Phát biểu tại hội thảo “Đẩy mạnh phát triển Mobile Money tại Việt Nam” do Báo Lao động tổ chức ngày 11/5, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến cuối tháng Ba, tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money là hơn 1,1 triệu khách hàng.
Trong số đó, lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là gần 660.000 khách hàng (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ).
Cũng theo ông Dũng, tính đến cuối tháng 3/2022, hơn 3.000điểm kinh doanhđược thiết lập, trong đó số lượng điểm kinh doanh thuộc vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là khoảng gần 900 điểm, chiếm khoảng 30% tổng số điểm kinh doanh được thiết lập.
Tổng số đơn vị chấp nhận thanh toán được thiết lập là hơn 12.800 đơn vị, trong đó chủ yếu là các đơn vị chấp nhận thanh toán cung ứng dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giáo dục; tổng lượng giao dịch bằng dịch vụ Mobile Money đã đạt hơn 8,5 triệu giao dịch với tổng giá trị hơn 370 tỷ đồng.
Cũng theo ông Dũng, dịch vụ Mobile Money được triển khai đã tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân và xã hội.
Theo Ngân hàng Nhà nước, mặc dù những tháng đầu triển khai dịch vụ Mobile Money, tình hình dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp và kéo dài, song số lượng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ vẫn khả quan, nhất là tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Điều này cho thấ, Mobile Money đã đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, nhất là nhóm người dân chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị để Mobile Money phát triển mạnh, thời gian tới, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm cũng cần tiếp tục triển khai các hình thức, biện pháp tuyên truyền, thuyết phục các điểm kinh doanh kết hợp với khích lệ kinh tế giai đoạn đầu triển khai dịch vụ cho thấy những lợi ích phi tài chính như tăng lượng khách hàng đến điểm kinh doanh, có thêm nguồn thu từ phí hoa hồng khi có tập khách hàng quen thuộc.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền Thông, Bộ Công an theo dõi, bám sát, đánh giá tình hình triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money đồng thời hướng dẫn, giải đáp vướng mắc hoặc vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dịch vụ Mobile Money của doanh nghiệp thí điểm.