Chủ nhật, 29/09/2024
   

Sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm tiền gửi - Khắc phục bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi

Luật Bảo hiểm tiền gửi là cơ sở pháp lý để triển khai các chính sách về bảo hiểm tiền gửi, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Luật Bảo hiểm tiền gửi là cơ sở pháp lý để triển khai các chính sách về bảo hiểm tiền gửi, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm đi vào cuộc sống, trong quá trình thi hành pháp luật về bảo hiểm tiền gửi, bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, cần thiết phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung.

Ông Tạ Quang Đôn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước cho biết, Luật Bảo hiểm tiền gửi đã tạo lập cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành luật.Theo đó, ông Tạ Quang Đôn đã chỉ ra 3 vướng mắc, bất cập của Luật Bảo hiểm tiền gửi, bao gồm:

Thứ nhất, một số quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi chưa cụ thể, dẫn tới quá trình thực hiện còn gặp khó khăn, vướng mắc.

Theo đó, Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định: tiền gửi được bảo hiểm gồm tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chưa có quy định rõ về “các hình thức tiền gửi khác”, do vậy còn có các quan điểm khác nhau trong việc xác định tiền gửi được bảo hiểm đối với hình thức như: tiền gửi ký quỹ, thẻ trả trước...

Luật Bảo hiểm tiền gửi chưa có quy định về thủ tục sửa đổi, bổ sung, cấp lại Giấy chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có sự thay đổi thông tin về Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửihoặc khi tổ chức bảo hiểm tiền gửi thay đổi mẫu Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi. Trên thực tế đã phát sinh các trường hợp này, do đó cần có quy định, hướng dẫn cụ thể tại Luật.

Về việc tính và nộp phí bảo hiểm tiền gửi, trong quá trình hoạt động, một số tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi gặp khó khăn trong hoạt động dẫn đến việc chậm nộp phí, nợ phí, nợ tiền phạt nộp chậm và không có khả năng trả các khoản phí này cho bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, chưa có quy định về việc nợ phí, gia hạn thời gian đóng phí bảo hiểm tiền gửi của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, về việc xử lý số tiền nợ này của tổ chức tham gia BHTG đến thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Ngoài ra, Luật Bảo hiểm tiền gửichưa quy định về kỳ tính phí quý đầu tiên đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bắt buộc nhưng khai trương hoạt động một thời gian mới nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau về thời điểm tính phí kỳ thu phí đầu tiên.

Thứ hai, một số quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi cần có sự đánh giá lại để phù hợp với tình hình và hệ thống pháp luật thời điểm hiện tại.

Cụ thể, việc áp dụng mức phí bảo hiểm tiền gửi phân biệt giữa các tổ chức tín dụng phù hợp với xu thế phát triển cạnh tranh, tạo sự công bằng cho các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, khuyến khích các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có hoạt động tốt sẽ được hưởng mức phí bảo hiểm tiền gửi thấp hơn và ngược lại. Tuy nhiên, việc áp dụng mức phí phân biệt cũng có những khó khăn. Hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam vẫn đang trong quá trình cơ cấu lại, gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém. Việc áp dụng phí bảo hiểm tiền gửi phân biệt sẽ làm tăng gánh nặng tài chính đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đặc biệt là những tổ chức tín dụng có độ rủi ro cao, gia tăng khó khăn cho quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức này. Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng thì các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được miễn nộp phí bảo hiểm tiền gửi.

Hiện nay có 61 tổ chức (60%) trong tổng số 102 tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới vẫn áp dụng hệ thống phí BHTG đồng hạng, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc. Luật Bảo hiểm tiền gửi có đặt ra cơ sở cho việc quy định mức phí bảo hiểm phân biệt, tuy nhiên thời gian qua ở Việt Nam vẫn đang áp dụng mức phí đồng hạng 0,15% trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Việc áp dụng mức phí đồng hạng như hiện nay giúp Bảo hiểm tiền gửiViệt Nam tăng trưởng ổn định về nguồn thu phí bảo hiểm tiền gửi, từ đó quỹ dự phòng nghiệp vụ cũng tăng trưởng ổn định tạo nguồn cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện chính sách chi trả bảo hiểm đối với người được bảo hiểm tiền gửi. Do vậy, việc áp dụng mức phí đồng hạng hay phân biệt cần thiết phải có sự đánh giá thận trọng và lộ trình áp dụng để tránh những ảnh hưởng tiêu cực tới hệ thống các tổ chức tín dụng, niềm tin của công chúng.

Điều 22 Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửivẫn lâm vào tình trạng phá sản. Về thời điểm NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán thực hiện theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng. Hiện nay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng có thay đổi về thời điểm chấm dứt kiểm soát đặc biệt, về thời điểm văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán… Điều này đòi hỏi cần nghiên cứu thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm tại Luật Bảo hiểm tiền gửi để đảm bảo tính kịp thời, tránh gây áp lực lên hệ thống tổ chức tín dụng.

Điều 31 Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định tổ chức bảo hiểm tiền gửi được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN và gửi tiền tại NHNN. Luật chưa quy định Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được bán trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN khi cần thiết. Trong khi đó, trường hợp phát sinh nghĩa vụ chi trả bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần phải được phép bán trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN đang nắm giữ để chủ động thực hiện nghĩa vụ của mình. Bên cạnh đó, mặc dù các kênh đầu tư hiện tại là kênh đầu tư an toàn nhưng có thể nghiên cứu đa dạng hóa thêm hình thức đầu tư mới để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam mà vẫn đảm bảo an toàn, qua đó nâng cao hơn nữa năng lực của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền.

Thứ ba, một số quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi cần phải được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thống nhất với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, đồng thời tạo cơ sở để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện được các nhiệm vụ mới được giao

Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đã bổ sung thêm một số quyền hạn, nghĩa vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong quá trình tham gia tái cơ cấu TCTD, bao gồm: phối hợp tham gia xây dựng phương án phục hồi quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), phương án phá sản tổ chức tín dụng, cho vay đặc biệt đối với QTDND, công ty tài chính, mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ. Trong khi đó, các quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi hiện chưa quy định các quyền, nghĩa vụ này của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

Mặc dù Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đã có các quy định để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia vào quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, với năng lực hiện có của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, có thể nghiên cứu để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng, đặc biệt là các QTDND, qua đó tăng thêm nguồn lực cho hoạt động tái cơ cấu tổ chức tín dụng, đồng thời để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của tổ chức bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền tại Việt Nam.

Để Luật Bảo hiểm tiền gửi có hiệu quả thực thi, thống nhất với các quy định pháp luật khác có liên quan, tạo cơ sở pháp lý cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy được vai trò, vị thế của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, theo ông Phạm Bảo Lâm - Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Luật Bảo hiểm tiền gửi cần sửa đổi, bổ sung theo hướng:

Bám sát, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém nhằm sử dụng chính sách bảo hiểm tiền gửi như một công cụ hiệu quả để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền.

Luật Bảo hiểm tiền gửi cần được sửa đổi theo hướng khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi tính đến thời điểm hiện nay.

Bên cạnh đó, cần bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có vai trò lớn hơn trong việc thực hiện các chính sách xã hội; đảm bảo tăng cường năng lực tài chính, sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có thực hiện các mục tiêu được giao.

Luật Bảo hiểm tiền gửi cũng cần sửa đổi theo hướng đồng bộ với các quy định pháp luật khác có liên quan để thuận lợi cho việc thực thi, từ đó đưa chính sách bảo hiểm tiền gửi đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.

“Luật Bảo hiểm tiền gửi được sửa đổi trên cơ sở tham khảo, học tập kinh nghiệm của các nước, hướng dẫn phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả của các tổ chức quốc tế nhằm từng bước hướng tới chuẩn mực chung của quốc tế về bảo hiểm tiền gửi” - ông Phạm Bảo Lâm khẳng định.

Theo DIV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay