Thứ năm, 14/11/2024
   

Tọa đàm “Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh”

Ngày 27/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tọa đàm trực tuyến “Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh”, nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ngày 27/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tọa đàm trực tuyến “Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh”, nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tham dự tọa đàm có lãnh đạo VCCI, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước, Vụ Quản lý Thuế - Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo các Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp lớn, ngân hàng thương mại. Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tham dự và có bài phát biểu về một số vấn đề liên quan đến chính sách lãi suất, phí dịch vụ ngân hàng.

Dịch Covid-19 tác động ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động sản xuất kinh doanh

Gần 2 năm, dịch Covid-19 đã để lại hậu quả hết sức nặng nề đối với nền kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh ngưng trệ, doanh thu của doanh nghiệp giảm sút; người lao động mất việc làm, thu nhập bị giảm sút, làm cho đời sống vì thế bị đảo lộn. Mặc dù đến nay, công cuộc phòng, chống dịch đã đạt được những kết quả khả quan, cả nước đang bước vào trạng thái “bình thường mới”, nhưng như dự báo của các chuyên gia dịch tễ, dịch Covid-19 vẫn chưa có điểm kết thúc và hệ lụy của nó vẫn còn kéo dài nhiều năm sau.

Theo VCCI, khảo sát khoảng 2000 doanh nghiệp cho thấy, có tới 93,9% doanh nghiệp bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, trong đó 34% bị ảnh hưởng hoàn toàn tiêu cực, 59,9% doanh nghiệp bị ảnh hưởng phần lớn là tiêu cực. 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời gian dịch bệnh, trong đó doanh nghiệp siêu nhỏ là 90%, doanh nghiệp nhỏ là 94,1%, doanh nghiệp vừa là 81% và doanh nghiệp lớn là 92%. Doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dịch vụ ăn uống, trợ giúp xã hội bị ảnh hưởng nặng nề nhất. 97% lao động ở các lĩnh vực này phải nghỉ việc làm, đồng nghĩa với việc phần lớn doanh nghiệp không duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh, có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng dịch vụ, mất hợp đồng, không tạo doanh thu để chi trả chi phí và thực hiện các nghĩa vụ thanh toán. Cũng theo VCCI, có tới 71% doanh nghiệp dự kiến doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2020; còn trước đó khảo sát của năm 2020 cho thấy 65% doanh nghiệp giảm doanh thu so với năm 2019, 72% doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ dự kiến giảm doanh thu, cao hơn so với doanh nghiệp vừa và lớn (70% và 65%).

Và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời

Sự vào cuộc kịp thời ứng phó với dịch Covid-19 của cả hệ thống chính trị đã đem lại thành công rất đáng khích lệ. Lưu thông hàng hóa, thương mại dịch vụ linh hoạt thích ứng trong điều kiện kiểm soát an toàn dịch bệnh là tín hiệu tốt lành cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đóng góp vào thành quả chung đó, trước hết là sự chủ động điều chỉnh cơ chế, chính sách miễn giảm thuế, phí phải nộp ngân sách, cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ vay, miễn giảm lãi suất, phí dịch vụ ngân hàng, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất.

Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41 gia hạn thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp, Nghị định 42 về hỗ trợ người dân, giảm thuế chước bạ đối với xe ô tô; Quốc hội có nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế bảo vệ môi trường cho nhiên liệu bay. Năm 2021, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 52 gia hạn thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 406 về gói ưu đãi thuế, theo đó giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ có thu nhập dưới 200 tỷ đồng; miễn thuế 2 quý cho cá nhân, hộ kinh doanh; giảm 30% thuế giá trị gia tăng cho một số hàng hóa dịch vụ; miễn tiền chậm nộp thuế cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh lỗ năm 2020 không có tiền để nộp theo phát sinh. Theo Tổng cục Thuế, các biện pháp về thuế, tiền thuê đât thực hiện năm 2020 đã gia hạn nộp khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng, giảm thuế trên 31,5 nghìn tỷ đồng; thực hiện năm 2021 khoảng 118 nghìn tỷ đồng, giảm 30 khoản phí, lệ phí.

Nếu như chính sách giảm, miễn thuế hỗ trợ doanh nghiệp bớt khó khăn khi thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước ở tương lai, thì chính sách tiền tệ, tín dụng lại trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp ở hiện tại. Ngay từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 chớm xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng xem xét gia hạn nợ cho doanh nghiệp. Tiếp sau đó, theo diễn biến dịch bệnh liên tục gia tăng, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành tạo điều kiện giúp các tổ chức tín dụng giảm phí vốn, đẩy mạnh quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng. Với dư nợ tín dụng toàn hệ thống gần 10 triệu tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 7,8% các tổ chức tín dụng đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, đủ vốn cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước thực hiện cơ chế cho vay tái cấp vốn, để tổ chức tín dụng cho vay lại doanh nghiệp Hàng không 4 nghìn tỷ đồng; chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cho doanh nghiệp vay trả lương người lao động...; đã ban hành Thông tư 01 và liên tục sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư 03 và Thông tư 14 việc cơ cấu, gia hạn nợ, giảm lãi suất, phí dịch vụ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, các tổ chức tín dụng đã thực hiện miễn, giảm lãi cho 1,7 triệu khách hàng với số tiền 32 nghìn tỷ đồng trên dư nợ 2,5 triệu tỷ đồng. Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi 16 tổ chức tín dụng hội viên giảm 24,6 nghìn tỷ đồng lãi suất cho doanh nghiệp. Song song với việc thực hiện cơ chế tín dụng mới hỗ trợ thao gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội, đóng góp gần 1.000 tỷ đồng vào Quỹ Vacxin phòng chống dịch Covid-19.

Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp cần chính sách tài khóa, tiền tệ đồng bộ

Doanh nghiệp là nơi khởi tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và sức khỏe của doanh nghiệp cũng phản ảnh chân thực hiệu quả hoạt động ngân hàng. Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 muốn trụ vững, duy trì hoạt động trước hết phải có đủ nguồn lực, kiểm soát được dòng tiền, tiết giảm chi phí, huy động tối đa nguồn lao động để đảm bảo các cam kết hợp đồng, tránh đứt gãy đơn hàng. Vì thế, việc hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp là rất cần thiết và cấp bách, không chỉ đối với đối tượng hưởng thụ là doanh nghiệp, mà sâu xa chính là nuôi dưỡng, mở rộng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng.

Là doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ, thực thi chính sách tiền tệ quốc gia (ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát), đảm bảo các quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế, tại thời điểm này, các tổ chức tín dụng không còn dư địa để tiếp tục duy trì cơ chế hỗ trợ như đã thực hiện trong thời gian vừa qua. Lý giải về thực tế này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, việc triển khai được chính sách miễn giảm lãi, phí như trong thời gian vừa qua là do kết quả của quá trình nhiều năm tích cực đầu tư hạ tầng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng nguồn thu dịch vụ, thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí hoạt động và trích lợi nhuận của các tổ chức tín dụng. Việc cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ thực chất là các tổ chức tín dụng đang cho vay dưới chuẩn. Theo lẽ thông thường, đúng quy định thì những khoản nợ vay đến hạn mà doanh nghiệp chậm trả phải chuyển sang nhóm nợ có nguy cơ mất khả năng thanh toán. Hệ lụy đối với ngân hàng là xu hướng nợ xấu gia tăng, phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, vòng quay vốn chậm hạn chế nguồn cung tín dụng để cho vay mới, trong khi huy động vốn ngày căng khó khăn do lãi suất đầu vào thấp, tiền nhàn rỗi trong dân cư đang đổ vào các kênh đầu tư bất động sản, chứng khoán, kinh doanh vàng…

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, để hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và thực chất, cần phải có chính sách tài khóa, tiền tệ đồng bộ. Đến thời điểm này, việc tiếp tục giảm lãi suất tín dụng đã rất khó, tuy nhiên Hiệp hội Ngân hàng sẵn sàng kêu gọi các tổ chức tín dụng hội viên đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng giải pháp công nghệ, tăng trải nghiệm khách hàng để giảm phí dịch vụ. Đối với chính sách tài khóa, bên cạnh chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, cần huy động tối đa nguồn lực từ quỹ bảo lãnh của trung ương và các địa phương, đẩy mạnh đầu tư công, kích cầu đầu tư, các cấp có thẩm quyền đề xuất với Chính phủ ban hành cơ chế cho vay các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh (Covid-19) tương tự Nghị định 55 và Nghị định 116 phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn; Tùy vào điều kiện cụ thể, ngân sách nhà nước có thể huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ để phục vụ các nhu cầu vốn của doanh nghiệp.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay