Thứ tư, 22/01/2025
   

Hoạt động nổi bật của các hội viên khu vực phía Nam tuần 5 tháng 10

Thông tin nổi bật từ các tổ chức hội viên khu vực phía Nam tuần 5 tháng 10 (từ 28/10/2024 đến ngày 01/11/2024) với các tin chính như: Nhiều ngân hàng đã trang bị công nghệ tiên tiến phục vụ khách hàng; Triển khai các chương trình ưu đãi hấp dẫn; Công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm...
Bản tin hội viên phía Nam Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Hoạt động của các TCHV khu vực phía Nam tuần từ 28/10/2024 đến ngày 01/11/2024
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)

- Thực hiện chỉ đạo của NHNN tại văn bản số 8444/NHNN-VP yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN và các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ ngành Ngân hàng được giao tại Chỉ thị 29, ACB mới đây tổ chức Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) và ACB, dưới sự chứng kiến của NHNN CN TP.HCM, Sở Công thương TP.HCM, nhằm tiên phong giúp doanh nghiệp đón cơ hội trong các tháng cuối năm. Theo đó, ACB đã giới thiệu gói tín dụng “Khơi thông vốn, đón cơ hội” dành cho các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Với mức lãi suất thấp kỷ lục (ngắn hạn từ 5,5%/năm, dài hạn từ 6,4%/năm), từ nay đến hết năm 2024, doanh nghiệp có thể nhanh chóng tiếp cận gói vay này. Đi kèm hình thức giải ngân online, chủ doanh nghiệp có thể giải ngân mọi lúc mọi nơi (24/7), không cần đến ngân hàng để ký chứng từ giấy. Sau khi ký số nhận nợ, KHDN có thể nhận tiền ngay trong vài phút.

Với sự hỗ trợ từ phía NHNN cũng như cầu nối doanh nghiệp HUBA, ACB tin rằng gói tín dụng chính là giải pháp hữu hiệu kịp thời, hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo đà tăng trưởng, đặc biệt tại thời điểm cuối năm.

- Áp dụng công nghệ tiên tiến bảo vệ tài khoản khách hàng, chiến lược bảo mật đa lớp giúp ACB phát hiện và cảnh báo rủi ro, đem lại sự an tâm khi sử dụng dịch vụ ngân hàng số ACB ONE. Quý 3/2024, ACB báo cáo đã theo dõi và đưa vào danh sách “đen” gần 10.000 tài khoản nghi ngờ ở các ngân hàng, nhằm tạm ngưng giao dịch đến các tài khoản này tránh thiệt hại cho khách hàng, số vụ việc lừa đảo giảm tới 50%.

Đối với lớp phòng vệ, ACB thực hiện rà soát thông tin khách hàng mới, chủ động loại bỏ các tài khoản không chính chủ qua các phương thức định danh eKYC và IDCheck đối chiếu với dữ liệu CCCD lưu tại Bộ Công an, đồng thời triển khai đăng ký xác thực khuôn mặt với thẻ CCCD gắn chip khi khách hàng mở tài khoản trực tuyến (eKYC), ngăn chặn hiệu quả việc giả mạo giấy tờ tùy thân khi giao dịch với ngân hàng.

Mặt khác, ACB cũng liên tục cập nhật thông tin về các tài khoản lừa đảo, giúp hệ thống nhận diện và cảnh báo ngay cho khách hàng nếu khách hàng chuẩn bị chuyển tiền đến một tài khoản nằm trong danh sách nghi ngờ. Điều này không chỉ bảo vệ khách hàng mà còn góp phần ngăn chặn hoạt động của các đối tượng lừa đảo. Tới nay, danh sách “đen” của ACB ghi nhận lên tới 10.000 tài khoản từ các ngân hàng, các giao dịch đến các tài khoản này cũng bị tạm ngưng tránh thiệt hại cho khách hàng ACB.

Ứng dụng Ngân hàng số ACB ONE cũng được trang bị các công nghệ tiên tiến nhất, có thể nhận diện và cảnh báo người dùng khi thiết bị di động có dấu hiệu bị tấn công từ các yếu tố bên ngoài như mã độc, gây mất kiểm soát thiết bị dẫn đến nguy cơ mất tiền trên tài khoản. Khi có dấu hiệu giao dịch nghi ngờ, ngân hàng sẽ chủ động thực hiện ngăn chặn chuyển tiền đi. Khách hàng cũng sẽ được thông báo nếu có các phần mềm độc hại, gián điệp hoặc các thiết bị không an toàn do bị can thiệp trái phép hay bị điều khiển từ xa từ thiết bị khác.

Theo quyết định 2345/QĐ-NHΝΝ, tháng 7 vừa qua ACB cũng đồng loạt triển khai combo xác thực khuôn mặt kết hợp ACB Safekey - phương thức xác thực giao dịch online với mã OTP ngay trên app, đảm bảo dữ liệu khớp chính xác với dữ liệu sinh trắc học được lưu trữ trong chip của thẻ CCCD do Cơ quan Công an cấp, đóng vai trò như một phòng tuyến quan trọng ngăn chặn lừa đảo, kể cả khi đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ Deepfake tinh vi. Tính tới thời điểm hiện tại, hơn 1,5 triệu tài khoản đã đăng ký xác thực khuôn mặt thành công, số vụ lừa đảo giảm tới 50%.

Vừa qua ACB cũng tham gia diễn tập thực chiến công - phòng thủ không gian mạng góp phần nâng cao khả năng ứng phó cho đội ngũ Công nghệ thông tin. ACB nhận định việc nâng cao năng lực nhân sự, kịp thời đối phó các sự cố tấn công mạng, giúp ngân hàng có thể chuyển từ biện pháp phòng vệ thụ động sang tích cực chủ động phát hiện và xử lý các nguy cơ mất an ninh, đảm bảo giảm thiểu rủi ro cho khách hàng.

Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank)

Từ ngày 01/11/2024, BVBank triển khai chương trình “Mở sổ đầu tiên, nhận thêm lãi suất” dành cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm trên ứng dụng ngân hàng số Digimi.

Cụ thể, các khách hàng mới mở tài khoản BVBank và gửi tiết kiệm online tại ứng dụng ngân hàng số Digimi sẽ được cộng thêm ngay 0,6%/năm lãi suất. Chương trình áp dụng cho các kỳ hạn gửi từ 1 đến 6 tháng và số tiền gửi từ 10.000.000 đồng trở lên. Như vậy, khi gửi tiết kiệm tại BVBank, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất tiền gửi hấp dẫn lên đến 5,8%/năm với kỳ hạn 6 tháng. Có thể nói, đây là mức lãi suất hấp dẫn và cạnh tranh trên thị trường hiện nay.

Khi gửi tiết kiệm online tại BVBank, khách hàng hoàn toàn chủ động tất toán, tái tục, kiểm tra thông tin, truy vấn số tài khoản… mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng ngân hàng số Digimi mà không cần di chuyển đến các điểm giao dịch. Khách hàng có thể linh hoạt lựa chọn phương thức đáo hạn như tự động tái đáo hạn hoặc tất toán về tài khoản thanh toán khi hết kỳ hạn. Bên cạnh đó, để đảm bảo sự an tâm cho khách hàng, ngay sau khi gửi tiết kiệm online thành công, BVBank sẽ gửi chứng thực xác nhận giao dịch gửi vào email khách hàng đã đăng ký. Khách hàng cũng có thể yêu cầu cấp giấy xác nhận sổ tiết kiệm trực tuyến tại bất kỳ điểm giao dịch nào của BVBank trên toàn quốc.

Đối với tiền gửi tiết kiệm, khách hàng có thể chọn các hình thức gửi tùy vào nhu cầu như: Tiết kiệm tối ưu - lãi suất cao hơn tiết kiệm thông thường; Tiết kiệm tích lũy - gửi góp các khoản nhỏ cho mục tiêu tương lai; Tiết kiệm lãi suất linh hoạt theo ngày…

9 tháng đầu năm, số lượng khách hàng mới của BVBank tăng trưởng gần 400.000 khách hàng, trên tổng số hơn 2,2 triệu khách hàng, trong đó hơn 78% khách hàng đến từ kênh ngân hàng số.

Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank)

- Ngày 26/10, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Kiên Long tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024. Với tỷ lệ đồng thuận cao, Đại hội đã thông qua nhiều nội dung quan trọng về thành viên HĐQT, thành viên BKS nhiệm kỳ 2023 - 2027; thông qua các nội dung điều chỉnh Quy chế tổ chức, hoạt động của HĐQT & BKS cũng như Quy chế quản trị nội bộ của KienlongBank.

Theo đó, ông Kim Minh Tuấn và ông Nguyễn Chí Hiếu được bầu là thành viên độc lập HĐQT KienlongBank nhiệm kỳ 2023 - 2027; bà Nguyễn Thị Khánh Phương và ông Đào Ngọc Hải được bầu là thành viên BKS nhiệm kỳ 2023 - 2027. Như vậy, sau ĐHĐCĐ bất thường 2024, HĐQT của KienlongBank bao gồm 9 thành viên, BKS bao gồm 5 thành viên. Việc kiện toàn đội ngũ nhân sự cấp cao trong HĐQT và BKS được đánh giá là bước đi cần thiết giúp KienlongBank củng cố năng lực quản trị cũng như chất lượng điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo tăng trưởng bền vững cũng như lợi ích tối đa cho khách hàng, cổ đông và đối tác.

Trước thềm Đại hội, KienlongBank đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất Quý 3/2024, ghi nhận đà tăng trưởng tích cực sau 9 tháng đầu năm.

- KienlongBank vừa chính thức phát hành thẻ ghi nợ phi vật lý bao gồm: thẻ ghi nợ nội địa UniCard và thẻ ghi nợ quốc tế KienlongBank JCB. Khác với thẻ cứng thông thường, giờ đây, khách hàng có thể chọn mở thẻ mới ngay trên app KienlongBank Plus, sử dụng thanh toán online, chuyển khoản, cũng như xem thông tin thẻ và yêu cầu cấp thẻ vật lý khi có nhu cầu.

Thẻ phi vật lý có độ tiện lợi, an toàn hơn rất nhiều so với thẻ vật lý thông thường. Không cần cầm theo thẻ cứng, khách hàng có thể dễ dàng thanh toán online với các thông tin thẻ được lưu trữ trên app KienlonBank Plus mà không còn lo bị mất thẻ.

- Để đáp ứng nhu cầu số hóa mạnh mẽ của Ngân hàng trong thời gian tới, KienlongBank chính thức triển khai chiến dịch tuyển dụng nhân sự quy mô lớn, chiêu mộ 100 nhân tài khối Công nghệ thông tin, bao gồm cả cán bộ nhân viên chính thức và cộng tác viên, tại khu vực Hà Nội và TP.HCM.

Gia nhập KienlongBank, ứng viên nhận được nhiều chính sách và đãi ngộ hấp dẫn với các chương trình đào tạo, làm việc bài bản, khoa học, dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ từ các chuyên gia.

- Ngày 19 và 20/10/2024 vừa qua tại Lào Cai và Yên Bái, Lễ khởi công xây dựng 15 căn nhà mới cho 15 hộ nông dân bị thiệt hại nặng do bão số 3 (Yagi) đã được diễn ra. 08 căn nhà xây mới cho nông dân tại xã Yên Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai và 07 căn nhà tại xã Cẩm Ân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái có tổng giá trị tài trợ là 900 triệu đồng, được trích từ nguồn kinh phí do cán bộ nhân viên, cộng tác viên Kienlong Bank đóng góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3. Dự kiến các công trình sẽ được thi công hoàn thành trước Tết Nguyên đán để bà con yên tâm đón Tết Ất Tỵ trong ngôi nhà mới khang trang.

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank)

Ngân hàng TMCP Nam Á vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024 với nhiều chỉ tiêu quan trọng đã “cán đích” kế hoạch năm.

Tính đến 30/9/2024, tổng tài sản của Nam A Bank đạt gần 240.000 tỷ đồng, tăng gần 16% so cùng kỳ, hoàn thành 103% kế hoạch năm 2024. Huy động vốn đạt gần 173.000 tỷ đồng, tăng hơn 5% so cùng kỳ, hoàn thành 97% kế hoạch năm. Dư nợ cho vay đạt gần 164.000 tỷ đồng, tăng gần 24% so cùng kỳ, đạt 102% kế hoạch năm. Những chỉ tiêu tăng trưởng này góp phần giúp lợi nhuận trước thuế Nam A Bank đạt hơn 3.300 tỷ đồng, tăng 63% so cùng kỳ, hoàn thành 83% kế hoạch năm.

Đáng chú ý, Nam A Bank duy trì mức lợi nhuận bình quân hơn 1.000 tỷ đồng/quý. Thu nhập lãi thuần trong Q3 tăng hơn 1.500 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 34% so cùng kỳ. Lợi nhuận này có thể kể đến đóng góp từ mảng ngân hàng số. Theo đó, Nam A Bank đã không ngừng nâng cấp hệ sinh thái Ngân hàng số bao gồm: ONEBANK, robot OPBA và Open Banking. Đặc biệt, kể từ khi được triển khai, ONEBANK đã tăng trưởng vượt bậc với tốc độ tăng trưởng giao dịch đạt hơn 40% mỗi quý. Tổng số vốn huy động từ ONEBANK chiếm gần 10.000 tỷ đồng, chiếm 6% tổng huy động.

Tính đến 30/9/2024, tỷ lệ ROE đạt mức 22,09%, ROA là 1,63%, cho thấy ngân hàng không chỉ tăng trưởng về quy mô mà còn đạt hiệu quả sinh lời cao. Tỷ lệ NIM lên mức 3,77% so với 3,6% hồi cuối Q2/2024. Ngân hàng dự kiến NIM từ nay cho tới hết năm 2024 sẽ duy trì trong khoảng 3,5-3,8%, với việc mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì thấp để hỗ trợ cá nhân và doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.

Tính đến 30/9/2024, chi phí hoạt động (CIR) đạt khoảng 40,46%, là mức tương đối tối ưu. Nam A Bank định hướng lương và phúc lợi nằm trong nhóm 7-10 ngân hàng tốt nhất Việt Nam để thu hút nhân tài cùng việc gia tăng mở rộng mạng lưới, đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ. Ngân hàng hiện có gần 250 điểm kinh doanh trên toàn quốc, trong đó có gần 150 điểm kinh doanh truyền thống (chi nhánh, PGD) và 101 điểm ONEBANK, dù chi phí hoạt động tăng nhưng CIR cải thiện dần theo các năm.

Tỷ lệ an toàn vốn CAR đạt trên 11,11% (quy định tối thiểu là 8%), tỷ lệ dư nợ cho vay trên huy động LDR đạt 75,72% (quy định tối đa là 85%), tỷ lệ dự trữ thanh khoản LCR 21,11% (quy định tối thiểu là 10%), tỷ lệ khả năng chi trả 30 ngày VND đạt 87,51% (quy định tối thiểu là 10%), tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn 17,56% (quy định tối đa là dưới 30%). Nam A Bank vẫn duy trì chiến lược thanh khoản ổn định và an toàn.

Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của Nam A Bank xoay quanh mức 2,85%. Ngân hàng định hướng giảm tỷ lệ này về mức 2% và có thể tăng thêm 300-500 tỷ đồng trích lập dự phòng để tăng tỷ lệ bao phủ nợ (LLCR) lên mức 55-60%.

9 tháng đầu năm 2024, Nam A Bank đạt nhiều dấu ấn quan trọng như: Hoàn thành dự án chuyển đổi báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế (IFRS), góp phần minh bạch, lành mạnh hóa thông tin báo cáo tài chính theo các chuẩn mực quốc tế; Được Moody’s nâng bậc xếp hạng tín nhiệm ở 2 hạng mục là chất lượng tài sản từ B3 lên B2 và hạng mục lợi nhuận cùng các chỉ số về khả năng sinh lời từ B2 lên B1, xếp hạng tổ chức phát hành với triển vọng “ổn định”; Hoàn thành bàn giao giao phẩm hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội ESMS với Pacific Risk Advisors LTD (PRA), chuẩn bị hoàn thiện các trụ cột để tiến tới Ngân hàng Xanh cấp độ 5; Kể từ đầu năm tới nay, là ngân hàng duy nhất có cổ phiếu niêm yết trên sàn HoSE…

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank)

- Theo Báo cáo tài chính mới công bố, trong Quý 3, lợi nhuận trước thuế của HDBank đạt 4.490 tỷ, tăng 43% so cùng kỳ và lũy kế 9 tháng đạt 12.655 tỷ đồng, tăng 47%, hoàn thành 80% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tỷ lệ ROE đạt 26,7%, ROA đạt 2,2%, trong nhóm dẫn đầu toàn ngành. Tỷ lệ nợ xấu chỉ 1,46%.

Mảng tài chính tiêu dùng tại HD SAISON tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với dư nợ tăng 15% so cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 906 tỷ đồng, tăng 126%, ROE 22,9%, là công ty tài chính tiêu dùng hiệu quả dẫn đầu ngành. Công ty hiện sở hữu gần 26.000 điểm giao dịch tài chính tại 63 tỉnh thành, phục vụ trên 13 triệu khách hàng.

Tại 30/9/2024, tổng tài sản hợp nhất đạt 629 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so cùng kỳ. Huy động vốn 559 nghìn tỷ, tăng 25%. Dư nợ tín dụng đạt 412 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so đầu năm.

HDBank hướng dòng vốn đến các lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, như nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tài trợ chuỗi, hộ kinh doanh, tiểu thương, tín dụng xanh... Tỷ lệ nợ xấu theo quy định của NHNN chỉ 1,46%; An toàn vốn (CAR) chuẩn Basel II lên đến 14,8%. Các chỉ tiêu an toàn hoạt động khác đều đạt mức tốt trong chiến lược phát triển bền vững tích hợp toàn diện các yếu tố ESG vào hoạt động.

Hoạt động kinh doanh số tiếp tục diễn ra sôi nổi và tích cực. Đến 30/9/2024, 95% giao dịch của khách hàng cá nhân được thực hiện trên các nền tảng số. Kênh số đóng góp tới 77% số lượng khách hàng mới. Số lượng giao dịch, số dư tiền gửi trên kênh số tăng trưởng theo cấp số nhân. Đồng thời công tác số hóa quy trình vận hành, phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng robot, AI vào phục vụ khách hàng được đẩy mạnh, giúp tối ưu hóa chi phí. Nhờ đó hệ số chi phí/thu nhập giảm xuống 34,3%, thấp hơn cùng kỳ.

Trong Q3, HDBank đã triển khai chia cổ tức năm 2023 với tổng tỷ lệ 30%, trong đó cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10% đã chi trả xong trong tháng 7. Ngân hàng đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%.

Song song công tác kinh doanh, HDBank chủ động thực thi trách nhiệm xã hội với các hoạt động tiếp sức khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh sau bão số 3 thông qua gói tín dụng ưu đãi 12.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng hỗ trợ người dân tái thiết sau thiên tai tại các tỉnh, thành phố phía Bắc. Mới đây, HDBank và các đơn vị thành viên cũng đóng góp 80 tỷ đồng cho chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước do Thủ tướng Chính phủ phát động.

- HDBank mới đây cho ra mắt Thẻ trả góp Muadee by HDBank. Khách hàng dễ dàng được cấp ngay hạn mức mua sắm lên đến 30 triệu đồng chỉ sau 5 phút đăng ký online, không cần chứng minh thu nhập, chỉ cần cung cấp thông tin Căn cước công dân và số điện thoại chính chủ. Khách hàng có thể sử dụng ngay để thanh toán online thông qua ứng dụng, số Thẻ trả góp Muadee mà không cần đến thẻ vật lý. Đặc biệt, với khoản chi từ 50 nghìn đồng, khách hàng đã được tận hưởng tất cả ưu điểm tuyệt vời nhất của chiếc Thẻ trả góp Muadee này như trả góp từ 3 đến 4 tháng, 0 đồng trả trước và không lãi suất.

Khi thanh toán bằng thẻ Muadee by HDBank cho mọi dịch vụ trên các ứng dụng xe công nghệ như Grab, Be và Vexere, khách hàng sẽ được giảm giá lớn: Grab giảm 90 nghìn đồng mỗi ngày (đến hết ngày 09/3/2025); Be giảm 50 nghìn đồng và Vexere giảm 50 nghìn đồng (đến hết ngày 19/12/2024). Không cần trả trước dù chỉ 1 đồng, mọi hóa đơn từ 50 nghìn đồng sẽ được tự động chuyển đổi trả góp trong 3 tháng hoặc hơn nữa.

Khi chọn thanh toán hoá đơn sinh hoạt hoặc các dịch vụ khác trên ứng dụng Ví VNPay bằng nguồn tiền thanh toán từ thẻ trả góp Muadee, khách hàng sẽ được giảm 100 nghìn đồng cho hoá đơn từ 800 nghìn đồng, trả trước 0 đồng và trả góp trong 3 tháng. Chương trình áp dụng cho khách hàng lần đầu liên kết và thanh toán bằng Thẻ trả góp Muadee trên Ví VNPay, đến hết ngày 10/12/2024.

Ngoài ra, Thẻ trả góp Muadee kết hợp cùng các thương hiệu bán lẻ công nghệ uy tín giúp khách hàng mua trước trả sau với đặc quyền không cần trả trước, được trả góp từ 3 đến 4 tháng, không lãi suất và thêm ưu đãi giảm giá khác.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)

OCB vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024 với tổng thu thuần đạt 6.851 tỷ, trong đó thu thuần từ lãi đạt 5.952 tỷ đồng, tăng 9,5% so cùng kỳ năm trước đến từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Đáng chú ý, OCB ghi nhận thu thuần từ dịch vụ tăng dần qua các quý, đặc biệt trong Q3 tăng 32,4% lên mức 199 tỷ đồng nhờ hoạt động chuyển đổi số mạnh mẽ. Đây là chiến lược luôn được đặc biệt ưu tiên nhằm tạo sự khác biệt trên thị trường. Cụ thể, chỉ sau 4 tháng ra mắt ứng dụng OCB OMNI thế hệ mới, tính đến 30/9/2024, số lượng giao dịch trên nền tảng này đã tăng 71% so với cùng kỳ, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 26% và tiền gửi có kỳ hạn tăng 37%. Kinh doanh thẻ cũng có tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh số giao dịch thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ quốc tế tăng 20% và thu thuần tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, số lượng phát hành thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ quốc tế của Q3/2024 tăng 34% so với Q2. Thu dịch vụ tư vấn và phí bảo hiểm cũng duy trì mức tăng trưởng tốt.

Thu thuần ngoài lãi của OCB ghi nhận giảm 39,5% trong 9 tháng. Trong đó thu thuần từ kinh doanh ngoại tệ tăng khá tích cực khi tình hình tỷ giá dần ổn định trở lại, đạt mức 289 tỷ, tuy nhiên thu thuần từ kinh doanh chứng khoán, cụ thể là trái phiếu Chính phủ, giảm do thị trường không thuận lợi.

Trong 9 tháng đầu năm, OCB ưu tiên bổ sung nguồn lực nhân sự, số lượng nhân viên tăng 11%, thu nhập trung bình tăng 10% so cùng kỳ, ở mức 28,5 triệu/tháng. OCB cũng đầu tư, mở rộng quy mô mạng lưới hoạt động trên toàn quốc khi khai trương mở mới 17 CN/ PGD, thực hiện di dời 20 đơn vị đến các vị trí, tuyến đường trung tâm, xây dựng không gian giao dịch theo chuẩn quốc tế, hiện đại, đẳng cấp, nâng tổng điểm giao dịch của OCB lên 176, tại 48 tỉnh thành kinh tế trọng điểm.

Tính đến 30/9/2024, lợi nhuận trước thuế đạt 2.553 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 265.502 tỷ đồng, tăng 10,6% so thời điểm cuối năm 2023. Huy động thị trường 1 đạt 176.287 tỷ đồng, hồi phục tích cực nhờ OCB cơ cấu lại cấu trúc huy động nhằm tối ưu hóa chi phí. Tiền gửi khách hàng duy trì kết quả khả quan ở mức 136.535 tỷ đồng, tăng 8,4% so cuối năm 2023.

Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng tín dụng thị trường 1 ở mức 10,4% trong 9 tháng đầu năm 2024, cao hơn trung bình ngành. Trong đó, dư nợ tín dụng tập trung, tăng mạnh tại hai phân khúc chiến lược khách hàng cá nhân (RB) và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), với mức tăng lần lượt 6,9% và 25,9%.

OCB cũng duy trì bảng cân đối tài sản lành mạnh với tỷ lệ nợ xấu tuân thủ quy định của NHNN, chủ động đưa ra phương án xử lý đối với khoản vay có vấn đề, đa dạng hóa danh mục tín dụng. Sau cơn bão Yagi, OCB xem xét đưa ra nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp, tùy mức độ thiệt hại của từng khách hàng. Chi phí dự phòng lũy kế 9 tháng đầu năm 2024 tăng 773 tỷ so cùng kỳ, nhằm tăng bộ đệm, đảm bảo hoạt động của ngân hàng trước thực trạng nợ xấu vẫn có xu hướng đi lên.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB)

Với hơn 4.000 phiên bản thẻ tín dụng được sáng tạo thành công chỉ trong 48 giờ sau khi triển khai, tính năng Cá nhân hóa thiết kế thẻ theo nhu cầu của Ngân hàng Quốc Tế với sự hỗ trợ bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Gen AI) từ Fiza x Zalo AI đã nhanh chóng tạo được tiếng vang lớn.

Con số này là minh chứng cho sức hút của công nghệ hiện đại, cho thấy xu hướng cá nhân hóa thẻ tín dụng đang thực sự “lên ngôi” và thu hút với đông đảo khách hàng trẻ, năng động.

Chia sẻ từ đại diện tổ chức thẻ quốc tế hàng đầu như Visa và từ các chuyên gia tài chính quốc tế giàu kinh nghiệm đã khẳng định các công nghệ hiện đại như AI là công cụ hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức tài chính. Tiên phong kết hợp Gen AI và nhu cầu riêng biệt để cung cấp tính năng Cá nhân hóa thiết kế thẻ theo nhu cầu, VIB đã bứt phá trong việc mang lại trải nghiệm mới mẻ, độc đáo cho người dùng, khẳng định vị thế Dẫn đầu xu thế thẻ và ghi đậm dấu ấn sáng tạo của một ngân hàng Việt trong việc nắm bắt, phát triển các công nghệ tài chính hiện đại hàng đầu thế giới.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)

Tuần qua, Ngân hàng TMCP Sài Gòn tiếp tục thông báo về việc chấm dứt hoạt động 02 PGD tại Hà Nội (từ ngày 31/10/2024) và 01 Phòng giao dịch tại Bình Dương (từ ngày 01/11/2024), cụ thể: Phòng giao dịch Thanh Nhàn - Chi nhánh Hai Bà Trưng; Phòng giao dịch Thanh Xuân - Chi nhánh Hà Nội; và Phòng giao dịch Thuận An - Chi nhánh Bình Dương.

Như vậy, tính từ tháng 6/2023 đến nay, SCB đã giải thể hoạt động 147 PGD tại các tỉnh thành, riêng tại TP.HCM là 74 PGD, tại các tỉnh thành khác là 73 PGD.

SCB khẳng định, việc chấm dứt hoạt động của các phòng giao dịch trên không ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng. Mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch khác của ngân hàng SCB.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank)

Ngân hàng Sài Gòn Công Thương vừa công bố Báo cáo tài chính Quý 3/2024.

Trong Q3, thu nhập lãi thuần tăng 18% so với cùng kỳ, đạt gần 243 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 13% còn gần 8 tỷ đồng. Lãi từ kinh doanh ngoại hối hơn 1 tỷ đồng, mặc dù con số này tăng đến 25% so cùng kỳ. Đáng chú ý, lãi từ hoạt động khác gấp gần 5 lần cùng kỳ, ghi nhận hơn 44 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng đến 71% lên gần 137 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ngân hàng trích đến 90 tỷ đồng để dự phòng rủi ro, gấp 6 lần cùng kỳ, do đó lợi nhuận trước thuế giảm 28%, chỉ còn gần 47 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, hầu hết hoạt động kinh doanh của SGB đều sụt giảm so cùng kỳ, dẫn đến lợi nhuận thuần giảm 5% còn 332 tỷ đồng. Chi phí dự phòng tăng 18% lên 119 tỷ đồng, do đó lãi trước thuế còn 213 tỷ đồng, giảm 14% so cùng kỳ, đạt gần 58% kế hoạch năm 2024 (368 tỷ đồng).

Tổng tài sản tính đến cuối Q3 đi ngang so với đầu năm, ở mức 31.766 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 50% (còn 1.892 tỷ đồng), tiền gửi tại các TCTD khác lại tăng 51% (5.883 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng nhẹ 2% (20.407 tỷ đồng). Trong khi đó, tiền gửi khách hàng xấp xỉ đầu năm, ở mức 23.441 tỷ đồng.

Tính đến 30/09/2024, tổng nợ xấu của SGB tăng 44% so đầu năm, lên gần 581 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng bằng lần. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ từ 2,03% đầu năm tăng lên 2,85%.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)

- Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín vừa công bố Báo cáo tài chính Quý 3/2024.

Trong Q3, Sacombank tăng mạnh 31% nguồn thu từ hoạt động cốt lõi so cùng kỳ, đạt hơn 6.365 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Lãi từ dịch vụ cũng tăng 5% lên 756 tỷ đồng. Trong khi đó, một số nguồn thu ngoài lãi sụt giảm so cùng kỳ như kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư, hoạt động khác. Chi phí hoạt động tăng 9% lên mức 3.287 tỷ đồng. Mặc dù vậy, tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng đến 36%, thu được 3.950 tỷ đồng. Trong Quý, Ngân hàng tăng cường bộ đệm dự phòng rủi ro tín dụng khi trích 1.199 tỷ đồng, tăng 45% so cùng kỳ, mặc dù vậy, Sacombank vẫn lãi trước thuế gần 2.752 tỷ đồng, tăng mạnh 32%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng lãi trước thuế 8.094 tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ, thực hiện 76% kế hoạch năm 2024 (10.600 tỷ đồng). Tổng tài sản tính đến cuối Q3 tăng 4% so đầu năm, lên mức 702.985 tỷ đồng, trong đó, tiền mặt tăng 18% (8.901 tỷ đồng), tiền gửi tại NHNN tăng 20% (15.840 tỷ đồng), tiền gửi tại TCTD khác tăng 20% (60.086 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng 9% (525.493 tỷ đồng).

Về phía nguồn vốn, tiền gửi của các TCTD khác giảm 20% (còn 27.673 tỷ đồng), tiền gửi khách hàng tăng 11% lên 566.724 tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá tăng 20% lên 34.706 tỷ đồng, chủ yếu do tăng trái phiếu phát hành cho TCTD kỳ hạn dưới 1 năm (3.500 tỷ đồng) và giấy tờ có giá kỳ hạn 1-5 năm (21.162 tỷ đồng).

Tổng nợ xấu tính đến 30/9/2024 của Ngân hàng tăng 18% so đầu năm, lên 12.999 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dự nợ vay tăng từ mức 2,28% đầu năm lên 2,47%.

- Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ trong công tác thúc đẩy chi trả An sinh xã hội (ASXH) không dùng tiền mặt, đồng thời tăng cường số hóa hoạt động ngân hàng, Sacombank chính thức triển khai tính năng liên kết/cập nhật tài khoản thanh toán (TKTT) của khách hàng nhận chi trả ASXH trên ứng dụng VNeID.

Theo đó, Sacombank hỗ trợ khách hàng việc liên kết/cập nhật TKTT trên VneID để khách hàng nhận các khoản trợ cấp ASXH, thanh toán dịch vụ công (lương hưu, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp người nghèo, người có công…) thông qua TKTT. Thời gian chi trả phụ thuộc tiến độ triển khai của các cơ quan chức năng có liên quan. Để nhận trợ cấp từ Chính phủ một cách nhanh chóng và thuận tiện, khách hàng có thể tải và mở tài khoản trực tuyến trên Sacombank Pay hoặc đến điểm giao dịch Sacombank gần nhất mở Gói tài khoản ASXH với nhiều ưu đãi hấp dẫn.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank)

Ngân hàng Việt Nam Thương Tín vừa công bố Báo cáo tài chính Q3/2024 với thu nhập lãi thuần 9 tháng đầu năm đạt 2.113 tỷ đồng, tăng 66% so cùng kỳ năm trước.

Hoạt động dịch vụ của Ngân hàng ghi nhận kết quả khả quan khi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt gần 110 tỷ đồng, tăng hơn 41% so cùng kỳ năm 2023. Nhờ nỗ lực chuyển đổi số và tiết giảm chi phí hiệu quả, chi phí hoạt động chỉ tăng nhẹ 6% lên 1.103 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro ở mức 364,5 tỷ đồng. Mới đây, Ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất vay từ 0,5% đến 1,2%/năm đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ, hỗ trợ giảm bớt gánh nặng tài chính, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế của Vietbank đạt 820,4 tỷ đồng, tăng mạnh 96% so cùng kỳ năm trước và đạt 78% kế hoạch năm. Tổng tài sản đạt 151.957 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng ở mức 90.811 tỷ đồng, tăng 13,6%. Đây là mức tăng trưởng cao hơn so với trung bình ngành. Tiền gửi của khách hàng tổ chức và dân cư tăng nhẹ lên mức 91.497 tỷ đồng.

Năm 2024, Vietbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.050 tỷ đồng, tăng 29% so với 2023. Tổng tài sản đạt 150.000 tỷ đồng; huy động vốn đạt 116.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay 95.000 tỷ đồng. Ngân hàng này đặt mục tiêu mở rộng thị phần, tăng trưởng quy mô tổng tài sản cả về chất và lượng, kiểm soát nợ xấu dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Vietbank cũng hướng tới mục tiêu năm 2025 đưa tổng tài sản lên mức 170.000 tỷ đồng, huy động vốn thị trường 1 đạt 135.000 tỷ đồng; tổng dư nợ 110.000 tỷ đồng; vốn điều lệ lên mức 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.600 tỷ đồng, nợ xấu được kiểm soát dưới 3% tổng dư nợ theo quy định.

Ngày 28/10/2024, Ngân hàng đã tổ chức lễ khai trương điểm giao dịch thứ 124 Phòng Giao dịch Vietbank Châu Đốc - Chi nhánh An Giang tại phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Hiện tại, Vietbank có 124 điểm giao dịch, bao gồm 26 chi nhánh và 98 phòng giao dịch. Đến cuối năm 2024, dự kiến con số này tăng lên 132 điểm giao dịch với 30 chi nhánh và 102 phòng giao dịch.

Từ nay đến hết năm 2024, Vietbank mang đến gói tín dụng “Tiếp vốn dễ dàng, kinh doanh tấn tới”. Đây là gói vay ưu đãi linh hoạt với lãi suất hấp dẫn chỉ từ 6,25% với nhiều lựa chọn kỳ hạn cố định (3 - 6 - 12 tháng), trao quyền chủ động cho doanh nghiệp quản lý vốn lưu động và đầu tư mở rộng quy mô. Với gói vay linh hoạt từ 500 triệu đồng, thủ tục đơn giản, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để đầu tư.

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam vừa công bố BCTC hợp nhất Quý 3/2024.

Trong Q3, Eximbank thu được 1.536 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 77% so cùng kỳ. Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng mạnh như lãi từ kinh doanh ngoại hối (gấp 3,6 lần), lãi từ hoạt động khác (gấp 2,8 lần). Ở chiều ngược lại, lãi từ dịch vụ giảm 11%, còn 103 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ hơn 40 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 142 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt gần 1.106 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ. Dù Ngân hàng dùng 202 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng (+19%), Eximbank vẫn lãi trước thuế gần 904 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Eximbank lãi trước thuế gần 2.378 tỷ đồng, tăng 39% so cùng kỳ năm trước, nhưng mới thực hiện 46% kế hoạch năm 2024 (5.180 tỷ đồng).

Tổng tài sản tính đến cuối Q3 đạt 223.683 tỷ đồng, tăng 11% so đầu năm. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cư dân đạt 167.603 tỷ đồng, tăng 7%. Dư nợ cho vay đạt 159.483 tỷ đồng, tăng 14%. Tiền gửi tại NHNN chỉ còn 2.546 tỷ đồng, giảm 37% so đầu năm. Tiền gửi tại TCTD khác cũng giảm 25% còn 32.300 tỷ đồng. Tiền vay NHNN tăng đột biến lên 1.533 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ có gần 20 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu tính đến 30/09/2024 là 4.318 tỷ đồng, tăng 16% so đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng từ 2,65% đầu năm lên mức 2,71%.

Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC (VPB FC/ FE Credit)

Vừa qua, Vietnam Report và Báo VietnamNet tổ chức lễ vinh danh các công ty thuộc Top 5 Công ty Uy tín ngành Tài chính năm 2024, cho nhóm danh mục Công ty Tài chính. FE Credit đã nhận Giải thưởng Top 5 và và đứng ở vị trí dẫn đầu trong danh mục này. Bảng xếp hạng Top 5 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report - công ty tiên phong trong lĩnh vực báo cáo đánh giá xếp hạng doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ tại Việt Nam. Từ năm 2012, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) để tính điểm uy tín của các doanh nghiệp trên truyền thông, bao gồm các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính.

Top 5 Công ty Uy tín ngành Tài chính năm 2024 cho nhóm Công ty Tài chính được xây dựng dựa trên ba tiêu chí chính: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding; Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện cập nhật đến tháng 8/2024.

Sau gần 14 năm hoạt động, FE Credit duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng với mạng lưới rộng khắp cả nước, bao gồm hơn 21.000 điểm bán hàng và đội ngũ hàng nghìn nhân viên kinh doanh. Đến nay, Công ty đã hỗ trợ hơn 14 triệu người dân giải quyết khó khăn tài chính, giúp giảm thiểu tình trạng tín dụng đen, thúc đẩy phát triển kinh tế tiêu dùng. Tương lai, FE Credit sẽ tiếp tục triển khai các chiến lược hiệu quả, nhằm giữ vững vị thế đầu tàu trên thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam và sẵn sàng bứt phá để chinh phục những mục tiêu mới.

Công ty CP Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service/ MoMo)

Ngày 29/10/2024, Ví điện tử MoMo định vị thương hiệu mới, từ ví điện tử trở thành “Trợ thủ tài chính với AI”. MoMo tập trung mang các dịch vụ tài chính đến nhóm khách hàng chưa được phục vụ - những người dùng ít có cơ hội tiếp cận với tài chính truyền thống - qua đó bình dân hóa tài chính và thúc đẩy chuyển đổi số.

Tầm nhìn mới của MoMo là ‏‏bình dân hoá các dịch vụ tài chính‏‏, thúc đẩy tài chính toàn diện‏‏ và giúp người Việt ‏‏quản lý tiền bạc linh hoạt‏‏, hiệu quả. MoMo cũng xác định ‏‏AI là trụ cột công nghệ. ‏‏Công nghệ AI ở MoMo sẽ tập trung vào các bài toán nhỏ có tính ứng dụng cao cho người dùng và doanh nghiệp. Song song đó, MoMo mong muốn trở thành‏ ‏“Trợ thủ chuyển đổi số cho merchant”‏‏ thông qua việc cung cấp các giải pháp thanh toán số và tài chính toàn diện trong làn sóng không tiền mặt, giúp người bán kết nối, giữ chân và bán hàng cho khách hàng hiệu quả.‏‏ ‏

Trong tương lai gần, mọi trải nghiệm trên MoMo sẽ được‏‏ cá nhân hóa tối đa‏‏ với sự ứng dụng của AI, cụ thể là mọi dịch vụ, khuyến mãi, nội dung hữu ích trên ứng dụng sẽ được hiển thị dựa trên nhu cầu khác nhau của từng người dùng.

Ra mắt vào tháng 11/2010 với dịch vụ ví điện tử, hiện, MoMo đã phục vụ hơn 30 triệu người dùng, với 50.000 đối tác, hơn 70 ngân hàng và tổ chức tài chính, cùng 300.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc.

Trong hành trình phát triển, MoMo đã xóa bỏ rào cản tiếp cận tài chính cho hàng triệu người dân, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, một trong những trụ cột của chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam. Số lượng giao dịch không dùng tiền mặt qua MoMo tăng mạnh trong suốt 10 năm qua.

Tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia - nơi MoMo triển khai giải pháp thanh toán số, giúp người dân dễ dàng thực hiện các giao dịch công trực tuyến như nộp thuế, lệ phí… MoMo hiện chiếm khoảng 40% tổng số lượng giao dịch và doanh thu trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đồng hành thúc đẩy chính phủ số.

MoMo cũng hợp tác với các ngân hàng, tổ chức tài chính để phát triển và cung cấp các sản phẩm tài chính như: Tiết kiệm, mở tài khoản ngân hàng, vay tín chấp, mua bảo hiểm, mua chứng chỉ quỹ không chỉ giúp người dùng quản lý tài chính cá nhân mà còn mở ra cơ hội tiếp cận tín dụng chính thống.

MoMo đã trở thành một phần trong hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế số, giúp hơn 300.000 điểm chấp nhận thanh toán áp dụng thanh toán số, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận công nghệ số, tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng và giảm 30-40% chi phí vận hành.

Công ty Cổ phần Zion (ZaloPay)

Zalopay và Ngân hàng CIMB Việt Nam vừa hợp tác ra mắt sản phẩm Trả góp ngay trên ứng dụng Zalopay với hạn mức lên đến 30 triệu đồng.

Sản phẩm cung cấp thêm cho người dùng hình thức thanh toán linh hoạt và dễ dàng, nhờ khả năng mở rộng cho các khoản thanh toán có giá trị thấp chỉ từ 500.000 đồng. Sản phẩm sở hữu mức lãi suất cạnh tranh và không yêu cầu trả trước, giúp khách hàng đáp ứng nhu cầu chi tiêu cấp thiết và giảm bớt áp lực tài chính. Người dùng có thể linh hoạt lựa chọn các gói trả góp khác nhau với kỳ hạn 3, 6, 9 hoặc tối đa 12 tháng, tùy theo kế hoạch và khả năng tài chính cá nhân.

Quá trình đăng ký hoàn toàn miễn phí và được thiết kế đơn giản. Để sử dụng, người dùng Zalopay chỉ cần truy cập ứng dụng, chọn mục “Trả góp”, hoàn thành hồ sơ đăng ký theo mẫu và chờ phê duyệt từ ngân hàng CIMB Việt Nam. Sau khi hồ sơ được phê duyệt, người dùng có thể lựa chọn hình thức Trả góp tại bước thanh toán khi sử dụng các dịch vụ, tiện ích trên ứng dụng, và có cơ hội tham gia thêm các chương trình ưu đãi trực tiếp khi thanh toán trả góp trên Zalopay.

Trước đó, hai sản phẩm Tài khoản trả sau và Gửi tiết kiệm do Zalopay và CIMB Việt Nam phối hợp triển khai cũng nhận được sự ủng hộ tích cực từ người dùng. Zalopay và CIMB Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ để mở rộng các giải pháp tài chính cá nhân trong tương lai.

VPĐD TP.HCM

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay