Ngày 18/3/2022, nhằm cung cấp cho các tổ chức hội viên thêm thông tin về ứng dụng điện toán đám mây vào nền tảng công nghệ điện tử cho hoạt động tài trợ vốn dựa trên các khoản phải thu, Hiệp hội Ngân hàng đã phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức Tọa đàm theo hình thức trực tuyến về chủ đề “Tối ưu hóa Công nghệ đám mây trong Tài trợ vốn dựa trên các khoản phải thu”.
Buổi Tọa đàm có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, các chuyên gia công nghệ Fintech, các nhà nghiên cứu của một số trường Đại học và các tổ chức tín dụng hội viên.
Trong phát biểu khai mạc, Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng đã nêu bật mục đích, ý nghĩa của chủ đề tọa đàm; đó là: “Cùng với chính sách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của Chính phủ, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tài chính ngân hàng và được thể hiện tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11 tháng 5 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc Phê duyệt kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó “khuyến khích, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng các công nghệ số (như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo,...) trong hoạt động ngân hàng”. Như vậy có thể thấy ngành ngân hàng đã thể hiện quyết tâm chuyển đổi số trong thời gian tới.
Nếu trước đây, nhiều ngân hàng cho rằng chuyển đổi số chỉ đơn thuần là thay đổi giao diện ứng dụng tương tác với khách hàng, chưa coi trọng đến các quy trình nội bộ, sử dụng khoa học phân tích dữ liệu và nâng cao năng lực cho nhân viên. Thì nay các ngân hàng Việt Nam đã hiểu được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng mà điện toán đám mây đóng vai trò hết sức quan trọng vì vậy đã và đang khai thác công nghệ này cho hoạt động quản trị hệ thống, sáng tạo dịch vụ mới đồng thời số hóa các sản phẩm, dịch vụ hiện tại... trong đó có dịch vụ tài trợ các khoản phải thu.
Hiện nay, các tổ chức tài chính truyền thống có hai hình thức tài trợ liên quan đến các khoản phải thu. Hình thức thứ 1 - Bao thanh toán, là bán hoàn toàn các khoản phải thu đổi lấy tiền mặt. Những hóa đơn không còn thuộc quyền sở hữu của bên bán nữa mà thuộc về đơn vị bao thanh toán. Hình thức thứ 2 - Tài trợ hóa đơn, là một khoản vay dựa trên tài sản và các khoản phải thu là tài sản thế chấp. Những hóa đơn vẫn nằm trên bảng cân đối kế toán của bên bán và trong trường hợp bên bán phá sản, các chủ nợ có thể nắm quyền sở hữu. Những sản phẩm tài chính như vậy thường cần nhiều thao tác thủ công hơn và khiến cho ngân hàng tiêu tốn nhiều chi phí hơn so với các sản phẩm tài chính khác như những khoản vay kinh doanh có kỳ hạn truyền thống.
Việc sử dụng các nền tảng công nghệ tài chính ứng dụng công nghệ điện toán đám mây trong tài trợ các khoản phải thu hiện nay sẽ tạo nên nhiều điểm khác biệt với tài trợ các khoản phải thu của tổ chức tài chính truyền thống như hợp lý hóa quy trình cho vay, phát triển và mở rộng danh mục dịch vụ và khách hàng, dễ dàng truy cập trên các thiết bị di động, cải thiện trải nghiệm khách hàng, giúp ngân hàng đưa ra quyết định tài trợ một cách nhanh chóng đồng thời giảm thiểu rủi ro trong khi đảm bảo hiệu quả về chi phí.
Trong kỷ nguyên “đám mây”, thay đổi là đối sách sống còn của các ngân hàng song để thay đổi một cách toàn diện đồng bộ cần có hành lang pháp lý thật cụ thể cùng với việc thực hiện nghiêm ngặt các vòng bảo vệ an ninh mạng và lựa chọn nhà cung cấp tin cậy, giám sát chéo giữa các đối tác, tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn và quy định của các bên nhằm đảm bảo hiệu quả nhất cho việc bảo vệ dữ liệu trên đám mây, giúp các ngân hàng yên tâm chuyển đổi số”.
Với tư cách là diễn giả chính, ông Kheng Leong Lee - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình dương của HPD Lendscape đã có bài thuyết trình về “Sử dụng công nghệ đám mây trong Tài trợ khoản phải thu”, tài liệu bổ ích đối với các ngân hàng khi tiến hành áp dụng giải pháp công nghệ đám mây đối với tài trợ khoản phải thu, cũng như cán bộ ngân hàng làm công tác chuyên môn về nghiệp vụ này. Trong thuyết trình của mình, ông Kheng Leong Lee đặt vấn đề: Tình hình Covid-19 đã đẩy nhanh một số xu hướng, đó là (i) Gia tăng sự quan tâm tới tài trợ khoản phải thu (SCF) với trọng tâm là vốn lưu đông; (ii) Đẩy nhanh tốc độ áp dụng số hóa; (iii) Đầu tư vào công nghệ sổ cái điện tử (Blockchain) để phòng ngừa gian lận; (iv) Fintech đang đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị trường lớn hơn. Theo ông Kheng, tài trợ các khoản phải thu được xác định là phương thức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để giải quyết những thiếu hụt tài trợ thương mại, mà theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thiếu hụt tài trợ thương mại của các nền kinh tế thuộc APAC là khoảng 1,7 nghìn tỷ đô la Mỹ. Cùng với một số vấn đề như thực hiện phân tán, tài sản sử dụng làm tài sản bảo đảm bị phân tán, hạn chế trong chuyên môn cấp tín dụng và tài trợ khoản phải thu… câu hỏi ông Kheng đặt ra là: các ngân hàng đã sẵn sàng cho SCF hay chưa? Hướng đến tối ưu hóa công nghệ đám mây trong hoạt động tài trợ các khoản phải thu, diễn giả đưa ra 4 mô hình triển khai tài trợ khoản phải thu (i) Ngân hàng triển khai toàn bộ; (ii) Ngân hàng và đối tác hệ thống triển khai trên nền tảng số; (iii) Xây dựng hệ sinh thái đa dạng gồm ngân hàng, công ty fintech, tổ chức tài chính phi ngân hàng và lấy bên mua làm trọng tâm; (iv) Fintech cung cấp dịch vụ và ngân hàng cung cấp tài trợ. Bên cạnh việc phân tích những điểm ưu thích của ngân hàng trong tài trợ khoản phải thu; so sánh công nghệ đám mây với phần mềm nội bộ; so sánh giữa xây dựng phần mềm và mua, thuê phần mềm, diễn giả nhấn mạnh đến lợi thế của các ngân hàng Việt Nam khi sử dụng công nghệ đám mây. Đó là: Không có hệ thống dùng sẵn, nên không phải thay thế với chi phí tốn kém; Có thể triển khai nền tảng hiện đại, tích hợp, toàn diện và số hóa; Tiếp nhận chức năng phân tích tốt nhất hiện có để phòng ngừa gian lận và rủi ro trong tài trợ khoản phải thu; Nhanh chóng bắt kịp và sánh ngang với ngân hàng tài trợ khoản phải thu tốt nhất trên thế giới; Bảo mật được nâng cao.
Theo diễn giả, các ngân hàng nên đi tắt đón đầu công nghệ số hiện đại thông qua nền tảng đám mây. Được biết, HPD lendscape là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về nền tảng bao thanh toán, tài trợ chuỗi cung ứng, và cho vay dự trên giá trị tài sản bảo đảm là hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh và và các khoản phải thu. Nền tảng của HPD lendscape xử lý các khoản phải thu trị giá trên 50 tỷ đo la Mỹ và phục vụ hơn 100.000 khách hàng trên toàn cầu.
Tại Tọa đàm, ông Jingchang Lai, Chuyên gia trưởng, Nhóm Phát triển cơ sở hạ tàng tài chính, Bộ phận Tư vấn các định chế tài chính, Khu vực châu Á - Thái Bình dương của IFC đã cùng trao đổi với các đại biểu tham dự về những vấn đề quan tâm tâm đến sử dụng công nghệ đám mây trong hoạt động tài trợ các phải khoản thu.
Thông qua Tọa đàm, Hiệp hội Ngân hàng mong rằng “đại diện các tổ chức hội viên tham dự sẽ thu thập được nhiều thông tin bổ ích cũng như tìm hiểu thêm về dịch vụ của một trong các nhà cung cấp nền tảng công nghệ cho hoạt động bao thanh toán, tài trợ chuỗi cung ứng điện tử và tài trợ vốn uy tín hiện nay.”