Thực tế cho thấy, hoạt động thanh toán, chuyển tiền một chiều ra nước ngoài cho các cá nhân đang được thực hiện theo nguyên tắc tự do hóa giao dịch vãng lai nhằm tuân thủ các cam kết quốc tế với IMF. Trên cơ sở này, Pháp lệnh Ngoại hối (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013), Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 đã giao trách nhiệm cho tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ, chứng từ, phù hợp với các giao dịch thực tế để đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn (Thông tư 21/2014/TT-NHNN ngày 14/8/2014 về phạm vi, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối của TCTD; Thông tư 20/2022/TT-NHNN ngày 30/12/2022 hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân), theo đó quy định TCTD xây dựng và tự chịu trách nhiệm về nội dung quy định nội bộ, trong đó có quy định về giấy tờ, chứng từ liên quan đến giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài đối với người cư trú là công dân Việt Nam.
Tuy đã có khung khổ pháp lý, song, theo ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối, giao dịch chuyển tiền quốc tế là lĩnh vực hết sức phức tạp, vừa mang tính chất thông lệ quốc tế, vừa mang tính chất cụ thể của từng trường hợp giao dịch. Cách hiểu và cách đặt vấn đề của từng cá nhân, tổ chức và cơ quan bảo vệ pháp luật hiện cũng có sự khác biệt.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, quy định nội bộ về giấy tờ, chứng từ chuyển tiền của mỗi ngân hàng có sự khác nhau. Đã xảy ra một số trường hợp tổ chức và cá nhân sử dụng một bộ hồ sơ xuất trình tại các ngân hàng khác nhau, lập hợp đồng, hoá đơn giả để chuyển tiền trái phép…
Xuất phát từ thực tiễn trên, việc xây dựng và ban hành một bộ quy tắc và thực hành thống nhất về kiểm tra chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền quốc tế của khách hàng cá nhân sẽ rất cần thiết cho các tổ chức tín dụng tham khảo, rà soát lại quy định nội bộ để điều chỉnh phù hợp, tạo ra sự nhất quán thuận lợi cho tổ chức tín dụng khi thực hiện giao dịch với khách hàng và làm việc, giải trình với các cơ quan quản lý, thanh tra, kiểm toán…. Bên cạnh đó, cũng sẽ tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu giao dịch chuyển tiền một chiều ra nước ngoài.
Trên cơ sở đó, theo đề xuất của các ngân hàng hội viên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đề xuất xây dựng Bộ Quy tắc và thực hành thống nhất về chuyển tiền ra nước ngoài. Ngày 10/11/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn thống nhất chủ trương và giao Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với các bên liên quan để triển khai.
Bộ Quy tắc do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ban hành theo thể thức văn bản là Quyết định do Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ký trên cơ sở Nghị quyết của Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, sẽ là cơ sở để các ngân hàng thống nhất thực hiện như một thông lệ thị trường.
Sau hơn một năm nghiên cứu soạn thảo, tích cực tổng hợp góp ý của các ngân hàng hội viên và nhiều lần lấy ý kiến các vụ, cục NHNN, các bộ, ngành, cơ quan liên quan, dự thảo lần cuối Bộ Quy tắc đã được hoàn thiện và tiến tới ban hành trong thời gian sớm nhất.
Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Bộ Quy tắc không chỉ giúp tăng cường an toàn cho hệ thống ngân hàng, mà còn là công cụ quan trọng để bảo vệ cán bộ nhân viên tổ chức tín dụng trước những rủi ro pháp lý.
Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 70/2014/NĐ-CP quy định, người cư trú là công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho các mục đích sau:
Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài;
Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài;
Trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài;
Trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài;
Chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài;
Chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài;
Chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác.