Thứ năm, 14/11/2024
   

Hội thảo trực tuyến về xu hướng fintech trong kỷ nguyên đám mây

Ngày 30/11/2021, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Oracle tổ chức Hội thảo trực tuyến về xu hướng fintech trong kỷ nguyên đám mây với sự tham dự của lãnh đạo Câu lạc bộ Fintech và các tổ chức hội viên Hiệp hội Ngân hàng.

Ngày 30/11/2021, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Oracle tổ chức Hội thảo trực tuyến về xu hướng fintech trong kỷ nguyên đám mây với sự tham dự của lãnh đạo Câu lạc bộ Fintech và các tổ chức hội viên Hiệp hội Ngân hàng.

Hoi thao truc tuyen ve xu huong fintech 2

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có bài phát biểu khai mạc Hội thảo, đánh giá tầm quan trọng cũng như những thành công bước đầu trong việc ứng dụng các công nghệ số như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo, học máy,... và quyết tâm chuyển đổi số của các ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: “Nếu trước đây, nhiều ngân hàng cho rằng chuyển đổi số chỉ đơn thuần là thay đổi giao diện ứng dụng tương tác với khách hàng, chưa coi trọng đến các quy trình nội bộ, sử dụng khoa học phân tích dữ liệu và nâng cao năng lực cho nhân viên; thì nay các ngân hàng Việt Nam đã hiểu được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng mà điện toán đám mây đóng vai trò hết sức quan trọng vì vậy đã và đang khai thác công nghệ này cho hoạt động quản trị hệ thống, sáng tạo dịch vụ mới...”.

Trong kỷ nguyên “đám mây”, thay đổi là đối sách sống còn của các ngân hàng, song để thay đổi một cách toàn diện đồng bộ cần có hành lang pháp lý thật cụ thể cùng với việc thực hiện nghiêm ngặt các vòng bảo vệ an ninh mạng và lựa chọn nhà cung cấp tin cậy, giám sát chéo giữa các đối tác, tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn và quy định của các bên nhằm đảm bảo hiệu quả nhất cho việc bảo vệ dữ liệu trên đám mây, giúp các ngân hàng yên tâm chuyển đổi số.

Cùng với chính sách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của Chính phủ, thị trường Điện toán đám mây tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tài chính ngân hàng và được thể hiện tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11 tháng 5 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc Phê duyệt kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Sự phát triển của điện toán đám mây cho phép các ngân hàng tập trung nhiều hơn vào mô hình lấy khách hàng làm trung tâm, số hóa giao dịch và tài sản. Các giải pháp đám mây tạo ra mối quan hệ đa kênh với khách hàng trên tất cả dịch vụ và cho phép lưu trữ, sao lưu và phục hồi hệ dữ liệu khổng lồ được sản sinh mỗi giờ của hệ thống ngân hàng. Không chỉ lưu trữ dữ liệu, nhiều dịch vụ khác như cung cấp phần mềm, chuyển giao, cập nhật và khôi phục dữ liệu cũng rất dễ dàng. Ngoài ra với ưu điểm nổi bật là hiệu quả vượt trội về chi phí, công nghệ đám mây sẽ giúp các ngân hàng gia tăng thêm doanh thu.

Tuy nhiên, các ngân hàng còn lo ngại về rủi ro pháp lý, độ tin cậy và bảo mật nên còn dè dặt chưa triển khai đồng bộ và mạnh mẽ, trong khi đó các đơn vị Fintech đã mạnh dạn triển khai công nghệ này từng bước và ngày càng phát triển vì vậy đã giảm các chi phí và gia tăng các danh mục dịch vụ, trải nghiệm cho người dùng.

Với tham luận “Xu hướng Fintech tại tại thị trường Việt Nam”, ông Nguyễn Hòa Bình - Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Fintech Hiệp hội Ngân hàng, Chủ tịch Tập đoàn NextTech - tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu công nghệ tên tuổi như: mPoS, VIMO, Boxme, FastGo, Ngân Lượng,… đã khái quát thực trạng, cơ hội và thách thức của thị trường Fintech tại Việt Nam.

Đến nay, trên thị trường đang có khoảng hơn 120 startup fintech đang hoạt động, trong đó chiếm 50% có giấy phép và 50% hoạt động không phép. Có khoảng 40 startup hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, số còn lại phần lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thương mại. Một số sử dụng app vào mục đích cho vay nặng lãi. Mấy năm gần đây, thị trường Fintech được phát triển khá mạnh phục vụ thanh toán của nền kinh tế. Thông qua Cổng thanh toán tăng 47% về số lượng giao dịch và 82% về doanh số; qua Ví điện tử tăng 84% về số lượng giao dịch và 82% về doanh số; qua app thu hộ, chi hộ tăng 80% số lượng giao dịch và 78% về doanh số. Theo ông Nguyễn Hòa bình, ở một số nước, thanh toán qua Ví điện tử phát triển mạnh trong nhiều năm do dịch vụ mở ra đúng thời điểm, còn ở Việt Nam, trong tương lai không xa khi dịch vụ ngân hàng số phát triển nhanh, mạnh thì hình thức thanh toán qua Ví điện tử cũng sẽ hết vai trò lịch sử.

Về thanh toán qua thẻ ngân hàng, với số lượng khoảng trên 110 triệu thẻ hiện hành so với thị trường khoảng trên 92 triệu dân thì việc phát hành thẻ mới cũng đã trở nên bão hòa. Mặc dù bằng thẻ qua POS tăng 61,5%, trực tuyến tăng 22,8%, tại mPOS tăng 5,1%... nhưng các dịch vụ MobileBankinh, Internet Bankinh được các ngân hàng chú trọng đã giúp giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt. Điều đáng ngạc nhiên là dịch vụ thanh toán qua QRCod chỉ chiếm 3% trong tổng doanh số thanh toán, trong khi các ngân hàng đang rất chú trọng đầu tư, quảng bá cho dịch vụ này. Vấn đề đặt ra là còn vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng như hiệu quả truyền thông, quảng bá cho dịch vụ này chưa cao.

Ông Nguyễn Hòa Bình cũng chia sẻ một thách thức khi phát triển Ví điện tử. Ví điện tử đang phải vật lộn với đối thủ rất mạnh là thẻ ngân hàng và ứng dụng MobileBanking. Để phát triển Ví điện tử, cần phải kiên kết với tài khoản ngân hàng, và như vậy trung gian thanh toán phải tăng giá phí vốn thêm từ 0,5-06% trả phí cho ngân hàng liên kết, từ đó làm tăng phí Ví. Bên cạnh đó, Ví điện tử để phát triển được cần phải mở rộng các điểm chấp nhận thanh toán, cũng là yêu tố tăng chi phí. Nếu các ngân hàng đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghệ, giảm phí giao dịch chuyển tiền nhanh qua app, chắc chắn Ví điện tử sẽ không cạnh tranh được. Điều này cho thấy các startup fintech cần có sự thay đổi chiến lược phù hợp với xu hướng mới.

Lĩnh vực fintech luôn song hành cùng cơ sở dữ liệu khách hàng. Theo ông Nguyễn Hòa Bình, nếu thiếu cơ sở dữ liệu khách hàng cá nhân, tổ chức fintech sẽ không có nền tảng hoạt động. Mặc dù công nghệ tài chính và ngân hàng là hai lĩnh vực hoạt động khác nhau, nhưng nếu liên kết lại, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, chắc chắn thì trường fintech Việt Nam cũng vẫn còn nhiều cơ hội bùng nổ. Trong xu hướng chuyển đổi ngân hàng số, các ngân hàng mạnh dạn đầu tư vào các nền tảng công nghệ, đưa các ứng dụng dịch vụ tiện ích đến mọi đối tượng người dùng khác nhau, nâng cao trải nghiệm khách hàng trong hệ sinh thái ngân hàng số, các startups fintech cần phát triển sản phẩm liên kết ngân hàng. Mặt khác, tận dụng tối đa khoảng trống của thị trường như thương mại điện tử, công nghệ tài chính, dịch vụ hậu cần và giáo dục. Tuy nhiên, ngoài nỗ lực mang yếu tố nội sinh, lĩnh vực fintech cũng chứa dựng nhiều rủi ro tiềm ẩn, nhất là đối với các điểm chấp nhận thanh toán, app cho vay điện tử, vì vậy cần có hành lang pháp lý đầy đủ giúp cho việc chia sẻ dữ liệu thông tin khách hàng, quy trình xét duyệt cho vay và quản lý nợ chặt chẽ.

Theo McKinsey - Công ty tư vấn hàng đầu thế giới, 70% ngân hàng trên thế giới đang xem xét lại nền tảng ngân hàng lõi của họ, bắt đầu tận dụng tiềm năng của điện toán đám mây và các dịch vụ mà các công ty fintech cung cấp.

Diễn giả đến từ Oracle, ông Srikanth Gonuguntla - Giám đốc Giải pháp OCI, FSI, JAPAC đã cung cấp “nền tảng đám mây Oracle - nền thảng vẵng chắc cho FSI chuyển đổi kỹ thuật số”, qua đó tổ chức hội viên tham dự đã có thêm nhiều thông tin bổ ích, cũng như tìm hiểu thêm về dịch vụ đám mây của một trong các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây uy tín hiện nay.

Thông tin về Oracle

Với vốn điều lệ 1.400 USD vào năm 1977, Oracle đã trở thành một trong những tập đoàn công nghệ hùng mạnh nhất thế giới. Với doanh thu năm 2019 ước đạt 40 tỷ USD. Đưa nhà sáng lập Larry Ellison trở thành người giàu thứ 7 trên thế giới (Xếp trên CEO của Facebook 1 bậc). Hiện nay, Oracle sở hữu trên 136.000 nhân viên. 12.000 chuyên gia hỗ trợ khách hàng và dịch vụ, nói 29 ngôn ngữ và 19.000 chuyên viên tư vấn thực hiện. Mục tiêu các năm tiếp theo luôn là phủ sóng toàn cầu. Tập trung cho các lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo.

Thông tin về NextTect

NextTech là hệ sinh thái với 20 dịch vụ điện tử hóa hoạt động tại Việt Nam và 8 thị trường khác tại Đông Nam Á và Trung Quốc. Những lĩnh vực tập trung chủ yếu bao gồm: thương mại điện tử, công nghệ tài chính, dịch vụ hậu cần và giáo dục.NextTechsở hữu nhiều thương hiệu công nghệ tiên tiến nhất hiện nay như: FastGo, mPOS, VIMO.vn, Ngân Lượng, Boxme… Trong suốt 20 năm đầu tư và phát triển trong lĩnh vực công nghệ, NextTech xây dựng thêm các mục tiêu mở rộng đầu tư ở các lĩnh vực khác.Tổng sản lượng giao dịch điện tử hàng năm ước đạt 3 tỷ đô la, số lượng nhân viên lên đến 200 người tại 8 quốc gia trong khu vực.NextTech vinh dự được bầu chọn là 1 trong 10 công ty có ảnh hưởng đến sự phát triển Internet của Việt Nam.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay