Ngày 27/7/2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Nhóm công tác Ngân hàng (BWG) thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), tổ chức tọa đàm góp ý Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). TS.Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chủ trì tọa đàm.
Tham dự tọa đàm còn có bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) – đại diện ban soạn thảo dự thảo, bà Phạm Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ), ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), bà Michele Wee, Chủ tịch BWG (tham dự trực tuyến), đại diện CLB Pháp chế ngân hàng, CLB Công nghệ Tài chính Ngân hàng Việt Nam (VietFintech) cùng đại diện các ngân hàng, công ty tài chính là tổ chức hội viên thuộc Hiệp hội Ngân hàng.
Sửa Luật Giao dịch điện tử là cần thiết
Phát biểu khai mạc, TS.Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, sau 16 năm Luật Giao dịch điện tử (có hiệu lực từ ngày 1/3/2006) đi vào cuộc sống, cùng các luật liên quan tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao dịch điện tử, có tác động tích cực trong công cuộc chuyển đổi số của nền kinh tế và ngành ngân hàng. Luật Giao dịch điện tử rất quan trọng đối với hoạt động của các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm... Trong thời gian qua, các tổ chức tín dụng (TCTD) tại Việt Nam đã có bước phát triển. Việc sửa đổi các văn bản luật nói chung và Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) nói riêng là rất cần thiết, phù hợp với thực tiễn cũng như thúc đẩy sự phát triển của các TCTD. Việc VNBA phối hợp với BWG tổ chức tọa đàm nhằm tạo điều kiện để các chuyên gia, các TCTD góp Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để khi ban hành đi vào thực tiễn.
Hiệp hội Ngân hàng rất đồng tình và đánh giá cao khi Bộ Thông tin và Truyền thông kịp thời xây dựng dự án Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) để trình Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua. Việc xây dựng Luật sửa đổi sẽ tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.
Tổng Thư ký bày tỏ mong mong muốn tại tọa đàm sẽ có nhiều ý kiến đóng góp trung thực, khách quan để ban soạn thảo rà soát, đối chiếu với các quy định pháp luật, cũng như đề xuất, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Giao dịch điện tử sát với thực tiễn, thúc đẩy nền kinh tế nói chung và ngành tài chính ngân hàng nói riêng trong quá trình chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay.
TS.Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Ngô Hải
Bà Michele Wee, Chủ tịch BWG đánh giá, Luật Giao dịch điện tử được coi là một trong những đạo luật vô cùng quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với lộ trình chuyển đổi số của nền kinh tế nói chung và của ngành ngân hàng nói riêng. Bà Michele Wee đề nghị các ngân hàng trong nước và nước ngoài, các nhà nghiên cứu chính sách tích cực đóng góp nhiều ý kiến, nhiều nguồn tư liệu để góp phần làm sáng tỏ những vấn đề mà tọa đàm đặt ra, góp ý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Mong rằng những ý kiến tâm huyết sẽ được tổng hợp và xem xét kỹ càng, làm tiền đề để các cơ quan có thẩm quyền và ban soạn thảo Luật nhìn nhận và đánh giá nghiêm túc, từ đó có những điều chỉnh Luật hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thị trường.
Báo cáo tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng) cho biết, về cơ bản, các nội dung quy định tại dự thảo Luật đã khắc phục được những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành, đặc biệt việc công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch truyền thống với các điều kiện kèm theo. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh nhu cầu giao dịch điện tử tăng trưởng nhanh chóng hiện nay, giúp các ngành, lĩnh vực trong đó có lĩnh vực ngân hàng có cơ sở pháp lý hoàn thiện để đẩy mạnh các hoạt động giao dịch điện tử, chuyển đổi số thành công.
Tuy nhiên, theo đại diện CLB Pháp chế ngân hàng, để dự thảo Luật ban hành mang tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đề nghị Ban soạn thảo cần có hướng dẫn chi tiết và đầy đủ về việc sử dụng các chứng từ điện tử đã được ký bằng chữ ký điện tử trong các vụ việc tại Tòa án, do hiện tại việc sử dụng các chứng từ điện tử đã được ký bằng chữ ký điện tử tại Tòa án đang có một số vướng mắc như: (i) Không phải Tòa án nào cũng có đủ trang thiết bị để có thể tiếp nhận và xác thực các tài liệu đã được ký bằng chữ ký điện tử; (ii) Trong một vụ việc sẽ có rất nhiều hồ sơ, giấy tờ trong đó có các hồ sơ được thể hiện bằng văn bản nhưng cũng có những hồ sơ được thể hiện dưới dạng chứng từ điện tử tuy nhiên thủ tục để xác thực và công nhận các chứng từ điện tử này cho mục đích sử dụng làm căn cứ tại các vụ việc đang không có quy định cụ thể, hiện còn nhiều quan điểm và cách áp dụng khác nhau giữa các Tòa án; (iii) Về mặt pháp lý thì chữ ký số chỉ là một hình thức trong các loại chữ ký điện tử. Các bên có thể lựa chọn sử dụng các hình thức chữ ký điện tử khác trong quá trình giao dịch và các tài liệu đã được ký bằng các chữ ký điện tử này vẫn có giá trị pháp lý. Tuy nhiên hiện tại các Tòa án chỉ mới chấp nhận các chứng từ điện tử được ký bằng các hình thức chữ ký điện tử khác...
TS.Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chủ trì, điều phối tọa đàm. Ảnh: Ngô Hải
Về chứng thực chữ ký điện tử nội bộ, đại diện CLB Pháp chế ngân hàng đề nghị cho phép các ngân hàng thương mại là tổ chức đặc biệt được phép chứng thực chữ ký điện tử nội bộ do việc quản lý chữ ký, nhân sự nội bộ qua hệ thống là rất chặt chẽ, được kiểm soát qua nhiều bộ phận độc lập. Đồng thời kiến nghị Dự thảo cần có quy định cụ thể về các vi phạm và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao dịch điện tử để có căn cứ làm rõ tính chất, mức độ vi phạm và chế tài phù hợp đối với từng mức độ vi phạm nhất định.
Đại diện CLB Pháp chế ngân hàng cũng đề nghị bổ sung về Giao dịch điện tử của Cơ quan Nhà nước các nội dung: (i) Bổ sung quy định về khái niệm “Dữ liệu mở” trong cơ quan nhà nước; (ii) quy định cụ thể về giấy phép sử dụng và quyền tương ứng đối với Dữ liệu mở để doanh nghiệp và người dân dễ dàng sử dụng và khai thác. (iii) Cần bổ sung quy định về thúc đẩy xây dựng dữ liệu mở ở Cơ quan Nhà nước cần có lộ trình, quy chế rõ ràng.
Bà Michele Wee, Chủ tịch BWG dự trực tuyến. Ảnh chụp màn hình
Theo đại diện CLB Pháp chế ngân hàng, trong thực tiễn, doanh nghiệp chưa áp dụng được việc sử dụng chữ ký điện tử của đối tác nước ngoài khi giao dịch với doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, đề nghị trong quy định của pháp luật về Giao dịch điện tử có ghi nhận “chứng thư điện tử” và “chữ ký số” được gửi từ đối tác nước ngoài sẽ có giá trị pháp lý. Đồng thời cần có quy định về việc “phục hồi chữ ký điện tử”, trường hợp xảy ra tranh chấp, khi tham gia tố tụng chữ ký điện tử được các cơ quan giám định và phục hồi thì có được công nhận là chứng cứ trước cơ quan xét xử không? Vì sẽ có các quan điểm khác nhau của những người tham gia tố tụng về việc công nhận chữ ký điện tử được phục hồi là chứng cứ trong quá trình tố tụng.
Ngoài ra, trong thực tiễn, cơ quan Hải quan, cơ quan Thuế không công nhận chữ ký số trong giao dịch của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch một cách tự nguyện thì sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ, việc các doanh nghiệp sử dụng chữ ký số và tự công nhận chữ ký số giữa các doanh nghiệp với nhau là hoàn toàn theo ý chí tự nguyện. Vì vậy, đại diện CLB Pháp chế ngân hàng đề nghị có quy định trong giao dịch giữa các bên, khi các bên thỏa thuận công nhận chữ ký số thì sự thỏa thuận đó được ghi nhận. Đồng thời cần có khung pháp lý về kinh tế số, có thể không quy định chi tiết tại Luật Giao dịch điện tử nhưng cần quy định trong các văn bản pháp lý khác, bởi hiện nay mỗi Bộ, ngành đều có định nghĩa, hướng dẫn quy định về kinh tế số khác nhau.
Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) – đại diện ban soạn thảo tiếp thu ý kiến góp ý tại tọa đàm. Ảnh: Ngô Hải
Cần làm rõ các khái niệm, định nghĩa trong dự thảo Luật
Cho ý kiến tại tọa đàm, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, dự thảo luận hiện mới thừa nhận về tính pháp lý chữ ký số mà chưa công nhận chữ ký điện tử. Tuy nhiên thực tế hiện nay nhiều cá nhân chưa có chữ ký số nhưng đã có chữ ký điện tử do nhu cầu thanh toán điện tử, thanh toán trực tuyến. Chính vì thế, đề nghị ban soạn thảo tham khảo một số quy định của nước ngoài trong việc áp dụng chữ ký điện tử ở từng cấp độ khác nhau với từng môi trường điện tử, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tạo căn cứ để các ngành, lĩnh vực khác áp dụng phù hợp. Đại diện Vụ Thanh toán cũng đề nghị ban soạn thảo quy định cụ thể hơn về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử.
Tại buổi tọa đàm, ngoài báo cáo tổng hợp ý kiến trước đó của các TCTD mà CLB Pháp chế ngân hàng đã trình bày, các TCTD, công ty tài chính đã góp ý, bổ sung thêm nhiều ý kiến tới ban soạn thảo đối với dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước). Ảnh: Ngô Hải
Ông Nguyễn Đăng Thắng, Phó Chủ nhiệm CLB Công nghệ Tài chính Ngân hàng Việt Nam (VietFintech) đề nghị ban soạn thảo làm rõ hơn một số nội dung của điều 11 và 14 của dự thảo. Đồng thời cần làm rõ một số khái niệm về chữ ký điện tử, chữ ký điện tử dùng riêng, chữ ký số và giá trị pháp lý của mỗi loại chữ ký này (kể cả giao dịch đối với bên thứ 3).
Đại diện ngân hàng Vietinbank kiến nghị ban soạn thảo làm rõ khái niệm về giao dịch điện tử tự động (khoản 2, điều 4) và đã có giao dịch điện tử tự động thì liệu có giao dịch điện tử không tự động? Đại diện Vietinbank cũng đồng tình với ý kiến của Vụ Thanh toán là cần làm rõ hơn về giá trị pháp lý đối với hợp đồng điện tử.
Đại diện Techcombank, TPB, Eximbank, HDBank, PVcomBank, Home Credit… cũng đề nghị ban soạn thảo định nghĩa cụ thể đối với chữ ký điện tử và chữ ký số, cũng như làm rõ hơn giá trị pháp lý cho từng loại chữ ký này, phân vùng áp dụng thế nào, phạm vi ra sao?. Đồng thời, làm rõ các khái niệm quy định tại Điều 4 dự thảo, chẳng hạn như khái niệm về tài liệu điện tử, tài liệu số và việc sử dụng, chia sẻ tài liệu này như thế nào. Ngoài ra, đối với việc công nhận và sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài sẽ được kết nối, quản lý thế nào.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng). Ảnh: Ngô Hải
Đồng tình với các ý kiến của các TCTD, đại diện Agribank bày tỏ băn khoăn về chữ ký điện tử dùng riêng (điều 38) bởi thực tế hiện nay Agribank đang sử dụng phê duyệt nội bộ, thì có phù hợp không bởi dự thảo quy định phải do cơ quan nhà nước quản lý.
Góp ý tại tọa đàm, bà Phạm Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) đồng tình với nhiều ý kiến góp ý của các TCTD và cho rằng dự thảo luật cần thống nhất các định nghĩa, khái niệm để từ đó có văn bản pháp luật phù hợp nhu cầu thị trường và thực tiễn. Bà Hạnh đề nghị ban soạn thảo tiếp tục cập nhật các ý kiến của Hiệp hội Ngân hàng và các đơn vị khác để có dự thảo hoàn chỉnh trước khi trình Quốc hội thông qua.
Ông Nguyễn Đăng Thắng, Phó Chủ nhiệm CLB Công nghệ Tài chính Ngân hàng Việt Nam (VietFintech)
Tiếp thu các ý kiến tại tọa đàm, bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) – đại diện ban soạn thảo, cho biết, Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giao dịch bằng phương tiện điện tử và chỉ mang tính quy định khung. Đối với ý kiến góp ý về định nghĩa chữ ký số, chữ ký điện tử…, ban soạn thảo tiếp thu và làm rõ việc này. Đại diện ban soạn thảo cũng mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp, thậm chí là những ý kiến cụ thể để đưa vào dự thảo. Từ đó, sẽ có một dự thảo hoàn chỉnh nhất, hài hòa lợi ích nhất tham mưu cho Bộ Thông tin Truyền thông trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền.
Quang cảnh buổi tọa đàm theo hình thức trực tiếp và trực tuyến
Kết thúc tọa đàm, TS.Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của Luật Giao dịch điện tử đối với các hoạt động của các TCTD. Tổng Thư ký cũng đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ các khái niệm, định nghĩa, thuật ngữ mà các TCTD kiến nghị để thống nhất cách hiểu, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành. Tổng Thư ký cho biết, Hiệp hội Ngân hàng sẽ phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ), thậm chí là kiến nghị thông qua Ủy ban Công nghệ Quốc hội tiếp tục góp ý kiến cụ thể cho từng khoản, mục của dự thảo Luật.
BBT