
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Tham dự cuộc họp còn có ông Trần Phương - Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách, Phó Tổng Giám đốc BIDV, cùng các thành viên Ủy ban chính sách.
Tại cuộc họp, ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách cho biết, trong năm qua, Ủy ban chính sách đã tích cực tư vấn cho Hội đồng Hiệp hội, cũng như hỗ trợ Cơ quan Thường trực Hiệp hội trong việc giải quyết những vấn đề cấp thiết, sát sườn, có tính chất chuyên sâu về cơ chế, chính sách liên quan hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Báo cáo kết quả hoạt động năm 2024, bà Nguyễn Thị Phương, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ủy ban Chính sách, cho biết, trong năm 2024, Ủy ban Chính sách đã tích cực, chủ động triển khai chương trình, kế hoạch công tác, tham mưu cho Hội đồng Hiệp hội ngân hàng, kiến nghị các Cơ quan có thẩm quyền những vấn đề trọng tâm, nổi bật về cơ chế, chính sách sát với thực tiễn và định hướng phát triển của các Tổ chức hội viên. Qua đó, Ủy ban Chính sách đã phát huy vai trò, góp phần giúp Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nâng cao vị thế, hình ảnh, uy tín, được Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành đánh giá cao.
Ngay từ đầu năm 2024, Ủy ban đã hoàn thiện và ban hành Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2023, đồng thời xác định phương hướng và chương trình hoạt động cho năm 2024. Từ ngày 29/01/2024, Ủy ban đã tổ chức thành công cuộc họp triển khai chương trình hoạt động năm 2024, với kế hoạch công tác đã được xây dựng.
Bên cạnh đó, Ủy ban cũng tích cực phối hợp với Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng để tham gia góp ý vào việc xây dựng các cơ chế, chính sách, và các văn bản pháp luật quan trọng có ảnh hưởng lớn đến hoạt động ngân hàng, qua đó góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngân hàng.
Trong đó, các văn bản tham gia ý kiến của Ủy ban là các dự thảo các Luật và Nghị định liên quan đến hoạt động ngân hàng như: Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Nghị định về Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Nghị định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy,…; Các Thông tư do Ngân hàng Nhà nước soạn thảo, bao gồm Thông tư quy định về nghiệp vụ thư tín dụng, giới hạn góp vốn của các tổ chức tín dụng, dịch vụ thanh toán, và các quy định khác.
Ngoài ra, Ủy ban cũng phối hợp tổ chức thành công nhiều Hội nghị và Hội thảo, thu hút sự tham gia của các chuyên gia, cơ quan nhà nước, và các tổ chức quốc tế. Những chương trình này tập trung vào các vấn đề đang được toàn hệ thống ngân hàng quan tâm, như: Hội thảo về cho vay tiêu dùng và thu hồi nợ; Hội nghị về tác động của các Luật Đất đai và Luật Nhà ở đối với hoạt động ngân hàng; Hội nghị về các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến.

Ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách, Phó Tổng Giám đốc BIDV
Đặc biệt, Ủy ban còn cử đại diện tham gia và phát biểu tại các hội thảo, tọa đàm, như: Tọa đàm “Xử lý nợ xấu - Thực trạng và giải pháp”; Hội nghị về quản lý rủi ro công nghệ thông tin; Tọa đàm về hoàn thiện cơ chế thi hành án dân sự trong công tác thi hành án tín dụng ngân hàng.
Đối với xây dựng Báo cáo chuyên đề, Ủy ban cũng nghiên cứu và xây dựng báo cáo chuyên đề về các vấn đề pháp lý trong hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó nêu ra các vướng mắc của ngân hàng và đề xuất giải pháp khắc phục.
Mặc dù, Ủy ban đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn một số hạn chế. Do một số thành viên của Ủy ban và Tổ Giúp việc chưa thể dành đủ thời gian cho công tác của Ủy ban, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
Sang năm 2025, Ủy ban Chính sách tiếp tục đóng vai trò là đơn vị tham mưu, tư vấn cho Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng và hỗ trợ Cơ quan Thường trực Hiệp hội trong việc xử lý các vấn đề lớn, chuyên sâu về cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng. Mục tiêu là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên. Trên cơ sở đánh giá kết quả hoạt động năm 2024, Ủy ban sẽ định hướng và tham mưu cho Hội đồng Hiệp hội.
Cụ thể, Ủy ban sẽ tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, gồm: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (luật hóa nội dung Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu); Dự thảo Luật Thương mại điện tử (mới); Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi), Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng;…

Bà Nguyễn Thị Phương, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ủy ban Chính sách, Giám đốc Ban Pháp chế BIDV báo cáo kết quả hoạt động năm 2024 và chương trình công tác năm 2025 của Ủy ban Chính sách
Bên cạnh đó, là việc góp ý cho các dự thảo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng, như: Hướng dẫn về quản lý ngoại hối và cho vay ra nước ngoài (sửa đổi Thông tư 45/2011/TT-NHNN); Sửa đổi Thông tư 13/2018/TT-NHNN về kiểm soát nội bộ trong ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Quy định mới thay thế Thông tư 28/2014/TT-NHNN về việc mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ tại nước ngoài; Quy định về tỷ lệ an toàn vốn; Sửa đổi, bổ sung Thông tư 04/2013/TT-NHNN về hoạt động chiết khấu công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá.
Ngoài ra, sẽ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan xem xét, điều chỉnh những bất cập pháp lý trong hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán…
Tại hội nghị, đại diện các thành viên Ủy ban Chính sách đến từ: Vietcombank, Agribank, Techcombank, Standard Chartered, VPBank, FE Credit… đều thống nhất với các nội dung báo cáo và phương hướng hoạt động trong năm 2025 của Ủy ban Chính sách, đồng thời nêu lên những vướng mắc, khó khăn, bất cập mà các tổ chức tín dụng gặp phải trong năm 2024. Đồng thời đề nghị, trong năm 2025, Ủy ban tiếp tục tập trung ưu tiên cho những chủ đề lớn như: khung khổ chính sách liên quan đến tài chính xanh; phân loại danh mục tín dụng xanh; quy định ESG, tín chỉ carbon; tài sản số, quy định về tiền điện tử, bộ quy tắc về dữ liệu cá nhân; kiểm tra chứng từ cho khách hàng doanh nghiệp;… Bên cạnh đó, đưa ra các quan điểm chung, thống nhất trong giao dịch các định chế tài chính nước ngoài; ban hành khung hàng hoá dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn cho vay tín dụng xanh

Quang cảnh cuộc họp
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả công tác của Ủy ban Chính sách đối với hoạt động của Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Ủy ban Chính sách đã làm việc quyết liệt, đổi mới, chuyên nghiệp, bài bản với nhiều nội dung thiết thực, góp phần vào thành tích chung trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành đánh giá cao.
TS. Nguyễn Quốc Hùng đề nghị Ủy ban Chính sách tiếp tục phát huy vai trò, hoạt động hiệu quả và có sự phối hợp hài hòa, chặt chẽ với Ủy ban Công nghệ, Câu lạc bộ Pháp chế, Câu lạc bộ Fintech, Câu lạc bộ tài chính tiêu dùng... tập hợp tất cả nội dung cơ chế chính sách, tham gia góp ý, phản biện, nhằm tham gia đóng góp tích cực với cơ quan quản lý để góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng đề nghị Ủy ban Chính sách tham khảo những mô hình hay, cách làm mới không chỉ trong nước mà cả ở khu vực và trên thế giới, để từ tìm ra những hướng đi phù hợp, rút ra bài học kinh nghiệm trong việc tham gia vào cơ chế chính sách đối với hoạt động của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trong tương lai.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đồng tình với báo cáo kết quả hoạt động năm 2024 và kế hoạch cho năm 2025 của Ủy ban Chính sách, đồng thời gợi mở một số nội dung cụ thể triển khai trong năm 2025 như các chính sách liên quan đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong bối cảnh xây dựng trung tâm tài chính; liên quan đến Luật Bảo vệ Dữ liệu cá nhân; hay quy trình thống nhất chung cho tất cả ngân hàng hội viên từ chuyển tiền đến cho vay… Để làm được điều này, Ủy ban Chính sách cần tăng cường phối hợp với các câu lạc bộ và đơn vị nghiệp vụ liên quan để các công tác tham mưu chính sách sát với thực tế; Các góp ý với cơ quan quản lý nhà nước cần được tổ chức phản biện và bảo vệ trước khi gửi đi, đảm bảo tính chính xác và cấp thiết; Mọi kiến nghị cần phải thận trọng, đầy đủ và xuất phát từ các khó khăn thực tế trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Cần tổ chức đào tạo và truyền thông chính sách đến các tổ chức tín dụng hội viên...
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng khẳng định, Hội đồng Hiệp hội và Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng luôn đồng hành, hỗ trợ và sẵn sàng phối hợp cùng Ủy ban Chính sách trong triển khai các nhiệm vụ đã đề ra.
Kết thúc hội nghị, ông Trần Phương Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách cho biết sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo từ TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng như những ý kiến góp ý bổ sung từ các thành viên của Ủy ban để hoàn thiện phương hướng, triển khai nhiệm vụ trong năm 2025.
Với phương châm “Chủ động, thiết thực, kịp thời, hiệu quả”, chương trình công tác năm 2025 của Ủy ban Chính sách sẽ có một số nội dung trọng tâm như: Xây dựng hệ thống quy ước chung cho thị trường (bao gồm sổ tay hướng dẫn, bộ mẫu thống nhất giúp các tổ chức hội viên triển khai dịch vụ đồng bộ, giảm sự khác biệt giữa các ngân hàng, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tiết kiệm nguồn lực). Trước mắt, lựa chọn xây dựng 2 bộ sổ tay/cẩm nang trong năm 2025, với 01 bộ sổ tay dự kiến hoàn thành trong 6 tháng đầu năm và 01 bộ hoàn thành vào cuối năm 2025; Tiếp tục kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý, đặc biệt là luật hóa các quy định xử lý tài sản bảo đảm, nợ xấu (Nghị quyết 42/2017/QH14), và tháo gỡ vướng mắc trong dịch vụ trung gian thanh toán. Đồng thời, tham gia xây dựng khung khổ chính sách hỗ trợ phát triển tài chính xanh, đặc biệt là trong lĩnh vực phát hành trái phiếu xanh, dựa trên kinh nghiệm thực tiễn từ các ngân hàng. Những định hướng này sẽ giúp Ủy ban Chính sách tiếp tục khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt trong tham mưu chính sách, đồng hành cùng sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng.
