Thứ năm, 03/07/2025
   

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức họp góp ý Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động của công ty AMC

Sáng 02/07/2025, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức họp góp ý đối với dự thảo Thông tư quy định về hoạt động của công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản. TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc còn có đại diện Cục An toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; Vụ Pháp chế; Vụ Chính sách tiền tệ; Vụ Pháp chế; Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của Ngân hàng Nhà nước cùng đại diện các tổ chức tín dụng và các Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản ngân hàng (công ty AMC).

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ Tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Phát biểu tại cuộc họp, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động của công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản là một văn bản có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động mua bán nợ và xử lý tài sản trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh thực tiễn đang phát sinh nhiều tình huống mới, đòi hỏi cơ chế pháp lý linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo tính minh bạch và an toàn hệ thống.

Trong thời gian qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tích cực tổng hợp ý kiến từ các đơn vị thành viên để gửi về Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, qua trao đổi với một số ngân hàng và công ty AMC, thực tế cho thấy một số quy định trong Dự thảo còn chưa rõ ràng, có thể gây khó khăn trong triển khai thực tế.

TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, các công ty quản lý nợ là doanh nghiệp độc lập, được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù, các đơn vị này vẫn cần tuân thủ các quy định giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt trong phạm vi xử lý nợ xấu. Vì vậy, việc xây dựng Thông tư này là hoàn toàn cần thiết, nhưng cần đảm bảo được sự cân bằng giữa kiểm soát rủi ro và thúc đẩy hoạt động hiệu quả.

Trên tinh thần làm việc thẳng thắn, trách nhiệm và cầu thị, TS. Nguyễn Quốc Hùng đề nghị các đại biểu tham dự tích cực đóng góp ý kiến trực tiếp vào nội dung Dự thảo Thông tư. Những quy định nào phù hợp với quy định pháp luật thì cần ủng hộ. Nội dung nào chưa phù hợp, có thể gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp thì cần được góp ý cụ thể để kịp thời điều chỉnh.

TS. Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ mong muốn cuộc họp sẽ ghi nhận được nhiều ý kiến xác đáng, thiết thực, góp phần hoàn thiện Dự thảo Thông tư nhằm tăng cường hiệu quả quản lý của Ngân hàng Nhà nước; Đảm bảo hoạt động an toàn và minh bạch của các công ty AMC, nhưng đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển đúng hướng, đúng luật.

Ông Đỗ Giang Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xử lý nợ (Câu lạc bộ AMC) thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Ông Đỗ Giang Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xử lý nợ (Câu lạc bộ AMC) thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Tại cuộc họp, ông Đỗ Giang Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xử lý nợ (Câu lạc bộ AMC) thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã trình bày bảng tổng hợp ý kiến từ các công ty AMC góp ý đối với dự thảo Thông tư. Nội dung trọng tâm của các ý kiến góp ý nhằm mở rộng phạm vi hoạt động để Công ty AMC không chỉ là "cánh tay nối dài" để xử lý các khoản nợ xấu tồn đọng mà phải là một thực thể kinh doanh năng động. Bên cạnh đó, Dự thảo cần làm rõ các vướng mắc pháp lý trong xử lý tài sản bảo đảm để không tồn tại "vùng xám" pháp lý, có thể gây rủi ro cho các bên. Ngoài ra, để các công ty AMC phát triển lành mạnh, các quy định cần đồng bộ với hệ thống pháp luật chung và phải có các "chốt chặn" an toàn.

Đại diện Câu lạc bộ AMC cho rằng để tối ưu hóa nguồn lực, hiệu quả và giảm chi phí cho cả ngân hàng “mẹ” và công ty “con”, công ty liên kết, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung đối tượng được ủy quyền cho Công ty AMC bao gồm cả các công ty con, công ty liên kết của TCTD có AMC để AMC có các quyền khai thác, quản lý tài sản của mình phù hợp với quy định của Luật doanh nghiệp, đảm bảo tính đầy đủ hành lang pháp lý và tránh gây vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế, khuyến khích sự chủ động, linh hoạt trong cơ chế vận hành và phát triển của AMC.

Về phạm vi khoản nợ, đại diện Câu lạc bộ AMC đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, sửa đổi theo hướng AMC được quản lý và mua các khoản nợ quá hạn phát sinh từ cho vay, bảo lãnh, khoản phải thu từ hợp đồng cho thuê tài chính, các tài sản Có/Nợ (phát sinh quá hạn) và các khoản phải thu khác theo Bảng cân đối kế toán (như khoản phải thu từ hợp đồng cho thuê tài chính, khoản phải thu khác), khoản đầu tư của tổ chức tín dụng (TCTD). Điều này nhằm phù hợp với Luật các TCTD 2024, Thông tư 31/2024/TT-NHNN và thực tiễn phát sinh.

Đối với phạm vi hoạt động “khai thác tài sản”, đại diện Câu lạc bộ AMC cho rằng, Dự thảo [Khoản 1 Điều 5] đang giới hạn phạm vi khai thác tài sản chỉ gắn với “khoản nợ xấu”. Luật các TCTD 2024 cho phép các TCTD được phép cho thuê trụ sở chưa sử dụng hết. Do đó, việc TCTD mẹ/công ty con, công ty liên kết của TCTD mẹ ủy quyền cho AMC khai thác các tài sản không sử dụng hết như tòa nhà, văn phòng, là phù hợp với quy định pháp luật, giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài sản, tăng doanh thu và hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, AMC có chuyên môn và kinh nghiệm trong việc quản lý, khai thác tài sản, do đó việc giao cho AMC thực hiện sẽ chuyên nghiệp và hiệu quả hơn so với TCTD tự thực hiện. Việc AMC quản lý và khai thác tài sản giúp TCTD "mẹ" tập trung vào hoạt động cốt lõi, đồng thời đảm bảo tài sản được sử dụng hiệu quả, giảm thiểu rủi ro liên quan đến việc quản lý tài sản không sử dụng hết.

Đại diện Câu lạc bộ AMC cũng cho biết, hiện nay Thông tư 09/2015/TT-NHNN ngày 17/07/2015 quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Thông tư 18/2022/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 09/2015/TT-NHNN) chỉ áp dụng cho việc mua, bán nợ của TCTD. Do đó, đối với trường hợp AMC thực hiện mua, bán nợ và ký kết Hợp đồng mua, bán nợ thì có được áp dụng Thông tư 09/2015/TT-NHNN, Thông tư 18/2022/TT-NHNN hay chỉ áp dụng Bộ luật Dân sự (quy định liên quan đến việc mua bán quyền tài sản).

Về quyền và nghĩa vụ của TCTD có công ty quản lý nợ, đại diện Câu lạc bộ AMC cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung hướng dẫn về mẫu biểu, đơn vị đầu mối nhận báo cáo của NHNN để các TCTD thực hiện thống nhất.

Tại cuộc họp, đại diện nhiều tổ chức tín dụng và AMC của tổ chức tín dụng như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, MB, ACB... đã có những ý kiến thảo luận sôi nổi, gắn với thực tiễn hoạt động của đơn vị.

Đại diện Vietcombank cho biết hiện Vietcombank chưa thành lập công ty quản lý nợ (AMC) trực thuộc. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp quản Ngân hàng Xây dựng (CB), đơn vị này đã có một công ty AMC hoạt động. Do đó, đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ cơ chế quản lý, điều hành đối với các trường hợp công ty quản lý nợ không trực tiếp thuộc tổ chức tín dụng "mẹ" mà là công ty “con” của tổ chức tín dụng trực thuộc.

Đại diện VietinBank đề xuất làm rõ thêm các quy định liên quan đến khái niệm “nợ xấu”. Cụ thể, đề nghị phân biệt rõ giữa “nợ xấu” và “nợ quá hạn đã được xử lý, chuyển ra ngoại bảng”, để tránh hiểu nhầm trong quá trình áp dụng và giám sát. Trong khi đó, đại diện BIDV đề nghị cho phép AMC được quyền khai thác, quản lý các tài sản của TCTD "mẹ" để thống nhất đầu mối, hiệu quả thay vì giao cho chi nhánh quản lý.

Về quyền sở hữu tài sản và thời hạn nắm giữ tài sản, đại diện VIB chỉ ra sự bất hợp lý khi TCTD "mẹ" đứng tên tài sản trong khi AMC là đơn vị bỏ vốn mua nợ và xử lý tài sản đó. VIB kiến nghị tài sản cần được chuyển giao quyền sở hữu và xử lý cho AMC, đồng thời cho rằng quy định AMC chỉ được nắm giữ tài sản tối đa 5 năm là không phụ hợp thực tiễn, vì việc xử lý còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố thị trường và pháp lý.

Tại cuộc họp, đại diện Vụ Tín dụng, Vụ Pháp chế và Cục An toàn hệ thống các TCTD của Ngân hàng Nhà nước đều ghi nhận nhiều ý kiến đưa ra rất xác đáng, phù hợp với thực tiễn hoạt động của AMC và các đề xuất tại cuộc họp là rất cần thiết trong quá trình soạn thảo. Đại diện các đơn vị cho biết sẽ tiếp thu, tổng hợp, chỉnh sửa dự thảo và trình ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước.

VNBA tổ chức họp góp ý Dự thảo Thông tư về hoạt động của công ty AMC
Quang cảnh cuộc họp

Kết luận tại cuộc họp, TS. Nguyễn Quốc Hùng, đã ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham gia thảo luận có trách nhiệm, thẳng thắn và mang tính xây dựng của đại diện các đơn vị của Ngân hàng Nhà nước (Vụ Pháp chế, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Cục An toàn hệ thống các TCTD…), cùng đại diện các TCTD, công ty quản lý nợ (AMC).

TS. Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, việc phát triển thị trường mua bán nợ là định hướng chiến lược lâu dài của ngành ngân hàng, trong đó các công ty AMC đóng vai trò nòng cốt. Vì vậy, cần tạo hành lang pháp lý phù hợp để các AMC không chỉ xử lý nợ cho tổ chức tín dụng mẹ, mà còn có thể hoạt động độc lập, minh bạch và chuyên nghiệp trên thị trường.

Để Thông tư thực sự khả thi, hiệu quả khi triển khai, TS. Nguyễn Quốc Hùng đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ một số nội dung trọng yếu và các quy định cần sát thực tế, rõ ràng và thống nhất với pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, ông đề xuất trước khi ban hành Thông tư, nên có một báo cáo tổng kết toàn diện về quá trình hơn 20 năm hoạt động của các AMC. Báo cáo này sẽ là cơ sở quan trọng để đánh giá khách quan những điểm mạnh, hạn chế, từ đó giúp hoàn thiện chính sách trên tinh thần khoa học. Ông cũng nhấn mạnh, dù hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, các AMC là doanh nghiệp có điều kiện nên cần được phân định rõ ràng giữa các hoạt động được phép và không được phép. Việc hướng dẫn chi tiết, cụ thể là rất cần thiết để tránh vướng mắc trong triển khai thực tế.

TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Hiệp hội Ngân hàng sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp, phân nhóm theo từng nội dung, phối hợp chặt chẽ với Cục An toàn hệ thống TCTD, Vụ Pháp chế, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế... để báo cáo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước. Mục tiêu mong muốn là xây dựng Thông tư vừa đảm bảo kiểm soát rủi ro hiệu quả, vừa tạo điều kiện cho các AMC phát triển bền vững, đúng pháp luật.

T.Đ

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay