Từ ngày 23-25/6/2023, tại thành phố Basel, Thụy Sĩ, Hội nghị thường niên Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) lần thứ 93 được tổ chức, quy tụ Thống đốc của 63 Ngân hàng Trung ương thành viên. Đoàn Việt Nam do Thống đốc Nguyễn Thị Hồng dẫn đầu đã tham dự các phiên họp chính của Hội nghị, gồm: Hội thảo thường niên BIS, Phiên họp Kinh tế Toàn cầu (GEM) và Phiên họp Đại hội đồng thường niên BIS (AGM).
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tham dự Hội nghị thường niên Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS)
Hội thảo thường niên BIS năm nay với chủ đề “Các Ngân hàng Trung ương, ổn định tài chính vĩ mô, và tương lai của hệ thống tài chính”. Các đại biểu đã lắng nghe phần trình bày của Thống đốc một số Ngân hàng Trung ương và các diễn giả đến từ nhiều Đại học nổi tiếng trên thế giới trao đổi 3 chủ đề chính: Tương tác tài khóa - tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô; Các ngân hàng, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng và thị trường vốn; và Các Ngân hàng Trung ương và chức năng của thị trường trái phiếu.
Trong khuôn khổ Hội nghị, tại phiên họp GEM, Hội nghị đã thông qua Báo cáo “Thiết kế và quản lý phù hợp hệ thống đồng tiền ổn định (Stablecoin Arrangement) trong thanh toán xuyên biên giới do Ủy ban thanh toán và cơ sở hạ tầng thị trường (CPMI) chuẩn bị.
Cũng tại phiên họp GEM, các đại biểu đã trao đổi các nội dung liên quan đến Quỹ đạo giảm phát trên toàn cầu. Theo đó, các Thống đốc tập trung thảo luận vấn đề triển vọng lạm phát trong ngắn hạn và trung hạn và những thách thức cụ thể trong giai đoạn cuối của quá trình giảm phát.
Bên cạnh đó, đại diện BIS đã trình bày báo cáo kinh tế toàn cầu năm 2022 đánh giá diễn biến kinh tế, tài chính toàn cầu trong năm tài khóa 2022/2023. BIS cho rằng mặc dù tỷ lệ lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu của các Ngân hàng Trung ương, nhưng có những dấu hiệu cho thấy lạm phát chung đã đạt đỉnh hoặc bắt đầu đi xuống.
Tuy nhiên, lạm phát cơ bản vẫn duy trì ở mức cao. Ngân hàng Trung ương nhiều nước đồng loạt thắt chặt mạnh chính sách tiền tệ, song lãi suất thực vẫn ở mức âm do tỷ lệ lãi suất vẫn thấp hơn lạm phát. Bên cạnh đó, ổn định tài chính bị tác động bởi sự đổ vỡ của một số ngân hàng.
Theo BIS, hệ thống tài chính nói chung cũng như các tổ chức tài chính gặp khó khăn trong việc thích ứng với sự thay đổi của môi trường từ lãi suất thấp sang lãi suất cao; việc thiếu một cơ chế quản lý rủi ro lãi suất thích hợp là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ trên quy mô lớn trong hệ thống ngân hàng lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Ở phía tích cực kinh tế toàn cầu vẫn duy trì tốt khả năng chống đỡ. Hoạt động kinh tế tại một số thị trường chủ chốt tốt hơn dự kiến. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 tại Mỹ, khu vực đồng Euro và hầu hết các nền kinh tế mới nổi, trừ Trung Quốc, đều tốt hơn dự kiến.
Dự kiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2023 có thể đạt mức 2,6%. Trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu, BIS cho rằng cần có những điều chỉnh về mặt chính sách cũng như những công cụ bảo vệ về thể chế để đảm bảo vai trò then chốt của chính sách tiền tệ và tài khóa trong đảm bảo ổn định tài chính cũng như kinh tế vĩ mô.
Tại Phiên họp Đại hội đồng thường niên BIS (AGM) - phiên họp cổ đông chính thức của BIS trong năm, đại diện BIS đã trình bày báo cáo tài chính BIS năm tài khóa 2022/2023. Theo đó, dù kinh tế thế giới trong năm qua gặp nhiều khó khăn, kết quả hoạt động kinh doanh của BIS vẫn đạt kết quả cao hơn năm trước. Hội nghị đã tiến hành bỏ phiếu thông qua Dự thảo Nghị quyết về Báo cáo tài chính năm tài khóa 2022/2023 vào ngày 31/3/2023 như đơn vị kiểm toán đã báo cáo.
Cũng tại phiên họp, ông Agustin Carstens - Tổng Giám đốc BIS đã trình bày các thông điệp chính trong Báo cáo kinh tế thường niên BIS, trong đó nhấn mạnh vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của BIS và các thách thức lớn mà các Ngân hàng Trung ương có thể phải đối mặt vào năm sau.
Theo SBV