
Toàn cảnh phiên đối thoại
Tham dự Đối thoại gồm có các Thống đốc NHTW các nước ASEAN, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng ASEAN, đại diện các Hiệp hội Ngân hàng của các nước thành viên ASEAN và các định chế tài chính quốc tế.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Cảnh; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng tham dự.
Nội dung phiên đối thoại xoay quanh chủ đề: (i) Cập nhật về Dự án Nexus; (ii) Gian lận và lừa đảo tài chính; và (iii) Cập nhật về Sổ tay Khung dữ liệu tương thích Asean
Tại phiên này, các Thống đốc/Phó Thống đốc NHTW ASEAN rất quan tâm và tập trung trao đổi, thảo luận với CEO của các tổ chức tài chính về chủ đề phòng ngừa và ứng phó với các hành vi gian lận, lừa đảo tài chính. Theo chia sẻ của các đại biểu, trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu và tại khu vực ASEAN, nền kinh tế số đang mang lại nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng làm gia tăng các rủi ro về lừa đảo tài chính. Các hình thức gian lận số ngày càng tinh vi, đặc biệt là qua mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử, tin nhắn SMS và các ứng dụng nhắn tin OTT. Theo ước tính của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (Global Anti-Scam Alliance), khu vực châu Á thiệt hại 688,4 tỷ USD do các vụ lừa đảo tài chính trong năm 2024. Hơn nữa còn ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của người dân vào hệ thống thanh toán số và sự phát triển của kinh tế số bền vững.
Để phòng ngừa và ứng phó với các hành vi lừa đảo tài chính, nhiều ngân hàng trong khu vực ASEAN đã triển khai các biện pháp bảo vệ khách hàng như áp dụng hệ thống giám sát giao dịch thời gian thực để phát hiện các hành vi bất thường, tăng cường cảnh báo và giáo dục khách hàng về rủi ro gian lận, lừa đảo song hiệu quả vẫn còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, các đại biểu cho rằng cần có cách tiếp cận toàn diện hơn đó là xây dựng một “hệ sinh thái phòng chống gian lận, lừa đảo” thay vì chỉ dựa vào ngân hàng và cơ quan thực thi pháp luật. Ngoài ngân hàng, các bên liên quan như công ty viễn thông, nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, nhà sản xuất thiết bị và hệ điều hành đều phải có nghĩa vụ bảo vệ các hệ thống số khỏi sự lạm dụng của tội phạm.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh chia sẻ tại Việt Nam, khối lượng và giá trị giao dịch số tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số hàng năm song đi kèm với đó là những rủi ro, thách thức ngày càng gia tăng. Các đối tượng lừa đảo đang ngày càng lợi dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) để thực hiện các chiêu thức lừa đảo tinh vi, làm suy giảm niềm tin khách hàng và đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính. Phó Thống đốc khẳng định gian lận và lừa đảo tài chính là vấn đề phức tạp và có tính xuyên biên giới, đòi hỏi cần tăng cường hợp tác khu vực để cùng phối hợp xử lý.

Đoàn Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tham gia Hội nghị
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự chuỗi Hội nghị cấp cao ASEAN tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 8/4/2025, Đoàn Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đã tham dự phiên thảo luận “Thúc đẩy hội nhập tài chính Asean: Xúc tiến thương mại và đầu tư”

Trong phiên này, các diễn giả đã thảo luận về Khung giao dịch bằng nội tệ, là một hệ thống hoặc quy định cho phép các giao dịch thương mại và đầu tư được thực hiện bằng đồng nội tệ (vd: sử dụng Ringgit Malaysia – RM thay vì ngoại tệ (như USD hoặc EUR) nhằm giảm rủi ro tỷ giá, tránh thiệt hại do biến động tỷ giá ngoại tệ; hỗ trợ nền kinh tế địa phương bằng cách tăng cầu cho đồng bản tệ; tạo điều kiện cho giao dịch quốc tế (Ví dụ: Malaysia và Trung Quốc có thể giao dịch trực tiếp bằng RM/RMB, không cần đổi sang USD trước). Tại Malaysia, Ngân hàng Nhà nước Malaysia (BNM) và ngân hàng trung ương các nước (như Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc) đã giao dịch trực tiếp bằng nội tệ.
