Thứ tư, 26/06/2024
   

Quản lý thị trường vàng cần giải pháp căn cơ

Ngày 9/6, tại Hà Nội, NHNN Việt Nam có buổi làm việc với các chuyên gia kinh tế, trao đổi về chính sách quản lý thị trường vàng. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chủ trì buổi làm việc. Cùng dự buổi làm việc có Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng.
Giải pháp mới phát huy hiệu quả

Thời gian qua, không chỉ NHNN Việt Nam mà NHTW các nước trên thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực, từ căng thẳng địa chính trị, bất ổn kinh tế, xu hướng giảm lãi suất, giá vàng thế giới diễn biến phức tạp...

thị trường vàng
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi làm việc với các chuyên gia kinh tế

Trước bối cảnh đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã thực hiện các giải pháp can thiệp nhằm ổn định thị trường vàng. Giải pháp đầu tiên là NHNN kế thừa cách làm năm 2013 thông qua tổ chức đấu thầu vàng miếng để tăng cung ra thị trường. Tuy nhiên, qua 9 phiên đấu thầu chênh lệch giá không giảm như kỳ vọng, NHNN đánh giá tổng kết bối cảnh hiện tại có nhiều khác biệt so với 2013 và thống nhất cần có cách can thiệp mới là bán vàng trực tiếp qua các NHTM Nhà nước và SJC. Qua 1 tuần triển khai mang lại kết quả tích cực đã thu hẹp chênh lệch giá vàng SJC trong nước so với giá thế giới chỉ còn khoảng trên 6 triệu đồng/lượng.

TS. Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, giải pháp tăng cung, ổn định giá, đặc biệt là kéo chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế về mức thấp là thành công bước đầu của NHNN trong giai đoạn hiện nay. Chung quan điểm, TS. Trương Văn Phước – nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá, NHNN đã làm rất tốt các giải pháp vừa qua và đã tạo nên uy tín của một NHTW khi thực hiện được cam kết với công chúng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, những giải pháp trên chỉ là tình thế, chưa giải quyết được toàn diện, gốc rễ vấn đề của thị trường. Về lâu dài cần có giải pháp căn cơ hơn, xây dựng giải pháp quản lý thị trường vàng phù hợp hơn, trong đó cần đẩy nhanh sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24).

Các chuyên gia khẳng định trong hơn 12 năm qua, Nghị định 24 đã đóng góp quan trọng như thay đổi tập quán của người dân không sử dụng vàng làm phương tiện trao đổi, thậm chí là không còn là phương tiện cất giữ tài sản, đẩy lùi vàng hoá trong nền kinh tế… Tuy nhiên, đến thời điểm này, Nghị định 24 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử cần phải có giải pháp thay thế phù hợp hơn với bối cảnh mới.

Cần coi vàng là hàng hóa bình thường

Về hướng tiếp cận chính sách, TS. Trương Văn Phước cho rằng, NHNN nên giữ lấy quyền kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu vàng; còn việc chế biến gia công có thể trao lại cho doanh nghiệp hoặc TCTD có điều kiện. “Như vậy chúng ta sẽ chứng kiến sự điều tiết của thị trường vàng theo quy luật cung cầu và giá cả chắc chắn sẽ không có sự chênh lệch như thời gian vừa qua. Dần dần người dân sẽ rời xa vàng vật chất”, TS. Trương Văn Phước chia sẻ quan điểm.

Nếu bỏ độc quyền để doanh nghiệp được chủ động hơn trong việc nhập khẩu vàng nguyên liệu hay sản xuất, theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Độ - chuyên gia kinh tế, NHNN sẽ nhẹ gánh trong việc quản lý. Nhưng không loại trừ việc tiền sẽ chuyển vào thị trường vàng nhiều, không có lợi cho sản xuất. "Điều quan trọng là vàng không tạo ra GDP thì không khuyến khích mặt hàng này phát triển, dù nắm giữ, đầu tư, hay kinh doanh", TS. Độ nói.

Cũng có ý kiến đề xuất khi vàng là mặt hàng không khuyến khích thì có thể xem xét hạn chế số lượng vàng miếng bán ra cho người dân. Về vấn đề này, theo quan điểm của TS. Trương Văn Phước việc cung ứng vàng ra thị trường, kéo giá vàng xuống là nỗ lực của NHNN, Chính phủ. Bên cạnh vàng, Chính phủ hay NHNN còn phải cân đối nhiều mặt hàng khác rất thiết yếu cho đời sống của người dân. “Nếu một hôm không cầm thỏi vàng thì chắc chắn chúng ta vẫn sống. Nhưng nếu một hôm chúng ta không có xăng dầu, không có phân bón, gạo, nhu yếu phẩm thì sẽ thế nào…”, TS. Phước chia sẻ.

Chung quan điểm, một chuyên gia cho rằng, cần phải sớm chấm dứt hình thức can thiệp bán vàng này. Bởi để đáp ứng được đầy đủ nhu cầu thì sẽ phải nhập khẩu vàng và tiêu tốn nguồn lực ngoại tệ, ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối nhà nước. Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, nhập khẩu suýt soát 400 tỷ USD/năm, làm sao chỉ dành riêng cho vàng được khi mà còn nhiều mặt hàng thiết yếu khác trong nền kinh tế.

"Vừa qua NHNN thăm dò chính sách thành công, giờ là lúc cần phải có một khuôn khổ pháp lý mới để thay thế, ổn định thị trường này và xem vàng chỉ là mặt hàng thông thường để có giải pháp ứng xử cho phù hợp. Theo đó, trả lại cho NHNN các chức năng căn bản đó là điều hành CSTT, cung ứng tiền cho nền kinh tế”, vị chuyên gia trên nhận định.

Ngoài đề xuất sớm xem xét sửa bỏ yếu tố độc quyền, các chuyên gia cho rằng, cần phân vai nhiệm vụ chức năng cụ thể nhất là phối kết hợp giữa cơ quan bộ ngành cùng điều tiết quản lý thị trường vàng tốt hơn. Chẳng hạn có thể sử dụng công cụ thuế.

PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi đề xuất, NHNN cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng. Việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng. Bên cạnh đó, việc áp dụng thuế sẽ đảm bảo công bằng tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Bởi hiện nay các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản…. cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân. Do đó, mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp.

Đồng quan điểm TS. Trương Văn Phước khẳng định, thuế là một công cụ điều tiết quan trọng của bất cứ nhà nước nào. Nhà nước cũng có thể sử dụng thuế như là công cụ để điều tiết không chỉ là thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người tiêu dùng. “Tôi nghĩ là Bộ Tài chính, cơ quan thuế chắc chắn sẽ nghiên cứu để sao cho khi một sắc thuế, thuế suất đưa ra đúng người, đúng việc đúng các hoạt động trong nền kinh tế”, TS. Phước chia sẻ quan điểm.

Tại buổi làm việc các chuyên gia cũng khuyến nghị người dân cần hết sức thận trọng khi đầu tư vàng, bởi thị trường này biến động rất mạnh và chịu ảnh hưởng nhiều biến số kinh tế. Chẳng hạn chỉ riêng động thái NHTW Trung Quốc ngưng mua vàng dự trữ thì giá vàng giảm mạnh gần 100 USD/oz. Do vậy, dù nắm giữ vàng là quyền của công dân, pháp luật không cấm mua bán, nhưng TS. Trương Văn Phước cảnh báo, việc tham gia vào hoạt động mua vàng để đầu cơ lúc này là hết sức rủi ro nên người dân cần thận trọng, để không phải gánh những khoản lỗ do chính công sức mình tạo ra.

Về phía NHNN, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ tổng hợp lại ý kiến đề xuất, tham mưu Chính phủ về việc sớm sửa đổi Nghị định 24. Trong thời gian chờ sửa Nghị định 24, NHNN cân nhắc điều chỉnh phương pháp cần thiết đối với thị trường vàng. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, mục tiêu xuyên suốt của NHNN là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, để người dân chuyển vàng vào sản xuất - kinh doanh.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay