
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Phát biểu chỉ đạo, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Câu lạc bộ Công ty tài chính tiêu dùng là một tổ chức tự nguyện, trực thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, quy tụ các công ty tài chính được cấp phép hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Câu lạc bộ hoạt động trên nguyên tắc phi lợi nhuận, có tư cách pháp nhân và con dấu riêng, nhằm mục tiêu: Gắn kết các hội viên; Hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; Góp phần vào sự phát triển của ngành tài chính tiêu dùng và nền kinh tế - xã hội đất nước.
TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh vai trò cầu nối của CLB giữa các công ty tài chính và cơ quan quản lý. Đồng thời đề nghị CLB cần tăng cường tính chủ động, thực tiễn và phối hợp để tháo gỡ các vướng mắc của ngành, góp phần phát triển thị trường tài chính tiêu dùng một cách lành mạnh, minh bạch và bền vững.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, TS. Nguyễn Quốc Hùng đề xuất Ban chủ nhiệm xem xét thành lập một Tổ giúp việc thường trực, có vai trò là đầu mối tập hợp các khó khăn của hội viên, nghiên cứu, phân tích dựa trên quy định pháp luật và gửi kiến nghị tới VNBA để Hiệp hội đại diện làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước.

Ông Nguyễn Đình Đức – Chủ nhiệm CLB Tài chính Tiêu dùng
Thay mặt Ban chủ nhiệm, ông Nguyễn Đình Đức – Chủ nhiệm CLB Tài chính Tiêu dùng đã trình bày 3 mục tiêu trọng tâm trong nhiệm kỳ, bao gồm: thống nhất chương trình hành động, tổng hợp và kiến nghị tháo gỡ khó khăn, và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
Ông Nguyễn Đình Đức cho biết, cơ chế thử nghiệm chia sẻ dữ liệu qua sàn sàn dữ liệu quốc gia dự kiến được khởi động vào tháng 8 tới. Khi đó, các công ty tài chính sẽ phối hợp bàn thảo chi tiết về phương thức chia sẻ, loại dữ liệu, phạm vi và cơ chế vận hành, bảo đảm hiệu quả, minh bạch và đúng pháp luật.
Chủ nhiệm CLB Tài chính Tiêu dùng khẳng định, việc tham gia chia sẻ dữ liệu thông qua sàn dữ liệu quốc gia là một cơ hội lớn để các công ty tài chính hợp pháp hóa hoạt động chia sẻ thông tin. Khi các bên thống nhất được quy trình, tiêu chuẩn và hành lang pháp lý cho hoạt động này, sẽ hình thành cơ chế chính danh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia.
Từ đó, góp phần giảm rủi ro tín dụng, đặc biệt trong mô hình cho vay không có tài sản bảo đảm. Đồng thời, phòng chống gian lận, hạn chế tình trạng đối tượng xấu lợi dụng khoảng trống dữ liệu giữa các đơn vị.
Bên cạnh đó, một nhiệm vụ quan trọng mà Chủ nhiệm CLB Tài chính Tiêu dùng lưu ý đó là tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức xã hội. Truyền thông cần giúp người dân nhận diện rõ ràng vai trò hợp pháp, minh bạch của các công ty tài chính tiêu dùng. Qua đó, giúp người dân phân biệt rõ ràng giữa tài chính tiêu dùng chính thống và tín dụng đen. Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm tài chính và nghĩa vụ trả nợ của người vay, từ đó xây dựng hành vi tài chính lành mạnh, góp phần ổn định xã hội và phát triển thị trường.
Về trung hạn, ông Đức đề xuất nghiên cứu xây dựng Chỉ số tín dụng công dân, tương tự như mô hình của một số quốc gia. Đây sẽ là công cụ đánh giá mức độ tuân thủ tài chính của cá nhân và có thể tích hợp các chế tài phù hợp (như hạn chế xuất cảnh, hạn chế tiếp cận dịch vụ công đối với người cố tình không trả nợ). Hiện nay, hệ thống dữ liệu tín dụng tập trung đã có nhưng chưa đủ mạnh. Do đó, cần xây dựng một kho dữ liệu thống nhất, minh bạch hơn, với sự phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và các cơ quan liên quan.
Cũng theo ông Đức, hiện nay nhiều quy định pháp luật (Nghị định 55, 57, 68… còn bất cập, chưa theo kịp thực tiễn phát triển nhanh của ngành, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện nhiều hình thức cho vay P2P, ứng dụng công nghệ cao, nhu cầu tăng hạn mức vay và yêu cầu phân loại doanh nghiệp phù hợp hơn… Vì vậy, CLB sẽ thành lập một nhóm pháp chế chuyên trách để rà soát, tổng hợp các bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành để kiến nghị tới cơ quan chức năng hoàn thiện cơ chế pháp lý.

Quang cảnh cuộc họp
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chủ nhiệm CLB đã tập trung thảo luận các vấn đề cốt lõi trong hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng, đồng thời đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin và hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ phát triển ngành.
Theo đó, các thành viên Ban chủ nhiệm CLB thống nhất 5 trọng tâm lớn gồm: (1) Chia sẻ dữ liệu qua sàn dữ liệu quốc gia. Cụ thể, các công ty tài chính tiêu dùng thống nhất chủ trương tham gia nền tảng dữ liệu dùng chung, đảm bảo tuân thủ pháp luật, góp phần giảm rủi ro tín dụng và gian lận.
(2) Truyền thông nâng cao nhận thức xã hội về tài chính tiêu dùng. Theo đó, tăng cường truyền thông về vai trò hợp pháp, minh bạch của các công ty tài chính tiêu dùng, giúp người dân phân biệt rõ với tín dụng đen, từ đó hình thành hành vi tài chính lành mạnh.
(3) Kiến nghị hoàn thiện cơ chế pháp lý. Các thành viên Ban chủ nhiệm CLB thống nhất thành lập nhóm pháp chế để tổng hợp các bất cập, kiến nghị sửa đổi các quy định như Thông tư 39, Nghị định 55, 57, 68... phù hợp với thực tiễn và nhu cầu thị trường.
(4) Về chống gian lận và tăng cường thu hồi nợ hiệu quả. Các thành viên Ban chủ nhiệm CLB thống nhất đề xuất thiết lập hệ thống cảnh báo chung, họp định kỳ giữa các công ty để chia sẻ pattern gian lận, thủ đoạn mới, các điểm nóng theo khu vực hoặc POS.
(5) Các kiến nghị trọng tâm gửi Ngân hàng Nhà nước và cơ quan quản lý về đề xuất nâng hạn mức cho vay tiêu dùng, mức trần 100 triệu đồng quy định tại Thông tư 43/2016/TT-NHNN đã lỗi thời sau hơn một thập kỷ, cần được điều chỉnh phù hợp với thực tế và lạm phát. Đồng thời, nới lỏng quy định về giải ngân tiền mặt, phân biệt giữa giải ngân “bằng tiền mặt thật” và “chuyển vào tài khoản khách hàng”.
Bên cạnh các kiến nghị về hành lang pháp lý, CLB Tài chính Tiêu dùng cũng đề xuất điều chỉnh tỷ lệ cho vay tiêu dùng từ mức 30% hiện hành lên tối thiểu 50% hoặc cao hơn, tùy theo năng lực quản trị rủi ro của từng công ty. Việc điều chỉnh này nhằm bảo đảm linh hoạt hơn trong hoạt động kinh doanh, phù hợp với đặc thù mô hình và quy mô của từng tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Để tăng cường hiệu quả hoạt động và kết nối giữa các hội viên, Ban Chủ nhiệm CLB đề xuất một số giải pháp cụ thể: Tổ chức các cuộc họp chuyên đề định kỳ theo tháng nhằm kịp thời trao đổi, thảo luận và xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tiễn; Thành lập nền tảng chia sẻ thông tin chung và xây dựng kho dữ liệu nội bộ, hỗ trợ công tác cảnh báo rủi ro, phát hiện gian lận và phối hợp thu hồi nợ hiệu quả; Tiếp tục tổ chức các hội thảo chuyên môn, chương trình đào tạo nghiệp vụ, thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong toàn ngành tài chính tiêu dùng.
Những hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao năng lực vận hành của các công ty thành viên, mà còn tạo dựng môi trường phối hợp chặt chẽ, minh bạch và hiệu quả trong toàn Câu lạc bộ.
T.Đ