Từ ngày 12 - 13/03, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà dẫn đầu đoàn công tác Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tham dự các Hội nghị Thống đốc định kỳ của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS). Bên lề Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng đã có các buổi làm việc với thành viên Ban lãnh đạo BIS.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà làm việc với ông Peter Zollner - Vụ trưởng Vụ Ngân hàng, BIS
Trong khuôn khổ Hội nghị Thống đốc Hội đồng Tư vấn châu Á của BIS vào ngày 12/03/2023, các Thống đốc đã tập trung thảo luận về các thách thức tiềm ẩn đối với ổn định tài chính trong điều kiện thắt chặt tài chính ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Đánh giá về diễn biến tài chính vĩ mô trong khu vực, có thể thấy, từ cuối năm 2022, các điều kiện tài chính toàn cầu đã nới lỏng hơn và lạm phát ở hầu hết các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đã bắt đầu chậm lại. Trước đó, trong năm 2022, để ứng phó với tình trạng lạm phát gia tăng và các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt do đồng đô la mạnh lên, các quốc gia trong khu vực đã triển khai một loạt các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ, dẫn đến ảnh hưởng đối với tăng trưởng. Nợ của khu vực tư nhân duy trì ở mức cao, lãi suất cao hơn và tăng trưởng chậm lại đồng nghĩa với gánh nặng trả nợ cao hơn. Sự gia tăng các gánh nặng như vậy đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp có khả năng làm chậm thị trường bất động sản, tăng các khoản nợ xấu và nới rộng chênh lệch tín dụng, dẫn đến rủi ro đối với sự ổn định tài chính và nền kinh tế nói chung.
Trong bối cảnh đó, việc xác định những thách thức tiềm ẩn đối với sự ổn định tài chính cũng như cách thức xử lý khó khăn này thông qua các chính sách ổn định tài chính vĩ mô ngày càng trở nên cấp thiết.
Trong ngày tiếp theo, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đã tham dự Hội nghị Kinh tế toàn cầu và Hội nghị Toàn thể Thống đốc của BIS về các vấn đề liên quan đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ và chuỗi giá trị toàn cầu. Cũng tại Hội nghị, các Thống đốc đã trao đổi về một số diễn biến tài chính gần đây nhất ở các nền kinh tế phát triển và tác động dự kiến đối với kinh tế thế giới.
Liên quan đến thương mại quốc tế, sự gián đoạn gần đây cho thấy bên cạnh những lợi ích mang lại, chuỗi giá trị toàn cầu cũng là khởi nguồn của các rủi ro đối với kinh tế thế giới. Gián đoạn nguồn cung kéo dài và trên diện rộng do tác động của đại dịch COVID-19 và xung đột địa chính trị càng làm nổi bật rủi ro bắt nguồn từ chuỗi cung ứng toàn cầu, đó là sự phụ thuộc vào một số nhà cung cấp tập trung và duy trì một số lượng quá nhỏ kho dự trữ nguyên liệu đầu vào.
Mặc dù vậy, Hội nghị nhấn mạnh lại quan điểm của Tổ chức Thương mại Thế giới, theo đó, việc tham gia sâu rộng hơn và đa dạng hóa thị trường quốc tế vẫn là lựa chọn tốt nhất để nâng cao khả năng chống đỡ của nguồn cung. Thay vì rút khỏi hoạt động thương mại, cộng đồng quốc tế cần tái khẳng định cam kết thúc đẩy toàn cầu hóa và tập trung vào việc tăng cường hội nhập quốc tế của các nền kinh tế đang phát triển và doanh nghiệp nhỏ.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà chào xã giao Tổng Giám đốc BIS.
Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đã có các buổi làm việc với Tổng Giám đốc BIS Agustín Carstens, lãnh đạo Vụ Ngân hàng, Vụ Tiền tệ - kinh tế và Trưởng Văn phòng đại diện khu vực châu Á – Thái Bình Dương của BIS.
Tại các buổi làm việc, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đã chia sẻ về tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay đồng thời đánh giá cao hoạt động hợp tác với BIS trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ ngân hàng, qua đó hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý của NHNN. Kể từ khi chính thức gia nhập, NHNN đã được tiếp cận sâu rộng hơn vào các hoạt động đa dạng của BIS.
Phó Thống đốc ghi nhận, đánh giá cao các nghiên cứu và phân tích chính sách của BIS về những nội dung thu hút nhiều sự quan tâm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng như điều hành chính sách tiền tệ, quản lý dự trữ ngoại hối, hệ thống thanh toán, số hóa và đổi mới sáng tạo, tài chính bền vững... Bên cạnh đó, hoạt động trao đổi, thảo luận chuyên sâu tại các diễn đàn của BIS đã cung cấp cho NHNN những bài học kinh nghiệm, những gợi ý hữu ích, hỗ trợ đắc lực cho công tác hoạch định chính sách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quản lý liên quan.
Để góp phần vào quá trình thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của NHNN trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Phó Thống đốc đề nghị BIS tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, các tài liệu nghiên cứu liên quan, cũng như tạo điều kiện cho cán bộ NHNN tham gia các hội thảo, khóa đào tạo, hoạt động nâng cao năng lực của BIS.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng gửi lời mời Tổng Giám đốc và các thành viên Ban lãnh đạo BIS dành thời gian đến Việt Nam tham dự sự kiện do NHNN dự kiến phối hợp tổ chức với BIS trong thời gian tới.
Theo: SBV