Tham dự tọa đàm, về phía Tổng Cục Thi hành án Dân sự có ông Nguyễn Quang Thái, Tổng Cục trưởng; ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng; Ông Đặng Văn Huy - Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 cùng các ông/bà lãnh đạo Cục trưởng, Phó Cục trưởng của 20 Chi cục THADS các địa phương.
Về phía Bộ Tài Nguyên và Môi trường có Ông Mai Văn Phấn, Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai.
Về phía Viện kiểm sát Nhân dân tối cao có Bà Tạ Thị Hồng Hoa – Phó Vụ trưởng Vụ 11.
Về phía Cục THADS Bộ Quốc Phòng, có ông Nguyễn Phi Hùng – Cục trưởng Cục THADS Bộ Quốc Phòng.
Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ông Phạm Thanh Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế.
Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có Ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; Ông Nguyễn Hồng Quân - Thành viên Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng; Ông Nguyễn Thành Long - Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng; Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng.
Tham dự Tọa đàm còn có sự hiện diện của đại diện Lãnh đạo, cán bộ của Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội; Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư Pháp; Thanh tra Bộ Tư pháp; Học viện Tư Pháp; Vụ Tín dụng các ngành kinh tế; Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước; Liên đoàn Luật sư Việt Nam; các Ngân hàng hội viên Hiệp hội Ngân hàng, CLB Pháp chế ngân hàng, CLB Xử lý nợ.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS bày tỏ cảm ơn về sự phối hợp của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cùng các ngân hàng, các cơ quan liên quan, tạo điều kiện trao đổi, thảo luận nhằm hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thi hành án dân sự gắn với quá trình thực hiện nhiệm vụ chung, gắn với xử lý nợ xấu liên quan đến tín dụng ngân hàng. Đồng thời tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc thực tiễn trong công tác thi hành án tín dụng ngân hàng.
Điểm qua tình tình công tác trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS cho biết, đối với các vụ việc liên quan tới tín dụng ngân hàng, dù số lượng vụ việc thì không nhiều trong tổng số các vụ việc chung, tuy nhiên chiếm giá trị khá lớn. Chính vì thế, Tổng cục THADS xác định đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, sẽ chú trọng nâng cao chất lượng. Ông Sơn cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế mà trong 2 năm gần đây, một số chỉ tiêu gần như chưa đạt được một cách đầy đủ, mới chỉ dừng lại ở mức cơ bản. Tuy nhiên trong năm 2024, dưới sự lãnh đạo của Bộ Tư pháp, trong những tháng đầu năm đã đạt kết quả khả quan cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Ông Sơn hy vọng rằng trong những tháng cuối năm 2024 và thời gian tiếp theo, sẽ có số liệu minh chứng rằng chúng ta đã quan tâm, sát sao hơn, thể hiện ở kết quả đạt được được, năm nay cao hơn năm trước.
Ông Sơn cũng mong các đại biểu đại diện các đơn vị tham gia tọa đàm tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến thực chất, thẳng thắn để Tổng cục THADS tiếp thu để hoàn thiện cơ chế chính sách nói chung, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án Dân sự, thậm chí rộng hơn nữa là hướng tới sẽ sửa Luật Thi hành án Dân sự gắn với những công việc chung, trong đó có thủ tục thi hành án liên quan tới lĩnh vực ngân hàng.
“Chúng ta cố gắng làm sao tiếp cận tốt, nhận thức thật đầy đủ để cùng nhau phối hợp xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc hướng tới kết quả tốt hơn. Cùng đóng góp, hoàn thiện thể chế tốt hơn, để mục tiêu thi hành án đạt được chỉ tiêu nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ Đảng, nhà nước giao và kỳ vọng các doanh nghiệp đặt ra”, ông Sơn bày tỏ.
Phát biểu tại tọa đàm, TS Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, đặc biệt là từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và hệ lụy của hậu đại dịch COVID-19 đã gây nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thu nhập của người dân khó khăn, nợ xấu ngành Ngân hàng có xu hướng tăng cao (theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên mức 4,56%. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC... thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,44%.)
Trong bối cảnh đó, hoạt động của các Cơ quan Thi hành án dân sự có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD). Mặc dù công tác phối hợp giữa Cơ quan thi hành án dân sự và các TCTD đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên việc thi hành án tín dụng ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến khả năng thi hành bản án bị hạn chế, hiệu quả thu hồi nợ của TCTD chưa đáp ứng yêu cầu bởi nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân nguyên nhân chủ yếu là quy định pháp luật thi hành án và pháp luật liên quan chưa đồng bộ, chưa thống nhất, chưa rõ ràng, cụ thể.
Vì vậy, xuất phát từ thực tiễn, Tổng cục Thi hành án - Bộ Tư pháp đã đề xuất trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 62/2015/NĐ-CP về quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong quá trình thi hành án các bản án nói chung cũng như các bản án về tín dụng nói riêng; đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho công tác thi hành án dân sự.
Nhằm chia sẻ thông tin và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi các bản án tín dụng ngân hàng cũng như lắng nghe ý kiến phản hồi từ các TCTD, được sự hỗ trợ của CLB Pháp chế, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã phối hợp với Tổng cục THADS – Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm “ Hoàn thiện cơ chế chính sách Thi hành án dân sự và giải quyết những tình huống vướng mắc thực tiễn trong công tác thi hành án tín dụng ngân hàng”.
TS Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam mong rằng tại cuộc tọa đàm, các đại biểu sẽ tham gia ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 62; các tình huống thực tiễn, phương án giải quyết, kinh nghiệm xử lý thi hành án tín dụng của Cơ quan thi hành án và các khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị của TCTD. Đồng thời qua các bài tham luận, các ý kiến phát biểu của các đại biểu tại Tọa đàm, sẽ tìm ra các giải pháp hữu hiệu, đồng thời kiến nghị với các cấp có thẩm quyền hỗ trợ tạo điều kiện cho các TCTD trong xử lý thu hồi nợ xấu.
Hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng hiệu quả thi hành án tín dụng ngân hàng
Báo cáo những vướng mắc khó khăn trong công tác thi hành án tín dụng ngân hàng, ông Nguyễn Thành Long - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho biết, mặc dù Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan đã tích cực, quyết liệt, thực hiện nhiều biện pháp giúp đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự các cấp, góp phần giúp các ngân hàng thu hồi sớm các khoản nợ tồn đọng, khai thông dòng vốn tín dụng, song thực tế tại các ngân hàng vẫn còn tồn tại nhiều vụ việc thi hành án bị trì hoãn trong thời gian dài, số lượng án tồn đọng còn nhiều, ảnh hưởng đến kết quả thu hồi nợ xấu của các ngân hàng.
Qua tổng hợp số liệu của 15 ngân hàng hội viên, đến nay có 399 vụ việc thi hành án có khó khăn, vướng mắc, trong đó tập trung vào các địa bàn lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An...
Trong 2 năm qua, Hiệp hội ngân hàng đã có nhiều văn bản kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét tháo gỡ. Theo đó, một số kiến nghị đã được Bộ Tư pháp và các Bộ ngành tiếp thu sửa đổi tại các văn bản Luật và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thời gian qua và tại các dự thảo văn bản đang được lấy ý kiến như dự thảo sửa đổi Nghị định 62/NĐ-CP... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập của pháp luật, nhất là pháp luật THA chưa được xem xét tháo gỡ, làm quá trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng kéo dài, nhiều vụ việc tồn đọng nhiều năm chưa được xử lý.
Theo ông Long, những vướng mắc, tồn tại gặp phải trong thực tiễn thi hành án đó là vướng mắc bất cập quy định pháp luật; trong thực tiễn thi hành tại các cơ quan thi hành án (chậm kê biên/xử lý TSBĐ; chậm bàn giao tài sản, chậm chuyển trả tiền xử lý tài sản cho TCTD cũng như chưa thống nhất trong việc xử lý TSBĐ kê biên có hiện trạng khác so với Giấy chứng nhận QSD đất và tài sản gắn liền với đất hoặc QSD đất nông nghiệp hết thời hạn sử dụng…); Vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền.
Góp ý cụ thể hơn, đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP), bà Nguyễn Thị Phương – Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế cho biết, tại Khoản 2 Điều 1 dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 5 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 của Nghị định số 33/2020/NĐ-CP quy định khi đương sự có yêu cầu, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến và ký tên vào văn bản thỏa thuận trong trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 của Điều này. Việc chứng kiến thỏa thuận phải được thực hiện tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự hoặc ngoài trụ sở đối với các trường hợp đương sự yêu cầu chứng kiến thỏa thuận tại nơi cư trú của người phải thi hành án, nơi có tài sản thi hành án. Văn bản thỏa thuận phải có chữ ký của người làm chứng hoặc đại diện chính quyền cấp xã hoặc tổ dân phố nơi chứng kiến thỏa thuận.
Theo bà Phương, việc yêu cầu văn bản thỏa thuận phải có chữ ký của người làm chứng hoặc đại diện chính quyền cấp xã hoặc tổ dân phố nơi chứng kiến thỏa thuận là không cần thiết trong nhiều trường hợp và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện việc hòa giải. Ví dụ trường hợp đương sự gặp vấn đề về sức khỏe (nhưng không ảnh 2 hưởng đến khả năng nhận thức, năng lực hành vi) thì việc thỏa thuận tại nơi cư trú của đương sự chỉ khác với thỏa thuận tại CQTHA là địa điểm thực hiện thỏa thuận, mà thỏa thuận tại CQTHA lại không cần người làm chứng hay địa diện chính quyền địa phương. Nội dung “tại nơi cư trú của người phải thi hành án, nơi có tài sản thi hành án” chỉ phù hợp với người phải THA là cá nhân, không phù hợp với tổ chức. Ngoài ra, đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định về việc thỏa thuận có thể tại nơi cư trú, trụ sở của người được THA để bảo đảm quyền công bằng cho các bên, cụ thể sửa thành: “… tại nơi đương sự cư trú, có trụ sở hoặc nơi có tài sản thi hành án.”
Một số khó khăn, vướng mắc khác tại Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) được các TCTD đề nghị hướng dẫn, quy định cụ thể. Đơn cử, về việc không xác định được tài sản thế chấp ở đâu Đề nghị ban soạn thảo bổ sung, sửa đổi tại Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐCP các quy định về cơ chế phối hợp hoặc cho phép CQTHA có thẩm quyền kê biên tài sản tại địa phương khác đối với một số tài sản đặc thù như Tàu, Ô tô, …khi các tài sản này di chuyển liên tục qua lại trên các địa bàn khác nhau.
Hay như về trình tự, thủ tục xác định giá trị tài sản trước khi tiến hành kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp để thi hành án Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) chưa có quy định hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện việc xác định giá trị tài sản, cụ thể như: Cách thức xác định giá trị tài sản? Việc xác định giá có cần phải ký hợp đồng với công ty thẩm định giá hay do CHV tự xác định? Việc xác định giá trị tài sản sẽ được dựa trên các yếu tố nào? Đề nghị hướng dẫn cụ thể tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung này.
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc nêu trên và nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự nói chung và THADS liên quan đến các TCTD nói riêng ông Long khẳng định cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Luật Thi hành án năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014, tuy nhiên đến nay từ những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn, ông Nguyễn Thành Long đề nghị Tổng Cục THA xem xét sớm đề xuất sửa đổi Luật THADS và Nghị định 62, đặc biệt là các quy định về thời gian thực hiện thủ tục cưỡng chế THA, thời hạn tối đa cơ quan THA phải giao tài 7 sản cho người mua trúng đấu giá, thủ tục đấu giá rút gọn, tạm ngưng THA, ủy thác xử lý TSBĐ, xử lý các tài sản đặc thù như cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp... Đối với các trường hợp một TSBĐ cho nhiều khoản vay hoặc một khoản vay được bảo đảm bằng nhiều tài sản thì Cơ quan THA phải xử lý tất cả tài sản thế chấp để thu hồi các khoản vay của khách hàng mà không yêu cầu Ngân hàng xác định lại tỷ lệ, phạm vi bảo đảm của tài sản thế chấp.
Đối với các trường hợp khiếu nại về thi hành án, cần quy định cụ thể những trường hợp nào người có thẩm quyền khiếu nại sẽ ra quyết định tạm ngừng thi hành án, tạm dừng việc thực hiện quyết định, hành vi về thi hành án, nhằm tránh việc người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình lợi dụng việc khiếu nại liên tục nhưng không có căn cứ để trì hoãn việc thi hành nghĩa vụ theo bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án.
Tại buổi tọa đàm, đại diện các ngân hàng VietinBank, Agribank, SaigonBank, TPBank... đã thẳng thắn phát biểu ý kiến từ thực tiễn của đơn vị, chỉ rõ những bất cập, khó khăn, đồng thời kiến nghị phía cơ quan thi hành án hỗ trợ, phối hợp xử lý.
Bà Tạ Thị Hồng Hoa - Phó Vụ trưởng Vụ 11 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, nhận định, án liên quan đến tín dụng ngân hàng là án lớn, luôn chiếm tỷ lệ cao, dù rất quyết tâm để thi hành, nhưng do tài sản thế chấp, bản án tuyên không rõ, dẫn đến khó thi hành, khó cưỡng chế… Ngoài ra cũng có một số lỗi cho chủ quan của cơ quan thi hành án như việc xác định bản án khó thi hành. Thực tế, quá trình kiểm sát đã phát hiện nhiều trường hợp vụ việc, bản án tuyên không rõ nhưng cơ quan THADS không có văn bản hỏi toà án hoặc có nhưng cách hỏi tòa không rõ ý dẫn đến toà án trả lời chung chung nên vẫn không thể thi hành án.
Ngược lại, có trường hợp, theo nội dung bản án tuyên vẫn rõ, có thể thi hành nhưng cơ quan THADS khi nghiên cứu đã hiểu không đúng nên cho rằng khó thi hành. Như vậy, về phía cơ quan thi hành án, là chủ thể trung tâm trong công tác thi hành án, cần phải chủ động phối hợp với Viện Kiểm sát, chủ động xin ý kiến của Ban chỉ đạo thi hành án và cơ quan THADS cấp trên để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trong trường hợp chưa đủ căn cứ xử lý thì kiên quyết yêu cầu các cơ quan liên quan làm rõ trước khi kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá để đảm bảo quyền lợi cho ngân hàng, nhà nước và các cá nhân khác.
Phát biểu bế mạc, ông Nguyễn Quang Thái, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thi hành án Dân sự đánh giá buổi tọa đàm thành công trên nhiều phương diện. Các ý kiến phát biểu đều thông tin cho nhau để hiểu nhau hơn, hướng đến các nội dung ách tắc, băn khoăn, chưa phối hợp tốt, có trách nhiệm phối hợp tốt hơn. Ông Thái cũng đề nghị nhóm thường trực của cơ quan thi hành án cần tổng hợp đầy đủ các ý kiến (cả văn bản và tại tọa đàm) để có cái nhìn tổng thể, tiếp thu hoàn thiện Dự thảo Nghị định và các pháp luật khác có liên quan.
M.H