Như tin đã đưa, ngày 24/6/2021, The Asian Banker tổ chức tọa đàm trực tuyến Asian Banker RadioFinance với chủ đề: “Mở rộng chuyển đổi số - Các ưu tiên đối với ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn mới của hành trình chuyển đổi số”. Chương trình thực hiện với sự hỗ trợ của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Infosys Finacle.
Khách mời tọa đàm có TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA); bà Nguyễn Ngọc Như Uyên, Phó Tổng Giám đốc, Khối Ngân hàng Số và Phân tích Dữ liệu, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB); ông Bryan Carroll, Giám đốc điều hành, Ngân hàng kỹ thuật số TNEX; ông Kalidas Ghose, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành, FE Credit và ông Rajashekara V. Maiya, Phó Chủ tịch, Phụ trách Toàn cầu về Tư vấn Kinh doanh, Infosys Finacle.
Đánh giá về chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam, The Asian Banker cho rằng, ngành Ngân hàng Việt Nam đã trải qua giai đoạn số hóa nhanh chóng và đạt kết quả nhất định. Điều đó thể hiện ở sự nỗ lực trong việc nâng cấp kỹ thuật số, tối ưu hóa các quy trình và đầu tư cho cơ sở hạ tầng công nghệ và các mô hình kinh doanh cơ bản.
Một số ngân hàng đang tiếp tục làn sóng số hóa để mở rộng quy mô công nghệ nhằm mang lại sự đổi mới và gia tăng giá trị cho khách hàng. Các ngân hàng ngày càng trở nên nhanh nhẹn, linh hoạt và có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng mọi lúc và mọi nơi. The Asian Banker khẳng định, ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, các ngân hàng Việt Nam đã phải đối mặt với tốc độ thay đổi và có thể đó là cách duy nhất để tồn tại và phát triển.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, chuyển đổi số không còn là định hướng, mục tiêu chung của hệ thống ngân hàng thương mại mà đã trở thành nhu cầu thiết yếu của chính các ngân hàng. Hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang có những chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách năng động, sáng tạo vào hoạt động kinh doanh và vận hành tác nghiệp. Những thành tựu từ cuộc CMCN 4.0 như IoT, Big Data, Artificial intelligent, machine learning... đang được ứng dụng ngày càng sâu, rộng.
Nếu như cách đây 2-3 năm, các ngân hàng thương mại tại Việt Nam chỉ mới tiếp cận đến khái niệm của các công nghệ này thì hiện nay những công nghệ này đã và đang mang lại những lợi ích về tự động hóa quy trình, nâng cao năng suất lao động, tăng trải nghiệm khách hàng, giảm thiểu chi phí vận hành cho các ngân hàng. Đặc biệt, cuộc đua về digital bank cũng đang diễn ra khá sôi nổi tại Việt Nam. Ứng dụng ngân hàng di động nay đã được nâng cấp lên thành ứng dụng ngân hàng số với đầy đủ tính năng từ mở tài khoản, giao dịch tài chính, đầu tư đến các dịch vụ ngoài tài chính (beyond banking services) như mua sắm, giáo dục, y tế, giao thông.... Dịch vụ ngân hàng đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, kết hợp với các lĩnh vực, ngành nghề để xây dựng hệ sinh thái thông minh, toàn diện.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, xét một cách khách quan và trực diện, chuyển đổi số tại các ngân hàng Việt Nam còn chưa có tính tổng thể, việc đầu tư hạ tầng theo phương thức on-premies (phần mềm lưu trữ dữ liệu tại chỗ) vẫn là chính nên năng lực về hạ tầng công nghệ hiện chưa đáp ứng kịp tốc độ ứng dụng công nghệ số. Một số ngân hàng đã tiếp cận dịch vụ điện toán đám mây, song vẫn còn những tranh luận liên quan đến việc sử dụng công nghệ mới này. Hệ sinh thái đã được thiết lập tuy nhiên vẫn chưa đầy đủ do tương thích về công nghệ kết nối, giao diện lập trình ứng dụng mở (open API) chưa đồng bộ. Chuyển đổi số mới tập trung chủ yếu ở số hóa kênh phân phối, các sản phẩm truyền thống của ngân hàng như lending, deposit vẫn còn phải thực hiện theo quy trình bán tự động. Chính vì thế, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng như các ngân hàng tổ chức hội viên muốn học hỏi thêm các kinh nghiệm thực tiễn triển khai chuyển đổi số từ các ngân hàng trong khu vực để có thể cùng trao đổi, chia sẻ thông tin và đưa ra các định hướng phát triển cho giai đoạn tiếp theo.
Bà Nguyễn Ngọc Như Uyên, Phó Tổng Giám đốc, Khối Ngân hàng Số và Phân tích Dữ liệu, Ngân hàng Á Châu (ACB) cho rằng, bản thân ACB cũng đứng trước nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi số bởi nó không chỉ là công nghệ mà còn là những cách thức đổi mới với những giải pháp đột phá liên quan tới công nghệ và người dùng. Hành trình chuyển đổi số này phải chuyển đổi từ trong ra ngoài, đổi mới những trải nghiệm khách hàng, cân bằng xung đột lợi ích cũng như quản trị rủi ro. Theo bà Như Uyên, ACB cũng có dự án eKYC và cải thiện hành trình khách hàng, mong muốn mang lại cho khách hàng nhiều trải nghiệm mới mẻ hơn. Thậm chí muốn khách hàng tham gia cả trên những nền tảng số khác như Facebook, Zalo…. Bên cạnh đó, việc quản trị rủi ro trong chuyển đổi số như phát hiện những vấn đề giả mạo, lừa đảo cũng là vấn đề mà ngân hàng phải làm.
Các đại biểu tham gia tọa đàm trực tuyến. Ảnh chụp màn hình
Chia sẻ những kinh nghiệm chuyển đổi số ở nước ngoài, ông Bryan Carroll, Người sáng lập và Giám đốc điều hành, Ngân hàng kỹ thuật số TNEX cho biết, ông đã nghiên cứu lĩnh vực kỹ thuật số từ những năm 1994 và thấy rằng nhiều ngân hàng đã có những bước chuyển đổi số để “đi nhanh hơn” và gia tăng trải nghiệm khách hàng với những dự án tự động hóa, quản lý rủi ro…
Phần lớn các ngân hàng ở châu Á đều rất non trẻ, nên sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi số. Nhiều ngân hàng ở châu Á đã triển khai digital bank và họ đã gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. “Chúng ta không đổ thêm nhiên liệu để chiếc ô tô chạy nhanh hơn được mà phải có cách thức phù hợp để tăng tốc chiếc xe đó’, ông Bryan Carroll ví von và khẳng định chuyển đổi là “chìa khóa thành công”.
Theo ông Bryan Carroll, làm cách nào để đo lường những rủi ro về số hóa và chúng ta phải cân bằng tăng trưởng và chi phí ra sao cũng như làm cách nào tạo ra sự khác biệt trong quá trình số hóa là những rào cản lớn trong chuyển đổi số.