Thứ sáu, 25/07/2025
   

Triển vọng ngân hàng Việt Nam: Xếp hạng tín nhiệm và con đường hướng tới tài chính bền vững

Ngày 11/6/2025, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Moody’s Ratings và VIS Rating tổ chức hội thảo chuyên đề “Triển vọng ngân hàng Việt Nam: Xếp hạng tín nhiệm và con đường hướng tới tài chính bền vững”.

Hội thảo nhằm cập nhật thông tin về xu hướng phát triển của ngành ngân hàng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu nhiều biến động, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm về xếp hạng tín nhiệm là yếu tố then chốt đối với năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường vốn quốc tế của tổ chức tín dụng.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của hội thảo trong bối cảnh ngành tài chính - ngân hàng đang đối mặt với cả cơ hội lẫn thách thức lớn.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, năm 2025 là năm bản lề của nền kinh tế Việt Nam, khi nhiều chính sách trọng yếu được triển khai, bao gồm các nghị quyết chiến lược của Bộ Chính trị, hướng tới cải cách thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngành ngân hàng tiếp tục đóng vai trò trụ cột trong cung ứng tín dụng, dịch vụ tài chính và hỗ trợ các chương trình đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, Dự thảo sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng đang được Quốc hội thảo luận với mục tiêu hoàn thiện hành lang pháp lý linh hoạt, hiệu quả và an toàn hơn, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro.

Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng cũng đang đứng trước không ít khó khăn, bao gồm áp lực chuyển đổi số, yêu cầu tinh gọn bộ máy trong khi vẫn phải bảo đảm tuân thủ pháp lý và đáp ứng kỳ vọng của thị trường. Một số vướng mắc kỹ thuật như quy trình đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến còn chậm trễ, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ tín dụng.

Triển vọng ngân hàng Việt Nam: Xếp hạng tín nhiệm và con đường hướng tới tài chính bền vững
Quang cảnh hội thảo

Trên bình diện quốc tế, các chính sách thuế quan của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ, đang tác động mạnh đến dòng vốn FDI và chuỗi cung ứng, buộc các tổ chức tín dụng phải rà soát lại danh mục cho vay và điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho phù hợp.

Đặc biệt, nợ xấu tiềm ẩn đang gia tăng trong hệ thống dù nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được triển khai. Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, đây là thời điểm cần đặc biệt chú trọng tới việc minh bạch hóa rủi ro và nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng.

Trong bối cảnh đó, xếp hạng tín nhiệm được đánh giá là công cụ quan trọng không chỉ giúp nhà đầu tư nhận diện mức độ rủi ro của tổ chức phát hành, mà còn hỗ trợ tổ chức tín dụng tự đánh giá vị thế tài chính, củng cố niềm tin thị trường, và giảm chi phí huy động vốn.

TS. Nguyễn Quốc Hùng kỳ vọng, hội thảo sẽ góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của xếp hạng tín nhiệm trong hệ thống ngân hàng, đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận, học hỏi và hợp tác với các tổ chức xếp hạng quốc tế để phát triển năng lực định hạng nội tại. Ông cũng đề xuất đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực này.

Bà Alka Anbarasu - Giám đốc Điều hành Cấp cao, Khối Tổ chức Tài chính, Moody’s Ratings
Bà Alka Anbarasu - Giám đốc Điều hành Cấp cao, Khối Tổ chức Tài chính, Moody’s Ratings

Trình bày tại hội thảo, bà Alka Anbarasu - Giám đốc Điều hành Cấp cao, Khối Tổ chức Tài chính, Moody’s Ratings nhận định, Việt Nam tiếp tục được Moody’s đánh giá có triển vọng “ổn định” đối với hệ thống ngân hàng, giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định.

Theo bà Alka Anbarasu, yếu tố hỗ trợ chính cho triển vọng này là tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ (trên 7% năm 2024) và mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là trên 8%. Bên cạnh đó, sức cầu nội địa, dòng vốn FDI duy trì tích cực và cấu trúc thị trường xuất khẩu đa dạng giúp Việt Nam chống chịu tốt hơn trước các cú sốc bên ngoài, bao gồm tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Tuy nhiên, bà cũng lưu ý đến áp lực đối với chất lượng tài sản trong phân khúc tín dụng tiêu dùng và nguy cơ gia tăng rủi ro tín dụng do bất ổn kinh tế vĩ mô. Moody’s đặc biệt theo dõi các dấu hiệu tiềm ẩn của nợ xấu và xu hướng thắt chặt điều kiện tài chính quốc tế.

Về xếp hạng tín nhiệm, bà Alka khẳng định đây là công cụ then chốt giúp tăng cường tính minh bạch, hỗ trợ tổ chức phát hành tiếp cận nhiều nhà đầu tư hơn và giảm chi phí huy động vốn, nhất là trên thị trường trái phiếu. Qua đó, xếp hạng tín nhiệm không chỉ phản ánh khả năng trả nợ mà còn là công cụ quản trị hiệu quả trong điều hành tài chính của các tổ chức tín dụng.

Mặc dù triển vọng chung là ổn định, Moody’s lưu ý rằng chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam vẫn là điểm cần theo dõi. Trong ba năm liên tiếp từ 2023 đến 2025, chỉ số về chất lượng tài sản vẫn duy trì ở mức "tiêu cực", phản ánh rủi ro liên quan đến các khoản cho vay có tài sản bảo đảm bằng bất động sản trong bối cảnh thị trường này gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, một số yếu tố tích cực vẫn hiện diện. Cụ thể, mức độ vốn hóa của hệ thống ngân hàng được duy trì ổn định từ năm 2021 đến 2025. Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu tiềm năng bao gồm cả các khoản vay tái cơ cấu đang tăng và hiện ở quanh mức 5%, trong khi tỷ lệ nợ xấu chính thức khoảng 2%.

Bên cạnh đó, Moody’s cũng bày tỏ lo ngại về việc một số ngân hàng đã giảm mạnh trích lập dự phòng trong giai đoạn 2022 - 2024, khiến "đệm vốn" bảo vệ trước rủi ro tín dụng bị mỏng đi. Một số ngân hàng nhỏ có mức dự phòng thấp, tiềm ẩn rủi ro trong trường hợp các khoản vay bất động sản chuyển thành nợ xấu.

Ông Jeffrey Lee - Phó Chủ tịch Cấp cao phụ trách Tài chính Bền vững, Trưởng Bộ phận Đánh giá khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Moody’s Ratings
Ông Jeffrey Lee - Phó Chủ tịch Cấp cao phụ trách Tài chính Bền vững, Trưởng Bộ phận Đánh giá khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Moody’s Ratings

Tại Hội thảo, ông Jeffrey Lee - Phó Chủ tịch Cấp cao phụ trách Tài chính Bền vững, Trưởng Bộ phận Đánh giá khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Moody’s Ratings cũng chia sẻ quan điểm về vai trò của đánh giá tín nhiệm độc lập trong bối cảnh chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải carbon thấp.

Theo ông Jeffrey Lee, các tổ chức tài chính hiện không chỉ chịu áp lực ngày càng lớn từ thị trường và cổ đông, mà còn phải chủ động thích ứng với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế đang ngày càng ưu tiên các yếu tố phát triển bền vững và tài chính xanh. Trong tiến trình chuyển đổi này, các ngân hàng đối mặt với ba nhóm rủi ro chính gồm: rủi ro chính sách - pháp lý, rủi ro công nghệ và rủi ro thị trường. Đây đều là những yếu tố có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tài chính và hồ sơ tín dụng của tổ chức nếu không được đánh giá và kiểm soát kịp thời.

Ông nhấn mạnh vai trò trung lập và khách quan của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong việc cung cấp đánh giá về mức độ sẵn sàng chuyển đổi và năng lực thích ứng ESG (môi trường - xã hội - quản trị) của các ngân hàng và doanh nghiệp. Theo đó, ESG không chỉ là xu hướng quản trị mà ngày càng trở thành yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xếp hạng tín nhiệm. Đặc biệt, ông Lee đề xuất cần phát triển các đơn vị xếp hạng độc lập trong nước có chuyên môn sâu về ESG và hiểu biết đặc thù thị trường nội địa, từ đó góp phần nâng cao tính minh bạch và chất lượng tín dụng trong hệ thống tài chính Việt Nam.

Ông Jeffrey Lee cho biết, theo các ước tính, từ nay đến năm 2030, thế giới cần huy động một lượng vốn đầu tư rất lớn để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, tính đến năm 2024, tổng vốn đầu tư toàn cầu mới chỉ đạt khoảng 2.400 tỷ USD, một con số còn rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.

Trong khi một số quốc gia như Trung Quốc đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc huy động và triển khai nguồn vốn cho chuyển đổi xanh, thì nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là các nền kinh tế tại Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam vẫn tụt hậu khá xa về quy mô và hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính xanh.

Cụ thể, Ấn Độ cần dành khoảng 2,4% GDP hàng năm cho các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu, còn khu vực Đông Nam Á cần khoảng 1,6% GDP. Điều này tạo áp lực lớn đối với ngân sách quốc gia và làm nổi bật nhu cầu huy động sự tham gia mạnh mẽ từ khu vực tư nhân, đặc biệt là hệ thống các tổ chức tài chính.

Theo ông Lee, các định chế tài chính đóng vai trò then chốt trong chuyển đổi xanh. Nhiều tổ chức tài chính quốc tế và đa phương đang tăng cường hợp tác với khu vực tư nhân để dẫn dòng vốn vào các dự án giảm phát thải như năng lượng tái tạo, giao thông xanh, cơ sở hạ tầng tiết kiệm năng lượng…

Các công cụ tài chính bền vững như trái phiếu xanh, khoản vay xanh hay tài sản xanh đang ngày càng trở nên thiết yếu. Ngân hàng có thể vừa là nhà phát hành, vừa là nhà đầu tư đối với các sản phẩm này, đồng thời có thể tiếp cận các khoản vay ưu đãi từ các định chế tài chính quốc tế để tài trợ cho các sáng kiến bền vững.

Tại Đông Nam Á, thị trường trái phiếu xanh bắt đầu phát triển từ năm 2021. Tỷ trọng trái phiếu xanh trong khu vực châu Á dao động từ 20 - 30% tùy theo từng thời điểm. Toàn cầu, thị trường trái phiếu bền vững hiện đạt quy mô khoảng 1.300 tỷ USD phát hành mỗi năm, trong đó trái phiếu xanh chiếm hơn 50%, tiếp tục là công cụ tài chính chủ đạo hỗ trợ phát triển xanh.

Bên cạnh đó, ông Lee cũng đề cập khái niệm “tài chính chuyển đổi” (transition finance) - một cách tiếp cận rộng, bao gồm mọi hình thức tài chính hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Châu Á hiện là khu vực đi đầu trong xây dựng hệ thống phân loại tài sản chuyển đổi, với các sáng kiến từ ASEAN, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ…

Moody’s khuyến nghị các quốc gia, bao gồm Việt Nam, nên hướng tới một cách tiếp cận nhất quán toàn cầu trong việc phân loại tài sản chuyển đổi. Tại Việt Nam, chủ đề này được dự báo sẽ trở thành ưu tiên chính sách trong 1 - 2 năm tới, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ các sản phẩm tài chính xanh, đặc biệt là trái phiếu xanh, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp và giảm thiểu rủi ro khí hậu.

Các tổ chức tài chính có thể đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và các nguồn vốn xanh thông qua việc cấp tín dụng ưu đãi cho các dự án như giao thông bền vững, công trình xanh, hay tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, khi phát hành trái phiếu xanh, ngân hàng cần công bố thông tin minh bạch về dự án, tác động môi trường, khả năng gia tăng vốn tự nhiên và đa dạng sinh học.

Bà Maria Lee - Giám đốc điều hành Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Moody's Rating
Bà Maria Lee - Giám đốc điều hành Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Moody's Rating

Tại hội thảo, các chuyên gia đã khẳng định đây là diễn đàn quan trọng để các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và chuyên gia trong nước cũng như quốc tế trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về xếp hạng tín nhiệm và định hướng phát triển tài chính bền vững. Thông qua đó, góp phần hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro, nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam, đồng thời tăng cường khả năng hội nhập với thị trường tài chính quốc tế.

Về dài hạn, các công cụ tài chính bền vững sẽ giúp tổ chức tài chính đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, giảm chi phí huy động vốn và cải thiện hồ sơ tín nhiệm, thông qua việc tích hợp quản trị rủi ro môi trường và xã hội vào hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, các sáng kiến từ cơ quan quản lý, cùng với sự phối hợp liên ngành chặt chẽ, sẽ tạo nền tảng thúc đẩy hệ sinh thái tài chính bền vững, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam và khu vực.

T.Đ

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay