Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và viễn thông đã tác động sâu rộng đến việc ứng dụng công nghệ trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, phát triển công nghệ, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, cũng như tăng hiệu quả tương tác với khách hàng trên môi trường số hóa.
Trong đó, có hai ứng dụng giải pháp công nghệ nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan quản lý và các tổ chức tài chính, doanh nghiệp là công nghệ tài chính (fintech) và công nghệ quản lý (regtech). Mới đây, Thomson Reuters công bố Báo cáo khảo sát thực trạng ứng dụng fintech và regtech năm 2022 với những thông tin, kết quả đáng chú ý về hai giải pháp công nghệ giàu tiềm năng này.
Báo cáo khảo sát năm 2022 của Thomson Reuters đã đưa ra một thông điệp tương phản về thực trạng của thị trường fintech. Một mặt, người khảo sát nhận định rằng một phạm vi ngày càng đa dạng của việc sử dụng các ứng dụng fintech và regtech là khác nhau thông qua phân tích rủi ro tín dụng, trong đó 40% ngân hàng lớn có tầm quan trọng toàn cầu (G-SIB) đang sử dụng ứng dụng fintech để bảo mật thông tin, 30 người trả lời cho biết đã sử dụng ứng dụng fintech; 50% người được hỏi đã thực hiện giải pháp regtech đầy đủ hoặc một phần, tăng từ 38% vào năm 2021.
Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cho thấy có sự tăng trưởng chậm lại của lĩnh vực fintech. Cụ thể, theo Báo cáo Đầu tư mùa hè năm 2022 của Innovate Finance, trong nửa đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư vào fintech trên toàn thế giới đạt 59 tỷ Đô la Mỹ, không đổi so với cùng kỳ năm 2021, với 3.045 thương vụ đầu tư thành công so với 3.401 thương vụ đầu tư năm 2021. Một ngoại lệ cho sự tăng trưởng chậm lại trong lĩnh vực này là trường hợp của Vương Quốc Anh khi lĩnh vực fintech đang tiếp tục phát triển, với khoản đầu tư đạt 9,1 tỷ Đô la Mỹ, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu tăng từ nửa đầu năm 2021, qua đó tiếp tục củng cố vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng thế giới về tổng số lượng đầu tư vào lĩnh vực fintech, chỉ đứng sau Hoa Kỳ.
Sự tăng trưởng chậm lại đã lặp lại trong cuộc khảo sát năm 2022 phản ánh sự quan tâm vào lĩnh vực Fintech đã dần suy yếu, chỉ 15% so với 31% năm 2021. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm này, nhưng theo Thomson Reuters thì nguyên nhân chính là việc thiếu vốn đầu tư do suy thoái kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng bởi đại dịch và cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt hơn. Ở khía cạnh môi trường pháp lý, các cơ quan quản lý đang áp dụng các giải pháp công nghệ để nâng cao vai trò quản lý, giám sát tuân thủ cũng như tạo thuận lợi trong việc quản lý lượng dữ liệu, thông tin khổng lồ. Những người được hỏi cho biết họ cần tương tác nhiều hơn với các cơ quan quản lý về fintech và regtech. Bên cạnh các công ty G-SIB, 43% người khảo sát trả lời rằng đã thông báo cho cơ quan quản lý về fintech và 43% về regtech. Điều này hoàn toàn trái ngược với phản hồi từ các công ty khác khi gần 60% đã báo cáo rằng cơ quan quản lý đã không thông báo cho họ về việc sử dụng các giải pháp công nghệ.
Một số kết quả khảo sát quan trọng năm 2022 về ứng dụng hai giải pháp công nghệ này, bao gồm:
Sự quan tâm dành cho lĩnh vực Fintech có dấu hiệu “hạ nhiệt”?
Cuộc khảo sát tập trung vào việc tìm hiểu cách người dùng sử dụng Fintech và những lợi ích mang lại từ ứng dụng công nghệ này, đánh giá thái độ của người trả lời cũng như quan điểm của họ về những đổi mới sáng tạo và đột phá về công nghệ cho thấy: Có sự sụt giảm về số lượng người cảm thấy rất tích cực về fintech và điều này đã được lặp lại đối với regtech. Trong lĩnh vực fintech, 15% số người được hỏi là rất tích cực, so với 31% năm 2021, số người cảm nhận tích cực nhất có sự gia tăng với 61% so với 51% năm 2021, trong khi đối với lĩnh vực regtech, 15% người được hỏi cảm thấy rất tích cực so với 26% vào năm 2021.
Phân tích sâu hơn về những con số này cho thấy rằng những người đang làm việc trong G-SIB giảm sự quan tâm dành cho fintech, chỉ có 8% số người được hỏi từ các công ty G-SIB cảm thấy hào hứng về Fintech; không ai trả lời cảm thấy rất tích cực về regtech, đạt 75% năm 2022 so với 55% năm 2021. Tuy nhiên, thay đổi lớn nhất về fintech là những người trả lời cảm thấy “trung lập” với 50% so với 14% vào năm 2021.
Thách thức khi triển khai Fintech là gì?
Người được hỏi phản hồi rằng sự sẵn có các kỹ năng (20% fintech, 16% regtech) và cách thức tiếp cận pháp lý (14% fintech, 18% regtech) là những thách thức hàng đầu đối với các tổ chức trong 12 tháng tới liên quan đến fintech và regtech. Đối với G-SIB, rủi ro tập trung và bên thứ ba cung cấp được xếp hạng cao nhất đối với fintech (15%), trong khi văn hóa tiếp cận (15%) là thách thức lớn nhất đối với người dùng G-SIB regtech. Sự sẵn có của các kỹ năng được được liệt kê là một trong những thách thức lớn nhất về fintech giữa các công ty ở châu Á (20%) và Vương quốc Anh (23%), so với chỉ 11% đối với các công ty ở Úc và Hoa Kỳ. Gần ¼ số người được hỏi từ Vương quốc Anh (23%) cũng phản hồi các kỹ năng sẵn có hiện tại là một trong những thách thức lớn nhất về regtech.
Về khả năng ứng dụng Fintech:
Những ứng dụng fintech đã có những thay đổi quan trọng từ năm 2021. Tổng cộng có 40% G-SIB đang ứng dụng fintech để phân tích rủi ro tín dụng, chiếm 18% vào năm 2021; số người trả lời đang sử dụng fintech để thanh toán chiếm 22% (39% năm 2021), và 15% G-SIB (49% năm 2021) phản ánh tác động suy yếu của đại dịch Covid-19 đối với các giao dịch tài chính, tiếp theo là an toàn thông tin/bảo mật dữ liệu và quản lý quan hệ khách hàng, trong khi môi trường, xã hội và quản trị tuân thủ là hướng đi mới và phổ biến trong số các công ty G-SIB (20%).
Từ góc độ khu vực, 45% số người được hỏi từ lục địa châu Âu đang sử dụng Fintech cho các dịch vụ thanh toán, trong khi 1/3 số người được hỏi đến từ châu Á (33%) và Trung Đông (31%) đang sử dụng fintech trong việc tăng cường an toàn thông tin/bảo mật dữ liệu.
Tiền có phải là vấn đề đối với việc triển khai áp dụng giải pháp công nghệ?
Theo kết quả khảo sát, ngân sách dành cho các giải pháp fintech và regtech dự kiến sẽ tăng trong 12 tháng tới, mặc dù nhiều hơn ¼ số người được hỏi dự kiến ngân sách sẽ giữ nguyên cho các giải pháp fintech (27%) và regtech (25%). Theo khu vực địa lý, 58% doanh nghiệp ở Hoa Kỳ và 60% các công ty ở châu Phi phân bổ ngân sách dự kiến cho các giải pháp fintech tăng trong 12 tháng tới. ¼ các công ty Trung Đông dự kiến cắt giảm ngân sách cho các giải pháp fintech và regtech. Trong khi đó, một số công ty thất bại trong việc đầu tư vào các giải pháp công nghệ đổi mới sáng tạo để giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin yếu kém hoặc thông qua việc hạn chế đầu tư vào các kỹ năng nội bộ và ngân sách cần thiết để triển khai các giải pháp fintech và regtech. Theo thống kê, gần 1/3 các công ty Hoa Kỳ đã không triển khai giải pháp fintech (34%) hoặc regtech (32%) do thiếu vốn đầu tư/ngân sách.
Bên cạnh đó, việc triển khai các giải pháp regtech của các tổ chức có xu hướng tăng lên. Theo Ủy ban Dịch vụ Tài chính Jersey (tháng 7/2022), 78% các công ty ở Jersey tin tưởng rằng các công cụ regtech ngày càng cần thiết để đáp ứng yêu cầu quản lý và giám sát tuân thủ. Khi được hỏi liệu các giải pháp regtech có ảnh hưởng đến cách quản lý, giám sát tuân thủ hay không, ½ người được hỏi cho biết họ đã triển khai giải pháp regtech hoặc đã triển khai một phần, tăng từ 38% vào năm 2021, trong khi G-SIB đã ứng dụng giải pháp regtech, với gần 90% đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ giải pháp.
Một điểm đáng chú ý là phản hồi khảo sát năm 2022 hướng tới việc phát triển các ứng dụng công nghệ bên ngoài. Hầu hết các công ty được khảo sát đã trả lời rằng giải pháp regtech đang được phát triển thông qua một đối tác bên ngoài và các sáng kiến nội bộ, tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm từ năm 2021 (37% trong năm 2022, 51% vào năm 2021) và đang có xu hướng giảm dần trong vài năm gần đây. Tỷ lệ doanh nghiệp phát triển tất cả các giải pháp regtech nội bộ đã tăng nhẹ lên mức 8%. Ngoài ra, 25% số người được hỏi cho biết họ không sử dụng bất kỳ giải pháp công nghệ regtech nào. Điều này có thể cho thấy sự không hài lòng của người trả lời với năng lực nội bộ của doanh nghiệp, dù đó là sự thiếu hụt kỹ năng công nghệ chuyên môn, sự sẵn có của ngân sách hay khả năng tương thích của công nghệ với các các hệ thống hạ tầng CNTT cũ. Như nhận định của Elizabeth McCaul, thành viên Ủy ban Giám sát thuộc NHTW châu Âu (ECB): “Các giải pháp công nghệ có khả năng mang lại những lợi ích to lớn và chúng ta nên sẵn sàng khai thác, tận dụng chúng. Tuy vậy, bất kỳ giải pháp công nghệ nào cũng cần được hỗ trợ bởi ba trụ cột chính, bao gồm: (i) khung pháp lý phù hợp; (ii) thanh tra, giám sát đầy đủ và (iii) hiểu biết sâu sắc, thấu đáo về giải pháp công nghệ, không chỉ thuần túy về tiềm năng, lợi ích mà còn cả những hạn chế, rủi ro của các công nghệ mới”.
Đâu là dấu hiệu của quy định tốt liên quan đến fintech/regtech? Cách tiếp cận của cơ quan quản lý đối với regtech/fintech ra sao?
Một trong những dấu hiệu nhận biết tính hiệu quả của quy định việc ứng dụng cả regtech và fintech là sự tương tác thường xuyên, liên tục giữa cơ quan quản lý và ngành công nghiệp. Đối với regtech, hai yếu tố chính là lợi nhuận theo quy định (regulatory returns) với 16% và quy định trung lập về công nghệ (technological neutrality) chiếm 15%. Đối với fintech, dấu hiệu thứ hai và thứ ba của hiệu quả quy định là tỷ lệ tiếp cận khách hàng tốt (21%) và quy định trung lập về công nghệ (16%).
Trong bối cảnh nhu cầu tương tác giữa cơ quan quản lý và ngành công nghiệp ngày càng tăng, người trả lời được hỏi liệu rằng cơ quan quản lý của họ đã trao đổi về cách tiếp cận của họ đối với regtech/fintech của họ hay chưa? Kết quả là các cơ quan quản lý ưu tiên làm việc với các tổ chức tài chính lớn nhất về cách tiếp cận của họ đối với fintech và regtech (43%). Điều này hoàn toàn trái ngược với các công ty khác, với gần 60% cho rằng cơ quan quản lý của họ đã không trao đổi về các giải pháp công nghệ số được sử dụng.
Cần có quy định/hướng dẫn bổ sung trong những lĩnh vực nào?
Quản trị dữ liệu được xem là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu đối với các tổ chức (cơ quan quản lý, doanh nghiệp) khi sử dụng giải pháp công nghệ. Để quản trị dữ liệu hiệu quả đòi hỏi các tổ chức cần có sự đầu tư chiến lược về cả kỹ năng và cơ sở hạ tầng. Khảo sát cho thấy việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (21% fintech) và quản trị (20% regtech) và gia công phần mềm (20% G-SIB fintech) là những lĩnh vực hàng đầu mà các tổ chức sẽ đánh giá cao quy định hoặc hướng dẫn bổ sung.
Regtech có thể hỗ trợ gì cho các tổ chức?
Nếu như kết quả khảo sát năm 2021 cho thấy ưu tiên hàng đầu khi ứng dụng regtech là cải thiện hiệu quả quy trình quản trị rủi ro (21%) và chế độ báo cáo theo quy định hiệu quả hơn (19%) thì theo khảo sát năm 2022, việc tăng khả năng xử lý tội phạm tài chính (40%), tăng cường khả năng chống đỡ rủi ro mạng (38%), cải thiện khả năng lưu trữ hồ sơ (41%)…. là những kỳ vọng mà regtech có thể mang lại cho các tổ chức. Đối với các G-SIB, kỳ vọng từ ứng dụng regtech ở các cấp độ ưu tiên khác nhau, nhưng bằng chứng về việc tuân thủ trách nhiệm giải trình (15%) được đánh giá là ưu tiên hàng đầu, kế tiếp là tăng cường trải nghiệm khách hàng và hỗ trợ ra quyết định chiến lược cho doanh nghiệp (10%), và cung cấp thông tin đầu vào phục vụ thiết lập chính sách (5%).
Tác động của fintech/regtech đối với chức năng tuân thủ là gì?
Việc triển khai các giải pháp fintech và regtech có thể tác động trên phạm vi rộng đối với chức năng tuân thủ. Đối với G-SIB, regtech góp phần thúc đẩy hiệu suất, hiệu quả hoạt động kinh doanh, cho phép nhiều thời gian hơn để tập trung gia tăng giá trị, nguồn nhân lực có kỹ năng để phát triển và tối đa hóa tiềm năng chiến lược của giải pháp công nghệ. Trong khi đó, fintech mang đến hai giá trị cốt lõi cho G-SIB, đó là: sắp xếp công việc linh hoạt cho nhân sự làm việc từ xa tuân thủ và (ii) việc ứng dụng Fintech có thể dẫn đến việc cần ít nhân viên tuân thủ hơn về lâu dài.
Cuối cùng, Thomson Reuters đã chốt lại rằng: Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại là một xu hướng tất yếu đối với trong ngành dịch vụ ngân hàng - tài chính trên thế giới. Đổi mới công nghệ tiếp tục mang đến những lợi ích tiềm năng trong việc cung cấp dịch vụ tài chính cũng như cải thiện năng lực quản lý, giám sát tuân thủ cho các tổ chức. Tuy nhiên, các tổ chức vẫn đòi hỏi nhiều hơn từ các ứng dụng fintech và regtech và vẫn còn một hành trình dài phía trước khi thực hiện chuyển đổi số và việc triển khai các giải pháp công nghệ được coi là hết sức cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý, năng lực giám sát, tuân thủ, giảm thiểu rủi ro, giúp thích ứng với bối cảnh số hóa sâu rộng của lĩnh vực ngân hàng - tài chính trong kỷ nguyên số.
Theo SBV