Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) đã đưa ra giải đáp về nguyên nhân dẫn đến việc thẻ tín dụng bị khóa và hướng dẫn cách “mở khóa” thẻ tín dụng.
Nguyên nhân chủ quan dẫn tới thẻ tín dụng bị khóa
Nguyên nhân chủ quan có thể dẫn tới việc thẻ tín dụng bị khóa chính là khách hàng chủ động khóa thẻ tín dụng. Cụ thể, trong những trường hợp bất khả kháng như: Khách hàng làm mất thẻ tín dụng; Khách hàng vô tình làm lộ thông tin thẻ tín dụng (số CVV/CVC); Khách hàng không có nhu cầu tiếp tục sử dụng thẻ tín dụng.
Nếu gặp phải những tình huống như trên, việc khóa thẻ tín dụng để đảm bảo an toàn cho tài sản của chủ thẻ là vô cùng cần thiết. Vì vậy, chủ thẻ đã trực tiếp sử dụng Internet Banking hoặc Mobile Banking để tiến hành khóa thẻ.
Ngoài ra, chủ thẻ cũng có thể liên hệ với ngân hàng qua điện thoại để được hỗ trợ khóa thẻ tín dụng nhanh chóng.
Nguyên nhân khách quan dẫn tới thẻ tín dụng bị khóa
Có nhiều nguyên nhân khiến thẻ tín dụng của khách hàng bị khóa từ phía ngân hàng, những nguyên nhân chủ quan dẫn tới vấn đề khóa thẻ như:
Thứ nhất, chủ thẻ nhập sai mã PIN nhiều lần: Thông thường nếu chủ thẻ nhập sai mã PIN quá ba lần thì hệ thống sẽ nghi ngờ người đang sử dụng tài khoản không phải chủ thẻ và tiến hành khóa thẻ để đảm bảo an toàn.
Thứ hai, nợ quá hạn chưa thanh toán: Tùy từng ngân hàng sẽ có quy định khác nhau về khoản nợ có thể khiến bị khóa thẻ tín dụng. Hành động này sẽ giúp ngân hàng có thể thu hồi nợ và khách hàng không bị trừ điểm tín dụng. Tuy nhiên, chủ thẻ phải cân nhắc lên kế hoạch chi tiêu hợp lý để hạn chế nợ tín dụng.
Thứ ba, thông tin sai lệch: Thông tin khách hàng cung cấp cho ngân hàng chưa chính xác, cần xác minh lại.
Thứ tư, giao dịch không minh bạch: Khi nghi ngờ có hành vi lừa đảo, thiếu minh bạch trong giao dịch chi tiêu, ngân hàng có thể chủ động khóa thẻ tín dụng của khách hàng để tra soát kỹ lưỡng.
Thứ năm, phát sinh khoản chi tiêu bất thường: Trong trường hợp này hệ thống có thể chủ động khóa thẻ để phòng ngừa rủi ro.
Thứ sáu, thẻ tín dụng không còn hiệu lực: Trong trường hợp thẻ tín dụng của khách hàng đã hết hạn hoặc ngân hàng đã chuyển sang sử dụng dòng sản phẩm khác thay thế. Từ đó, thẻ của khách hàng sẽ tạm bị khóa, sau đó ngân hàng sẽ chủ động liên hệ với chủ thẻ để đưa ra hướng giải quyết hợp lý.
Từ các thông tin trên, khách hàng sẽ biết được nguyên nhân tại sao thẻ tín dụng bị khóa. Đồng thời, giúp khách hàng có kế hoạch chi tiêu và sử dụng thẻ phù hợp, để không bị gián đoạn các giao dịch và bảo toàn được số điểm tín dụng của mình.
“Mở khóa” thẻ tín dụng MB trên ứng dụng ngân hàng số
Ngân hàng MB hướng dẫn khách hàng cách mở khóa thẻ, nếu đột nhiên thẻ tín dụng bị khóa. Chủ thẻ, có thể thực hiện 4 bước để mở khóa thẻ tín dụng MB trên ứng dụng ngân hàng số - MBBank như: Bước 1, truy cập vào ứng dụng MBBank trên điện thoại; Bước 2, lựa chọn “Dịch vụ thẻ”; Bước 3, lựa chọn thẻ đang bị khóa mà chủ thẻ muốn mở lại và chọn “Mở khóa thẻ”; Bước 4, nhập mã OTP để hoàn tất giao dịch.
“Mở khóa” thẻ tín dụng MB qua Hotline
Trong trường hợp không thể xử lý mở khóa thẻ tín dụng MB qua ứng dụng ngân hàng số thì khách hàng có thể gọi điện trực tiếp lên Hotline 1900 545426, sau đó cung cấp thông tin cá nhân để được nhân viên ngân hàng hướng dẫn mở khóa thẻ.
Ngoài ra, khách hàng cũng có thể trực tiếp tới quầy giao dịch của ngân hàng MB để tiến hành mở khóa thẻ một cách nhanh chóng.