Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký cùng đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị VNBA.
Về phía Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) có ông Eugene Goh - Phó Giám đốc cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (Phụ trách nền tảng toàn cầu, công nghệ tài chính và đổi mới).
Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Eugene Goh cho biết, trong tuần này, MAS đã gặp gỡ các ngân hàng trung ương trong khu vực, trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Buổi gặp gỡ diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 18 của Ủy ban Công tác ASEAN về tài chính toàn diện. MAS cũng đang tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác với NHNN trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) thông qua các dịch vụ tài chính cải tiến cho hoạt động kinh doanh xuyên biên giới.
MAS muốn gặp gỡ với VNBA để kết nối tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa ngân hàng Singapore và Việt Nam, nhất là cung cấp nguồn vốn tới các doanh nghiệp SMEs. Bên cạnh đó, xây dựng nền tảng trao đổi thông tin nhiều hơn giữa các tổ chức tài chính của Singapore và Việt Nam. Theo ông, hiện nay doanh nghiệp và ngân hàng lớn của Singapore chưa có nhiều thông tin về doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tại Việt Nam. Ngoài ra, ông cũng bày tỏ hy vọng khi các ngân hàng Việt Nam hoạt động bên Singapore sẽ được giúp đỡ, đây là một hoạt động song phương đôi bên cùng có lợi.
Thông qua buổi làm việc, đại diện MAS mong muốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp SMEs, giúp đỡ hoạt động kinh doanh xuyên biên giới, mở tài khoản, tài trợ thương mại giữa hai quốc gia và hiểu thêm về mối quan hệ, phương thức làm việc giữa Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngoài ra, MAS đề xuất cung cấp dữ liệu về các vấn đề như rủi ro tín dụng, phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ thương mại… Ông Eungene Goh đề nghị chia sẻ dữ liệu và làm việc thêm với VNBA về việc xây dựng nền tảng này trong thời gian tới.
Phát biểu tại cuộc họp, TS Nguyễn Quốc Hùng Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam hoan nghênh MAS đến thăm và làm việc với VNBA cũng như đánh giá cao ý tưởng, câu hỏi mà phía MAS đặt ra. Ông cho biết, hiện nay các doanh nghiệp SMEs của Singapore đầu tư vào Việt Nam không có văn phòng đại diện, điều này cũng dẫn tới việc khó khăn trong hỗ trợ doanh nghiệp và tiếp cận vốn khiến chi phí cao. Singapore là một đất nước phát triển, các doanh nghiệp của Việt Nam và thế giới quan tâm nghiên cứu thị trường, mở văn phòng đại diện tại Singapore. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng gặp phải vấn đề khó khăn trong tiếp cận vốn và chủ yếu vốn phải chuyển từ Việt Nam sang Singapore để đầu tư. Một số doanh nghiệp lớn, uy tín, vị thế ở Việt Nam cũng khá dè dặt với kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán tại Singapore vì gặp khó khăn. Chính vì vậy, việc hợp tác thanh toán song phương, thanh toán xuyên biên giới giữa Việt Nam và Singapore là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp quan tâm và mở rộng thị trường tại Singapore.
TS Nguyễn Quốc Hùng cũng hy vọng trong thời gian tới sẽ phối hợp với MAS để cùng hiểu rõ hơn các quy định giữa hai nước Việt Nam và Singapore, chia sẻ hành lang pháp lý, quy định kinh doanh để có hướng đi phù hợp. Ông Hùng cũng cho biết thêm, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Hiệp hội Fintech Singapore đã làm việc với nhau nhiều lần, cho thấy cả hai nước đều rất quan tâm tới các hoạt động động của nhau.
Mặt khác, đối với việc xây dựng nền tảng thông tin giữa doanh nghiệp hai nước thông qua Hiệp hội Ngân hàng là chưa đủ, đây là một nội dung quan trọng. Theo ông, nội dung này cần bàn thêm vì ngoài lĩnh vực ngân hàng còn cần có sự tham gia của Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội ngành nghề để xây dựng nền tảng thống nhất.
Đối với việc triển khai thanh toán xuyên biên giới, Việt Nam đã triển khai thanh toán QR Code với một số nước như Lào, Campuchia, Thái Lan... Đây là tiền đề quan trọng, doanh nghiệp có thể mua bán hàng hóa trao đổi thông thương giữa hai quốc gia. Đây cũng là điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn kinh doanh tại Singapore và ngược lại Singapore mở tại Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đã đặt vấn đề triển khai thanh toán song phương với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Dù chưa có Singapore nhưng trong thời gian tới, TS Nguyễn Quốc Hùng tin sẽ có sự hợp tác, thỏa thuận. Để làm được điều này cần có thỏa thuận Chính phủ giữa hai nước, xây dựng merchant để hoạt động thanh toán được đảm bảo. Ông cũng mong muốn việc triển khai thanh toán song phương tới Singapore vì người Việt Nam tới Singapore để học tập, làm việc là rất lớn.
Đối với sự phối hợp giữa Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là hết sức chặt chẽ, có sự chia sẻ và đồng cảm. Hiệp hội Ngân hàng không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên (TCHV), mà có trách nhiệm triển khai quy định của Ngân hàng Nhà nước tới hội viên và yêu cầu các TCHV thực hiện một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó cũng lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của TCHV để kiến nghị, đề xuất Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
Đại diện phía MAS bày tỏ lòng cảm ơn về những thông tin chia sẻ hữu ích của Hiệp hội ngân hàng dành cho phía Singapore. Ông hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều cuộc trao đổi làm việc nhiều hơn giữa VNBA và MAS, mong mối quan hệ giữa hai nước ngày càng chặt chẽ và sâu sắc hơn.
N.A