Thứ tư, 22/01/2025
   

Thu hồi nợ của TCTD chưa đáp ứng yêu cầu do thể chế, pháp luật thi hành án chưa hoàn thiện

TS Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, thi hành án tín dụng ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến khả năng thi hành bản án bị hạn chế, hiệu quả thu hồi nợ của tổ chức tín dụng (TCTD) chưa đáp ứng yêu cầu, trong đó nguyên nhân chủ yếu là quy định pháp luật thi hành án và pháp luật liên quan chưa đồng bộ, chưa thống nhất, chưa rõ ràng, cụ thể.
TS Nguyễn Quốc Hùng
TS Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Ngày 23/8, tại Quảng Ninh, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp Tổng Cục Thi hành án Dân sự (THADS), Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm “Hoàn thiện cơ chế chính sách thi hành án dân sự và giải quyết những tình huống vướng mắc thực tiễn trong công tác thi hành án tín dụng ngân hàng”.

Phát biểu tại tọa đàm, TS Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, đặc biệt là từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và hệ lụy của hậu đại dịch COVID-19 đã gây nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thu nhập của người dân khó khăn, nợ xấu ngành Ngân hàng có xu hướng tăng cao.

Dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước, TS Nguyễn Quốc Hùng cho biết, tính đến cuối tháng 6/2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên mức 4,56%. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC... thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,44%. Trong bối cảnh đó, hoạt động của các Cơ quan Thi hành án dân sự có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Thi hành án tín dụng ngân hàng
Quang cảnh buổi tọa đàm

TS Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, mặc dù công tác phối hợp giữa Cơ quan thi hành án dân sự và các TCTD đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên việc thi hành án tín dụng ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến khả năng thi hành bản án bị hạn chế, hiệu quả thu hồi nợ của TCTD chưa đáp ứng yêu cầu bởi nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân nguyên nhân chủ yếu là quy định pháp luật thi hành án và pháp luật liên quan chưa đồng bộ, chưa thống nhất, chưa rõ ràng, cụ thể.

"Xuất phát từ thực tiễn, Tổng cục Thi hành án - Bộ Tư pháp đã đề xuất trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 62/2015/NĐ-CP về quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong quá trình thi hành án các bản án nói chung cũng như các bản án về tín dụng nói riêng; đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho công tác thi hành án dân sự", theo TS Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.

TS Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm, nhằm chia sẻ thông tin và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi các bản án tín dụng ngân hàng cũng như lắng nghe ý kiến phản hồi từ các TCTD, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã phối hợp với Tổng cục THADS – Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm “ Hoàn thiện cơ chế chính sách Thi hành án dân sự và giải quyết những tình huống vướng mắc thực tiễn trong công tác thi hành án tín dụng ngân hàng”.

TS Nguyễn Quốc Hùng mong rằng tại tọa đàm, các đại biểu sẽ tham gia ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 62; các tình huống thực tiễn, phương án giải quyết, kinh nghiệm xử lý thi hành án tín dụng của Cơ quan thi hành án và các khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị của TCTD. Đồng thời qua các bài tham luận, các ý kiến phát biểu của các đại biểu tại Tọa đàm, sẽ tìm ra các giải pháp hữu hiệu, đồng thời kiến nghị với các cấp có thẩm quyền hỗ trợ tạo điều kiện cho các TCTD trong xử lý thu hồi nợ xấu.

M.H

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay