Thứ năm, 03/07/2025
   

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Sáng 10/6/2025, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, đã trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường, cùng ý kiến thẩm tra chính thức của Ủy ban Kinh tế và Tài chính về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức Tín dụng.

Báo cáo đã tập trung làm rõ cơ sở chính trị, tác động tích cực của dự thảo luật, đồng thời giải trình các nhóm chính sách then chốt như cho vay đặc biệt, thu giữ tài sản bảo đảm và luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14. Với tinh thần cầu thị, Chính phủ đề xuất điều chỉnh để luật có hiệu lực từ 01/8/2025, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính và trật tự xã hội.

Tác động tích cực của dự thảo luật

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơ quan chủ trì đã chỉ đạo rà soát và đánh giá tác động của các chính sách trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức Tín dụng, nhằm làm rõ cơ sở chính trị của việc ban hành luật này. Các nội dung tại dự thảo luật được khẳng định là phù hợp với Hiến pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật của Việt Nam. Đồng thời, nếu được thông qua, các quy định sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đối với kinh tế - xã hội, đặc biệt là tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của cá nhân và doanh nghiệp, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước, cũng như đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Dự thảo luật đã thể chế hóa đầy đủ các đường lối, chủ trương của Đảng, bao gồm ba nghị quyết quan trọng trong "Bộ tứ cất cánh" giúp Việt Nam phát triển. Cụ thể, Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới được phản ánh rõ nét. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng được luật hóa. Ngoài ra, thực hiện yêu cầu tại Thông báo số 1346/TB-VPQH ngày 28/4/2025 về kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng văn bản số 14923-CV/VPTW ngày 20/5/2025 của Bộ Chính trị, ba nội dung còn lại của Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã được nhất trí luật hóa nhằm tạo khung pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì rà soát, nghiên cứu toàn diện những khó khăn, bất cập trong hoạt động của các tổ chức tín dụng để sửa đổi, bổ sung nội dung, bảo đảm hoạt động hiệu quả hơn, hạn chế tình trạng nợ xấu. Các sửa đổi này cũng nhằm đáp ứng ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Quan điểm được nêu rõ là vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn để tránh mất thời cơ.

Các nhóm chính sách then chốt đã được giải trình thuyết phục

Về nhóm chính sách chuyển thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt của NHNN với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, mục đích của ngân hàng trung ương về phát hành tiền không sử dụng nguồn từ ngân sách nhà nước. Do đó, việc NHNN cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm không dẫn đến rủi ro ngân sách nhà nước phải bù lãi suất. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để rà soát các quy định về xử lý các khoản cho vay đặc biệt của NHNN theo chế độ tài chính của ngân hàng này.

“Việc cho vay đặc biệt của NHNN chỉ áp dụng cho hai trường hợp: Một là tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt để chi trả cho người gửi tiền, hai là để thực hiện phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc của các tổ chức tín dụng đang bị kiểm soát đặc biệt. Hoạt động này chỉ được tiến hành sau khi đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ như tái cấp vốn, nghiệp vụ thị trường mở. Như vậy, cho vay đặc biệt là cần thiết để ngăn chặn hiện tượng rút tiền hàng loạt tại tổ chức tín dụng, hạn chế nguy cơ rủi ro lan truyền sang các tổ chức khác, hoặc hỗ trợ phương án phục hồi, chuyển giao bắt buộc nhằm tái cơ cấu các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt. Mục tiêu là đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh trật tự và an toàn xã hội, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho các tổ chức tín dụng được vay đặc biệt từ NHNN”, Thống đốc phát biểu.

Thống đốc cũng nhấn mạnh, khoản 3 Điều 194 Luật Các tổ chức Tín dụng 2024 đã giao Thống đốc NHNN quy định chi tiết việc cho vay đặc biệt. Thực hiện quy định này, Thống đốc đã ban hành Thông tư số 37/2024/TT-NHNN ngày 30/6/2024, quy định cụ thể mục đích, số tiền, thời hạn, tài sản bảo đảm, điều kiện tài sản bảo đảm, trả nợ vay và trách nhiệm của các bên liên quan.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, sau khi dự thảo luật được ban hành, NHNN sẽ nghiên cứu, rà soát, sửa đổi Thông tư số 37/2024/TT-NHNN liên quan đến tiêu chí, điều kiện cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, mục đích sử dụng khoản vay, trách nhiệm của đơn vị được vay và trách nhiệm của NHNN khi cho vay, kiểm soát nguồn tiền để tránh rủi ro, tránh lạm dụng chính sách. Điều này nhằm giảm áp lực tái cấu trúc nội tại của ngân hàng, tăng cường tính minh bạch về trình tự, thủ tục cho vay, đồng thời tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa, hạn chế tổn thất có thể xảy ra, phòng tránh rủi ro đạo đức, rủi ro chính sách và hiệu ứng phụ, bảo đảm niềm tin và công bằng thị trường.

Về điều khoản chuyển tiếp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính, quyết định bỏ quy định tại khoản 2 Điều 2 dự thảo luật, quy định chuyển tiếp đối với các khoản cho vay đặc biệt đã được Thống đốc NHNN quyết định trước ngày luật này có hiệu lực.

Về nhóm chính sách luật hóa các quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14, Thống đốc cho biết, các đại biểu Quốc hội quan tâm đến ba vấn đề lớn liên quan đến thu giữ tài sản bảo đảm: Điều kiện thu giữ, sự tham gia của chính quyền địa phương và cơ chế kiểm soát để tránh lạm quyền. Về điều kiện thu giữ, thu giữ tài sản bảo đảm không phải là hành động đơn phương, vô điều kiện mà phải tuân thủ phạm vi, giới hạn, điều kiện thu giữ, tôn trọng quyền tự do, tự nguyện thỏa thuận của các bên. Quy định về trình tự, thủ tục thu giữ phải công bằng, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên có nghĩa vụ, tổ chức tín dụng và các bên liên quan.

Về sự tham gia của chính quyền địa phương, vai trò của các cơ quan, chính quyền địa phương nhằm xác nhận tình trạng thực tế và đảm bảo an ninh trật tự xã hội khi tổ chức tín dụng thực hiện biện pháp thu giữ, đồng thời ngăn ngừa việc tổ chức tín dụng lạm dụng quyền, đảm bảo thu giữ công khai, minh bạch, không gây mất trật tự xã hội, không xâm phạm quyền của các chủ thể liên quan. Việc quy định vai trò của Ủy ban Nhân dân cấp xã, cơ quan công an cấp xã khi thu giữ tài sản bảo đảm sẽ tạo ý thức tuân thủ của tổ chức tín dụng, bên bảo đảm, bên vay, người liên quan và người dân tại địa điểm thu giữ.

Về cơ chế kiểm soát tránh lạm quyền, dự thảo luật quy định tổ chức tín dụng không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội, không hạn chế quyền khiếu nại của các bên, đặc biệt là bên bảo đảm và bên đang giữ tài sản bảo đảm. Hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm và hoạt động của tổ chức tín dụng nói chung chịu sự quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có NHNN.

Về quy định kê biên tài sản của bên thi hành án là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và quy định hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, tang vật, phương tiện trong vụ việc vi phạm hành chính, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chính phủ đã rà soát tính thống nhất của dự thảo luật với Luật Tố tụng Hình sự, Luật Thi hành Án Dân sự, Luật Xử lý vi phạm Hành chính. Các quy định tại dự thảo luật bổ sung khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, giải quyết các vấn đề chưa được quy định hoặc chưa có quy định cụ thể. Nội dung này phù hợp với các dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành Án Dân sự, Luật Xử lý vi phạm Hành chính và Luật Tố tụng Hình sự.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định xác định rõ việc xử lý tài sản bảo đảm, thanh toán số tiền xử lý tài sản bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Về kỹ thuật, Chính phủ đã hoàn thiện, chỉnh sửa Điều 198b dự thảo luật theo hướng tách thành ba khoản để đảm bảo rõ ràng, cụ thể hơn.

Thống đốc cho rằng, các nội dung tại dự thảo luật cơ bản đã đầy đủ, rõ ràng, cụ thể, được tổng kết từ thực tiễn triển khai thí điểm Nghị quyết số 42/2017/QH14 từ ngày 15/8/2017 đến 31/12/2023, đồng thời sửa đổi, bổ sung để khắc phục các hạn chế, vướng mắc trong giai đoạn thí điểm. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu, Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì tiếp tục rà soát. Trường hợp cần thiết, cơ quan chủ trì sẽ ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mà không cần giao cụ thể tại dự thảo luật.

Về thời điểm có hiệu lực, Thống đốc cho biết, theo khoản 1 Điều 53 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025, trong trường hợp đặc biệt, văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn có thể có hiệu lực từ ngày thông qua hoặc ký ban hành. Tiếp thu ý kiến thẩm tra, dự thảo luật điều chỉnh quy định tại Điều 3 theo hướng luật này sẽ có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày thông qua, cụ thể là từ ngày 01/8/2025.

  • VietinBank tài trợ tín dụng dự án Cảng quốc tế Mỹ Thủy

    VietinBank tài trợ tín dụng dự án Cảng quốc tế Mỹ Thủy

    Ngày 21/6/2025, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (Việt Phương) ký thỏa thuận hợp tác toàn diện và hợp đồng tài trợ tín dụng dự án Cảng quốc tế Mỹ Thủy là một trong những công trình hạ tầng trọng điểm tại khu vực Bắc Trung Bộ.

  • Vietcombank: Gần 600 cán bộ, nhân viên Trụ sở chính hiến máu

    Vietcombank: Gần 600 cán bộ, nhân viên Trụ sở chính hiến máu

    Sáng ngày 02/7/2025, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tổ chức thành công chương trình hiến máu tình nguyện "Vietcombank: Trao giọt hồng - Trao yêu thương" tại Trụ sở chính, thu về 538 đơn vị máu quý giá.

  • TPBank triển khai gói vay ưu đãi cho dự án nhà ở xã hội

    TPBank triển khai gói vay ưu đãi cho dự án nhà ở xã hội

    Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa chính thức triển khai gói ưu đãi lãi suất hấp dẫn dành riêng cho chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

  • VDB đào tạo chuyên sâu nghiệp vụ thẩm định cho vay dự án

    VDB đào tạo chuyên sâu nghiệp vụ thẩm định cho vay dự án

    Sáng 30/6/2025, tại Hải Phòng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tổ chức khai giảng lớp tập huấn nghiệp vụ thẩm định cho vay dự án, diễn ra từ ngày 30/6 đến 3/7. Lớp học thu hút sự tham gia của 164 học viên trực tiếp và 674 học viên trực tuyến tại 112 điểm cầu trên toàn hệ thống.

  • SaiGonBank chung tay chăm lo sức khỏe và học tập cho trẻ em vùng cao Đắk Lắk

    SaiGonBank chung tay chăm lo sức khỏe và học tập cho trẻ em vùng cao Đắk Lắk

    Với tinh thần sẻ chia trách nhiệm xã hội và tiếp nối truyền thống nghĩa tình, ngày 28/6/2025, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaiGonBank) đã đồng hành cùng chương trình thiện nguyện “Khám bệnh, phát thuốc - Trao tặng nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập” tại xã Ea Kiết và xã Cư Suê, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk.

  • BIDV đồng hành nhà bán hàng TikTok phát triển kinh doanh số

    BIDV đồng hành nhà bán hàng TikTok phát triển kinh doanh số

    Ngày 25/6/2025, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã phối hợp với nền tảng thương mại điện tử TikTok tổ chức hai sự kiện chuyên biệt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hướng đến cộng đồng nhà bán hàng đang kinh doanh trên nền tảng này.

  • Hành trình gần một thập kỷ HDBank đồng hành Futsal Việt

    Hành trình gần một thập kỷ HDBank đồng hành Futsal Việt

    Tối 28/6/2025, tại Nhà thi đấu Câu lạc bộ Futsal Quận 8 (TP.HCM), Giải Futsal HDBank Vô địch Quốc gia 2025 đã chính thức khép lại sau hành trình dài gần 5 tháng tranh tài sôi động, đánh dấu năm thứ 9 liên tiếp Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) đồng hành cùng Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) trong vai trò Nhà tài trợ Kim cương.

  • Vietcombank dẫn đầu ngành ngân hàng về đổi mới sáng tạo và ESG

    Vietcombank dẫn đầu ngành ngân hàng về đổi mới sáng tạo và ESG

    Chiều 27/6/2025, tại Hà Nội, Báo Tài chính - Đầu tư phối hợp cùng Công ty cổ phần Nghiên cứu Kinh doanh Việt Nam (Viet Research) tổ chức diễn đàn Vietnam Summit 2025: Đổi mới sáng tạo - Kiến tạo tương lai bền vững. Trong khuôn khổ diễn đàn, Vietcombank vinh dự được bình chọn dẫn đầu ngành ngân hàng về đổi mới sáng tạo, kinh doanh hiệu quả và dẫn đầu ESG Việt Nam Xanh năm 2025.

  • VietABank vào Top 10 Ngân hàng ESG Việt Nam Xanh 2025

    VietABank vào Top 10 Ngân hàng ESG Việt Nam Xanh 2025

    Ngày 27/6/2025, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) vinh dự được xướng tên trong Top 10 Ngân hàng ESG Việt Nam Xanh 2025 (ESG10) tại Lễ công bố và vinh danh do Báo Đầu tư phối hợp cùng Viet Research tổ chức.

  • Sacombank 4 năm liền được vinh danh dẫn đầu lĩnh vực ngoại hối và thị trường vốn

    Sacombank 4 năm liền được vinh danh dẫn đầu lĩnh vực ngoại hối và thị trường vốn

    Sacombank tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu trong lĩnh vực ngân hàng khi lần thứ 4 liên tiếp được Tạp chí tài chính quốc tế The Asset bình chọn là “Ngân hàng có hoạt động ngoại hối và thị trường vốn tốt nhất Việt Nam 2025” (Best in Treasury and Working Capital SMEs Vietnam) trong khuôn khổ giải thưởng The Asset Triple A Award 2025.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay