Thứ ba, 21/01/2025
   

Đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi “tín dụng đen”

Ngày 18/7/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo với chủ đề: Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi “tín dụng đen”. Hội thảo do Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn chủ trì, với sự tham dự của gần 100 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Hiệp hội Ngân hàng, các ngân hàng thương mại, công ty tài chính tiêu dùng…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn đánh giá, tín dụng tiêu dùng luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh việc đáp ứng những nhu cầu chính đáng của người dân, tín dụng tiêu dùng còn kích cầu sức mua, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội.

Đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi “tín dụng đen”
Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo

Thống kê cho thấy, quy mô của thị trường tín dụng tiêu dùng toàn cầu đã tăng trưởng mạnh, đạt khoảng 11 nghìn tỷ đô la năm 2023 và tiếp tục duy trì xu hướng tăng, dự kiến đạt 15 nghìn tỷ đô la trong 5 năm tới. Xu hướng tăng trưởng tín dụng tiêu dùng được ghi nhận ở cả các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Châu Âu… và các nền kinh tế mới nổi như Thái Lan, Malaysia…

Cùng chung xu hướng đó, hoạt động tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam những năm qua đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô dư nợ, số lượng TCTD tham gia và mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ. Đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu tín dụng của hệ thống các TCTD. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế. Để có được kết quả này là sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, triển khai quyết liệt của ngành Ngân hàng và sự phối hợp tích cực từ các bộ ngành, địa phương.

Dù vậy, theo Phó Thống đốc, cũng cần phải nhìn nhận thẳng thắn để thấy rằng hoạt động tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế và gặp nhiều thách thức. Từ năm 2020 đến nay, thị trường tài chính tiêu dùng đối mặt với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và sự suy giảm tổng cầu. Gần đây, xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng môi trường mạng xã hội, tổ chức nhiều hội nhóm truyền bá, hướng dẫn nhau cách không phải trả nợ cho công ty TCTD; các công ty mạo danh, lừa đảo… đã làm ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng tiêu dùng của các TCTD nói riêng và sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường tín dụng tiêu dùng nói chung. Tín dụng tiêu dùng đã trải qua một năm 2023 đầy thử thách khi dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ tăng khoảng gần 11% so với năm trước - mức tăng khiêm tốn so với tỷ lệ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2010-2020. Dư nợ trong các tháng đầu năm 2024 tiếp tục suy giảm so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng, tập trung vào nhóm công ty tài chính tiêu dùng, ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động kinh doanh của nhóm này.

TS. Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng phát biểu tại Hội thảo
TS. Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng phát biểu tại Hội thảo

Để khai thác được tiềm năng của thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam và giải quyết những tồn tại, thách thức, tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp và các kiến nghị. Đó là tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống của các TCTD, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện để TCTD đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, bám sát với nhu cầu thị trường, đồng thời có thể phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ứng dụng công nghệ cao.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Đồng thời, tăng cường sự phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp hiểu đúng về các kênh cung cấp tín dụng chính thức cũng như thấy được các hệ lụy, hậu quả của “tín dụng đen”. Bản thân các TCTD cần rà soát, đổi mới phương thức cung cấp thông tin, cách thức tiếp cận khách hàng vay để người dân hiểu đúng, đầy đủ về các sản phẩm, dịch vụ…

Ông Lê Hồng Phúc - Phó Tổng giám đốc Agribank trình bày tại Hội thảo
Ông Lê Hồng Phúc - Phó Tổng giám đốc Agribank trình bày tại Hội thảo

Ông Lê Hồng Phúc - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đề xuất, cần sớm cho phép và hướng dẫn các TCTD trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử; gắn mã số định danh công dân với tất cả tài khoản cá nhân để phục vụ công tác quản lý và xác thực thông tin khách hàng khi ngân hàng cung ứng sản phẩm tín dụng và thanh toán.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay