Ngày 26/4/2022, Hiệp hội Ngân hàng phối hợp với Tổ chức Allotrope Partners tổ chức hội thảo trực tuyến khởi động dự án Greening the Banks - GTB (Xanh hóa ngân hàng) với mục tiêu hỗ trợ các tổ chức tín dụng thúc đẩy những giao dịch xanh, bền vững và đồng thời thiết lập nền tảng phát triển mạng lưới GTB trong khu vực.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng cùng hơn 50 các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.
Tổ chức Allotrope đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang một tương lai năng lượng bền vững bằng cách xác định, xúc tác và thúc đẩy các sáng kiến vàđầu tư năng lượng sạch có tác động chuyển đổi đối với nền kinh tế sạch.
Allotrope cũng dẫn đầu một sáng kiến hợp tác công-tư chủ chốt tập trung vào lĩnh vực tài chính ởĐông Nam Á. Greening the Banks nhằm mục đích tăng cường năng lực của các tổ chức tài chính Đông Nam Á để tích cực tham gia vào lĩnh vực tài chính xanh, với mục tiêu cuối cùng là mở rộng quy mô nhanh chóng các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo, đồng thời giảm dòng vốn sang nhiên liệu hóa thạch. Greening the Banks mở ra quy mô đầu tư xanh trong khu vực bằng cách tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại trong nước giữa các tổ chức tài chính, nhà phát triển dự án và cơ quan quản lý, đồng thời chủ động hợp tác với các sáng kiến toàn cầu, khu vực và địa phương. GTB cũng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật có mục tiêu và cam kết bền vững với các ngân hàng và cơ quan quản lý để mở khóa giao dịch với các nhà phát triển dự án và nhanh chóng mở rộng quy mô dự án xanh.
Tại hội thảo, diễn giả đến từ Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) đã trình bày tham luận “Tương lai của nền tài chính bền vững toàn cầu - Sáng kiến và hợp tác”; cung cấp cái nhìn tổng quan về các sáng kiến và xu hướng gần đây cho tài chính bền vững quốc tế.
Diễn giả đến từ Ngân hàng HSBC Việt Namvới tham luận về “Sản phẩm tài chính xanh tại Việt Nam - kinh nghiệm thực tiễn” trình bày cách HSBC tích hợp tiêu chí về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) vào chiến lược tại Việt Nam để đạt được những kỳ vọng của khách hàng và cơ quan quản lý.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng có bài tham luận với chủ đề “Ngân hàng xanh tại Việt Nam - Hiện trạng và xu hướng” đã cung cấp thông tin về các chính sách thúc đẩy tín dụng xanh của ngành Ngân hàng Việt nam trong thời gian qua; đồng thời đề cập tới lộ trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách tín dụng ưu đãi và cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh trong tương lai.
Trong phần thảo luận, trả lời câu hỏi của đại biểu tham dự hội thảo về những mốc phát triển gần đây của ngành ngân hàng trong việc tích hợp khung đánh rủi ro môi trường, xã hội và quản trị (ESG) khi thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng?Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ: “Như các quý vị đã biết, tuần lễ Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) với sự tham dự của 197 quốc gia và các bên liên quan cho thấy, mức độ quan tâm sâu sắc đối với những tác động to lớn của sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Khi COP26 kết thúc, thế giới được nhắc nhở về thực tế rõ ràng của biến đổi khí hậu. Sự hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp là vô cùng quan trọng để thực hiện chuyển đổi về Net Zero và giữ cho nhiệt độ toàn cầu nóng lên ở mức 1,5°C.
ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) được xem như là 3 yếu tốxác định tính bền vững và mức độ ảnh hưởng đến ngân hàng.Tính bền vững tác động to lớn đến ngành ngân hàng trên các khía cạnh như những cơ hội mang tính chiến lược, những kỳ vọng từ bên ngoài (nhà đầu tư, cổ đông, khách hàng), tiêu chuẩn ngành và quy tắc niêm yết, yêu cầu công bố thông tin và minh bạch, yêu cầu pháp lý và các rủi ro ESG. Chính những nhân tố này là động lực thúc đẩy sự chuyển đổi bền vững trong ngành ngân hàng.
Rủi ro ESG là một trong những chủ đề mang tính cấp bách nhất mà thế giới đang phải đối mặt ngày nay do sự tác động ngày càng mạnh mẽ của những rủi ro này đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư, người tiêu dùng, lực lượng lao động và các chính phủ. Việc nâng cao trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trước những rủi ro ESG ngày càng được chú trọng, thể hiện bằng sự phát triển và hoàn thiện các khung pháp lý, quy định và chính sách về quản trị rủi ro ESG.
Tại Việt Nam, tháng 9 năm 2021, việc Ngân hàng Nhà nước xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho thấy nỗ lực đáng kể của cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình hội nhập xu thế chuyển đổi ESG của các Ngân hàng Trung ương.
Trước đó, năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng thông qua việc cải thiện các chính sách, nguồn lực, quy trình và thủ tục cấp tín dụng để tăng cường sự phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường xã hội và quản lý tín dụng; Đặc biệt, yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tích hợp đưa các yếu tố về rùi ro môi trường và xã hội vào quy trình đánh giá, thẩm định rủi ro tín dụng.
Sau đó, lần lượt vào các năm 2018, 2019 và 2020, Ngân hàng nhà nước đã ban hành cuốn Sổ tay hướng dẫn các tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đối với 20 ngành kinh tế có rủi ro cao nhất đối với môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng
Những chính sách và quy định trên đây được xem như là những bước đi đầu tiên trong tiến trình tích hợp các tiêu chí ESG vào hoạt động ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, nhìn chung việc triển khai các tiêu chí ESG vào mô hình kinh doanh hiện có của các tổ chức tín dụng vẫn đang ở những bước khởi đầu. Các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá tác động môi trường và các rủi ro liên quan trong danh mục đầu tư và cho vay thông thường của họ. Sự mới mẻ của khái niệm rủi ro ESG là nhân tố đầu tiên khiến việc triển khai áp dụng các công tác quản trị, đánh giá rủi ro ESG tại các tổ chức tín dụng gặp nhiều vướng mắc. Nhân tố thứ hai đó là bởi vì các tổ chức tín dụng có truyền thống tạo ra các sản phẩm ngân hàng xanh hoặc bền vững bên cạnh các hoạt động kinh doanh thông thường, việc tách biệt các sản phẩm xanh và sản phẩm truyền thống để đánh giá rủi ro ESG là không dễ dàng.
Trả lời câu hỏi về những thách thức ngành ngân hàng có thể gặp trong quá trình triển khai chiến lược quản trị rủi ro ESG? Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho rằng “quá trình xây dựng và triển khai chiến lược quản trị rủi ro ESG, ngành ngân hàng cần phải giải quyết một số thách thức sau đây:
Thứ nhất, các rủi ro liên quan cần được lường trước một cách đầy đủ. Điều này có nghĩa là trước khi xác định các rủi ro trọng yếu, ngân hàng có thể chia nhỏ danh mục thành những lĩnh vực cụ thể để đánh giá và đo lường rủi ro. Việc đi sâu phân tích và đánh giá danh mục cần gắn với các hoạt động kinh doanh cốt lõi sẽ giúp tổ chức tập trung nguồn lực và thời gian vào các vấn đề trọng tâm có nguy cơ bị tác động tiêu cực lớn.
Thứ hai, đó là chiến lược ESG cần được chuyển đổi và tích hợp vào hệ sinh thái của ngân hàng. Chiến lược và các chính sách về ESG nên được lồng ghép vào quy trình hiện có thay vì phát triển một quy trình song song. Ví dụ như việc kết hợp các yếu tố ESG vào quy trình đánh giá tín dụng sẽ giúp cho ngân hàng lường trước các rủi ro ESG trước khi thực hiện các hoạt động cấp tín dụng.
Thứ ba, cần điều chỉnh sự quản lý các bên liên quan, thực hiện truyền thông và đào tạo những kiến thức về ESG trong tổ chức. Đào tạo kỹ năng đánh giá rủi ro ESG cho các nhân viên thẩm định trong hoạt động cấp tín dụng là một ví dụ minh họa cho cách tiếp cận tốt trong quản lý rủi ro ESG của các ngân hàng. Bên cạnh đó việc phân bổ các nguồn lực và phân công trách nhiệm đúng cũng sẽ đảm bảo rằng ngân hàng có đủ năng lực trong việc quản lý rủi ro ESG.
Một thách thức không nhỏ khác đó là việc thu thập, quản lý và sử dụng dữ liệu ESG để thiết lập mô hình đánh giá rủi ro. Việc thu thập dữ liệu là điều cần thiết để các ngân hàng xác định và đánh giá thành công rủi ro ESG và tích hợp ESG vào mô hình rủi ro.
Thứ năm, các cam kết ESG cần được đưa ra và công bố công khai. Mỗi ngân hàng tại một thời điểm nào đó có thể cần phải chỉ ra lý do tại sao và làm thế nào họ đã xử lý các rủi ro ESG của mình cũng như làm cách nào để khai thác các cơ hội ESG.
Thách thức cuối cùng là việc làm sao để tích hợp ESG vào các quy trình quản trị rủi ro hiện có của ngân hàng. Các chính sách và quy trình hiện có cần được điều chỉnh sao cho phù hợp với chiến lược quản trị rủi ro ESG. Ví dụ như quy trình cần được thiết lập để tìm ra mối liên hệ giữa các khía cạnh rủi ro vật chất về môi trường và xã hội, các tác động tài chính tiềm ẩn tương ứng đối với các loại rủi ro hiện có, khung thời gian ước tính của những tác động tài chính này”.
Giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng
Ngân hàng xanh tại Việt Nam - Hiện trạng và xu hướng
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Trước tiên, thay mặt Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tôi xin gửi lời cảm ơn Ban tổ chức đã mời tôi phát biểu tại hội thảo khởi động Dự án Xanh hóa ngành ngân hàng (Greening the Banks) ngày hôm nay.
Lời đầu tiên, cho phép tôi gửi đến Ban tổ chức và các quý vị đại biểu tham dự hội thảo lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và chúc cho Dự án Greening the Banks sẽ được triển khai thành công trong thời gian tới, góp phần hỗ trợ các Tổ chức tài chính của Việt Nam tăng cường năng lực để thúc đẩy tài chính xanh, đầu tư vào năng lượng tái tạo và dần chuyển dịch sang nền kinh tế các bon thấp.
Về chính sách thúc đẩy tín dụng xanh của ngành Ngân hàng trong thời gian qua,ngay từ năm 2015, Việt Nam đã cam kết thực hiện và thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc. Năm 2016, Việt Nam đã cùng hơn 170 quốc gia trên thế giưới ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, trên cơ sở đó đã xây dựng Chiến lược quốc gia, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định về tín dụng phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải các bon, hướng tới tăng trưởng xanh. Đó là:
- Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; đặt ra mục tiêu hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; đồng thời, cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo sự phát triển bền vững. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; Đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường, chủ động nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
- Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 6/8/2015 về Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 với 3 giải pháp: Tăng cường năng lực cho hệ thống ngân hàng trong thực hiện ngân hàng - tín dụng xanh; Đẩy mạnh triển khai các sản phẩm ngân hàng - tín dụng xanh, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về hoạt động ngân hàng - tín dụng xanh.
- Ngân hàng Nhà nước cũng đã xây dựng Chiến lược phát triển ngành ngân hàng gắn với nhiệm vụ phát triển tín dụng xanh - ngân hàng xanh và Ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam đến 2030 với mục tiêu: Thúc đẩy phát triển "tín dụng xanh", "ngân hàng xanh", hướng dòng vốn tín dụng cho các dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh; tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các bon.
- Lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường vào quy định hiện hành về hoạt động cho vay của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Khoản 1, Ðiều 4 - Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016; theo đó, quy định về nguyên tắc cho vay hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng phải phù hợp với các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Để hỗ trợ các ngân hàng thương mại tăng cường năng lực thực nhiệm vụ phát triển ngân hàng xanh, thúc đẩy tín dụng đối với lĩnh vực xanh, Hiệp hội Ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai hàng loạt giải pháp như: Tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, tăng cường năng lực cho các tổ chức tín dụng và các cá nhân tham gia xây dựng và triển khai cơ chế chính sách, chương trình, sản phẩm ngân hàng - tín dụng xanh; ban hành Sổ tay hướng dẫn các tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng đối với 20 ngành kinh tế có rủi ro môi trường - xã hội cao nhất.
Huy động nguồn lực từ tổ chức tài chính quốc tế và các nhà tài trợ song phương, đa phương để hỗ trợ nguồn vốn ổn định, giá rẻ cho tổ chức tín dụng triển khai cho vay các dự án, chương trình xanh. Cụ thể: Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về Quỹ quy hoạch đầu tư phát triển và xây dựng ngành năng lượng Đông Nam Á trị giá 200.000USD do ADB tài trợ; Sáng kiến về tài chính xanh và sáng tạo để phát triển cơ sở hạ tầng khu vực Đông Nam Á trị giá 500.000 USD do ADB tài trợ; Bên cạnh đó là các dự án hỗ trợ trực tiếp cho từng tổ chức tín dụng của các tổ chức hợp tác quốc tế như GIZ, JICA, IFC…
Triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên và phục vụ tăng trưởng xanh như: năng lượng tái tạo, ngành nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chính sách trồng rừng, bảo vệ môi trường…thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ tín dụng như: ưu tiên trong phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc,… Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng chú trọng lồng ghép các chính sách cho mục tiêu tăng trưởng xanh trong lĩnh vực thanh toán, phát triển dịch vụ ngân hàng và chiến lược quốc gia tài chính toàn diện.
Về hiệu quả của các chính sách,đã bước đầu hình thành khung pháp lý, hướng dẫn và định hướng hoạt động tài trợ vốn của hệ thống ngân hàng cho các dự án bảo vệ môi trường. Các tổ chức tín dụng đã thể hiện được sự quan tâm lớn tới trách nhiệm phát triển tín dụng xanh, xây dựng chính sách cấp tín dụng ưu đãi đối với khách hàng có phương án, dự án sản xuất kinh doanh đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh.
Kết quả cấp tín dụng đối với lĩnh vực xanh của ngành ngân hàng đến cuối năm 2021 tương đối khả quan. Theo số liệu tổng hợp đến quý IV năm 2021: Dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt 451.548,82 tỷ đồng (chiếm 4,32% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 35,56% so với năm 2020, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm hơn 32% tổng dư nợ tín dụng xanh), năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (46%). Dư nợ công trình xanh đạt 1.027 tỷ đồng. Dư nợ cho vay NLTT, năng lượng sạch (không tách riêng hai lĩnh vực này) đạt 221.070 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế cũng đã có những đánh giá tích cực đối với kết quả hoạt động ngân hàng Việt Nam góp phần thực hiện tăng trưởng xanh. Tại “Báo cáo toàn cầu về tiến bộ trong cải cách hướng tới tài chính bền vững 2019” của Mạng lưới ngân hàng bền vững (SBN), Việt Nam được đánh giá là một trong 38 thị trường đang phát triển có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy ngành tài chính ngân hàng hướng tới phát triển bền vững và được xếp vào nhóm các quốc gia trong giai đoạn triển khai Ma trận tiến bộ SBN.
Thời gian tới, NHNN tiếp tục thực thi đồng bộ các giải pháp thúc đẩy hoạt động của ngành ngân hàng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường với những kế hoạch cụ thể:
- Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh cho các TCTD, trong đó đưa ra các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, danh mục các ngành/lĩnh vực xanh để áp dụng chung, thống nhất, từ đó làm cơ sở để các TCTD lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.
- Xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sử dụng công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường, sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường.
- Tiếp tục huy động các nguồn lực để thực hiện chính sách tín dụng xanh tại Việt Nam, bao gồm nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ưu đãi dài hạn từ các tổ chức tài chính quốc tế, huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu xanh để tài trợ các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, tiết kiệm năng lượng.
Kính thưa quý vị đại biểu,
Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 diễn ra tại Glasgow, Scotland vào tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu và cam kết Việt Nam có thể đạt Net Zero (Phát thải ròng bằng ‘0’) vào năm 2050 bằng nguồn lực của mình và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Để thực hiện mục tiêu trên, vai trò của ngành ngân hàng vô cùng quan trọng trong việc tái định hướng dòng vốn thông qua tích hợp các tiêu chuẩn môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Thời gian tới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam hy vọng sẽ nhận được sự phối hợp, đồng hành của các Tổ chức quốc tế để hỗ trợ nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực của ngành ngân hàng đặc biệt trong hoạt động cấp tín dụng hướng tới mục tiêu Net Zero của Chính phủ một cách hiệu quả.
Cuối cùng, một lần nữa, thay mặt Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tôi xin gửi đến quý vị đại biểu, các diễn giả lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!