Ngày 12/7/2021, Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) tổ chức cuộc họp trực tuyến với các TCTD về việc triển khai Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Cuộc họp có sự tham dự của đại diện lãnh đạo 16 ngân hàng thương mại là tổ chức hội viên của VNBA, Ủy ban Chính sách, Câu lạc bộ Pháp chế thuộc VNBA, đại diện lãnh đạo Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA chủ trì cuộc họp.
Trước tình hình dịch Covid-19 đang có diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 “Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022”. Cùng với việc tập trung cao độ phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Tham dự cuộc họp, đại diện các tổ chức hội viên là các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đã tỏ rõ quyết tâm cùng chia sẻ những khó khăn của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cùng nhau tìm giải pháp hỗ trợ vốn duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Ngân hàng đã và đang tích cực tìm giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19
Kể từ cuối năm 2019, khi dịch Covid-19 xuất hiện, các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại với trách nhiệm xã hội của mình đã nhanh chóng vào cuộc, chung tay hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp và người dân trên nhiều phương diện. Giống như các “mạnh thường quân” thực thụ, đã có hàng trăm tỷ đồng được trích từ lợi nhuận của các ngân hàng đóng góp vào công tác an sinh xã hội ủng hộ các địa phương, các cơ sở bệnh viện tuyến đầu chống dịch, ủng hộ 1.400 tỷ đồng vào Quỹ Vac-xin phòng dịch Covid-19 của Chính phủ.
Các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đã có nhiều chính sách, giải pháp cụ thể như: đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển từ giao dịch trực tiếp sang giao dịch trực tuyến, miễn, giảm phí giao dịch; tăng cường các gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp… giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, bao gồm cả vốn tín dụng ngắn, trung và dài hạn; cơ cấu lại các khoản nợ vay để duy trì, nhanh chóng phục hồi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, bằng các chương trình ưu đãi thiết thực, nhiều ngân hàng thương mại đã triển khai các gói tín dụng với quy mô hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ đồng lãi suất ưu đãi dành cho các đối tượng vay vốn.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) dành 20.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân khu vực đô thị vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi từ 6,5%/năm đến 7%/năm; dành 30.000 tỷ đồng để đồng hành và phát triển cùng doanh nghiệp SMEs, lãi suất cho vay ngắn hạn giảm tới 4,5%/năm hoặc thấp hơn để bổ sung vốn lưu động phục vụ phương án sản xuất kinh doanh, lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 6,5%/năm; dành 15.000 tỷ đồng và 300 triệu USD vốn ưu đãi tài trợ khách hàng xuất nhập khẩu, lãi suất thấp nhất từ 1,7%/năm đối với khoản vay USD và 3,5%/năm đối với khoản vay VND. Từ ngày 16/6/2021, Agribank nâng gấp đôi quy mô gói tín dụng ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lên 200.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã mở rộng quy mô gói vay “Kết nối - Vươn xa” lên 135.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 5%/năm đối với khoản vay có kỳ hạn dưới 06 tháng hoặc chỉ từ 5,5%/năm đối với khoản vay có kỳ hạn từ 06 đến 12 tháng.
Tính đến hiện tại, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã hỗ trợ được 27.450 khách hàng doanh nghiệp và 332.720 khách hàng cá nhân với tổng doanh số cho vay mới là 1.682 ngàn tỷ đồng. Tổng số tiền lãi giảm trong năm 2020 là 3.260 tỷ đồng và trong đầu năm 2021 là 1.400 tỷ đồng. Trong năm 2020 và đầu năm 2021, Vietcombank đã liên tục triển khai 06 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, bị ảnh hưởng bởi lũ lụt miền Trung và chương trình tri ân hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn. Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp tại tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, Vietcombank quyết định giảm đồng loạt lãi suất tiền vay và phí đối với khách hàng tại địa bàn trong thời gian 3 tháng từ 01/6/2021 đến hết 31/8/2021. Theo đó, giảm lãi suất cho vay tới 1,0%/năm đối với VND và tới 0,5%/năm đối với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của doanh nghiệp và người dân tại địa bàn; giảm phí lên đến 50% đối với khách hàng doanh nghiệp và miễn các loại phí cơ bản (gói tài khoản, phí rút tiền…) đối với khách hàng cá nhân.
Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) ngoài việc tung gói 700 tỷ đồng tài trợ ngành Máy móc thiết bị nông nghiệp, lãi suất chỉ từ 5,2%/năm, thì từ nay đến hết ngày 31/5/2022, tiếp tục triển khai Chương trình ưu đãi lớn chưa từng có dành cho khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Theo đó, khách hàng sẽ được hưởng các ưu đãi lớn về tỷ giá, phí Tài trợ thương mại và Thanh toán quốc tế và miễn nhiều loại phí khi mở tài khoản thanh toán và sử dụng dịch vụ VietinBank eFAST.
Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) dành 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay ưu đãi với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng.
Nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, khắc phục khó khăn do Covid-19, Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) tiếp tục đẩy mạnh các gói vay không tài sản đảm bảo (vay tín chấp) với hạn mức tín dụng lên đến 3 tỷ đồng cùng lãi suất giảm tới 2%/năm.
Gói tín dụng hỗ trợ lãi suất của Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) nhằm giúp các doanh nghiệp Dược - Y tế có thêm nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh năm 2021 và cũng là Gói tín dụng MSB triển khai nhằm thực hiện chủ trương giảm lãi suất, khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.Doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ bảo lãnh dự thầu với tỷ lệ ký quỹ tối thiểu 0%; miễn 100% các loại phí Quản lý tài khoản, Internet Banking/M-Banking, Thuế điện tử, Hải quan điện tử; giảm tới 80% các loại phí chuyển tiền; giảm tới 50% phí tài trợ thương mại.Đồng hành cùng doanh nghiệp trước những khó khăn trong quá trình giao thương quốc tế do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19 gây ra, MSB triển khai chương trình ưu đãi - giảm 10% phí chuyển tiền quốc tế, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí, kịp thời nắm bắt cơ hội kinh doanh mới.
Các ngân hàng nhỏ như Sài Gòn Công thương (SaiGonBank) cũng tung “Gói tín dụng 900 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,5%/năm”, giảm 2% so với mức lãi suất cho vay tương ứng áp dụng hiện hành của SaiGonBank; được kéo dài đến hết ngày 31/8/2021.
Ngân hàng Bắc Á (BacABank) triển khai Gói tín dụng 3.000 tỷ đồng, ưu đãi lãi suất vay chỉ từ 6,8%/năm dành cho khách hàng có khế ước nhận nợ dưới 6 tháng và chỉ từ 7,3%/năm dành cho khế ước nhận nợ 6 tháng.
Hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã triển khai chương trình xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ. Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) triển khai chương trình “PGBank đồng hành cùng cán bộ, nhân viên Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ” với lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 5,5%/năm.
Ngân hàng Sài Gòn (SCB) chính thức triển khai Gói sản phẩm S-Digital , khách hàng sử dụng Gói sản phẩm S-Digital sẽ được hưởng hạn mức giao dịch online cao; được hoàn phí thường niên trọn đời; được miễn nhiều loại phí như phí phát hành thẻ, phí dịch vụ eBanking… cùng ưu đãi đến 50% cho các khóa học Digital Marketing và nhiều đối tác thuộc lĩnh vực khác.
Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank), MSB và Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã cam kết tài trợ cho Vietnam Airlines vay với tổng số tiền là 4 ngàn tỉ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.
Mặc dù chưa thống kê hết, nhưng các ví dụ nêu trên đã cho thấy bức tranh toàn cảnh sự vào cuộc, chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của các ngân hàng, tổ chức tín dụng là vô cùng lớn; thể hiện rõ vai trò “huyết mạch” và trách nhiệm xã hội của ngân hàng trước khó khăn chung của nền kinh tế.
Đồng thuận giải pháp hỗ trợ
Trao đổi xung quanh vấn đề làm thế nào để tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp; khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nhiều ý kiến đã thẳng thắn nhìn nhận:
Trước hết, cần xem xét đối tượng vay vốn cụ thể để việc hỗ trợ vốn vay, lãi suất đúng địa chỉ, đúng khách hàng đang có khó khăn thực sự. Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến khách hàng này nhưng mang lại cơ hội cho khách hàng khác, không thể cào bằng việc hỗ trợ; cần có tiêu chí đánh giá khách hàng, đảm bảo ưu tiên các đối tượng sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, các doanh nghiệp có đơn hàng lớn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp là rất cần thiết, không thể chần chừ, nhưng cần tính toán thực lực nguồn vốn, chính sách tín dụng của từng ngân hàng để triển khai giải pháp cụ thể, trên tinh thần tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Việc hỗ trợ thực hiện được triển khai từ nay đến hết năm 2021.
Tại buổi họp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA đồng tình với sự đồng thuận, quyết tâm cao của các tổ chức hội viên, chia sẻ: hoạt động kinh doanh của ngân hàng là đi vay để cho vay, theo luật định, đồng vốn vay dân, ngân hàng không thể cho vay ra toàn bộ; đã cho vay ra rồi còn phải tính chuyện trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận hằng năm được tích tụ từ nhiều năm trước mới có đủ để đầu tư đổi mới công nghệ, vì thế ngân hàng cũng khó khăn không kém gì doanh nghiệp. Song không vì thế mà ngân hàng đứng ngoài cuộc khi doanh nghiệp gặp khó khăn. Trong thời Covid-19 cũng vậy, ngân hàng cũng phải thắt lưng, buộc bụng để đồng hành cùng doanh nghiệp tồn tại, phát triển. Vì thế, việc phân loại đối tượng hỗ trợ chính xác là việc làm cần thiết, vừa cho vay đúng đối tượng, vừa đảm bảo an toàn hệ thống.
Tổng Thư ký VNBA cũng đề xuất cơ quan tham mưu chính sách, Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng đồng bộ hóa các văn bản hướng dẫn hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, hoạt động thanh toán, các hướng dẫn về giao dịch bảo đảm, sử dụng dữ liệu điện tử cá nhân, xem xét việc nới lỏng room tín dụng để các ngân hàng, tổ chức tín dụng có kế hoạch ngay từ đầu năm, hạn chế thấp nhất việc xin điều chỉnh hạn mức. Bởi đây cũng chính là điều kiện tiên quyết giúp các ngân hàng tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý để triển khai tốt các hoạt động hỗ trợ, đẩy mạnh tín dụng phục vụ nền kinh tế.
Đồng thời, Tổng Thư ký VNBA cũng đề nghị các tổ chức hội viên bên cạnh việc chăm lo đẩy mạnh kinh doanh an toàn, hiệu quả cần làm tốt công tác truyền thông, làm tốt công tác phản biện chính sách qua việc tham gia tích cực vào đóng góp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.