
Theo Công văn số 2400/NHNN-PC ngày 04/04/2025 của Ngân hàng Nhà nước về việc đề nghị tham gia ý kiến đối với Hồ sơ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, việc xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm mục đích hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo đảm phù hợp với tên gọi, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự theo phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm giải quyết kịp thời vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn liên quan đến thi hành án tử hình.
Cụ thể, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS để bảo đảm thực hiện Nghị quyết số 190/2025/QH15, Nghị quyết số 18-NQ/TW, các kết luận của Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động tố tụng hình sự; thể chế hóa kịp thời kết luận của Bộ Chính trị về thi hành án tử hình để giải quyết vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn liên quan đến trình tự, thủ tục thi hành án tử hình; không mở rộng đến các nội dung khác chưa được tiến hành nghiên cứu, đánh giá, tổng kết, thảo luận đầy đủ, thống nhất, chi tiết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, dự thảo Luật được xây dựng có 02 điều với các nội dung sửa đổi, bổ sung cơ bản như: Điều 1, sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong đó, có các khoản từ khoản 1 đến khoản 21 và từ khoản 23 đến khoản 42 trong Điều 1 dự thảo Luật. Sửa đổi, bổ sung 77 điều luật liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cơ quan tiến hành tố tụng theo hướng không tổ chức cơ quan cấp huyện và liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Đối với khoản 22 Điều 1 dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung 01 điều luật (Điều 367) để thể chế hóa kết luận của Bộ Chính trị về Đề án “Rà soát, đánh giá những bất cập trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự liên quan đến áp dụng hình phạt tử hình và thi hành án tử hình; nghiên cứu giảm bớt tội danh bị áp dụng hình phạt tử hình; tăng cường áp dụng biện pháp chuyển đổi từ hình phạt tử hình sang hình phạt tù”.
Điều 2, hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp, gồm 2 khoản, cụ thể: Khoản 1 quy định về hiệu lực thi hành của luật, theo đó, Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025; Khoản 2 quy định về điều khoản chuyển tiếp theo hướng kể từ ngày 01/7/2025: (1) Đối với những vụ việc, vụ án do Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Toà án nhân dân cấp huyện thụ lý, giải quyết nhưng chưa kết thúc được chuyển cho Viện kiểm sát nhân dân khu vực, Toà án nhân dân khu vực tương ứng để tiếp tục giải quyết; (2) Đối với những vụ việc, vụ án do Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp cao thụ lý, giải quyết nhưng chưa kết thúc được chuyển cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao để tiếp tục giải quyết.
Chi tiết dự thảo Luật, bảng so sánh và tờ trình, quý hội viên xem tại đây. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị các tổ chức tín dụng hội viên tham gia ý kiến đối với Hồ sơ dự thảo này.
Văn bản góp ý của quý hội viên (bao gồm cả file word) xin gửi về Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam theo địa chỉ email: thuptm.vnba@gmail.com trước ngày 10/04/2025 để tổng hợp (Điện thoại liên hệ: 0339120916 - Ms Minh Thu).
VNBA rất mong nhận được sự quan tâm, hợp tác của quý hội viên.
PLNV