Tham dự chương trình có: Ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng – Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ông Nguyễn Thanh Sơn – Giám đốc Trung tâm Đào tạo – Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; Ông Nguyễn Xuân Trường – Giám đốc Công nghệ - Ngân hàng Kienlongbank; Ông Terry Paleologos – Giám đốc Điều hành – BPC Khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Ông Imran Vilcassim – Giám đốc Toàn cầu – Giải pháp Ngân hàng số - BPC; Ông Guillaume Panot – Giám đốc Thương mại – Giải pháp Ngân hàng số - BPC; Bà Hạnh Bùi – Giám đốc Quốc gia – BPC Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Nguyễn Thanh Sơn – Giám đốc Trung tâm Đào tạo thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện nay, tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, hầu hết ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số và phát triển dịch vụ ứng dụng trên internet và điện thoại di động.
Số liệu thống kê cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2024 hoạt động Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và chuyển đổi số ngân hàng tiếp tục đạt kết quả tích cực, các hệ thống thanh toán quan trọng hoạt động thông suốt, an toàn. Đến nay, có hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số.
So với cùng kỳ năm 2023, số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân tăng 2,83% về số lượng và tăng 26,94% về giá trị. Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 38,18% về số lượng và tăng 23,26% về giá trị. Hệ thống ATM nhìn chung hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán của người dân.
Giao dịch TTKDTM đạt 7,83 tỷ giao dịch, với giá trị đạt 134,9 triệu tỷ đồng (tăng 58,23% về số lượng và 35,01% về giá trị) so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: thanh toán qua kênh Internet tăng 49,97% về số lượng và 32,13% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 59,3% về số lượng và 38,53% về giá trị; giao dịch qua QR Code tăng 104,2% về số lượng và 99,5% về giá trị.
Tính đến cuối tháng 6/2024, tổng số tài khoản Mobile-Money được đăng ký và sử dụng là khoảng 9,13 triệu tài khoản, trong đó số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo chiếm khoảng 72%.
Các ngân hàng cũng đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ mới, ngân hàng lõi để phục vụ chuyển đổi số và ứng dụng vào hoạt động như: Công nghệ chuỗi khối (Blockchain); Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI); Công nghệ sinh trắc học (nhận diện giọng nói, khuôn mặt, vân tay, mống mắt).
Đối với lĩnh vực Fintech, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 50 tổ chức không phải là ngân hàng, trong đó có hơn 40 đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử. Theo số liệu thống kê của NHNN cũng như báo cáo thị trường Fintech Việt Nam 2022, số lượng công ty Fintech đã tăng lên 4 lần, từ 39 công ty vào cuối năm 2015 lên đến hơn 176 công ty vào cuối năm 2022. Trong số các công ty Fintech tại Việt Nam, có khoảng 70% là công ty khởi nghiệp. Theo đánh giá của Tập đoàn Robocash (năm 2022), thị trường Fintech Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai trong khu vực, sau Singapore, dự kiến sẽ đạt gần 20 tỷ USD trong năm 2024 với mức độ cạnh tranh cao. Việt Nam cũng được đánh giá đạt vị trí số 1 trên thế giới về chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu năm 2022.
Trong thời gian tới, quá trình chuyển đổi số trong ngành Tài chính ngân hàng sẽ tiếp tục tăng tốc. Xu hướng ngân hàng hợp tác với Regtech, Suptech, Proptech cũng bắt đầu được triển khai tại Việt Nam dưới các hình thức khác nhau, trong đó Regtech là ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ thực thi pháp lý dành cho các định chế tài chính; còn Suptech là những ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ thực thi pháp lý dành cho các cơ quan quản lý, giám sát, Proptech là ứng dụng công nghệ thông tin và kinh tế nền tảng vào thị trường bất động sản, gọi tắt là công nghệ bất động sản.
Ngoài ra, xu hướng ngân hàng mở (Open Banking) sẽ giúp khách hàng sử dụng các sản phẩm của ngân hàng từ nhiều ứng dụng khác nhau ngoài ứng dụng ngân hàng số, đồng thời giúp ngân hàng tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng với chi phí hợp lý thông qua các ứng dụng khác của đối tác. Qua khảo sát của NHNN tại thời điểm cuối năm 2023, có 72,3% tổ chức tín dụng đã và đang dự tính triển khai các API, trong đó 47,6 % đã xây dựng các API để cho các bên thứ ba kết nối; khoảng 65% các TCTD sẵn sàng triển khai Open API, trong đó trên 30% TCTD có mức độ sẵn sàng cao đối với Open API.
Ông Sơn cho biết, hội thảo tập trung vào thanh toán số, là một trong những chủ đề quan trọng nhất trong ngành về chuyển đổi số, là cơ hội để các nhà lãnh đạo, chuyên gia, giám đốc công nghệ và kinh doanh đến từ các tổ chức tín dụng, các công ty Fintech và tổ chức trung gian thanh toán cùng nhau trao đổi, chia sẻ, cập nhật các thông tin liên quan đến những thành tựu về chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng. Đồng thời, hội thảo cũng là dịp kết nối các nhà phát triển công nghệ, các chuyên gia, nhà đầu tư và đối tác kinh doanh nhằm tạo ra một hệ sinh thái ngân hàng số, thanh toán số chặt chẽ và hiệu quả tại Việt nam.
Ông hy vọng, tại hội thảo, các diễn giả và đại biểu tham dự cùng nhau thảo luận để đưa ra nhiều khuyến nghị thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng và chuyển đổi số quốc gia thành công.
Đối với nội dung này, ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng – Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đã có những chia sẻ về tổng quan quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Theo ông Dũng, bối cảnh chung hiện nay công nghệ số phát triển, các thiết bị di động, công nghệ số xuất hiện phổ biến, tác động sâu rộng cuộc sống, công việc và cho phép đổi mới mô hình kinh doanh, đơn giản hóa, tối ưu hóa quy trình... Hành vi khách hàng cũng thay đổi nhanh chóng, sử dụng dịch vụ số mạnh mẽ. Kỳ vọng cao của khách hàng đối dịch vụ tài chính - ngân hàng (trải nghiệm xuyên suốt, minh bạch, chi phí thấp…); Sự phát triển của các công nghệ lưu trữ, thu thập, tổng hợp dữ liệu cũng như các "điểm tiếp xúc" với khách hàng sản sinh ra khối lượng dữ liệu rất lớn…
Chia sẻ về tình hình chuyển đổi số ngành ngân hàng Việt Nam, ông Dũng cho biết, cơ quan quản lý đã có những chủ trương, định hướng về công tác chuyển đổi số thông, các quy định pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động ngân hàng như: Luật phòng, chống rửa tiền 2022; Luật giao dịch điện tử 2023; Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về TTKDTM; Thông tư 11/2022 và thông tư 06/2023 quy định về bảo lãnh ngân hàng, cho vay bằng phương thức điện tử; Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, NĐ 117/2018/NĐ-CP về giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của TCTD…
Chuyển đổi số tăng, hệ sinh thái số phát triển và gia tăng trải nghiệm khách hàng. Ngành ngân hàng là đơn vị tiên phong trong ứng dụng CNTT, Chuyển đổi số để triển khai cung cấp các sản phẩm, dịch vụ TTKDTM hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân .
Theo thống kê, Giao dịch TTKDTM 7 tháng đầu năm 2024 xấp xỉ gần 9,3 tỷ giao dịch (tăng 58,44% so với cùng kỳ năm 2023) và tổng giá trị giao dịch đạt hơn 160 triệu tỷ đồng (tăng 35,13% so với cùng kỳ năm 2023). Đến hết 06/2024, toàn Việt Nam có hơn 193 triệu tài khoản thanh toán của KHCN. Tính đến cuối 2023, dân số trưởng thành Việt Nam có tài khoản thanh toán đạt 87,07%. Nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số.
Bên cạnh sự tăng trưởng, phát triển tích cực, chuyển đổi số ngành ngân hàng cũng gặp phải một số khó khăn thách thức như: Bối cảnh mới với hành vi người dùng thay đổi, mô hình kinh doanh, kênh phân phối mới dựa trên công nghệ, dữ liệu và xuất hiện “những người chơi mới”… gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc theo dõi, đánh giá, kiểm soát rủi ro; Gia tăng rủi ro an ninh mạng; Thách thức trong giáo dục tài chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Guillaume Panot - Giám đốc Thương mại - Ngân hàng số Toàn cầu của BPC đã có bài tham luận với nội dung Chinh phục cuộc đua thanh toán số. Ông cũng chỉ ra xu hướng hiện nay tập trung vào trải nghiệm số; Khai thác cơ hội số hóa vừa và nhỏ đối với doanh nghiệp SME; Tìm cách hợp tác doanh nghiệp với bên thứ ba về lĩnh vực tài chính mở và ngân hàng mở; Thúc đẩy số hóa trong doanh nghiệp nghiệp SME.
Từ ứng dụng vào thực tế, Ông Nguyễn Xuân Trường – Giám đốc Công nghệ - Ngân hàng TMCP Kiên Long cho biết: KienlongBank xác định Chuyển đổi số là định hướng chiến lược để cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững trong thời kỳ mới.
Mục tiêu của KienlongBank là trở thành ngân hàng số hiện đại thông qua thực hiện chiến lược đổi mới toàn diện nhằm tạo ra mô hình ngân hàng số bền vững, nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng, gia tăng tiện ích và mang đến trải nghiệm “cá nhân hóa hoàn hảo”. dành cho khách hàng.
Ban lãnh đạo KienlongBank coi công nghệ thông tin không phải là lớp hỗ trợ back-end mà là nhân tố chủ chốt trong mô hình Ngân hàng số, bằng cách tối đa hóa tác động của việc áp dụng Công nghệ trong: Quản lý số; Phát triển sản phẩm số; Trải nghiệm số. KienlongBank định hướng chiến lược về Ngân hàng số, vì vậy Ngân hàng đã chủ động triển khai các công nghệ và nền tảng số như Cloud, Triển khai cổng thanh toán tương tự như các công ty fintech (KienlongBankPay), việc này giúp cho Ngân hàng chủ động thích ứng/thay đổi sản phẩm và cạnh tranh cùng các công ty Fintech.
Kienlongbank quyết định Hybrid Cloud là mô hình phù hợp trong hành trình chuyển đổi ngành Ngân hàng số, nhằm tận dụng các lợi thế về khả năng mở rộng, linh hoạt, cập nhật công nghệ của đám mây công cộng đồng thời duy trì mức độ kiểm soát, tùy chỉnh hoặc bảo mật cao của mô hình tại chỗ. Trong đám mây lai, mỗi khối lượng công việc có thể được đặt trong môi trường tối ưu để hỗ trợ hiệu suất cao và giảm tổng chi phí.
Cũng tại hội thảo, các diễn giả và đại diện ngân hàng đã có cuộc tọa đàm trao đổi về nắm bắt chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, sự cân bằng giữa công nghệ mới với quy định của pháp luật, lấy trải nghiệm khách hàng làm động lực chính để ngân hàng thay đổi, động lực thúc đẩy sự thành công của bước nhảy vọt về số hóa của Việt Nam tại Châu Á.
N.A