Thời gian qua, tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình gia nhập thị trường của nhiều mặt hàng nông sản, đòi hỏi cần có giải pháp mang tính dài hơi từ cơ quan chức năng cũng như sự thay đổi từ chính người nông dân.
Cùng với xây dựng chuỗi liên kết giữa các hợp tác xã (HTX), HTX với doanh nghiệp, chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đang được các nhà quản lý tỉnh Bình Phước xem là xu thế tất yếu và hoàn toàn phù hợp để nâng cao giá trị nông sản, tạo đầu ra ổn định khi quá trình hội nhập diễn ra sâu rộng như hiện nay.
Kỳ vọng ở kênh bán hàng điện tử
Chuyên canh bưởi da xanh, năm 2021 do ảnh hưởng dịch Covid-19, phần lớn sản phẩm của HTX bưởi da xanh Đa Kia, huyện Bù Gia Mập khó khăn về đầu ra. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của Hội Nông dân huyện, hơn 40 tấn bưởi da xanh của HTX đã được hỗ trợ tiêu thụ với mức giá từ 18-22 ngàn đồng/kg. Vụ mùa năm nay, 24 thành viên của HTX tiếp tục đầu tư, canh tác tuân thủ quy trình VietGAP theo định hướng của ngành chức năng. Trong bối cảnh giá nông sản vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, HTX rất trông chờ vào những kênh bán hàng mới để tìm đầu ra ổn định cho trái bưởi.
Ông Hoàng Biên, Phó giám đốc HTX bưởi da xanh Đa Kia cho hay: HTX ở vùng sâu, vùng xa nên chưa biết nhiều về bán hàng qua mạng. Vừa rồi, đoàn công tác của Hội Nông dân huyện đã đến tìm hiểu và hỗ trợ thành viên tiêu thụ sản phẩm. Bây giờ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều lên giá, làm ra sản phẩm mà bán không được sẽ rất khó khăn. Bà con trồng bưởi làm theo đúng quy trình VietGAP nên chỉ mong có đầu ra và nhiều kênh bán hàng ổn định.
HTX nông lâm nghiệp Phương Nghĩa ở xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập hiện đa canh các loại cây ăn trái, với diện tích khoảng 150 ha. Biết thông tin về sàn giao dịch thương mại điện tử đang được Hội Nông dân phối hợp Bưu điện tỉnh triển khai, các thành viên HTX kỳ vọng rất lớn vào kênh bán hàng này. Ông Nguyễn Đình Hiệp, Giám đốc HTX chia sẻ: Do dịch Covid-19, cùng với sự hỗ trợ tiêu thụ nông sản của Hội Nông dân huyện, HTX đã triển khai bán hàng qua mạng xã hội. Tuy chưa phải là sàn thương mại điện tử nhưng bán hàng qua kênh này cũng khá tốt. Bây giờ được tạo điều kiện tham gia sàn thương mại điện tử chuyên ngành thì chắc chắn nông dân sẽ hưởng lợi rất nhiều.
Đồng hành với nông dân
Nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh Bình Phước vừa ký kết, triển khai kế hoạch phối hợp hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa năm 2022. Trong đó có việc giới thiệu, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, hướng đến mục tiêu trong năm 2022 có ít nhất 220 lượt hội viên có kỹ năng giới thiệu sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Đến nay, đã có các nhà cung cấp nông sản được hỗ trợ đăng tải, rao bán hàng trên sàn Postmart.vn như: Hạt điều Như Hoàng, Mật ong Sông Bé; mít, tiêu Cô Hai, Cà phê Công, Hạt điều Vàng, Công ty Tuệ An, Hạt điều Bà Tư.
Ông Phạm Kim Trọng, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Để tương tác trên sàn thương mại điện tử và hướng đến đầu ra ổn định thì người nông dân cần sản xuất tuân thủ, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ, sản phẩm phải dán tem truy xuất nguồn gốc... Ngay từ bây giờ, nông dân cần thay đổi phương thức sản xuất, ghi chép đầy đủ thông tin về quá trình chăm sóc, bón phân, xịt thuốc, sản phẩm làm ra đảm bảo yêu cầu sạch, an toàn thì mới tham gia sàn thương mại điện tử được.
Quy trình canh tác được định hướng theo hướng sạch, an toàn, xây dựng chuỗi liên kết, đây là điều kiện hết sức thuận lợi và cũng là yêu cầu bắt buộc khi triển khai thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp, tạo điều kiện để nông dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng thì người nông dân phải thay đổi từ nhận thức đến cách làm nông nghiệp hữu cơ. Có như vậy thì chuyển đổi số mới phục vụ hiệu quả việc định dạng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm. Từ đó giúp nông dân tìm đầu ra ổn định, giảm dần sự phụ thuộc vào những thị trường truyền thống như hiện nay.