Thứ hai, 17/06/2024
   

Hiệp hội Ngân hàng họp góp ý dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 40/2011/TT-NHNN

Ngày 06/05/2024, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức cuộc họp góp ý dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 40/2011/TT-NHNN (Thông tư số 40) quy định về cấp giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài,… để giúp cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo. Đồng thời, giúp các hội viên của VNBA thực hiện đúng quy định khi Thông tư được ban hành.

Tham dự cuộc họp về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ông Đỗ Hoàng Anh - Quyền Vụ trưởng Vụ II, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; Bà Trần Thị Hoà - Phó Vụ trưởng Vụ II, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; Cùng đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế và một số cán bộ Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Thông tư số 40
TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Về phía Hiệp hội Ngân hàng có TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng; cùng đại diện các tổ chức tín dụng hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Ngoài ra, cuộc họp còn có sự tham dự của đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam; Nhóm Công tác Ngân hàng nước ngoài.

Phát biểu tại cuộc họp, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 40 là nội dung rất quan trọng cho nên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến bằng văn bản của các hội viên đối với dự thảo.

Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều nội dung góp ý còn cần cơ quan quản lý nhà nước cùng các tổ chức tín dụng cũng như Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam hiểu và chia sẻ thêm, với những giải pháp hỗ trợ tạo điều kiện hoạt động theo đúng quy định pháp luật. Vì vậy, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức cuộc họp này.

Thông qua cuộc họp nhằm đánh giá được thực trạng cùng những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ, từ đó Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ có bản tổng hợp kiến nghị đối với cơ quan soạn thảo dự thảo Thông tư.

TS. Nguyễn Quốc Hùng đề nghị các đại biểu tham gia phát biểu góp ý ngắn gọn xúc tích, đồng thời cần đánh giá thực trạng về hoạt động của Đại lý bảo hiểm cũng như sản phẩm liên kết với bảo hiểm, để từ đó đưa ra quy định phù hợp. Mặt khác, mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là NHNN lắng nghe ý kiến của các TCTD.

Ngoài ra, TS Nguyễn Quốc Hùng cũng đề nghị, đại diện các tổ chức tín dụng cần nêu ra những đề xuất góp ý, cũng như chỉ rõ các điểm cần bổ sung, sửa đổi để ban soạn thảo có cơ sở tiếp thu, chỉnh sửa. Đồng thời, cũng giúp dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 40 khi được ban hành sẽ phù hợp với thực tế hoạt động và quản lý được các hoạt động bảo hiểm liên kết với tổ chức tín dụng có hiệu quả và chất lượng tốt.

dự thảo Thông tư số 40
Ông Đỗ Hoàng Anh - Quyền Vụ trưởng Vụ II, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước

Chia sẻ tại cuộc họp, ông Đỗ Hoàng Anh - Quyền Vụ trưởng Vụ II, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, cảm ơn TS Nguyễn Quốc Hùng cùng VNBA đã tổ chức hội thảo để cho cơ quan soạn thảo có cơ hội lắng nghe và tiếp thu thêm ý kiến đa chiều để hoàn thiện.

Trong đó, quan điểm giữa Cơ quan quản lý Nhà nước và quan điểm của các tổ chức tín dụng thường chưa có sự thống nhất ngay mà cần phải có quá trình trao đổi, chia sẻ để tìm sự dung hòa giữa cả cơ quan quản lý và bên thực hiện (tổ chức tín dụng).

Đối với nội dung liên quan đến quy định về đại lý bảo hiểm của các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thời gian qua có các thông tin đa chiều về hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng thương mại còn có những vấn đề về hoạt động này.

Vì vậy, trong quá trình xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, có 2 điều khoản là “cấm về hoạt động gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm với các dịch vụ của ngân hàng” và “giao cho Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng”.

Theo đó, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã giao cho Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng. Vì vậy cơ quan soạn thảo đã đề xuất “hạn chế đối với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư”.

Do thực tế, thời gian qua, cơ quan soạn thảo đã nhận được phản ánh từ một số cơ quan hoặc qua quá trình thanh tra giám sát cho thấy hoạt này đã phát sinh nhiều vấn đề. Bởi đây là sản phẩm có tỷ lệ hủy hợp đồng ở năm đầu tiên tương đối cao. Đồng thời, cũng là sản phẩm dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng giữa sản phẩm huy động tiền gửi cùng hoạt động khác như đầu tư của ngân hàng… Đây là những vấn đề cơ quan soạn thảo cảm thấy lo ngại và cần có biện pháp quản lý đối với hoạt động này.

Ngoài ra, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư thì phần “đầu tư” thực tế không hẳn là sản phẩm bảo hiểm truyền thống. Đây là sản phẩm mang hơi hướng “sản phẩm đầu tư” và “sản phẩm bảo hiểm”.

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo nhận thấy nhận thức của khách hàng hiện nay đối với cơ quan bảo hiểm và sản phẩm bảo hiểm là chưa cao. Do đó, ngân hàng là một trong những kênh phân phối chính của các sản phẩm bảo hiểm.

Trên cơ sở đó, cơ quan soạn thảo cũng quan ngại về rủi ro liên quan đến an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Bởi sản phẩm bảo hiểm do ngân hàng cung cấp cho khách hàng, nhưng nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ hoặc cán bộ ngân hàng không đảm bảo đạo đức kinh doanh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, uy tín của ngân hàng và ảnh hưởng đến các sản phẩm chính của ngân hàng. Từ đó, cơ quan soạn thảo đã đưa ra sự hạn chế đối với các sản phẩm này.

Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cũng tiếp tục lắng nghe trong quá trình hoàn thiện dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 40. Đồng thời, cũng sẽ có đánh giá tác động dựa trên số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm của Bộ Tài chính nhưng hiện vẫn chưa có thông tin đầy đủ để đánh giá toàn diện về các sản phẩm bảo hiểm này.

Thời gian tới, cơ quan soạn thảo mong muốn VNBA tiếp tục có góp ý với Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm của Bộ Tài chính và cung cấp thêm thông tin đa chiều cho cơ quan quản lý để  nghiên cứu hoàn thiện dự thảo. Từ đó, cơ quan soạn thảo có thể trình lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước về dự thảo theo phương án tốt nhất vừa đảm bảo yêu cầu quản lý, đồng thời bảo đảm quyền lợi và không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Bà Chu Thị Quỳnh Hoa, Phó Trưởng Ban Pháp Luật và Nghiệp vụ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Bà Chu Thị Quỳnh Hoa, Phó Trưởng Ban Pháp Luật và Nghiệp vụ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Tại cuộc họp, bà Chu Thị Quỳnh Hoa, Phó Trưởng Ban Pháp Luật và Nghiệp vụ, VNBA trình bày những ý kiến góp ý tổng hợp của các tổ chức tín dụng trong thời gian qua về dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 40.   

Theo đó, về hoạt động đại lý bảo hiểm (Điều 16), trong dự thảo, Ngân hàng thương mại sẽ không được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Tuy nhiên, nội dung này là chưa phù hợp với các quy định về pháp luật kinh doanh bảo hiểm. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét vẫn cho phép các Ngân hàng Thương mại thực hiện hoạt động đại lý đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư trên cơ sở ban hành các quy trình nội bộ để triển khai tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và Khoản 5 Điều 15 Luật các tổ chức tín dụng 2024.

Bên cạnh đó, về Nguyên tắc cấp đổi Giấy phép và cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép (Điều 8). Tại Khoản 1 Điều 8 dự thảo đưa ra nguyên tắc cấp đổi Giấy phép theo hướng “Ngân hàng Nhà nước không thực hiện cấp đổi đối với các nội dung hoạt động mà ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được phép thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm cấp đổi”.

Trong đó, có rất nhiều hoạt động trước đây của các ngân hàng thương mại đã được cấp phép thực hiện/đã và đang thực hiện theo quy định pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, không được quy định tại Luật các tổ chức tín dụng 2024, chẳng hạn các hoạt động Đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Đại lý quản lý tài sản bảo đảm trái phiếu doanh nghiệp, Đại lý phân phối và thanh toán trái phiếu Chính phủ; Đại lý đối với bảo hiểm liên kết đầu tư, Mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ… theo Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về kinh doanh vàng…

Ngoài ra, hoạt động theo pháp luật về chứng khoán (Điều 15), dự thảo chưa có hướng dẫn về hoạt động đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước của ngân hàng thương mại. Mặt khác, việc ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp là phù hợp quy định của pháp luật. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung để phù hợp với quy định pháp luật.

Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 114 Luật các tổ chức tín dụng năm 2024, Ngân hàng được thực hiện nghiệp vụ mua trái phiếu doanh nghiệp. Khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng vẫn phải thực hiện đầy đủ công việc liên quan đến hoạt động này theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và quy định nội bộ của Ngân hàng, bao gồm cả công việc thẩm định, nhận, quản lý, xử lý tài sản bảo đảm. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định cho phép tổ chức tín dụng được thực hiện hoạt động đại lý quản lý tài sản.

Đặc biệt, các tổ chức tín dùng còn có ý các ý kiến góp ý như: về quy định chuyển tiếp (Điều 26); Thông báo thông tin về sửa đổi, bổ sung Giấy phép cho Cơ quan đăng ký kinh danh (Điều 7); Thủ tục đề nghị cấp đổi Giấy phép, cấp bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép (Điều 9); Hồ sơ đề nghị cấp đổi Giấy phép và bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép (Điều 11); Tên, trụ sở chính của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài (Điều 17); Vốn điều lệ, vốn được cấp (Điều 20);…

Tại toạ đàm, đại diện các ngân hàng Vietcombank, Agribank, Techcombank, TPBank, VPBank, Nhóm các ngân hàng nước ngoài, cùng Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam… cũng đã đề xuất thêm các ý kiến liên quan đến hoạt động đại lý liên kết bảo hiểm xuất phát từ các thông tin đa chiều trong thời gian gần đây qua thực tiễn đã xảy ra trong quá trình hoạt động tại mỗi ngân hàng. Nguyên nhân là rủi ro đạo đức của nhân viên và các quy định nội bộ của tổ chức tín dụng chưa quy định chặt chẽ.

Quang cảnh buổi họp góp ý dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 40
Quang cảnh buổi họp góp ý dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 40

Sau khi lắng nghe ý kiến từ các đại diện các tổ chức tín dụng hội viên, ông Đỗ Hoàng Anh và bà Trần Thị Hoà đã trực tiếp giải đáp cặn kẽ hơn. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến sẽ góp ý bằng văn bản cho ban soạn thảo tiếp thu để tổng hợp, phân tích, đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau nhằm hoàn thiện.

Kết luận cuộc họp, TS Nguyễn Quốc Hùng đã cảm ơn cơ quan soạn thảo đã rất cởi mở giải đáp về dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 40.

TS Nguyễn Quốc Hùng cũng đánh giá cao ý kiến tham góp ý của các tổ chức tín dụng, đồng thời nhấn mạnh ý kiến góp ý của Hiệp hội ngân hàng trên cơ sở đa số ý kiến của các hội viên. Vì vậy, Hiệp hội Ngân hàng sẽ tiếp tục làm đầu mối tổng hợp, tổ chức thêm các cuộc họp để đưa các ý kiến của tổ chức tín dụng đến với cơ quan quản lý.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký bày tỏ mong muốn Hiệp hội Ngân hàng được tham gia và đồng hành cùng Ban soạn thảo để hoàn thiện Thông tư một cách hiệu quả, sát với thực tiễn nhất.

T.Đ
Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay