Báo cáo công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy CCHC với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp, việc rà soát, xử lý vướng mắc, bật cập về cải cách hành chính đã được tích cực triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nhiều chỉ số của Việt Nam được thăng hạng (Xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc, xếp thứ 106 trong bộ chỉ số tự do kinh tế thế giới, tăng 4 bậc so với năm 2022; xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 2 bậc so với năm 2022).
Nhiều bộ ngành bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những đổi mới, quyết liệt, sát sao, cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện để tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một điển hình thực hiện chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Báo cáo tại phiên họp, Thành viên Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Bí thư Ban cán sự Đảng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, cho biết trong những năm qua, NHNN luôn coi CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm vì vậy đã dành nguồn lực và triển khai rất quyết liệt, kết quả là NHNN có nhiều năm đứng thứ nhất trong Bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính các bộ ngành (Par index).
Đặc biệt trong công tác cải cách thể chế, thể chế ngành ngân hàng, Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN rất quan tâm, hàng năm có Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch ban hành văn bản, cho ý kiến chủ trương nội dung, các định hướng lớn trong xây dựng văn bản về luật, thông tư... Trong công tác chỉ đạo, Thống đốc trực tiếp phụ trách về công tác hoàn thiện thủ tục hành chính, trình Chính phủ...
Năm 2023, Quốc hội thông qua Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) và đầu năm 2024 thông qua Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường, vậy nên khối lượng công việc ban hành văn bản của NHNN là rất lớn. Vì vậy, ngay từ đầu năm Thống đốc đã yêu cầu toàn Ngành đặc biệt là các vụ cục tập trung vào việc xây dựng các văn bản pháp luật.
Với Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực 1/7/2024, đây là luật chuyên ngành rất khó và phức tạp tác động đến hoạt động của doanh nghiệp và người dân với tín dụng. Vì vậy, NHNN đặt yêu cầu đối với văn bản pháp luật được giao xây dựng, vừa phải tạo được động lực cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, vừa đảm bảo yêu cầu của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ là để hoạt động ngân hàng an toàn, ổn định đồng thời thực hiện được những chủ trương của các cấp có thẩm quyền điều hành về mặt khách quan.
Kết quả là tính đến ngày 1/7/2024, về cơ bản, NHNN đã nỗ lực hoàn thành đảm bảo đúng kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong 6 dự thảo Nghị định được giao, NHNN đã trình Chính phủ ký ban hành 2 Nghị định, trình Chính phủ phê duyệt 4 dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 1 dự thảo Quyết định và ký ban hành 38 thông tư.
Bên cạnh việc tập trung xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, NHNN tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, cụ thể như: Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP. Đây là một trong những văn bản pháp luật quan trọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một xã hội thanh toán không dùng tiền mặt vào năm 2030.
Là thành viên Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Thống đốc đã chỉ đạo NHNN đã rà soát, xử lý vướng mắc tại các văn bản quy phạm pháp luật do NHNN chủ trì xây dựng và các văn bản liên quan đến thực tiễn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục xác định cải cách thể chế là một trong những trụ cột của hoạt động cải cách hành chính. Trong đó, NHNN sẽ lên kế hoạch rà soát một cách thực chất không chỉ các văn bản do NHNN xây dựng và ban hành mà sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng cùng rà soát lại văn bản văn bản quy phạm pháp luật có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc quy định chưa rõ ràng dẫn đến không thống nhất trong cách hiểu và áp dụng pháp luật ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đồng thời chú trọng công tác truyền thông chính sách.