
Năm 2016-2017, VPBank chuẩn bị bước sang một giai đoạn phát triển mới và tiếp tục mời McKinsey tư vấn sau khi chiến lược "lending bank" thành công rực rỡ. Trong giai đoạn 5 năm 2012-2017, VPBank là nhà băng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận số 1 hệ thống ngân hàng với đỉnh cao là đứng đầu khối tư nhân năm 2017. FE Credit sau những năm đầu khó khăn cũng cất cánh và trở thành công ty tài chính tiêu dùng số 1 Việt Nam – "gà đẻ trứng vàng" cho ngân hàng mẹ.
McKinsey lúc đó đề xuất chiến lược số hoá với 2 trụ cột: số hoá ngân hàng hiện tại và xây dựng một hệ sinh thái số với VPBank ở trung tâm và xung quanh là các công ty liên quan như thương mại điện tử, y tế, giáo dục, bán lẻ… Mô hình hệ sinh thái số đặt mục tiêu ngân hàng sẽ cung cấp các dịch vụ tài chính số cho các đơn vị thành viên.
Thời điểm đó, hệ sinh thái của ngân hàng không mới nhưng ngân hàng mẹ không đóng vai trò cung cấp dịch vụ tài chính số, còn việc xây dựng một ngân hàng thuần số là ý tưởng chưa có trên thị trường. HĐQT VPBank vẫn quyết định chọn định hướng xây dựng một hệ sinh thái số, trong đó một ngân hàng thuần số độc lập dù hướng đi chưa rõ ràng. Đây cũng là điểm khác biệt lớn của VPBank và các nhà băng khác trên thị trường cùng theo đuổi chiến lược số hoá.
Để xây dựng một ngân hàng thuần số độc lập, nhà băng này kết hợp với một đối tác bên ngoài để phát triển. Cụ thể, Timo sẽ cung cấp phần front-end và sử dụng phần back-end của VPBank. Sau 2 năm triển khai, mô hình này thất bại bởi không thể mở rộng quy mô.
Việc đàm phán mua lại với Timo cũng không thành nên nhà băng này quyết định thử một mô hình khác. Theo đó, VPBank phát triển một ngân hàng thuần số mới được đặt bên trong ngân hàng với tên gọi YOLO. Các nhân sự chủ chốt điều hành được mời từ DBS (Singapore) – ngân hàng số tốt nhất thế giới.
Nhưng cũng chỉ sau khoảng 1,5 năm vận hành, mô hình kế tiếp này cũng thất bại.
Trải qua hai lần vấp ngã với ngân hàng số, VPBank quyết định làm lại lần thứ 3 với mô hình mới có tên Cake , cùng trực thuộc một công ty thuộc hệ sinh thái số VPBank với ứng dụng gọi xe BE.
Rút kinh nghiệm từ những thất bại trước, Cake được phát triển mô hình quản trị độc lập với hệ thống core banking thế hệ thứ 4 – hiện đại nhất trên thị trường, với Cloud Native giúp mở rộng quy mô nhanh, linh hoạt, hiệu suất cao, triển khai nhanh… thông qua kiến trúc vi dịch vụ (Microservices) và container hoá.
Trong số các ngân hàng lớn tại Việt Nam, VPBank là nhà băng duy nhất kiên định với chiến lược xây dựng một ngân hàng thuần số. Đặc biệt, 100% nhân sự của Cake là người Việt.
Khi lựa chọn chiến lược hệ sinh thái số, HĐQT VPBank cũng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào một nền tảng thuần số quan trọng. Ở thời điểm đó, họ có 3 lựa chọn chính, là các mô hình có khả năng thu hút số lượng khách hàng siêu khủng như: e-commerce (thương mại điện tử), social media (mạng xã hội), và ride hailing (ứng dụng gọi xe). Nhà băng này đã chọn ứng dụng gọi xe bởi đó là lĩnh vực có cơ hội tăng trưởng rất nhanh và theo quy định phải là công ty do người Việt Nam nắm giữ tối thiểu51%.
Chia sẻ thêm về lý do đầu tư vào BE, ông Bùi Hải Quân – Phó Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết: "Chúng tôi đầu tư vào BE bởi dữ liệu khách hàng do các ứng dụng gọi xe là khổng lồ: người ta đi đâu, lúc nào, đặt đồ ăn hay mua bán tiêu dùng ở đâu… các thông tin đều ở đó. Nếu để các công ty nước ngoài nắm hết là điều không hay lắm".
Tuy nhiên, quyết định đầu tư vào BE khi đó cũng đồng nghĩa với việc "đâm đầu vào đá" sự thống trị của Grab khiến các ứng dụng gọi xe nội địa dần dần thất bại. Thậm chí ngay cả "siêu kỳ lân" của Đông Nam Á – Gojek cũng rất khó khăn khi cạnh tranh với Grab và sau này cũng phải rút khỏi Việt Nam (năm 2024). Cũng vì thế, việc đầu tư VPBank chỉ được chính thức hoá những năm sau này khi BE đã có những thành công nhất định, tránh bớt những ảnh hưởng về thương hiệu tới ngân hàng.
Thời gian đầu, Cake dựa vào BE để phát triển khách hàng và cũng "đốt tiền" để thu hút người dùng như nhiều ứng dụng ngân hàng số khác. Thế nhưng, rất nhanh chóng, họ hiểu rằng không thể tiếp tục làm như vậy bởi 2 lý do.
Thứ nhất, họ cần tìm ra các khách hàng thuần số có nhu cầu dùng dịch vụ của Cake chứ không phải ngân hàng truyền thống nhưng sử dụng app của Cake để hưởng ưu đãi. Thứ hai, việc "đốt tiền" để kích cầu, thu hút người dùng, để chạy đua với nhiều ứng dụng khác quá tốn kém và không hiệu quả.
Trong khi đó, ứng dụng gọi xe BE cũng phải vật lộn không ngừng để có thể phát triển và tồn tại một cách độc lập. Nếu như Cake là thử nghiệm lần thứ 3 về mô hình ngân hàng thuần số với VPBank thì BE cũng phải trải qua 3 lần thay Tổng giám đốc trước khi đạt được vị thế ổn định: làm chủ hoàn toàn về công nghệ, vận hành hiệu quả, tăng trưởng tốt.
Hiện tại, ngoài việc đã khẳng định được vị thế và dần trở thành một niềm tự hào trong hệ sinh thái của VPBank, BE dự kiến có lãi trong năm 2025. Bên cạnh đó, từ một nền tảng gọi xe, BE đã cung cấp 12 sản phẩm dịch vụ cho xã hội phục vụ hơn 10 triệu khách hàng. Với số lượng tài xế hoạt động khoảng 150.000 - 200.000 người, BE đã tạo cơ hội công ăn việc làm thường xuyên cho những người được coi là yếu thế trong xã hội.
Đối với các ngân hàng thuần số tại Việt Nam, vấn đề lớn nhất là khả năng tạo ra lợi nhuận. Bởi sau những hào hứng của việc thu hút người dùng nhanh chóng nhờ "đốt tiền", hầu hết các mô hình đều mới thành công trong việc trở thành một nền tảng thanh toán số (payment platform) nhưng loay hoay với việc làm gì kế tiếp để đủ bù đắp chi phí và có lợi nhuận.
Riêng với Cake, nhà băng thuần số này thay đổi chiến lược rất nhanh sau khi nhận ra việc kích thích tải ứng dụng nhờ "đốt tiền" sẽ không hiệu quả. Thay vào đó, Cake tập trung vào thu hút khách hàng có nhu cầu thực về dịch vụ tài chính thông qua các đối tác hạng nhất (Tier 1 – có ít nhất trên 10 triệu người dùng).
Đối tác đầu tiên kết hợp thành công với Cake là Viettel Money và trở thành bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển của ngân hàng thuần số thành công nhất ở Việt Nam sau này. Tiếp sau đó, Cake nhanh chóng có được sự hợp tác của nhiều Tier 1 khác như Thế giới Di động, VNPay, Zalo Pay, FPT…
Theo đó, dịch vụ quan trọng bậc nhất mà Cake kết hợp với các Tier 1 cung cấp cho khách hàng là huy động, phát hành thẻ và đặc biệt là cho vay tiêu dùng. Với các đối tác, Cake cung cấp hệ thống chấm điểm tín dụng dựa trên dữ liệu thay thế (alternative data) để cho vay khách hàng. Điểm đặc biệt là các biến số trong mô hình chấm điểm này là tự động do AI tạo sinh thiết lập.
Người dùng có thể sử dụng các dịch vụ của Cake như mở thẻ tín dụng, gửi tiết kiệm, vay tiêu dùng, mua trước trả sau… từ nhiều điểm chạm trong hệ sinh thái của các đối tác. Cake đang đem đến cho người dùng sức mạnh của của một ngân hàng số thực sự: dịch vụ tài chính "may đo" với năng lực của AI tạo sinh và dữ liệu lớn.
Thực tế, kể từ năm 2024, Cake triển khai chiến lược Next Gen AI Bank khi đưa AI tạo sinh vào mọi hoạt động. Cake trở thành ngân hàng đầu tiên phát triển ngôn ngữ lớn (LLM) tiếng Việt tác động đến toàn bộ hành trình của khách hàng, phủ kín các điểm chạm, bắt đầu từ việc ngân hàng tiếp cận, phân tích hành vi của khách hàng, tương tác đề xuất các sản phẩm phù hợp với nhu cầu/hành vi của khách hàng đó, đến phê duyệt giải ngân.
Không kết thúc ở đó, AI của Cake vẫn tiếp tục theo dõi các hành vi của khách hàng để chấm điểm tín dụng, rồi khép kín chu trình bằng hậu mãi, chăm sóc khách hàng. Nhờ việc ứng dụng AI tạo sinh vào mọi khía cạnh liên quan đến hành trình khách hàng, với mô hình chia sẻ quyền lợi hợp lý và chấm điểm tín dụng hiệu quả, Cake có thể kiểm soát rủi ro tốt. Ngân hàng thuần số này đã ứng dụng "tài chính nhúng" thành công, liên kết được với nhiều đối tác lớn.
Hiện tại, Cake đang làm chủ tới 80 mô hình AI. Trong hoạt động quản trị, AI tạo sinh cũng giúp ngân hàng thuần số này tiết kiệm tối đa chi phí vận hành… Cũng nhờ ứng dụng công nghệ vào mọi ngõ ngách trong vận hành, chỉ với 250 nhân sự, nhưng Cake hiện phục vụ tới 5 triệu khách hàng, xử lý trung bình 700.000 hồ sơ cấp tín dụng mỗi tháng.
Kết thúc năm 2024, Cake trở thành ngân hàng thuần số đầu tiên tại Việt Nam có lãi (thu đủ bù chi). Tháng 2/2025, Cake được The Asian Banker Global (TAB Global) công nhận trong Top 100 ngân hàng số hàng đầu thế giới, đồng thời vinh danh "Ngân hàng số tốt nhất Việt Nam".
Trong số các "ông lớn" ngân hàng tại Việt Nam, VPBank là tổ chức có chiến lược xây dựng một ngân hàng thuần số từ rất sớm. Nhà băng này cũng là tổ chức tín dụng duy nhất can đảm "đập đi xây lại" đến lần thứ 3 và bền bỉ thay đổi, thích ứng, giúp cho Cake sống sót, rồi phát triển thành công.
Cake trở thành startup công nghệ tài chính hiếm hoi được nuôi dưỡng thành công trong lòng một hệ sinh thái tài chính. Thế nhưng, nếu nhìn vào lịch sử phát triển của VPBank mới (Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng) sẽ thấy, nhà băng này vốn nổi tiếng với việc kiên cường, bền bỉ trước những khó khăn và luôn sẵn sàng đặt ra cũng như vươn tới các mục tiêu đầy thách thức.
Cũng vì thế, sự phát triển trải qua khó khăn một cách bền bỉ và kiên cường của Cake hay BE phản ánh đúng ADN (bộ gen) của ngân hàng này.
Nhưng có một bí ẩn mà rất nhiều người tò mò: Vì sao Viettel Money lại quyết định chọn Cake để hợp tác đầu tiên trong việc triển khai cho vay tiêu dùng mà không phải là một ngân hàng khác?
Đó là vì những nhà băng có kinh nghiệm nhiều năm về cho vay tiêu dùng với những món nhỏ nhưng quy mô lớn, kiểu các khoản vay tín chấp, như VPBank là rất ít. Thêm vào đó, ở quy mô hàng chục triệu khách hàng và xây dựng được mô hình chấm điểm tín dụng dựa trên dữ liệu xã hội, được thử nghiệm qua nhiều năm, đem lại hiệu quả cao, kiểm soát được rủi ro thì mạnh mẽ nhất là VPBank với FE Credit.
Nói cách khác, chiến lược "lending bank" – con đường ít người đi, mà nhà băng này triển khai thành công từ nhiều năm trước là nhân tố then chốt cho việc xây dựng nên một mô hình kinh doanh riêng cho ngân hàng thuần số mà ít người làm được.
Cho tới khi Cake triển khai chấm điểm tín dụng của riêng mình, ngân hàng thuần số này ứng dụng AI tạo sinh vào mô hình kinh doanh đã tạo ra một công cụ có sức mạnh vượt trội. Đây là một lý do giúp Cake có thể cho vay những khoản rất nhỏ (chỉ vài triệu đồng) trong vòng 2 phút và xử lý được tới 700.000 hồ sơ cấp tín dụng mỗi tháng.
Thực tế, một vài ngân hàng cổ phần từng thử bước vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng trên ứng dụng ngân hàng số nhưng nhanh chóng rút lui bởi không kiểm soát được rủi ro và chi phí quá cao. Vì thế, Cake by VPBank thực ra là sự lựa chọn tốt nhất hay có thể coi là duy nhất với Viettel Money thời điểm đó. Bản chất, các ngân hàng khác chưa thể tham gia lĩnh vực này vì rủi ro rất cao và không có quy trình vận hành cũng như mô hình kinh doanh phù hợp.
Năm 2010-2011, VPBank thực hiện tái cơ cấu ngân hàng với sự tư vấn chiến lược của McKinsey. Từ mô hình nhà băng truyền thống, vận hành theo chiều ngang (mỗi chi nhánh vận hàng như một ngân hàng độc lập), VPBank được chuyển đổi theo mô hình hiện đại và vận hành theo chiều dọc, với mô hình ma trận.
Theo đó, việc quản lý vốn, phê duyệt tín dụng và quản trị rủi ro… sẽ được tập trung ở hội sở, các chi nhánh chủ yếu làm công tác bán hàng. Mô hình mới giúp cho VPBank "chuyên môn hoá và tập trung hóa" được nhiều nghiệp vụ, tăng mạnh khả năng mở rộng quy mô và quản trị được rủi ro – điều mà cách vận hành kiểu cũ không thể làm được.
Đi kèm với đó, HĐQT ngân hàng quyết định thực hiện một hướng đi mới, hoàn toàn khác biệt trên thị trường: trở thành một "lending bank". Thay vì "bán mọi thứ" như trước đây, và chủ yếu cho vay doanh nghiệp với những khoản lớn với tài sản thế chấp, VPBank chuyển định hướng sang rất nhiều khoản vay nhỏ không tài sản đảm bảo nhưng có lãi suất cao.
Chiến lược "đầu ra cao" giúp giải quyết bài toán hiệu quả khi bổ khuyết cho điểm yếu rất lớn của một nhà băng nhỏ là lãi suất đầu vào cao.
Tuy nhiên, cho vay tín chấp cũng đi kèm với rủi ro nợ xấu lớn hơn rất nhiều, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát hai con số và nền kinh tế Việt Nam đang ở trạng thái dễ tổn thương. Thực tế, trở thành một "lending bank" có thể coi là sự lựa chọn bản lĩnh của VPBank thời điểm đó vì rủi ro tín dụng cao.
Chiến lược "lending bank" cùng với chương trình tái cấu trúc VPBank được thực hiện nhanh, quyết liệt đã tạo ra những thay đổi lớn. Ngay trong năm 2010, lợi nhuận nhà băng này đã tăng gấp đôi, năm 2011 vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng và tổng tài sản đã tăng gấp 3 lần.
Chiến lược "lending bank" được phát triển lên một tầm cao mới khi VPBank phát triển FE Credit trở thành công ty tín dụng tiêu dùng lớn nhất và thành công nhất ở Việt Nam – con gà đẻ trứng vàng của ngân hàng trong nhiều năm. Trên thị trường, VPBank cũng là ngân hàng duy nhất thành công lớn với chiến lược này.
Khi tư vấn, McKinsey đồng tình với định hướng "cần tăng nhanh, mạnh quy mô" của VPBank nhưng đề nghị HĐQT nhà băng này cần chọn giữa quy mô và hiệu quả. Tại một buổi thảo luận chiến lược dành cho lãnh đạo cấp cao trên Tam Đảo, ông Bùi Hải Quân – Phó Chủ tịch VPBank hỏi chuyên gia McKinsey: "Chúng tôi có thể chọn cả quy mô và hiệu quả được không vì VPBank cũng rất cần lợi nhuận để phát triển ngân hàng?". Câu trả lời là: "Không thể làm được!".
Điều gì đã giúp VPBank đạt được bộ đôi mục tiêu "bất khả thi" trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, lẫn rủi ro có thể gặp phải của một nhà băng ở giai đoạn đầu của tái cấu trúc?
Vị Phó Chủ tịch VPBank cho biết: "Đó là tư duy tập thể. Các thành viên HĐQT đều có chiến lược giống nhau và đều đồng lòng, cùng ý chí quyết tâm cao nên khi thực hiện không bị lung lay khi gặp khó khăn". Điểm giống nhau về khẩu vị của các thành viên HĐQT nhà băng này, tại thời điểm đó, rất nổi tiếng trong giới ngân hàng là "High Risk, High Return – Rủi ro lớn, Lợi nhuận cao".
Chia sẻ về hành trình với Cake, ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch HĐQT VPBank nói: "Chúng tôi không đầu tư kiểu ‘đốt tiền’ như các tập đoàn nước ngoài, mà triển khai với chi phí vừa phải nhưng cần ý chí mạnh mẽ và chịu đựng được khó khăn để đi được đến ngày hôm nay. Đó thực sự là những nỗ lực rất lớn của các anh em ở đây".
Ông Quân khái quát hành trình của Cake, BE bằng một tính từ vốn là biểu tượng của Roland Garros (Giải vô địch quần vợt Pháp mở rộng): "Tenacious!" (Kiên cường, bền bỉ).
Vị lãnh đạo này cho biết thêm, việc vận hành Cake như một sandbox đem lại nhiều kinh nghiệm hữu ích cho VPBank bởi những thử nghiệm thành công rồi sẽ giúp ngân hàng tăng hiệu quả hoạt động, giảm rủi ro, tăng trải nghiệm khách hàng, đặc biệt trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ tài chính với AI tạo sinh.
Sau hợp tác với Viettel Money, tiếp đến là Thế giới Di động, VNPay, Zalo Pay, FPT và sắp tới là một Tier 1 rất lớn khác, công cụ chấm điểm tín dụng dựa trên dữ liệu thay thế của Cake ngày càng vững mạnh. Khi càng chứng minh được tính hiệu quả cao, sức hút của việc hợp tác với Cake càng lớn, nhiều đối tác Tier 2 tự tìm đến, mở ra cơ hội phát triển vượt trội của ngân hàng thuần số này trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, vị lãnh đạo VPBank hiếm khi xuất hiện trước công chúng lại cho biết: "Trước mắt, VPBank vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng vừa phải với Cake vì sản phẩm này vẫn mới với thị trường. Những khoản cho vay của Cake rất nhanh, linh hoạt (thời gian có khi chỉ vài ngay), và rất mass (lên tới cả triệu khoản/tháng) nên có độ rủi ro cao. Vì thế, chúng tôi vẫn cần thời gian để hoàn thiện mô hình".
Vị Phó Chủ tịch này bổ sung: "Chúng tôi đang mong chờ khi Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống thì sẽ có cơ chế chính sách rõ ràng hơn, khuyến khích sự phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và các mô hình công nghệ tài chính sáng tạo như Cake. Khi ấy, Cake mới thực sự có cơ hội tăng trưởng mạnh hoặc bùng nổ hơn".
Nguồn: markettimes.vn