Thứ tư, 22/01/2025
   

Tăng tốc chuyển đổi số song hành đảm bảo an ninh bảo mật và phòng chống gian lận

Ngày 30/10/2024, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Văn phòng Kinh tế và Thương mại - Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến “Tăng tốc chuyển đổi số song hành cùng đảm bảo an ninh bảo mật và phòng chống gian lận”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo VNBA
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo VNBA

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo VNBA; Ông Chen Peretz, Tham tán Kinh tế & Thương mại Israel; Các diễn giả khách mời là đại diện từ các công ty công nghệ hàng đầu Israel trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền, gian lận, tuân thủ và nền tảng số; Cùng đại diện của các tổ chức tín dụng là hội viên của VNBA.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo VNBA cho biết, đây là lần thứ 2 trong năm 2024, VNBA cùng Đại sứ quán Israel tổ chức hội thảo về chuyên đề này. Do chủ đề này là chủ đề nóng, có tính thời sự rất cao, được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cùng các tổ chức tín dụng và toàn xã hội quan tâm. Bởi Việt Nam đang quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để chống lại các hành vi gian lận, các hoạt động lừa đảo trong các hoạt động thanh toán trực tuyến.

Theo ông Sơn, quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng, đã mang lại những tiện ích và giao dịch thuận lợi hơn cho người dân, góp phần tạo nên bước chuyển biến, đột phá mới cho ngành ngân hàng. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức lớn nhất của chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán là đảm bảo an toàn và bảo mật cho các giao dịch thanh toán.

Việc phát triển của công nghệ mới như blockchain (công nghệ chuỗi khối), big data (dữ liệu  lớn), AI (trí tuệ nhân tạo) đòi hỏi các ngân hàng phải có sự thay đổi về mô hình quản lý và các hành lang an toàn trước những sự cố về an ninh mạng và bảo mật thông tin khách hàng trong thời kỳ công nghệ số. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ số kéo theo sự gia tăng của những lỗ hổng bảo mật, tạo điều kiện cho tội phạm công nghệ cao hoạt động ngày càng thường xuyên.

Theo đó, đối với lĩnh vực thanh toán, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán thẻ qua POS, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, dẫn đến tâm lý e ngại sử dụng dịch vụ. Đặc biệt đối với những người dân ở nông thôn, khu vực vùng sâu, vùng xa do kiến thức công nghệ thông tin còn hạn chế.

Hội thảo trực tuyến “Tăng tốc chuyển đổi số song hành cùng đảm bảo an ninh bảo mật và phòng chống gian lận”.
Quang cảnh hội thảo

Ông sơn cho biết, tại báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất do gian lận thanh toán số. Trong đó, tỉ lệ thiệt hại do gian lận số gây ra tại Việt Nam lên tới 3,6% GDP, cao hơn mức trung bình toàn cầu (1,1%). Các hình thức gian lận trong thanh toán số phổ biến tại Việt Nam bao gồm tấn công mạng (phần mềm độc hại, lừa đảo, tấn công trung gian), mạo danh, gian lận phi kỹ thuật, lạm dụng chính sách hoàn tiền, gian lận của bên thứ nhất...

Tại báo cáo của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) năm 2023 cho biết người dân Việt Nam đang phải vật lộn với các vụ lừa đảo với tần suất đáng báo động, với con số đáng kinh ngạc là 70% cho biết họ gặp phải các vụ lừa đảo ít nhất mỗi tháng 1 lần.

Theo thống kê của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, trong năm 2023, đã có gần 16.000 phản ánh lừa đảo qua mạng, gần 10.000 tỷ đồng đã bị chiếm đoạt. Do vậy, để đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động thanh toán điện tử, bảo vệ khách hàng khỏi các mối đe dọa lừa đảo cũng như đảm bảo tính toàn vẹn của các dịch vụ ngân hàng số, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 03 Thông tư về dịch vụ ngân hàng trên Internet, an toàn hệ thống thông tin, thiết bị phục vụ thanh toán thẻ ngân hàng. Đồng thời, cũng có 03 Chỉ thị về chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Bên cạnh đó, còn có 03 quyết định về phương án, giải pháp an toàn thông tin và chiến lược phát triển công nghệ thông tin, cùng với 14 văn bản chỉ đạo từ năm 2021 đến nay về an ninh, an toàn cho hoạt động, như: phòng chống lừa đảo, gian lận trong lĩnh vực thanh toán;  phòng, chống giả mạo tên miền, ứng dụng mobile, tin nhắn của các TCTD.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành 03 Quyết định triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ. Gần đây nhất là Quyết định 2345, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp bảo mật mạnh mẽ trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt tập trung vào phòng chống gian lận và bảo vệ dữ liệu khách hàng.

Theo đó, các tổ chức tín dụng cũng đã triển khai nhiều giải pháp về quy trình, công nghệ trong phòng chống rửa tiền và gian lận, gồm:  Làm sạch dữ liệu khách hàng, tài khoản không chính chủ thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Triển khai các giải pháp xác thực mạnh (như xác thực sinh trắc, xác thực đa thành tố trong giao dịch trực tuyến như OTP, FIDO, chữ ký số); Tăng cường các biện pháp bảo vệ, đặc biệt là áp dụng các giải pháp công nghệ mới như AI, Blockchain,…

Đặc biệt, các tổ chức tín dụng cũng triển khai hệ thống thông tin hỗ trợ quản lý, giám sát và phòng ngừa rủi ro gian lận trong hoạt động thanh toán.

Ông Chen Peretz - Tham tán Kinh tế & Thương mại Israel tại Việt Nam
Ông Chen Peretz - Tham tán Kinh tế & Thương mại Israel tại Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, ông Chen Peretz - Tham tán Kinh tế & Thương mại Israel, đã gửi lời cảm ơn tới VNBA cùng các diễn giả và tất cả các đại biểu dành thời gian tham dự hội thảo này. Đồng thời cho biết, Văn phòng Kinh tế và Thương mại của Đại sứ quán Israel tại Việt Nam có vai trò tìm kiếm những cơ hội và tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia, để mang lại lợi ích cho Việt Nam và các hãng công nghệ của Israel.

Đặc biệt, trong lĩnh vực an ninh bảo mật cũng như các công nghệ tài chính, Israel là một trong những quốc gia đi đầu và có rất nhiều công nghệ với nhiều tiềm năng cho việc hợp tác giữa Việt Nam và Israel, với 5 hãng công nghệ hàng đầu của Israel là các hãng BioCatch, Easy Send, AU10TIX, WonderNet và CyberInt,  tập trung vào những giải pháp liên quan đến phòng chống gian lận.

Đây là 5 hãng công nghệ của Israel tập trung vào công nghệ phòng chống rửa tiền và các công nghệ liên quan đến chuyển đổi số. Vì vậy, ông Chen Peretz mong muốn kết nối các tổ chức tín dụng tại Việt Nam với các công nghệ của Israel. Đồng thời, cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ kết nối hoặc thu xếp các hội thảo riêng biệt, sâu hơn trong trường hợp các tổ chức tín dụng tại Việt Nam có quan tâm tìm hiểu kỹ hơn về các công nghệ này của Israel.

Tại hội thảo, các diễn giả đến từ các công ty công nghệ hàng đầu Israel, đã có những bài tham luận, chia sẻ nhiều nội dung, như: Công nghệ sinh trắc học hành vi ứng dụng AI để phòng chống gian lận, thúc đẩy chuyển đổi số và tăng trưởng kinh doanh; Nền tảng Khởi tạo và tối ưu hóa hành trình số trong ngành dịch vụ tài chính và bảo hiểm; Công cụ chữ ký điện tử một phần trong bộ giải pháp chuyển đổi kỹ thuật số của EasySend có khả năng tích hợp hai chiều an toàn và mở rộng với hệ thống CRM sẵn có;

Nền tảng xác thực danh tính với các giải pháp dạng module sử dụng công nghệ máy học, sinh trắc học và pháp y kĩ thuật số, giúp giảm thiểu rủi ro gian lận, rửa tiền và giả mạo; Giải pháp chữ ký số, tài liệu điện tử & giao dịch điện tử với tính xác thực, chống giả mạo và bảo mật cao sử dụng máy chủ xác thực độc quyền của WonderNet;

Nền tảng hiển thị và giảm thiểu rủi ro để ngăn chặn, phát hiện, điều tra và khắc phục các hành vi lừa đảo, mã độc tống tiền, lạm dụng thương hiệu, rò rỉ dữ liệu, lỗ hổng bên ngoài…

Qua đó, các tổ chức tín dụng hội viên đã nắm bắt được nhiều thông tin hữu ích về kinh nghiệm và giải pháp phòng chống rửa tiền, gian lận từ phía Israel, đồng thời trao đổi để tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong phát triển các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật tại các ngân hàng.

T.Đ

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay