Thứ ba, 15/04/2025
   

Hoạt động nổi bật của hội viên khu vực phía Nam từ 31/3 - 11/4/2025

Hoạt động nổi bật của hội viên khu vực phía Nam từ 31/3 - 11/4/2025 với các thông tin chính: Tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên; Triển khai các chương trình khuyến mãi hấp dẫn; Phát triển ngân hàng số phục vụ khách hàng....
Hoạt động nổi bật của hội viên khu vực phía Nam từ 31/3 - 11/4/2025
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)

Sáng ngày 08/4/2025, tại TP.HCM, Ngân hàng TMCP Á Châu tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, thông qua kế hoạch kinh doanh và các nội dung quan trọng trong năm 2025 - năm bản lề của ACB trong chiến lược phát triển 5 năm giai đoạn 2025 - 2030.

Trên cơ sở mở rộng tăng trưởng quy mô gắn với nền tảng quản trị rủi ro và kiểm soát chất lượng tài sản, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 23.000 tỷ đồng trong năm 2025, tăng 9,5% so với thực hiện 2024, đồng thời thông qua kế hoạch chi cổ tức cho cổ đông tổng tỷ lệ 25% bao gồm 10% bằng tiền và 15% bằng cổ phiếu. Đây là năm thứ 5 liên tiếp ACB tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ tức cao, trong đó 3 năm liền thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt, phản ánh hiệu quả trong kinh doanh, luôn đảm bảo lợi ích cao nhất và đáp ứng kỳ vọng của các cổ đông.

Tại Đại hội, các vấn đề được thông qua gồm: (1) Báo cáo của HĐQT; (2) Báo cáo của Ban kiểm soát; (3) BCTC riêng và hợp nhất năm 2024; (4) Phân phối lợi nhuận năm 2024, kế hoạch lợi nhuận và phân phối lợi nhuận năm 2025; (5) Phương án tăng vốn điều lệ từ cổ tức năm 2024 bằng cổ phần phổ thông; phát hành, đăng ký lưu ký bổ sung và niêm yết bổ sung cổ phiếu phát hành thêm; (6) Mức thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT và Ban kiểm soát năm 2025; (7) Lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập cho năm tài chính 2025; (8) Phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp được can thiệp sớm; (9) Niêm yết các trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm và không phải là nợ thứ cấp do Ngân hàng TMCP Á Châu phát hành ra công chúng trên hệ thống giao dịch chứng khoán; (10) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ Ngân hàng TMCP Á Châu; (11) Sửa đổi, bổ sung Quy chế quản trị nội bộ Ngân hàng TMCP Á Châu; (12) Sửa đổi, bổ sung Quy chế về cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu; (13) Sửa đổi, bổ sung Quy chế về cơ cấu tổ chức và hoạt động của Ban kiểm soát Ngân hàng TMCP Á Châu.

Năm 2025 ACB tiếp tục kiên định với định hướng ngân hàng bán lẻ hàng đầu về quy mô và khả năng sinh lời, củng cố nền tảng vững chắc cho chiến lược phát triển giai đoạn 2025-2030. Các chỉ tiêu trọng yếu trong năm bao gồm mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản 14%. Tổng huy động vốn bao gồm giấy tờ có giá dự kiến tăng 14%. Song song với việc mở rộng tăng trưởng quy mô tín dụng và huy động, Ngân hàng cũng sẽ triển khai nhiều chiến lược nhằm tập trung kiểm soát chất lượng tài sản; thúc đẩy tăng trưởng phí, tập trung ở các mảng phí chủ lực như thẻ, thanh toán quốc tế... Trong năm 2025, ACB sẽ tiếp tục đầu tư cho các công ty con nhằm đa dạng hóa sản phẩm tài chính cung cấp cho khách hàng và đóng góp vào thu nhập của tập đoàn; nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng số, thúc đẩy đổi mới công nghệ, áp dụng kỹ thuật số hiện đại, an toàn trong hoạt động giao dịch và vận hành.

Với lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 21.006 tỷ đồng, ACB là một trong 7 ngân hàng có lợi nhuận trên 20.000 tỷ đồng và trong top 3 ngân hàng TMCP tư nhân có lợi nhuận cao nhất. Kết quả kinh doanh năm 2024 đã đưa ACB hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2019-2024, trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam về quy mô và lợi nhuận với lợi nhuận trước thuế tăng gần 3 lần trong 5 năm và ROE liên tục duy trì ở mức cao trên 20%. Năm 2024, Ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng ở tất cả các mảng, đặc biệt mảng KHDN ghi nhận mức tăng mạnh mẽ nhờ phân khúc khách hàng lớn, khách hàng FDI, trong đó, quy mô tín dụng cho nhóm khách hàng FDI của ACB tăng gấp 2,5 lần so với năm 2023, cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho hàng nghìn doanh nghiệp FDI đến từ nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ.

Cuối năm 2024, tổng tài sản ACB đạt 864 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 20% so cuối năm 2023, và vượt 7% kế hoạch. Với quy mô dư nợ cho vay khách hàng đạt 581 nghìn tỷ, tín dụng ACB đạt tăng trưởng ấn tượng 19,1%, vượt xa mức tăng trưởng của bình quân ngành, đạt mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng trong vòng một thập kỷ. ACB tiếp tục khẳng định vị thế vững chắc là ngân hàng bán lẻ hàng đầu với quy mô tín dụng cao nhất trong nhóm ngân hàng TMCP tư nhân. Dù tăng trưởng tín dụng cao nhưng ACB vẫn kiểm soát tỷ lệ nợ xấu tốt hàng đầu thị trường, chỉ ở mức 1,5%, thấp hơn mức mục tiêu đặt ra dưới 2%. Đồng thời duy trì ROE trên 20%, thuộc nhóm dẫn đầu ngành. Tỷ lệ CASA trên tổng huy động vốn của ACB tăng từ 22,9% năm 2023 lên 23,3% vào cuối năm 2024, thể hiện sự gia tăng bền vững của nguồn vốn chi phí thấp.

Về quản trị rủi ro và chất lượng nguồn vốn, ACB luôn duy trì tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II cao hơn mức quy định tối thiểu, đạt xấp xỉ 12%. ACB nằm trong nhóm 10 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn thí điểm để triển khai phương pháp mô phương pháp xếp hạng nội bộ (IRB - là phương pháp nâng cao hơn so với quy định của thị trường) ứng dụng trong quản trị rủi ro tín dụng và an toàn vốn, tiếp tục nâng cao hơn tiêu chuẩn quản trị rủi ro và an toàn vốn theo các chuẩn mực quốc tế. Việc hoàn thành IRB không chỉ giúp tối ưu hóa công tác tính vốn mà còn giúp ACB nâng cao năng lực quản trị rủi ro, giúp tăng cường mức độ chính xác và phù hợp của các công cụ ước lượng rủi ro với đặc thù rủi ro của chính mình. Đồng thời việc triển khai thành công IRB là một đóng góp quan trọng trong việc hoàn thành các chuẩn mực Basel theo lộ trình của NHNN, cũng như là một bước tiến quan trọng trong việc cải tiến và nâng cao tiêu chuẩn quản lý rủi ro của ACB.

Tại Việt Nam, ACB cũng là ngân hàng tiên phong công bố Khung tài chính bền vững với cam kết đẩy mạnh nguồn tín dụng gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Trong năm 2024, Ngân hàng đã triển khai cho vay 4.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi cao nhất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có định hướng phát triển bền vững. ACB là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam phát hành 02 báo cáo riêng biệt cùng thời điểm là Báo cáo thường niên và Báo cáo Phát triển bền vững được đảm bảo độc lập; đồng thời là ngân hàng tiên phong tham chiếu các Nguyên tắc Ngân hàng có trách nhiệm (Principles for Responsible Banking) của Liên Hợp Quốc cho các sáng kiến tài chính trong việc xây dựng báo cáo Phát triển bền vững.

Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank)

- Ngân hàng Bản Việt vừa ra mắt Chứng chỉ tiền gửi trên ngân hàng số Digimi với lãi suất hấp dẫn tương ứng hai kỳ hạn 15 tháng, 18 tháng, đồng thời có thể chuyển nhượng linh hoạt khi khách hàng có nhu cầu, áp dụng từ ngày 10/04/2025. Đối với sản phẩm Chứng chỉ tiền gửi, trước đây khách hàng chỉ có thể mua tại quầy, nay khách hàng hoàn toàn chủ động mua trên nền tảng online là Ngân hàng số Digimi.

Với số tiền tối thiểu chỉ từ 10 triệu đồng, khách hàng có thể tham gia sản phẩm với đa dạng kỳ hạn và linh hoạt nhận lãi hàng tháng hoặc cuối kỳ. Không chỉ tiện lợi, chứng chỉ tiền gửi online BVBank có mức sinh lời hấp dẫn khi lãi suất lên đến 6,2% đối với kỳ hạn 18 tháng (lãi cuối kỳ); 6,1% đối với kỳ hạn 15 tháng (lãi cuối kỳ).

Chứng chỉ tiền gửi Online BVBank có giá trị tương đương như một sổ tiết kiệm truyền thống, được đảm bảo an toàn theo quy định của pháp luật. Khách hàng được chuyển nhượng hoặc tất toán trước hạn khi có nhu cầu và có thể sử dụng làm tài sản bảo đảm tại BVBank khi phát sinh nhu cầu vay vốn. Sau khi kết thúc kỳ hạn gửi, BVBank sẽ tự động tất toán và chuyển toàn bộ, gốc lãi vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Có thể nói ngoài tính thuận tiện khi thao tác trên online thì hai điểm nổi bật của sản phẩm Chứng chỉ tiền gửi online này chính là: tính linh hoạt khi chuyển nhượng, và lãi suất tối ưu với kỳ hạn gửi đa dạng.

Bên cạnh sản phẩm Chứng chỉ tiền gửi online, BVBank cũng khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm online trên Ngân hàng số Digimi. Không chỉ lãi suất cao hơn tại quầy mà còn tiện lợi, không cần đến ngân hàng và vẫn có thể nhận sổ tiết kiệm vật lý nếu có nhu cầu.

- Ngân hàng Bản Việt công bố lãi suất cho vay bình quân tháng 3/2025 của Ngân hàng là 8,55%/năm, tăng 0,19% so với tháng 1/2025 (Trong đó, lãi suất cho vay khách hàng cá nhân là 8,52%/năm, tăng 0,06%; khách hàng doanh nghiệp là 8,6%/năm, tăng 0,4%); chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân là 3,21%, tăng 0,04% so với tháng 1/2025.

Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank)

- Trong kỷ nguyên số hóa, KienlongBank đã phát triển Ngân hàng không ngủ X-Digi (STM), một bước tiến quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số, mang đến trải nghiệm dịch vụ tài chính 24/7 không giới hạn. Ngân hàng không ngủ X-Digi của KienlongBank cho phép khách hàng thực hiện đa dạng giao dịch mọi lúc, mọi nơi mà không phụ thuộc giờ làm việc truyền thống, với việc gửi tiền, rút tiền, chuyển khoản, thanh toán hóa đơn và thực hiện nhiều giao dịch khác một cách thuận tiện thông qua hệ thống máy giao dịch tự động thế hệ mới STM.

Một trong những tính năng nổi bật của Ngân hàng không ngủ X-Digi là khả năng cập nhật Giấy tờ tùy thân (GTTT) và sinh trắc học ngay tại máy STM chỉ bằng mã PIN thẻ KienlongBank, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian đáng kể, không cần đến quầy giao dịch trong giờ hành chính. Công nghệ sinh trắc học tiên tiến được tích hợp trong hệ thống X-Digi đảm bảo an toàn và bảo mật cho mọi giao dịch. Hệ thống có khả năng nhận diện khuôn mặt, đối chiếu dữ liệu trên chip CCCD và xác thực thông tin với cơ quan Bộ Công An, mang đến sự an tâm tuyệt đối cho người dùng.

Ngân hàng không ngủ X-Digi đã nhận được phản hồi tích cực từ người dùng với số lượng giao dịch thành công không ngừng tăng. Theo thống kê, tính năng cập nhật GTTT và sinh trắc học tại STM đã đạt tỷ lệ thành công cao. Trong tương lai, KienlongBank dự kiến tiếp tục phát triển và bổ sung thêm nhiều tính năng mới cho STM, bao gồm các dịch vụ tư vấn tài chính thông minh, mở tài khoản hoàn toàn trực tuyến và nhiều tiện ích thanh toán hiện đại khác.

- Ngân hàng TMCP Kiên Long vừa chính thức triển khai gói tín dụng 500 tỷ đồng “Tri ân hội viên hội nông dân trồng lúa” - giải pháp tài chính được thiết kế dành riêng cho những người “gieo mầm xanh” trên vùng lúa Đồng bằng Sông Cửu Long. Chương trình áp dụng với khách hàng là Hội viên Hội nông dân, đáp ứng điều kiện sẽ được giảm đến 2%/năm lãi suất so với quy định, hiện lãi suất cho vay chỉ từ 8,5%/năm trong suốt thời gian vay, áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Đặc biệt, chương trình không yêu cầu tài sản bảo đảm, giúp đơn giản hóa thủ tục vay vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn.

- Mới đây, đoàn công tác cấp cao KienlongBank do Chủ tịch HĐQT - ông Trần Ngọc Minh dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc cùng Tập đoàn GRG Banking và Dahua (Tập đoàn công nghệ cung cấp các giải pháp tích hợp thông minh toàn cầu) (Trung Quốc), đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh ứng dụng AI trong hoạt động ngân hàng và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, KienlongBank đã chia sẻ những thành tựu nổi bật đạt được trong quá trình chuyển đổi số, kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển phần mềm “made in Viet Nam” như hệ thống STM (Smart Teller Machine) là sản phẩm lõi trong giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số, thay đổi thói quen sử dụng tài chính “số” cho hàng triệu khách hàng. KienlongBank đẩy mạnh triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao hiệu quả hoạt động - đánh dấu bước chuyển nhằm thích ứng đa dạng “khẩu vị” của khách hàng và phù hợp với xu thế phát triển hiện đại.

Là đơn vị tư vấn, cung cấp nhiều giải pháp công nghệ ngân hàng hàng đầu ở thị trường quốc tế, GRG Banking sở hữu trung tâm sản xuất công nghệ hiện đại, cùng đội ngũ nghiên cứu chất lượng cao, cam kết cung cấp các giải pháp ngân hàng ưu việt và được tùy chỉnh cho thị trường Việt Nam. KienlongBank và GRG Banking đã “bắt tay” hợp tác, mở rộng trao đổi công nghệ, tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong dịch vụ tài chính.

KienlongBank và Dahua cũng ký kết hợp tác, thể hiện cam kết kiến tạo một hệ sinh thái tài chính AI, thích ứng linh hoạt với tương lai số. Sự kiện đánh dấu một bước chuyển quan trọng, khẳng định tầm nhìn chiến lược của Ban Lãnh đạo Ngân hàng đón đầu xu hướng công nghệ, nâng cao thế mạnh cho KienlongBank trong kỷ nguyên AI. Ngay sau chuyến công tác của KienlongBank, đại diện Lãnh đạo tập đoàn Dahua cũng đã khẩn trương thu xếp qua thăm, làm việc tại văn phòng KienlongBank, thúc đẩy quá trình hợp tác nghiên cứu, đẩy nhanh ứng dụng AI vào các hoạt động.

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank)

- Kết thúc Quý 1/2025, các chỉ số kinh doanh của Nam A Bank tiếp tục ghi nhận nhiều chỉ tiêu tăng trưởng ổn định, thanh khoản dồi dào, danh mục tài sản tiếp tục được cơ cấu theo hướng bền vững và hiệu quả nhất.

Theo đó, tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản Nam A Bank đạt gần 263.000 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với đầu năm 2025. Hoạt động tín dụng đạt gần 178.000 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Huy động vốn đạt gần 204.000 tỷ đồng, tăng gần 14% so với đầu năm 2024. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.214 tỷ đồng (tương ứng tăng 21,52% so với cùng kỳ năm 2024). Tỉ lệ ROE duy trì mức trên 20%, ROA đạt 1,5% - thuộc nhóm cao nhất trong ngành. NIM xoay quanh mức 3,5%.

Chất lượng tài sản đang cải thiện dần, khi nợ nhóm 2 (trước CIC) đã giảm đáng kể từ mức 1,27% ở đầu năm 2025 xuống mức 0,61%, đồng thời tỷ lệ nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) ở mức 2,23%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức gần 54%. Ngoài ra, Ngân hàng đang phấn đấu đặt ra lộ trình sẽ tăng mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cao hơn trong thời gian tới nhằm cải thiện dần tỷ lệ bao phủ nợ xấu, giúp gia tăng bộ đệm an toàn cho xử lý nợ xấu, cũng như tăng tính bền vững cho ngân hàng, từ đó kỳ vọng sẽ cải thiện kết quả xếp hạng tín nhiệm quốc tế trong tương lai.

Chi phí hoạt động trên tổng thu nhập hoạt động (CIR) Q1/2025 của Ngân hàng giảm xuống còn 36% (giảm 8,1% so với 31/12/2024), ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu phấn đấu duy trì tỷ lệ này chỉ dao động khoảng 40% trong các năm tới.

Nam A Bank tiếp tục quản lý thận trọng về cho vay, thanh khoản và an toàn vốn. Cụ thể, LDR (tỷ lệ cho vay/huy động) ở mức 74,97%, đảm bảo mức yêu cầu của NHNN (dưới 80%). Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 22,33% xuống 17,11% (giảm 5,22%). Tỷ lệ dự trữ thanh khoản đạt 20%, cao gấp 2 lần so với quy định tối thiểu của NHNN. Tỷ lệ khả năng chi trả 30 ngày VNĐ tăng từ 87,83% lên 96,72%.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) giữ ở mức 11,6% - đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn Basel III, cao hơn khá nhiều so với quy định tối thiểu 8% của NHNN. Đặc biệt, trong năm nay, Nam A Bank sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ thêm 34% so với cuối năm 2024, sau khi Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 vừa được thông qua, sẽ giúp gia tăng bộ đệm tài chính của ngân hàng từ đó giúp cải thiện chỉ số CAR cao hơn hiện nay.

Những tháng tiếp theo, Ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi nông lâm thủy sản và nhà ở xã hội. Cụ thể, Nam A Bank đang triển khai cho vay ưu đãi theo chuỗi giá trị ngành thủy sản với lãi suất chỉ từ 3,25%/năm. Đây là sản phẩm giúp Nam A Bank thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan gói tín dụng ưu đãi quy mô 60.000 tỷ đồng do NHNN triển khai. Trong đó, Nam A Bank nâng quy mô gói hiện nay từ 6.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn 1-2% so với lãi suất thông thường.

Đồng thời, Nam A Bank cũng triển khai gói cho vay nhà ở xã hội quy mô 5.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi 5 năm đầu chỉ 6,1%/năm, góp phần đồng hành người mua nhà hiện thực hóa ước mơ an cư lạc nghiệp.

- Ngày 03/04, Nam A Bank phối hợp Trung tâm nghiên cứu - Ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (Trung tâm RAR) - Bộ Công an chính thức triển khai dịch vụ xác thực điện tử qua VNeID.

Cụ thể, từ hôm nay, khách hàng dễ dàng cập nhật và xác thực thông tin sinh trắc học thông qua kết nối ứng dụng VNeID ngay trên Open Banking. Tính năng “app-to-app” cho phép khách hàng thực hiện các thao tác “xác minh danh tính” trên Open Banking với “3 không”: Không cần quét chip thẻ căn cước/căn cước công dân, không cần điện thoại có công nghệ NFC và không cần đến quầy giao dịch. Như vậy, người dùng chỉ mất vài phút để cập nhật sinh trắc học và thực hiện các giao dịch tài chính như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, gửi tiết kiệm, quản lý điểm bán... Nhờ đó mang đến sự thuận tiện cho khách hàng, nâng cao yếu tố bảo mật, hạn chế rủi ro trong các giao dịch tài chính, tín dụng, bảo hiểm…

Bên cạnh Open Banking, hệ sinh thái ngân hàng số Nam A Bank còn có OneBank và Robot OPBA với các tính năng vượt trội, tiên tiến, mang hàm lượng công nghệ cao, được khách hàng đón nhận tích cực. Ngân hàng còn tăng cường liên kết, hợp tác cùng các đối tác công nghệ lớn để mở rộng hệ sinh thái, đa dạng hóa các giải pháp tài chính, tối ưu hóa chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả hoạt động.

- Ngày 03/4, Nam A Bank phối hợp cùng Trường Đại học Việt Đức tổ chức Diễn đàn “Các thị trường vốn quốc tế và những lựa chọn chính sách của nền kinh tế mới nổi”, thu hút đông đảo học giả quốc tế, chuyên gia kinh tế, tài chính trong và ngoài nước, đặc biệt là nhà nghiên cứu, giáo sư đầu ngành của Cộng hòa Liên bang Đức tham dự.

Các diễn giả đã thảo luận về những tác động, thách thức và lựa chọn chính sách để hiện thực hóa mục tiêu đưa TP.HCM trở thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đây cũng là cơ hội để các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách trao đổi về những điều kiện cần thiết, từ cải cách pháp lý, nâng cấp hạ tầng công nghệ đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế đã trở thành một trong những mục tiêu quan trọng nhằm đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Điều này đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực huy động mọi nguồn lực để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025… Ngoài ra, đại diện Nam A Bank cùng các diễn giả cũng tập trung thảo luận, trao đổi những kết quả nghiên cứu mới nhất về hội nhập tài chính và thị trường vốn quốc tế, các bài học thực tiễn từ Việt Nam và các nền kinh tế mới nổi khác.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank)

- Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, dự kiến tổ chức vào ngày 24/4/2025 tới đây theo hình thức trực tuyến, với điểm cầu chính tại TP. Hồ Chí Minh.

Năm 2025, HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 21.179 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2024. Dự kiến tổng tài sản tăng trưởng 28% lên 890.442 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng có thể tăng 32% lên 579.896 tỷ đồng, đảm bảo không vượt quá hạn mức tăng trưởng do NHNN phê duyệt. Huy động vốn tăng khoảng 28% lên 792.812 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát không quá 2%. Các tỷ lệ sinh lời như ROE và ROA mục tiêu cải thiện lên 26,2% và 2,15%. HDBank cho biết sẽ nâng tầm quy mô, tối ưu tăng trưởng tín dụng theo hạn mức NHNN phê duyệt, trong đó, nâng cao chất lượng danh mục cho vay, mở rộng cho vay các lĩnh vực có rủi ro thấp, các sản phẩm vay xanh, thân thiện với môi trường.

Đáng chú ý, HDBank dự kiến lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và đối tác Banca trong năm nay. Ngoài ra, HDBank đưa ra nhiều mục tiêu hành động khác như: chuyển đổi mạnh mẽ khách hàng của hệ sinh thái để tăng trưởng mạnh số lượng khách hàng HDBank, phát triển các kênh phân phối đại lý thanh toán, ngân hàng đại lý; Cung cấp sản phẩm dịch vụ đổi mới sáng tạo; Chuyên môn, tập trung hoá hoạt động kinh doanh, kiểm soát rủi ro và vận hành; Triển khai văn hoá thực thi, tái định vị thương hiệu, giá trị cốt lõi, song hành với việc xác định, định vị chiến lược, thương hiệu VikkiBank, sau khi nhận chuyển giao bắt buộc Ngân hàng TMCP Đông Á.

Trước đó, năm 2024, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2024 của HDBank đạt 16.730 tỷ đồng, tăng 28,5% so với năm 2023 và hoàn thành 105,5% kế hoạch, trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 39,1%, chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro kiểm soát trong hạn mức đề ra. Hoạt động kinh doanh số tiếp tục diễn ra sôi nổi và tích cực. Đến 31/12/2024, 95% giao dịch tài chính của khách hàng cá nhân được thực hiện trên nền tảng số. Kênh số cũng đóng góp hơn 80% số lượng khách hàng mới. Số lượng giao dịch, số dư tiền gửi trên kênh số tăng trưởng theo cấp số nhân.

Sau thuế và trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại năm 2024 của HDBank là 10.134 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại các năm trước chưa chi là 261 tỷ đồng. Theo đó, hiện HDBank có 10.396 tỷ đồng lợi nhuận có thể sử dụng để chia cổ tức, tương đương tỷ lệ có thể chia là 28%. HĐQT HDBank cho biết sẽ trình ĐHĐCĐ bằng văn bản để thông qua kế hoạch chia cổ tức cụ thể vào thời điểm phù hợp với kế hoạch phát triển kinh doanh.

Tại Đại hội, HĐQT HDBank cũng trình ĐHĐCĐ thông qua chủ trương góp vốn, mua, bán cổ phần, phần vốn góp của HDBank tại doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác.

- HDBank vừa được The Asian Banker vinh danh là “Ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính số tốt nhất cho SME tại Việt Nam”. Không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ, HDBank đang đồng hành cùng cộng đồng SME bằng cách tạo ra một hệ sinh thái tài chính số thực sự phù hợp: từ duyệt vay online qua AI, định giá tín dụng thông minh cho đến tích hợp thanh toán - tất cả đều hướng đến một trải nghiệm gọn nhẹ, nhanh chóng nhưng vẫn chính xác và minh bạch.

- Ngày 02/4/2025, tại TP.HCM, HDBank trao kinh phí thực hiện 1.000 ca phẫu thuật mắt đục thuỷ tinh thể Phaco cho Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP.HCM, tiếp nối hành trình 19 năm liên tiếp đồng hành cùng Hội mang ánh sáng cho hơn 16.000 bệnh nhân nghèo trên cả nước.

Ngay trong ngày 02/4/2025, tại Bệnh viện Mắt TP.HCM, HDBank đã phối hợp cùng Hội và Bệnh viện Mắt TP.HCM thực hiện phẫu thuật mắt cho 100 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Sắp tới, HDBank sẽ cùng Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP.HCM triển khai 900 ca phẫu thuật mắt trong năm 2025 tại TP.HCM, Cà Mau, Bình Định....

Bên cạnh hoạt động tài trợ kinh phí phẫu thuật mắt, nhiều năm nay, HDBank còn đồng hành cùng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM trong các hoạt động thiện nguyện khác trên cả nước. Đã có hơn 30.000 thẻ Bảo hiểm y tế và suất học bổng, cùng hàng trăm nhà tình thương được trao đi. Trên hành trình 35 năm lan tỏa văn hoá doanh nghiệp chia sẻ yêu thương, HDBank đã triển khai nhiều hoạt động hướng tới cộng đồng một cách bền bỉ, với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, như một phần không thể thiếu trong văn hóa kinh doanh.

- Ngày 02/4/2025, HDBank chính thức khai trương chi nhánh HDBank Tân An tại Phường 6, TP. Tân An, tỉnh Long An. Đây là điểm giao dịch thứ 377 của HDBank trên cả nước. HDBank Tân An là chi nhánh cấp 1 thứ 2 và là điểm giao dịch thứ 5 của HDBank tại tỉnh Long An, cung cấp đầy đủ danh mục sản phẩm, dịch vụ tài chính tối ưu cho người dân và doanh nghiệp.

Nhân dịp này, HDBank trao tặng kinh phí xây dựng 02 căn nhà tình thương cho các hộ nghèo trên địa bàn.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)

Tiếp nối hành trình hợp tác và phát triển từ 2019 đến nay, ngày 03/4, Ngân hàng TMCP Phương Đông và Công ty CP Quản lý Quỹ VinaCapital đã ký kết nâng tầm hợp tác nhằm mang đến cho phân khúc khách hàng ưu tiên (KHƯT) của OCB thêm các giải pháp quản lý tài sản ưu việt được cung cấp bởi VinaCapital. Sự kiện được kỳ vọng là bước đệm cho mối quan hệ liên kết, hợp tác bền vững hơn nữa trong tương lai của hai đơn vị.

Sự kiện nhằm nâng cao trải nghiệm quản lý tài sản và mở ra cơ hội gia tăng lợi nhuận cho KHƯT của OCB, thông qua việc tiếp cận thêm các giải pháp từ VinaCapital. Đặc biệt, trong bối cảnh OCB đang tái định vị lại các sản phẩm và dịch vụ cho KHƯT, dựa trên thế mạnh về công nghệ và nền tảng hiện đại của OCB, kết hợp chuyên môn đầu tư và sự am hiểu thị trường của VinaCapital, nhằm tiếp cận hiệu quả và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, tạo dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường tài chính Việt Nam.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank)

- Chuẩn bị cho ĐHĐCĐ thường niên 2025 được tổ chức vào ngày 24/4/2025 tới đây tại TP.HCM, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương công bố tài liệu họp với các tờ trình về kế hoạch kinh doanh, phân phối lợi nhuận và tăng vốn điều lệ.

Saigonbank đề ra mục tiêu đến cuối năm 2025 đạt 34.900 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 5% so với đầu năm. Vốn huy động đạt 30.100 tỷ đồng (+5%) và dư nợ cho vay đạt 24.700 tỷ đồng (+10%). Thanh toán đối ngoại đạt 300 triệu USD. Đáng chú ý, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng cho năm 2025, gấp 3 lần năm trước.

Để đạt mục tiêu này, Saigonbank cho biết sẽ tiếp tục duy trì cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn trên nguyên tắc đảm bảo thanh khoản và tối ưu hiệu quả kinh doanh, đồng thời, áp dụng nhiều kênh huy động vốn đa dạng phát triển trên nền tảng số, thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất…

Về phân phối lợi nhuận, năm 2024, Saigonbank có hơn 99 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế và trích lập các quỹ, Ngân hàng còn hơn 24 tỷ đồng dự kiến dùng để phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Sau phát hành, lợi nhuận năm 2024 còn lại là hơn 39 tỷ đồng.

Cụ thể, Saigonbank dự kiến phát hành gần 33,88 triệu cp (tỷ lệ 10%) để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Với mệnh giá 10.000 đồng/cp, tổng giá trị phát hành là gần 339 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2025. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của Ngân hàng sẽ tăng từ 3.388 tỷ đồng lên 3.727 tỷ đồng.

Số vốn tăng thêm, Ngân hàng dự kiến dùng để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, đầu tư đổi mới hạ tầng công nghệ thông tin chuyển đổi số; từng bước đáp ứng yêu cầu vốn điều lệ của NHNN; mở rộng quy mô tín dụng, kinh doanh vốn…

- Ngày 28/3/2025, Ssaigonbank tổ chức khóa đào tạo “Phong thái thanh lịch” nhằm hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, ứng xử và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng của đội ngũ cán bộ nhân viên.

Với phương châm “Khách hàng là trung tâm - Dịch vụ là then chốt”, chương trình được thiết kế chuyên sâu, tập trung vào các yếu tố: Nâng cao kỹ năng mềm trong nghệ thuật giao tiếp chuyên nghiệp (Nghệ thuật chào hỏi, lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu khách hàng); Xây dựng phong thái tự tin, thanh lịch (Từ trang phục, cử chỉ đến ngôn ngữ hình thể chuẩn mực); Nâng cao văn hóa phục vụ (Xây dựng hình ảnh nhân viên ngân hàng nhiệt tình, chu đáo và đáng tin cậy).

Khóa học không chỉ mang đến kiến thức bổ ích mà còn là cơ hội để đội ngũ Saigonbank rèn luyện, trau dồi kỹ năng, từ đó nâng cao trải nghiệm khách hàng và khẳng định đẳng cấp dịch vụ. Saigonbank luôn nỗ lực đầu tư vào con người, xem đây là yếu tố then chốt để kiến tạo những giá trị bền vững.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)

- Từ nay đến hết 30/9/2025, Sacombank triển khai chương trình khuyến mại “Kết nối mỗi ngày - Mở lối sống xanh” với tổng giá trị ưu đãi hơn 2,2 tỷ đồng.

Theo đó, khi đăng ký Sacombank Pay và nạp tiền điện thoại thành công với mọi mệnh giá trên ứng dụng trong vòng 3 ngày kể từ thời điểm đăng ký, khách hàng sẽ được hoàn 50% giá trị nạp (tối đa 25.000 đồng). Ưu đãi áp dụng cho 500 khách hàng thực hiện giao dịch thỏa điều kiện sớm nhất mỗi ngày.

Sacombank Pay là sản phẩm nổi bật trong hệ sinh thái ngân hàng số của Sacombank với nhiều tính năng đáp ứng được hầu hết nhu cầu tài chính cá nhân hàng ngày của khách hàng. Ứng dụng được tích hợp nhiều công nghệ hiện đại với khả năng kết nối, bảo mật cao, đối chiếu sinh trắc học giúp bảo vệ giao dịch và cho phép người dùng dễ dàng quản lý tài chính, thực hiện thanh toán - giao dịch mọi lúc mọi nơi như: chuyển tiền nhanh 24/7, mở tài khoản số đẹp và thẻ thanh toán trong 5 giây, mở thẻ tín dụng trong 5 phút, gửi tiết kiệm, vay tiêu dùng, thanh toán và rút tiền bằng mã QR, mua sắm, mua bán ngoại tệ, nạp tiền điện thoại/chứng khoán, thanh toán hóa đơn (thẻ tín dụng, điện, nước, viễn thông, truyền hình cáp, bảo hiểm, internet, học phí, phí chung cư, khoản vay…), mua sắm (vé xem phim, vé metro/tàu/xe/máy bay, đặt hoa/phòng khách sạn/sân golf, bảo hiểm phi nhân thọ, voucher điện tử…) cùng hàng loạt tiện ích khác với hàng ngàn khuyến mãi xuyên suốt cả năm.

- Sacombank công bố lãi suất cho vay bình quân tháng 3 là 6,98%/năm, giảm 0,09% so với tháng 2/2025; chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân là 2,74%/năm, tăng 0,05% so với tháng 2/2025.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank)

Ngày 09/4/2025 tại TP.HCM, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín và Công ty CP Đầu tư Địa ốc Vạn Phúc đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác, một cột mốc quan trọng trong hành trình đồng hành kiến tạo không gian sống đẳng cấp cho cư dân và mở ra cơ hội tiếp cận tài chính linh hoạt, ưu đãi vượt trội cho khách hàng mua nhà tại các dự án do Vạn Phúc phát triển, bắt đầu tại Khu đô thị Vạn Phúc City, TP. Thủ Đức.

Công ty CP Đầu tư Địa ốc Vạn Phúc là chủ đầu tư uy tín với nhiều dự án đô thị cao cấp. Theo thỏa thuận, Vietbank là đơn vị tài trợ tín dụng cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua bất động sản tại các dự án do Công ty CP Đầu tư Địa ốc Vạn Phúc phát triển - nơi hội tụ quy hoạch thông minh, không gian sống xanh, tiện ích hiện đại và cộng đồng cư dân văn minh.

Vietbank chính thức triển khai gói vay ưu đãi đặc biệt dành riêng cho khách hàng của dự án Khu đô thị Vạn Phúc City, TP. Thủ Đức, với những chính sách nổi bật như: Vay tối đa lên đến 100% nhu cầu vốn - khách hàng có thể vay toàn bộ giá trị hợp đồng, giúp tối ưu dòng tiền cá nhân; Thời hạn vay lên đến 380 tháng - kéo dài gần 32 năm, giảm áp lực trả nợ hàng tháng; Ân hạn nợ gốc đến 60 tháng - khách hàng được hoãn trả phần nợ gốc lên tới 5 năm đầu, tập trung ổn định tài chính; Miễn lãi suất tháng đầu tiên, chỉ 8%/năm trong 11 tháng tiếp theo - hỗ trợ tài chính tối đa trong năm đầu tiên sở hữu nhà. Ngoài ra, khách hàng có thể lựa chọn các gói lãi suất linh hoạt, chỉ từ 3,99% /năm, phù hợp với kế hoạch tài chính cá nhân, cùng loạt ưu đãi đi kèm cho khách hàng vay vốn như: miễn phí mở tài khoản số đẹp, ưu đãi phí giao dịch tại ngân hàng, miễn phí thường niên thẻ tín dụng trọn đời.

Phát biểu tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo hai bên đánh giá cao ý nghĩa của sự kiện ký kết lần này - bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác, kết hợp giữa tầm nhìn phát triển bền vững và đặt khách hàng làm trọng tâm.

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank)

- Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, dự kiến tổ chức vào ngày 29/4/2025 theo hình thức trực tiếp, tại Hà Nội.

Theo tài liệu công bố, năm 2025, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.188 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng, tương đương tăng 23,8% so với thực hiện năm 2024; Tổng tài sản đạt 265.500 tỷ đồng, tăng 10,7%; Huy động vốn đạt 206.000 tỷ đồng, tăng 15,5%; Dư nợ tín dụng đạt 195.500 tỷ đồng, tăng 16,2%; Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng giảm 0,54% xuống còn 1,99%.

Trước đó, kết thúc 2024, Eximbank ghi nhận kết quả tăng trưởng mạnh mẽ, đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra với lợi nhuận trước thuế 4.188 tỷ đồng, tăng 54% so với năm 2023. Tổng tài sản hoàn thành 107% kế hoạch năm; huy động vốn hoàn thành 102% kế hoạch năm; dư nợ tín dụng hoàn thành 104% kế hoạch năm, tín dụng tại Eximbank đến cuối năm 2024 tăng 19,7% so với đầu năm (tương đương 27.706 tỷ đồng) - mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua. Các hoạt động dịch vụ như: thanh toán quốc tế, bảo hiểm, thẻ, kiều hối đều có sự tăng trưởng so với năm 2023; quy mô CASA bình quân tăng trưởng 24,8% so với năm 2023.

Eximbank điều hành tăng trưởng tín dụng bám sát theo định hướng, chủ trương của NHNN về cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ từ khâu thẩm định, phê duyệt đến theo dõi giám sát sử dụng vốn của khách hàng, tỷ lệ nợ xấu đã giảm 0,18% so với cuối năm 2023.

Trong năm 2024, Eximbank được NHNN phê duyệt tăng vốn điều lệ lên 18.688 tỷ đồng. Đây là bước tiến quan trọng, giúp Eximbank củng cố năng lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động và nâng cao khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vốn theo thông lệ quốc tế.

Năm 2025, Eximbank định hướng tăng trưởng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng bền vững - an toàn - hiệu quả. Ngân hàng cải thiện NIM thông qua đẩy mạnh phân khúc ngân hàng bán lẻ, SME, tăng cường khai thác hệ sinh thái khách hàng doanh nghiệp lớn và FDI, gia tăng nguồn vốn không kỳ hạn (CASA), nguồn vốn có chi phí thấp từ các tổ chức kinh tế và dân cư.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 dự kiến sẽ thảo luận và thông qua các báo cáo của HĐQT, Ban Kiểm soát, thông qua báo cáo tài chính riêng lẻ, hợp nhất đã được kiểm toán và phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, tờ trình về kế hoạch kinh doanh năm 2025 và một số nội dung khác thuộc thẩm quyền Đại hội.

Cũng theo tài liệu công bố, tại Đại hội năm nay, cổ đông Eximbank sẽ bầu thành viên HĐQT, BKS Eximbank nhiệm kỳ mới 2025 - 2030; thông qua tờ trình của HĐQT về việc quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài và sửa đổi, bổ sung Điều lệ Eximbank; thông qua tờ trình của HĐQT về việc chấm dứt chủ trương đầu tư xây dựng Trụ sở chính của Eximbank tại số 07 Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP.HCM, cùng các nội dung quan trọng khác.

- Theo công bố của Eximbank, lãi suất cho vay bình quân tháng 3/2025 của Ngân hàng là 7,07%/năm (tăng 0,3% so với tháng 2/2025). Trong đó, lãi suất cho vay khách hàng cá nhân là 7,52%/năm, tăng 0,01%; lãi suất cho vay khách hàng doanh nghiệp là 6,52%/năm, tăng 0,7%; chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân là 1,8%, tăng 0,26%, so với tháng 2/2025.

Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC (VPB FC/ FE Credit)

Các số liệu từ BCTC kiểm toán của Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC cho thấy lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt gần 515 tỷ đồng. Sự quay trở lại ấn tượng này đến từ tăng trưởng trong quy mô tín dụng, nỗ lực nâng cao chất lượng tài sản, tối ưu chi phí và quản trị rủi ro, thu hồi nợ hiệu quả. Đây là kết quả của quá trình tái cấu trúc toàn diện trong hai năm (2023, 2024) và sự trợ lực từ hai định chế tài chính lớn trong và ngoài nước là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (SMBC CF) - công ty con của Tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group.

Đến cuối năm 2024, tổng tài sản của FE Credit ở mức hơn 67.650 tỷ đồng, tăng gần 7,3% so với cuối 2023. Vốn chủ sở hữu đạt gần 10.684 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cuối năm 2023. Các chỉ tiêu về an toàn tài chính, tỷ lệ an toàn vối tối thiểu, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn đều đáp ứng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước. Đà phục hồi mạnh mẽ của FE Credit trong năm 2024 đã được giới phân tích đánh giá cao. Một số công ty chứng khoán “bất ngờ” trước sức bật của công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu Việt Nam.

Chứng khoán Vietcap đánh giá cao tác động tích cực của FE Credit lên biên lãi thuần (NIM) và chất lượng tài sản của Ngân hàng hợp nhất. Đồng thời, thu ngoài lãi của Ngân hàng hợp nhất cũng hưởng lợi từ nỗ lực thu hồi của Công ty tài chính. Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của UBS đánh giá sự phục hồi của FE Credit là “ấn tượng”. Kết quả kinh doanh của FE Credit cũng vượt kỳ vọng của Chứng khoán SSI khi cho rằng “lợi nhuận xuất sắc như vậy phần lớn đến từ thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro vượt trội trong Quý 4”.

Mô hình quản trị tập đoàn, sau 2 năm triển khai, đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Bước sang năm 2025, FE Credit tiếp tục hợp tác chặt chẽ, tận dụng sức mạnh từ hệ sinh thái và nguồn lực tập đoàn để chinh phục các mục tiêu thử thách hơn. Cụ thể, VPBank, với sự am hiểu sâu sắc về thị trường tài chính Việt Nam, sẽ tạo cho FE Credit nền tảng vững chắc. SMBC, với tầm nhìn toàn cầu và kinh nghiệm quản lý tài chính quốc tế, tiếp tục mở ra nhiều cơ hội để không ngừng tiến xa hơn.

FE Credit khẳng định cam kết “lấy khách hàng làm trọng tâm” trong hoạt động kinh doanh và vận hành. Công ty sẽ đẩy mạnh hợp tác với các nhà bán lẻ lớn nhằm mở rộng tệp khách hàng và mạng lưới điểm bán; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực như vay mua xe máy, điện thoại và thiết bị gia dụng, giảm bớt sự phụ thuộc vào các khoản vay tiền mặt, vốn có mức độ rủi ro cao hơn.

Đặc biệt, Công ty sẽ tăng cường đầu tư vào công nghệ mới, thông qua số hóa mạnh mẽ, mang đến trải nghiệm an toàn và tiện lợi cho khách hàng, với các chương trình ưu đãi, sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhu cầu đa dạng của khách hàng. FE Credit cũng không ngừng cải thiện mô hình kinh doanh, kiểm soát tốt rủi ro cho khách hàng hiện hữu và khách hàng mới; tăng cường quản trị, xây dựng văn hóa tổ chức, hoạt động đào tạo và phát triển năng lực hệ thống, con người, đồng thời đẩy mạnh tự động hóa để giảm chi phí vận hành và tăng hiệu suất hoạt động.

Công ty CP Dịch vụ Trực tuyến Cộng đồng Việt (Payoo / VietUnion)

Payoo chính thức bắt tay cùng Công ty TNHH Dịch vụ Thực phẩm và Giải khát Việt Nam (VFBS) - đơn vị đứng sau các thương hiệu đình đám như Burger King, Domino’s Pizza, Popeyes để mang đến trải nghiệm thanh toán hiện đại, tiện lợi cho khách hàng. Giờ đây, khi ghé chuỗi 128 cửa hàng của VFBS phủ sóng khắp cả nước để thưởng thức món ngon, khách hàng chỉ cần thanh toán nhanh gọn bằng cách chạm thẻ hoặc quét mã QR bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.

Với VFBS, việc tích hợp giải pháp thanh toán này không chỉ giúp khâu thanh toán tiện lợi, giảm thời gian chờ đợi cho khách hàng mà còn nhẹ gánh chuyện quản lý và đối soát dòng tiền. Việc tích hợp nhiều phương thức thanh toán khác nhau còn giúp VFBS tiếp cận và phục vụ nhiều đối tượng khách hàng đa dạng hơn.

Tiếp đó, Payoo cũng thành công hợp tác với hệ thống nhà sách FAHASA triển khai giải pháp thanh toán qua thiết bị Payoo POS. Theo đó, khách hàng đến mua sách và các sản phẩm tại FAHASA sẽ được trải nghiệm dịch vụ thanh toán nhanh chóng và tiện lợi với đa dạng các phương thức: Thẻ Nội địa, Thẻ Quốc tế và Mã QR.

FAHASA là một trong những hệ thống nhà sách lớn và uy tín hàng đầu tại Việt Nam, chuyên cung cấp sách quốc văn, ngoại văn, văn phòng phẩm, đồ chơi giáo dục và nhiều sản phẩm văn hóa đa dạng. Với hơn 40 năm phát triển, FAHASA sở hữu mạng lưới hàng chục nhà sách trên toàn quốc, cung cấp hàng trăm nghìn đầu sách cùng nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn dành cho độc giả.

Nhiều năm qua, Payoo không ngừng nỗ lực mang đến cho khách hàng những giải pháp thanh toán tối ưu và hiện đại, với mạng lưới đối tác rộng khắp đến từ nhiều nhóm ngành nghề khác nhau như ăn uống, giải trí; công nghệ, điện máy; giáo dục, đào tạo; thời trang, trang sức, phụ kiện…

Công ty Cổ phần Zion (ZaloPay)

- Fmarket và Zalopay mới đây ký kết hợp tác về việc ra mắt tính năng Chứng chỉ quỹ. Cụ thể, thông qua nền tảng Zalopay, người dùng có thể nhanh chóng liên kết và mở tài khoản đầu tư Chứng chỉ quỹ trên Fmarket, tra cứu thông tin chi tiết về các sản phẩm quỹ và lựa chọn Quỹ mở phù hợp được phân phối chính thức. Nhà đầu tư sẽ trực tiếp sở hữu Chứng chỉ quỹ từ Công ty Quản lý Quỹ, đảm bảo tính minh bạch và an toàn khi giao dịch.

Đặc biệt, tính năng này giúp đơn giản hóa quá trình đầu tư, phù hợp ngay cả với những người chưa có nhiều kiến thức tài chính hay kinh nghiệm thị trường. Chỉ với số vốn từ 100.000 đồng, các chuyên gia tài chính sẽ hỗ trợ nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội trên thị trường, ra quyết định phân bổ danh mục vào cổ phiếu, trái phiếu, công cụ tiền tệ và nhiều loại tài sản khác nhằm tối ưu lợi nhuận và kiểm soát rủi ro hiệu quả.

Việc hợp tác giữa ứng dụng đầu tư Quỹ mở chuyên nghiệp và ứng dụng thanh toán hàng đầu Việt Nam giúp người dùng có thể theo dõi chi tiêu, kết hợp đầu tư tài chính trên cùng một nền tảng. Từ đó mang đến trải nghiệm quản lý tài chính một cách toàn diện.

Fmarket đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép hoạt động từ năm 2018 và được VSDC trao tặng giải thưởng Đại lý phân phối - Thành viên lập quỹ tích cực năm 2024. Trước đó, Fmarket đã tích hợp trên ứng dụng của Ngân hàng Woori Việt Nam, Ngân hàng Shinhan Việt Nam... Bên cạnh đó, Zalopay là ứng dụng thanh toán hàng đầu phục vụ hơn 16 triệu người dùng. Zalopay cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích và liên tục nằm trong danh sách các nền tảng thanh toán được yêu thích trong nước.

- Zalopay và hãng Hàng không Quốc gia Vietnam Airlines mới đây chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc nâng cao trải nghiệm du lịch số. Sự kết hợp này giúp khách hàng dễ dàng đặt vé máy bay Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco), chọn chỗ ngồi, mua thêm hành lý cùng nhiều tiện ích đi kèm khác và thanh toán trực tiếp trên ứng dụng Zalopay. Vé điện tử cùng thông tin chuyến bay được lưu trữ ngay trên nền tảng, hỗ trợ người dùng theo dõi hành trình một cách thuận tiện.

- Ngày 08/4, Trung Tâm Nghiên cứu, Ứng dụng dữ liệu dân cư và Căn cước công dân (RAR) - Bộ Công an cùng với nền tảng thanh toán Zalopay đã ký kết thỏa thuận hợp tác về các giải pháp số trên ứng dụng VneID, đánh dấu bước hợp tác mới giữa Trung tâm RAR và Zalopay trong việc nghiên cứu, triển khai các tiện ích phục vụ thanh toán dịch vụ công, an sinh xã hội, nhu cầu thiết yếu của người dân, cũng như các giải pháp chuyển đổi số trong quản lý hành chính công.

Nội dung hợp tác trọng điểm giữa Trung tâm RAR và Zalopay bao gồm: Xác thực định danh điện tử; Nghiên cứu tích hợp cổng thanh toán Zalopay trên ứng dụng VneID; Thúc đẩy thanh toán cho các tiện ích khác và tiếp cận dịch vụ tài chính an toàn. Đồng thời, hai bên cũng nghiên cứu, xây dựng giải pháp giúp người dân tiếp cận với nhiều dịch vụ tài chính an toàn, minh bạch thông qua ứng dụng VNeID và nền tảng Zalopay.

Thông qua việc hợp tác với Trung tâm RAR, Zalopay tiếp tục với tầm nhìn, cam kết cùng với Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước để ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất nhằm phục vụ doanh nghiệp, người dân trong công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho đất nước.

Ngân hàng TNHH Indovina (IVB)

Ngân hàng TNHH Indovina vừa công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi, cho vay bình quân và các lãi suất khác kỳ tháng 3/2025 (số liệu cập nhật đến 31/03/2025) như sau: Lãi suất cho vay bình quân với khách hàng cá nhân (ngắn hạn) là 7,62%/năm (tăng 0,21% so với tháng 2), trung dài hạn là 8,96%/năm (giảm 0,07% so với tháng 1); Lãi suất cho vay bình quân với khách hàng doanh nghiệp (ngắn hạn) là 6,32%/năm (giảm 0,01%), trung dài hạn là 9,47%/năm (giảm 0,1%); Chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân là 2,48%/năm (giảm 0,13% so với tháng 2/2025).

Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Bank)

Ngân hàng Shinhan công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi, cho vay bình quân kỳ tháng 3/2025 như sau: Lãi suất cho vay bình quân là 4,96%/năm (giảm 0,2% so với tháng 2/2025); Chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân là 1,4%/năm (giảm 0,36% so với tháng 2/2025).

Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Finance)

Ngày 04/4 vừa qua tại Bệnh viện Phổi Hải Phòng, Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam - thành viên của Shinhan Card (Hàn Quốc) đã trao một số phần quà giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình hoạt động vì cộng đồng (CSR) Harmony của Shinhan Finance được thực hiện bởi chi nhánh Hà Nội, với 43 phần quà đã được trao, bao gồm quạt máy và xe lăn, cùng một số phần quà cá nhân gửi tới các bệnh nhân khó khăn.

Công ty Tài chính Shinhan Việt Nam luôn chú trọng đến các hoạt động hướng đến cộng đồng, đặc biệt là liên quan đến ngành Y tế và Giáo dục. Gần đây nhất, công ty đã thực hiện thành Công chương trình hiến máu “Giọt máu đào - Vì đồng bào” tại TP.HCM. Đây là năm thứ 6 liên tiếp Công ty Tài chính Shinhan tổ chức sự kiện này, qua đó nâng tổng số đóng góp hơn 1330 đơn vị máu cho ngành Y tế. Năm 2022, Công ty đã trao tặng 4 tủ sách với 738 cuốn sách cho thư viện sách Hải Phòng, thông qua chương trình “Tủ sách cho những ước mơ”.

VPDD TP.HCM

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay