Thứ ba, 21/01/2025
   

Ngân hàng “bảo an” cho giao dịch trực tuyến

Trước nguy cơ lừa đảo trên mạng ngày càng tinh vi và diễn biến phức tạp, các ngân hàng và trung gian thanh toán đang tung ra các gói bảo hiểm tài khoản giao dịch trực tuyến.
Nhiều sản phẩm bảo hiểm tài khoản

Sau khi công ty bảo hiểm ABIC của Agribank công bố bán bảo hiểm tài khoản giao dịch trực tuyến, mới đây thị trường xuất hiện thêm nhà mạng viễn thông Viettel tham gia bán gói bảo hiểm tài khoản tiền di động (Mobile Money) cho người dùng thanh toán. Mặc dù phương thức thanh toán Mobile Money của ba nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone tính đến cuối năm 2023 có khoảng gần 6 triệu tài khoản được kích hoạt (số liệu của Vụ Thanh toán - NHNN), song cũng đòi hỏi các thành viên tham gia thị trường thanh toán phải đầu tư công nghệ bài bản và thực hiện bảo hiểm cho người dùng an toàn trước các nguy cơ an ninh thanh toán.

Ngân hàng “bảo an” cho giao dịch trực tuyến
Ngân hàng “bảo an” cho giao dịch trực tuyến

Hầu hết các gói bảo hiểm tài khoản cho giao dịch trực tuyến đều có giá bình dân khoảng trên 70.000 đồng/năm, trường hợp xảy ra sự cố mất tiền không mong muốn người dùng sẽ được bồi thường. Đơn cử như bảo hiểm ABIC sẽ chi trả bồi thường tối đa khoảng 46 triệu đồng/vụ. Bảo hiểm VietinBank (VBI) có gói bảo hiểm thẻ ghi nợ có mức phí từ 3.000-5.000 đồng/tháng trường hợp xảy ra gian lận thẻ, người dùng sẽ nhận được mức bồi thường, số tiền bảo hiểm tối đa không quá 100.000 đồng/thẻ/lần.

VBI cũng bảo hiểm cướp tiền tại cây ATM bồi thường 10 triệu đồng/vụ việc. Ngoài ra, các ngân hàng khác cũng có những sản phẩm bảo hiểm tài khoản như Bảo hiểm BSH có bảo hiểm không gian mạng CyberGuard cho tài khoản của SHB, Bảo hiểm MIC thực hiện cho bảo hiểm thanh toán thẻ của MB, Bảo hiểm chủ thẻ cho VPBank được PTI triển khai…

Ông Đỗ Minh Hoàng -thành viên HĐQT ABIC cho biết, qua nghiên cứu khảo sát của công ty bảo hiểm này, số vụ lừa đảo có giá trị tiền dưới 50 triệu đồng xảy ra nhiều nhất và những vụ việc có giá trị tiền không quá lớn thường nạn nhân không báo cho cơ quan chức năng.

Theo Kaspersky, năm ngoái hãng này đã phát hiện và ngăn chặn nhiều sự cố an ninh mạng nhắm vào các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó các tổ chức ở Việt Nam đối mặt với 59.837 cuộc tấn công ransomware (mã độc đòi tiền chuộc). Trong đó, lừa đảo tài chính với 36.130 trường hợp, vẫn luôn là mối đe dọa phổ biến đối với các doanh nghiệp và cá nhân tại Việt Nam khi kẻ gian liên tục thực hiện các hành vi lừa đảo tinh vi, dụ dỗ người dùng cấp quyền truy cập vào các thông tin quan trọng liên quan đến tài khoản ngân hàng, hệ thống thanh toán và cửa hàng thương mại điện tử.

“Trong quý I/2024, tần suất của các cuộc tấn công mạng đã gia tăng với các phương thức cực kỳ tinh vi. Những cuộc tấn công này nhắm vào các tổ chức trong lĩnh vực tài chính và chứng khoán, cùng với đó là các sự cố mất tiền từ các tài khoản cá nhân”, ông Ngô Tấn Vũ Khanh, chuyên gia an ninh mạng nói và cho rằng, đây chính là “lời nhắc nhở” cho người dùng về sự cần thiết của một giải pháp an ninh mạng đáng tin cậy.

Thúc đẩy các giải pháp phòng, chống rủi ro

Bảo hiểm tài khoản giao dịch trực tuyến là một sản phẩm hỗ trợ rủi ro cho người dùng dịch vụ tài chính ngân hàng giảm bớt tổn thất nếu gặp rủi ro. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển của công nghệ, mọi thao tác tính bằng giây thì việc bảo đảm an ninh an toàn cần phải đặt lên hàng đầu đối với giao dịch trực tuyến.

Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm mạng sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an cho biết, ở Việt Nam trong 3 năm trở lại đây lừa đảo thông qua các phương tiện công nghệ là một nghề kiếm ăn phổ biến. Các đối tượng lừa đảo chuyển tiền hiện nay không cần người ra cầm tiền, chúng thực hiện trên chính tài khoản với nhau. Trong mỗi chúng ta bất cứ lúc nào đều có thể bị tội phạm mạng tấn công chiếm quyền sử dụng thông tin cá nhân.

Để phòng ngừa rủi ro, lãnh đạo Cục A05 cho rằng, các ngân hàng cần tiếp tục đầu tư nâng cấp thiết bị công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực tương xứng với từng giai đoạn phát triển. Mỗi ngân hàng hệ thống sao lưu dữ liệu phải luôn được đảm bảo dự phòng trong mọi tình huống để có thể bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ và không quá lo lắng về tội phạm mạng thao túng tống tiền.

Hiện nay, NHNN đã có văn bản yêu cầu tất cả các ngân hàng thương mại và trung gian thanh toán chỉ mở tài khoản online khi người dùng chứng minh được có tích hợp định danh bằng thẻ căn cước công dân gắn chip. Đặc biệt từ ngày 1/7/2024, theo Quyết định 2345/2023/QĐ-NHNN, người chuyển tiền từ trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc lũy kế từ trên 20 triệu đồng/ngày phải thực hiện xác thực bằng sinh trắc học khuôn mặt. Việc làm này nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, khi làm ủy nhiệm chi ngân hàng thương mại phải xem xét đúng với chủ tài khoản hoặc được ủy quyền, đây là trách nhiệm của ngân hàng trong thực hiện giao dịch; ngân hàng chi tiền cho ai phải biết rõ và truy vấn được dòng tiền đi.

Phát biểu tại buổi triển khai Nghị định 52/2024/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt mới đây, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, trong thời đại công nghệ phát triển, các ngân hàng “tham gia sân chơi” mới triển khai dịch vụ tốt. Việt Nam hiện có trên 180 triệu tài khoản ngân hàng, các ngân hàng cung ứng dịch vụ phải thực hiện nghiêm túc. NHNN sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn an ninh thanh toán để hạn chế người Việt Nam bị lừa đảo trên không gian mạng.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay