Thứ bảy, 19/04/2025
   

VNBA mời hội viên góp ý dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi)

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có công văn gửi Tổng Giám đốc các tổ chức hội viên xin ý kiến đối với dự thảo lần 3 của Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi).
Luật Thi hành án dân sự
Hình ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) nhằm khắc phục hạn chế, bất cập của các quy định hiện hành, nâng cao trách nhiệm của Tòa án, Viện Kiểm sát và Ủy ban nhân dân các cấp trong thi hành án dân sự; bổ sung, sửa đổi một số trình tự, thủ tục thi hành án; xác định lại trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án và bổ sung một số quy định mới về biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án hợp lý hơn… với các điều khoản sửa đổi, bổ sung đã được cụ thể hóa, chi tiết và rõ ràng hơn.

Bởi Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 quy định về trình tự, thủ tục trong lĩnh vực thi hành án dân sự đang bị hành chính hóa, làm giảm đáng kể đến hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Trong đó, tạo cho mọi người cách hiểu giai đoạn thi hành án dân sự là một thủ tục bắt buộc để thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Vì thế, dễ tạo nên tâm lý chây ì, không tự nguyện thi hành khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà cứ chờ cho đến khi người được thi hành án làm đơn yêu cầu ra cơ quan Thi hành án dân sự thì mới được tính.

Tuy nhiên, khi ra đến cơ quan Thi hành án thì các thủ tục mang tính hành chính đã làm giảm hẳn tính nghiêm minh của bản án, của pháp luật, dẫn đến kết quả thi hành bản án, quyết định không cao. Đây là một hệ quả xấu do chính các quy định trong pháp luật về thi hành án dân sự tạo nên.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 cần quán triệt tinh thần Điều 106 của Hiến pháp đó là: Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.

Theo đó, cần phải thay đổi cơ bản tư duy, cách hiểu về giai đoạn thi hành án dân sự. Đó là một bên đương sự không tự nguyện thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì bên còn lại mới phải yêu cầu đến cơ quan Thi hành án thi hành dân sự. Nghĩa là, đã có một bên đương sự không tôn trọng pháp luật, không tự nguyện chấp hành bản án, quyết định của Tòa án. Trong đó, giai đoạn thi hành án cần phải hiểu là giai đoạn cưỡng chế thi hành bản án theo quyết định của Tòa án.

Vì vậy, dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) cần phải xây dựng các quy định mang tính cưỡng chế tư pháp, mang tính quyền lực bắt buộc với trình tự, thủ tục thi hành đơn giản, hiệu quả, chứ không phải là các thủ tục hành chính rườm rà và giành quá nhiều quyền không hợp lý cho người phải thi hành án như các quy định hiện nay. Như vậy, mới bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật để xây dựng nền pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Cụ thể, Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), có 5 chương, với 86 Điều. Chi tiết dự thảo lần 3 của Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), quý hội viên xem tại đây. Nhằm góp ý hoàn thiện dự thảo phù hợp với thực tiễn hoạt động ngân hàng, VNBA đề nghị các tổ chức tín dụng hội viên tham gia ý kiến đối với dự thảo lần 3 này.

Văn bản góp ý của quý Hội viên (bao gồm cả file word) xin gửi về Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam theo địa chỉ email: lehoanghiep1511@gmail.com trước ngày 22/04/2025 để tổng hợp (Điện thoại: 0961.654.596 - Mr. Hoàng Hiệp).

VNBA rất mong nhận được sự quan tâm, hợp tác của quý tổ chức tín dụng hội viên.

PLNV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay