
Đây là biến động nhân sự cấp cao thứ hai tại nhà băng này chỉ trong vòng hơn một tháng, diễn ra trong bối cảnh PGBank sắp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường với nhiều nội dung quan trọng.
Theo thông tin từ PGBank, ông Lê Văn Phú, sinh năm 1979, đã có 14 năm kinh nghiệm công tác tại ngân hàng. Ông là Cử nhân Kinh tế, tốt nghiệp Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội và đã đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý trọng yếu như Phó Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp, Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh, Giám đốc Chi nhánh Hải Dương. Ông được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng Giám đốc từ ngày 12/3/2024.
Trước đó, vào cuối tháng 5, ông Nguyễn Trọng Chiến cũng đã có đơn xin từ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc vì lý do cá nhân và chính thức rời ngân hàng từ ngày 15/6/2025, dù chỉ mới được bổ nhiệm từ tháng 9/2023.
Để nhanh chóng ổn định và kiện toàn đội ngũ, ngày 20/6 vừa qua, PGBank đã bổ nhiệm ông Phương Tiến Dũng giữ chức Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Thẩm định và Phê duyệt, với thời hạn 3 năm. Trước khi được bổ nhiệm, ông Dũng là Giám đốc Trung tâm Thẩm định và Phê duyệt Tập trung của VPBank.
Những thay đổi nhân sự liên tiếp này diễn ra ngay trước thềm ĐHĐCĐ bất thường, dự kiến được PGBank tổ chức vào ngày 22/7/2025 tại Hà Nội. Đại hội được triệu tập nhằm trình cổ đông thông qua các tờ trình quan trọng, định hình cho giai đoạn phát triển sắp tới, bao gồm: Điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ năm 2025, Sửa đổi Điều lệ ngân hàng và ầu bổ sung Thành viên độc lập Hội đồng quản trị và thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2025-2030.
Về kế hoạch tăng vốn, ĐHĐCĐ thường niên trước đó đã đặt mục tiêu đưa vốn điều lệ của PGBank lên 10.000 tỷ đồng trong năm 2025. Lộ trình này bao gồm việc chào bán 80 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và một đợt phát hành 500 triệu cổ phiếu (trong đó có 50 triệu cổ phiếu trả cổ tức và 450 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu).
Có thể thấy, PGBank đang bước vào một giai đoạn tái cấu trúc toàn diện cả về nhân sự lẫn nguồn lực tài chính. Loạt biến động ở tầng thượng tầng cùng các kế hoạch tăng vốn đầy tham vọng cho thấy quyết tâm của ngân hàng trong việc nâng cao năng lực quản trị, củng cố sức mạnh tài chính để thích ứng và cạnh tranh hiệu quả hơn trong bối cảnh mới của ngành ngân hàng.