công nghệ, mô hình kinh doanh mới trong khi vẫn phải đảm bảo an toàn ổn định hệ thống, bảo vệ người tiêu dùng và duy trì một môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh...
Để vượt qua thách thức, tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số ngân hàng theo xu hướng đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai nhiều chủ trương, chính sách quan trọng. Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng theo Quyết định 810/QĐ-NHNN đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 50% hoạt động nghiệp vụ ngân hàng sẽ được số hóa hoàn toàn, đồng thời 70% giao dịch khách hàng được thực hiện trên các kênh số.

Toàn cảnh hội nghị
Thời gian tới, ông Lê Anh Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung vào các định hướng lớn sau:
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý: Xây dựng và cập nhật các quy định hỗ trợ chuyển đổi số ngân hàng theo Quyết định 810 về chuyển đổi số ngân hàng, Quyết định 1364 ngày 5/3/2025 của Thống đốc NHNN về Kế hoạch ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết 57 NQ/TW của Bộ Chính trị, đáng lưu ý là các chính sách, quy định về triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, thúc đẩy ngân hàng mở (Open Banking), tăng cường triển khai công nghệ, phân tích dữ liệu trong các hoạt động nghiệp vụ, cung ứng dịch vụ ngân hàng, triển khai mở rộng xác thực sinh trắc học.
Đầu tư hạ tầng công nghệ: Nâng cấp các hệ thống thanh toán quốc gia, hệ thống thông tin tín dụng và các nền tảng dữ liệu liên ngành, đảm bảo vận hành liên tục, an toàn và hiệu quả.
Tăng cường an ninh mạng: Thúc đẩy hoặc triển khai các giải pháp phòng ngừa gian lận tài chính với nền tảng toàn ngành, giám sát rủi ro thời gian thực, ứng dụng AI trong phát hiện gian lận và tuân thủ các quy định mới về an ninh mạng như Thông tư 50/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về an toàn, bảo mật trong cung cấp dịch vụ trực tuyến ngành Ngân hàng.
Phát triển nguồn nhân lực số ngành Ngân hàng: Đẩy mạnh đào tạo kỹ năng số cho cán bộ ngành Ngân hàng, đồng thời phối hợp với các cơ sở giáo dục để xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng và thích ứng với kỷ nguyên số.
Thúc đẩy tài chính toàn diện: Tận dụng công nghệ, kênh số để phổ cập kiến thức, kỹ năng tài chính số, mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng - tài chính cho các cộng đồng chưa được phục vụ đầy đủ, góp phần thực hiện tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam về tài chính toàn diện và phát triển kinh tế bền vững.

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV
Tại hội nghị, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đã chia sẻ về các nội dung: Triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2025-2026; Chuyển đổi kỹ thuật số tại Việt Nam và tăng trưởng kinh tế 2025 đến 2030; Thách thức và giải pháp; Ý nghĩa đối với các Tổ chức tài chính.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Việt Nam đang duy trì đà tăng trưởng GDP ổn định, trung bình đạt 6,36%/năm. Tuy nhiên, để vươn lên tầm cao mới, quốc gia cần tận dụng hiệu quả động lực mới – chuyển đổi số, trong đó, dịch vụ tài chính số giữ vai trò then chốt nhờ tính lan tỏa mạnh mẽ đến các lĩnh vực khác.
Ông nhấn mạnh, lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng đang đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam với các kết quả nổi bật: 95% ngân hàng đã xây dựng và triển khai chiến lược số hóa; công nghệ e-KYC, mobile money và thanh toán không tiền mặt phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng ấn tượng gần 57% về số lượng giao dịch trong năm 2024; Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị triển khai hệ thống giao dịch mới KRX vào tháng 5/2025; Các công ty bảo hiểm và Fintech không ngừng đổi mới, mang lại trải nghiệm số hóa hoàn toàn cho người dùng. Từ đó, tài chính số không chỉ cải thiện hiệu quả vận hành, mà còn tạo nền tảng cho các hoạt động kinh tế số phát triển mạnh mẽ hơn.
Các giải pháp then chốt, cụ thể: (i) Hoàn thiện hành lang pháp lý như ban hành Luật Chuyển đổi số, Luật Công nghiệp số và khung Sandbox cho các mô hình kinh doanh mới như Fintech); (ii) Tăng cường đào tạo và đầu tư vào R&D, đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; (iii) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, an ninh mạng, thương mại số xuyên biên giới; (iv) Xây dựng văn hóa số và nâng cao nhận thức cộng đồng.
====
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV
Hội nghị “Đổi mới Công tác Tài chính tại Việt Nam – WFIS 2025”
- Thời gian: 02 ngày: 15 và 16 tháng 04 năm 2025 (08h00 – 16h30)
- Địa điểm: Phòng họp Grand Ballroom, tầng 2, Khách sạn Melia Hà Nội, số 44 Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
- Nội dung chương trình chi tiết: Xem file đính kèm tại đây hoặc Quý Đơn vị có thể tham khảo thêm thông tin tại website của sự kiện https://vietnam.worldfis.com với các thông tin được Ban Tổ chức cập nhật thường xuyên.