
TS. Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA
Tham dự buổi làm việc, phía đoàn công tác Ngân hàng Thế giới (WB) có ông Triệu Quốc Việt – Chuyên gia cao cấp lĩnh vực tài chính, ông Davit Babasyan – Chuyên gia cao cấp lĩnh vực tài chính tại khu vực Châu Âu và Trung Á, ông Juan Buchenau – Tư vấn cao cấp lĩnh vực ngân hàng; Bà Nguyễn Châu Hoa - Trợ lý chương trình cùng các thành viên trong đoàn.
Đại diện WB cho biết, chuyến công tác lần này tiếp nối hoạt động khảo sát từ tháng 12/2024, trong đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và nhóm công tác WB đã thống nhất tiến hành đánh giá toàn diện về khu vực Quỹ tín dụng Nhân dân (QTDND) tại Việt Nam. Việc đánh giá tập trung vào năng lực hoạt động, mức độ phù hợp, các phương án phát triển chiến lược cũng như khung pháp lý và cơ chế giám sát đối với khu vực này.

Đoàn công tác WB
Tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, các tổ chức tín dụng tại Việt Nam hiện đang trong giai đoạn đổi mới toàn diện. Năm 2024, Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, sát với thông lệ quốc tế và thực tiễn trong nước. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính, doanh nghiệp chuyển đổi, phát triển phù hợp với xu hướng toàn cầu. Ông cũng nhấn mạnh, hiện Ngân hàng Nhà nước đang cơ cấu lại còn 15 khu vực điều hành, đây là bước chuyển dịch quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản trị.
Riêng với hệ thống QTDND, ông Hùng đánh giá công tác thanh tra, giám sát là yếu tố then chốt. Với mạng lưới trải rộng khắp các tỉnh, thành, các QTDND hiện đang được Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) hỗ trợ về điều vốn và tái cấu trúc. Với gần 1.200 QTDND đã tạo ra được một kênh tín dụng thuận tiện đáp ứng nhu cầu vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đời sống của gần 2 triệu thành viên tại 57/63 tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, mô hình này đặt ra bài toán lớn về năng lực quản trị và giám sát, khi số lượng quỹ khá lớn và phân tán. Do đó, cần phải xem xét lại cấu trúc hoạt động, có giải pháp phù hợp để tái cơ cấu, hướng đến sự an toàn, minh bạch và hiệu quả bền vững trong thời gian tới.
Ông Hùng cũng cho rằng, trong khi các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng đã triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số thì các QTDND vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản trị, giám sát. Vì vậy, việc đổi mới mô hình hoạt động và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý là yêu cầu cấp thiết. Theo ông, để các QTDND thực sự phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ người dân, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, thì cần được tái cấu trúc toàn diện, nâng cao vị thế và tập trung nguồn lực. Khi đó, các quỹ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân và hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ.

Toàn cảnh cuộc họp
Trước câu hỏi của phía WB về định hướng hoạt động và mức độ phù hợp của QTDND với nhu cầu người dân, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 – được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 – đã xác định rõ mục tiêu: Mọi người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm yếu thế, người nghèo, thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phải được tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp và với chi phí hợp lý. Do vậy, mô hình hoạt động của QTDND cần hướng đến việc phục vụ người dân một cách thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy tài chính toàn diện.
Ông cũng lưu ý rằng các ngân hàng thương mại trong khu vực cần phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Hợp tác xã để tạo thành một hệ sinh thái tài chính vững chắc, trong đó Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò giám sát từ xa hiệu quả hơn. QTDND là một thành phần quan trọng trong hệ thống các tổ chức tín dụng, nếu buông lỏng quản lý sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn hệ thống.

Lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và đoàn công tác Ngân hàng Thế giới chụp ảnh lưu niệm
Kết thúc buổi làm việc, đại diện Ngân hàng Thế giới bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đối với những chia sẻ thiết thực và thông tin giá trị từ phía VNBA. Đồng thời, WB mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tham vấn từ Hiệp hội để hoàn thiện báo cáo đánh giá, từ đó đưa ra các đề xuất, khuyến nghị phù hợp, góp phần thúc đẩy việc triển khai hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia tại Việt Nam trong thời gian tới.
N.A