Đại dịch đang được kiểm soát nhưng những hệ lụy và ảnh hưởng mà nó để lại vẫn đang hiện hữu đối với các ngân hàng. Nợ xấu, trích lập dự phòng, rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp,... là những vấn đề mà các ngân hàng cần phải giải quyết trong năm 2021.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới ban hành, các chuyên gia của Fiin Group đã chỉ ra những thách thức mà ngân hàng Việt phải đối mặt trong thời gian tới, đồng thời dự báo triển vọng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2021 của toàn ngành.
Tín dụng qua kênh trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng mạnh
Báo cáo của Fiin cho biết trong bối cảnh tăng trưởng cho vay khách hàng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, các ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Khảo sát từ báo cáo tài chính của 26 ngân hàng (chiếm 85% dư nợ toàn hệ thống) của Fiin cho thấy trong 9 tháng đầu năm, cho vay khách hàng chỉ tăng trưởng 5,07% so với đầu năm trong khi trái phiếu doanh nghiệp tăng tới 48,1%. Tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp trong tổng dư nợ đã tăng từ 1,94% lên 2,71%.
Nguồn: FiinResearch từ báo cáo tài chính của 26 ngân hàng chiếm 85% dư nợ toàn hệ thống.
Ngân hàng đã trở thành một trong những nhà đầu tư chính trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong khi doanh nghiệp bất động sản lại vươn lên trở thành nhà phát hành lớn nhất cả ở thị trường sơ cấp và thứ cấp. Cơ cấu huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp của nhóm BĐS tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm.
Nguồn: Fiin Group.
Trái phiếu bất động sản chiếm tỷ trọng cao trong danh mục các trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn ba năm tới nhưng khả năng trả nợ của các nhà phát hành trái phiếu phụ thuộc lớn vào sự hồi phục của thị trường BĐS trong các năm tới.
Các ngân hàng chưa trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro cho nợ xấu bị ảnh hưởng bởi COVID-19
Fiin Group cho rằng các ngân hàng Việt Nam chưa trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro tín dụng đối với các khoản nợ xấu bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Chuyên gia của Fiin đưa ra dẫn chứng rằng trong giai đoạn COVID-19 bùng nổ, chi phí dự phòng của các ngân hàng Mỹ đã tăng vọt trong khi đó chi phí dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ xấu trong thời kỳ COVID của các ngân hàng Việt Nam không có sự thay đổi đột biến.
Thu nhập từ đầu tư chứng khoán không bền vững
Theo khảo sát từ 21 ngân hàng (tổng dư nợ chiếm 64% toàn hệ thống), trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng thu nhập từ các hoạt động kinh doanh truyền thống (cho vay và dịch vụ) thấp hơn nhiều với cùng kỳ.
Tăng trưởng thu nhập lãi thuần và lãi thuần từ dịch vụ tăng trưởng lần lượt 7,5% và 17,5% trong khi cùng kì năm trước là 19,7% và 35,5%.
Nguồn: FiinResearch từ báo cáo tài chính của 21 ngân hàng niêm yết.
Trong khi đó thu nhập khác từ hoạt động đầu tư chứng khoán tăng đột biến hơn 166% so với cùng kì, tuy nhiên, đây lại là nguồn thu nhập không bền vững.
Nguồn: FiinResearch từ báo cáo tài chính của 21 ngân hàng niêm yết.
NIM cải thiện nhờ độ trễ thời gian của việc giảm lãi suất cho vay và huy động
Theo phân tích của Fiin, biên lợi nhuận (NIM) của các ngân hàng cải thiện trong nửa cuối năm 2020 là do tăng trưởng tín dụng thấp, nguồn tiền gửi giá rẻ CASA phục hồi và độ trễ do lãi suất cho vay giảm chậm hơn so với lãi suất huy động.
Nguồn: Fiin Group.
Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2021
Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng chuyên gia của Fiin Group kì vọng trong năm 2021 tăng trưởng tín dụng của nghành ngân hàng sẽ phục hồi dự kiến 11% - 13%, chủ yếu đến từ sự phục hồi nhu cầu vay khách hàng, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ hạ nhiệt.
Thu nhập từ phí dịch vụ sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số do các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và bán chéo các sản phẩm bảo hiểm.
Tuy vậy, NIM dự kiến không được cải thiện nhiều so với 2020 do các ngân hàng chịu sức ép hạ lãi suất từ phía NHNN để chia sẻ khó khăn với khách hàng. Đồng thời mặt bằng lãi suất huy động dự kiến sẽ tăng nhẹ do sự phục hồi nhu cầu tín dụng, sự dịch chuyển từ kênh huy động trái phiếu sang kênh tín dụng ngân hàng.
Fiin cũng cho rằng các ngân hàng sẽ không có nhiều cơ hội để kiếm lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán (trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu ...) và rủi ro tiềm ẩn lớn đến từ việc lãi suất trái phiếu chính phủ phục hồi.
Cùng với đó, họ cũng sẽ chủ động trong việc chuyển nhóm nợ đối với dư nợ tái cơ cấu, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, chuẩn bị cho sự hạ cánh mềm về chất lượng tài sản trong thời gian tới.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng