Thứ hai, 21/04/2025
   

Luật hóa Nghị quyết 42: Giảm tải cho cơ quan thi hành án, khơi thông nguồn lực xã hội

Luật hóa Nghị quyết 42 tại Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) 2024 sẽ công cụ quan trọng để khơi thông nguồn lực từ tài sản bảo đảm bị "đóng băng" do quá trình tố tụng kéo dài. Các ngân hàng khẳng định trách nhiệm tuân thủ pháp luật, song cũng mong muốn có cơ chế rõ ràng để thu hồi tài sản bảo đảm hiệu quả, tránh thiệt hại cho cả TCTD và người dân.

Ngày 18/4, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) 2024. Tọa đàm được tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp của các TCTD, giúp cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (dự kiến khai mạc vào tháng 5/2025). Sau đây là các ý kiến được đại diện các TCTD trình bày tại tọa đàm.

Bà Nguyễn Thu Lan, Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank

Techcombank là một trong những ngân hàng tích cực áp dụng Nghị quyết 42 và đã rút ra được nhiều kinh nghiệm. Tôi rất hiểu những băn khoăn của các cơ quan có thẩm quyền, tuy vậy, cần làm rõ một số khó khăn của ngân hàng trong quá trình thu giữ TSBĐ, xử lý nợ xấu.

Bà Nguyễn Thu Lan, Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank
Bà Nguyễn Thu Lan, Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank

Về sự công bằng và trách nhiệm của TCTD khi thu giữ tài sản, chúng tôi nhận thức rất rõ. Ngân hàng là tổ chức được cấp phép hoạt động và chịu sự quản lý vô cùng chặt chẽ. Người dân gửi vào ngân hàng hàng triệu tỷ đồng, không phải chỉ vài trăm nghìn tỷ đồng, và ngân hàng có trách nhiệm quản lý, chi trả gốc/lãi đầy đủ. Bởi vậy, ngân hàng cũng là tổ chức được xã hội tin tưởng, không thể tùy tiện trong việc thu giữ tài sản.

Khi tiến hành thu giữ, chúng tôi vô cùng cẩn trọng, bởi bất kỳ sai sót nào trong quá trình này — từ thu giữ, xử lý tài sản, bán đấu giá đến thu hồi tiền — đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và khiếu kiện. Nếu làm sai, ngân hàng phải chịu trách nhiệm và vẫn phải chi trả đầy đủ theo quy định. Do đó, chỉ TCTD mới được Ngân hàng Nhà nước trao quyền thu giữ tài sản; không phải bất cứ tổ chức nào trong xã hội, hay trong các quan hệ dân sự thông thường, đều có thể thực hiện thủ tục này. Cần khẳng định rằng, ngân hàng không thể tùy ý làm gì cũng được.

Về vấn đề nhân đạo trong quá trình thu giữ tài sản, cần hiểu rằng đây không chỉ là vấn đề tại thời điểm thu giữ. Dù có kéo dài thêm 5, 10 hay 15 năm, khi đến tay cơ quan thi hành án thì vẫn phải thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Những yếu tố nhân đạo vẫn phải nằm trong khuôn khổ pháp luật.

Trước thực tế đó, nhiều ngân hàng buộc phải thận trọng hơn, không cho vay đối với các đối tượng quá yếu thế. Hệ quả là những người này mất cơ hội tiếp cận vốn vay. Một số ngân hàng hiện có chính sách không nhận tài sản bảo đảm của các cá nhân yếu thế, lớn tuổi. Vô hình trung, từ việc bảo vệ, lại trở thành tước đi quyền lợi, khiến họ không còn được vay vốn ngân hàng nữa.

Bà Nguyễn Tuyết Dương, Thành viên HĐTV Agribank
Bà Nguyễn Tuyết Dương, Thành viên HĐTV Agribank
Bà Nguyễn Tuyết Dương, Thành viên HĐTV Agribank

Agribank là một ngân hàng rất lớn với mạng lưới rộng khắp cả nước và tổng tài sản hiện nay đã vượt 2,2 triệu tỷ đồng. Đi kèm với đó, nguồn lực tài sản nằm trong các khoản nợ xấu cũng rất lớn. Bài toán đặt ra là chúng ta phải có trách nhiệm khơi thông và đưa nguồn lực này quay trở lại nền kinh tế. Nếu chỉ cứ tranh luận mà để một lượng tài sản lớn tiếp tục tồn đọng thì sẽ rất lãng phí.

Không có ngành nào đòi hỏi sự chặt chẽ trong các quan hệ như ngành Ngân hàng. Chính vì thế, các TCTD có hẳn một bộ luật riêng, được xây dựng vô cùng chặt chẽ.

Ngân hàng huy động vốn từ người dân, do đó chúng tôi phải có trách nhiệm với đồng tiền đó. Chính chúng tôi, những người làm ngân hàng, hơn ai hết, phải hiểu trách nhiệm của mình đối với xã hội và phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật.

Hệ thống quy định đối với ngân hàng rất chặt chẽ. Tại sao vẫn có những vụ việc, sai phạm xảy ra? Đó là điều không thể tránh khỏi trong bất kỳ xã hội nào, nhưng chúng ta không thể vì thiểu số sai phạm mà bắt cả hệ thống ngân hàng phải gánh chịu. Ngân hàng đã và đang cân nhắc rất kỹ trong mọi quyết định. Ai làm sai đã có pháp luật xử lý. Rủi ro đạo đức là một trong những rủi ro mà ngân hàng luôn coi trọng. Đây là vấn đề rất lớn, khi lựa chọn nhân sự, chúng tôi phải sàng lọc và lựa chọn rất kỹ.

Đối với vấn đề thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm, rõ ràng, về nguyên tắc, vay thì phải trả nợ. Khi ngân hàng đã cho vay, chính ngân hàng là người lo lắng hơn bất kỳ ai hết để đảm bảo rằng ngân hàng có khả năng hoàn trả lại nguồn vốn, nguồn tiền mà ngân hàng đã nhận từ tiền tiết kiệm của người dân. Bởi vì ngân hàng huy động vốn từ người dân, sử dụng tiền nhàn rỗi để cho người khác vay. Về trách nhiệm xã hội, ngân hàng cũng đã làm rất nhiều.

Hiện nay, các vụ án tồn đọng ở tòa án rất nhiều, rõ ràng là nguồn lực lớn đang bị "đóng băng", gây lãng phí thời gian và chi phí cho các đơn vị liên quan, các bộ, ngành. Nếu xử lý tốt công tác thu hồi nợ, có thể giảm tải công việc cho tòa án và cơ quan thi hành án.

Bên cạnh đó, cần phải nâng cao ý thức pháp luật. Khi đã bước vào một quan hệ dân sự thì cần phải có sự tôn trọng, không thể có sự chây ì nghĩa vụ trả nợ. Ngân hàng cũng có quy trình nội bộ rất chặt chẽ, không thể làm tùy tiện. Bởi vì nếu xảy ra bất kỳ rủi ro nào, chính ngân hàng là bên chịu thiệt hại.

Mặt khác, khi các quy định về thu giữ tài sản đã được luật hóa, thì sẽ đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy trình và thủ tục. Từ trước khi Nghị quyết 42 được ban hành và thực hiện, Quốc hội đã rất thận trọng, đã thí điểm và đánh giá việc áp dụng là hoàn toàn phù hợp.

Qua quá trình triển khai, Nghị quyết 42 đã cho thấy hiệu quả rõ ràng, hệ thống ngân hàng tha thiết mong các bộ, ngành chia sẻ, cùng tháo gỡ các vướng mắc tồn đọng để phát huy nguồn lực xã hội.

Ông Nguyễn Văn Trình, Trưởng ban Pháp chế Sacombank
Ông Nguyễn Văn Trình, Trưởng ban Pháp chế Sacombank
Ông Nguyễn Văn Trình, Trưởng ban Pháp chế Sacombank

Việc đảm bảo quyền của ngân hàng cũng chính là đảm bảo quyền của các chủ thể khác trong quan hệ tín dụng. Nếu tài sản bị đóng băng, tồn đọng thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi chung, chứ không chỉ riêng ngân hàng. Ngân hàng không đấu tranh vì lợi ích riêng mà nhằm duy trì một quan hệ xã hội công bằng, phục vụ cả người gửi tiền lẫn người vay.

Trong thực tiễn, nếu ngân hàng có hành vi sai như cho vay hoặc thu giữ sai, đều đã có các quy định pháp luật xử lý rất chặt chẽ. Tuy nhiên, hiện nay dù ngân hàng đã tuân thủ đầy đủ quy trình cho vay đúng luật, việc xử lý tài sản bảo đảm lại thiếu cơ chế đầu ra phù hợp, gây ra sự bất công trong áp dụng pháp luật với lĩnh vực tín dụng. Bộ Luật Dân sự cho phép áp dụng biện pháp bảo đảm, nhưng khi xử lý lại phải qua quy trình tố tụng kéo dài nhiều năm, khiến quan hệ tín dụng không được đối xử công bằng như các quan hệ dân sự khác.

Vì vậy, việc luật hóa Nghị quyết 42 là cơ hội quan trọng nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động ngân hàng trong việc phục vụ nền kinh tế – xã hội, hoàn toàn không nhằm mưu cầu lợi ích riêng.

Ông Nguyễn Đức Biên, Phó Chủ tịch HĐQT HD AMC
Luật hóa Nghị quyết 42: Giảm tải cho cơ quan thi hành án, khơi thông nguồn lực xã hội
Ông Nguyễn Đức Biên, Phó Chủ tịch HĐQT HD AMC

Từ khi có Nghị quyết 42, các ngân hàng đã xử lý nợ xấu hiệu quả hơn. Tuy nhiên, khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, việc thu hồi TSBĐ thực hiện thông qua tòa án hoặc cơ quan thi hành án mất nhiều thời gian hơn do quy trình tố tụng, cũng như số lượng vụ án được thụ lý thông qua tòa án rất nhiều.

Do đó, nếu được quyền thu giữ TSBĐ, ngân hàng sẽ chủ động hơn trong xử lý nợ xấu, rút ngắn được thời gian, giảm chi phí thu nợ, giảm phần nợ quá hạn và người đi vay còn có thể giữ lại một phần vốn để tiếp tục sản xuất kinh doanh. Nếu chờ thi hành án thì lãi suất vẫn phát sinh, thực tế cho thấy, nhiều trường hợp đến khi xử lý xong thì tổng nợ đã vượt giá trị tài sản bảo đảm.

Do đó, tôi rất mong muốn quyền thu giữ TSBĐ của ngân hàng được luật hóa, tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống, tất nhiên việc thu giữ phải đúng quy định pháp luật, đúng quy trình, tôn trọng thượng tôn pháp luật.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay